QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Quyết tâm kiểm soát, đẩy lùi và thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thành công “Mục tiêu kép”

Đăng lúc: 07:00:00 21/09/2021 (GMT+7)

(Baothanhhoa.vn) - Báo Thanh Hóa trân trọng giới thiệu toàn văn Bài phát biểu của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh tại Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngày 20-9-2021.

 Thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh,

 

Thưa toàn thể các đồng chí tham dự Hội nghị!

 

Hôm nay, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh. Đây là hội nghị rất quan trọng, nhằm đánh giá tình hình và kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua, nhất là từ khi kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đến nay; đồng thời, bàn các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.

 

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo tỉnh, tôi nhiệt liệt hoan nghênh các đồng chí đại biểu tại điểm cầu Tỉnh ủy và nhiều điểm cầu trong tỉnh đã tham dự Hội nghị đông đủ, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm, thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất cao, quyết tâm kiểm soát, đẩy lùi và thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thành công “Mục tiêu kép” của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh ta.

 

Về các ý kiến phát biểu tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh xin tiếp thu các ý kiến hợp lý, xác đáng và sẽ chỉ đạo các Tiểu ban, các cơ quan chức năng bổ sung thêm vào các nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.

 

Thưa các đồng chí! Thư­a toàn thể Hội nghị!

 

Như các đồng chí đã biết, đợt dịch COVID-19 lần thứ tư với biến chủng Delta xâm nhập vào nước ta có tốc độ lây lan rất nhanh, quy mô lớn nhất từ trước đến nay và đang tiếp tục diễn biến khó lường. Dịch bệnh đã lan rộng, ngấm sâu vào cộng đồng ở nhiều khu vực thuộc địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội và một số tỉnh phía Nam với số người bị lây nhiễm rất cao, gây tổn hại rất lớn về tính mạng, sức khỏe và đời sống Nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến nay, cả nước đã ghi nhận gần 700 nghìn ca mắc COVID-19, trong đó có trên 16.600 ca tử vong.

 105d1165515t9005l4-e40c3933dba72df974b6.jpeg

Quyết tâm kiểm soát, đẩy lùi và thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thành công “Mục tiêu kép”Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực (TP Thanh Hóa).

 

Đối với tỉnh ta, đây cũng là đợt dịch có số lượng người mắc lớn nhất từ trước đến nay, với mức độ rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống Nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, sau một thời gian dài kiểm soát tốt tình hình, không để phát sinh ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng; từ ngày 24-8-2021, tại Thanh Hóa đã xuất hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2 ngoài cộng đồng, đầu tiên ở xã Tế Nông và thị trấn Nông Cống (huyện Nông Cống), xã Phú Nhuận (huyện Như Thanh), rồi đến Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực và Bệnh viện điều trị Covid số 1 (thành phố Thanh Hóa), tiếp đó là đến các ca bệnh tại thị trấn Nga Sơn và xã Nga Trung (huyện Nga Sơn), thị trấn Hậu Lộc (huyện Hậu Lộc), các phường Hải Lĩnh, Nguyên Bình (Thị xã Nghi Sơn) và các xã Quảng Khê, Quảng Chính (huyện Quảng Xương); đặc biệt ổ dịch ở thị trấn Nông Cống, thị trấn Nga Sơn và Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, Bệnh viện Phổi là những ổ dịch lớn, phức tạp. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, đến nay toàn tỉnh đã có tới 237 ca dương tính với SARS-COV-2 ở các ổ dịch này; trong đó ổ dịch ở huyện Nông Cống có tới 89 ca, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực 42 ca, Bệnh viện điều trị Covid số 1 là 15 ca, huyện Nga Sơn 39 ca và đã có 03 ca tử vong.

 

Trước tình hình như trên, được sự quan tâm lãnh đạo, hướng dẫn của Trung ương, sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình, tích cực tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh; chúng ta đã tập trung cao nhất cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo và mạnh mẽ các biện pháp để vượt qua khó khăn, thách thức, kiểm soát, đẩy lùi và thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19; trọng tâm là: Đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách văn xã làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; thành lập 05 tiểu ban về xét nghiệm, điều trị, tiêm vắc xin; về an ninh trật tự, quản lý công dân, truy vết và cách ly; về an sinh xã hội, việc làm, đảm bảo lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu; về thông tin - tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin và về huy động xã hội hoá các nguồn lực; đồng thời, kiện toàn lại Ban Chỉ đạo và thành lập Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch tại tất cả các cấp; rà soát, hoàn thiện các phương án phòng, chống dịch ở tất cả các nội dung, nhằm đáp ứng yêu cầu cho tình huống dịch ở mức độ 10.000 trường hợp mắc bệnh.

 

Quyết tâm kiểm soát, đẩy lùi và thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thành công “Mục tiêu kép”Tính đến hết ngày 17-9-2021, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai tiêm chủng được hơn 460.000 liều vắc xin phòng COVID-19.

 

Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được triển khai tích cực, đồng bộ và rất khẩn trương. Các ca nhiễm COVID-19 được chuyển cách ly, điều trị ngay tại Bệnh viện điều trị Covid số 1; các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra dịch tễ, thần tốc truy vết các trường hợp có tiếp xúc gần và yêu cầu Nhân dân chủ động khai báo y tế, nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm. Từ thực tế tình hình dịch bệnh tại các địa phương, Tỉnh đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ 7 ngày, rồi thêm 6 ngày đối với thành phố Thanh Hóa, 10 ngày thực hiện Chỉ thị 16 và 4 ngày thực hiện Chỉ thị 15 đối với huyện Nga Sơn, 13 ngày thực hiện Chỉ thị 16 và 6 ngày thực hiện Chỉ thị 15 đối với huyện Nông Cống, 7 ngày thực hiện Chỉ thị 15 đối với huyện Hậu Lộc. Các địa phương quyết định áp dụng một số biện pháp phòng, chống dịch cao hơn Chỉ thị 16 đối với thị trấn Nông Cống, các xã Hoàng Giang, Tế Nông, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, Bệnh viện điều trị COVID-19 số 01 và một số ít xã, thị trấn, khu dân cư có nguy cơ nhiễm dịch cao nhằm thắt chặt công tác phòng, chống dịch ở cả 3 cấp theo hướng “khóa nhanh, thu hẹp vùng đỏ”, lập vành đai bảo vệ “Vùng xanh” từ ngay cấp phố, thôn, cấp xã, thị trấn. Đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh vẫn đang được kiểm soát tốt, các ca bệnh xâm nhập đều được giám sát, phát hiện sớm, thần tốc chạy đua với thời gian xử lý triệt để ngay từ đầu, hạn chế tối đa các trường hợp F1, F2, không để dịch lây lan ra diện rộng, bảo đảm an toàn về sức khỏe và tính mạng cho Nhân dân, giúp cho các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra an toàn trong điều kiện có thể.

 

Thư­a toàn thể Hội nghị!

 

Ngay sau khi được thành lập, Ban Chỉ đạo, các Tiểu ban của Ban Chỉ đạo tỉnh đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Ban Chỉ đạo tỉnh. Công tác xét nghiệm, điều trị bệnh, tiêm vắc xin được tập trung chỉ đạo; hiện đang vận hành hoạt động cơ sở điều trị COVID-19 số 1 tại Bệnh viện Phổi với quy mô 350 giường bệnh và xây dựng kế hoạch triển khai các bệnh viện điều trị COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời, đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng Vắc xin phòng COVID-19. Đến nay, qua 6 đợt tiêm chủng; đã triển khai tiêm trên 471.000 liều vắc xin trong tổng số 467.800 liều vắc xin đã được cấp, đạt tiến độ sử dụng vắc xin 94,06% và đang xây dựng kế hoạch tiếp nhận các liều vắc xin mới để đẩy nhanh chiến lược tiêm chủng trên địa bàn tỉnh, hướng tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Công tác bảo đảm an ninh trật tự, quản lý công dân, truy vết và cách ly được tăng cường; các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo việc làm, phòng, chống bão lụt, thu hoạch vụ Thu Mùa, gieo trồng cây vụ Đông Xuân, bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân, cho vật nuôi, nhất là ở những nơi đang thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội được triển khai kịp thời, hiệu quả, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, hoặc tăng giá đột biến, ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân. Công tác thông tin tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bệnh được đẩy mạnh. Các cấp, các ngành, các địa phương đã quan tâm chăm lo, hỗ trợ, động viên các lực lượng tuyến đầu chống dịch, các Tổ COVID-19

  

Việc huy động xã hội hóa các nguồn lực phục vụ cho công tác phòng, chống dịch đạt nhiều kết quả tích cực; từ ngày 23/8 đến nay, thực hiện Lời kêu gọi của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã vận động ủng hộ thông qua MTTQ tỉnh trên 27,3 tỷ đồng tiền mặt và nhiều hàng hóa, trang thiết bị y tế trị giá nhiều trăm tỷ đồng, phục vụ công tác phòng, chống dịch của tỉnh. Đây là những nghĩa cử nhân văn, thể hiện sức mạnh đoàn kết, tinh thần “Tương thân, tương ái” và tấm lòng cao cả với cộng đồng. Và, mặc dù là tỉnh có địa bàn có nguy cơ dịch xâm nhập và lây lan rất cao, nhưng với trách nhiệm của mình, tỉnh đã tiếp nhận và tổ chức cách ly theo quy định cho hàng vạn người lao động, người dân nhập cảnh về nước và công dân Thanh Hóa từ thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, các tỉnh phía Nam, các địa bàn có dịch trở về địa phương; chủ động xét duyệt, đón 189 người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ thành phố Hồ Chí Minh trở về quê hương.

 

Không chỉ làm tốt công tác phòng, chống dịch tại địa bàn, tỉnh ta đã tiến hành 04 đợt tăng cường 258 cán bộ, nhân viên y tế thuộc các cơ sở y tế công lập và tư nhân cho các tỉnh, thành phố phía Nam phòng, chống đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, với tinh thần “Tương thân, tương ái”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, cùng hành động có trách nhiệm với đất nước; cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã dành những tình cảm sâu nặng, nghĩa tình, tích cực hưởng ứng tham gia ủng hộ bằng tiền và hiện vật. Đến nay, tỉnh ta đã hỗ trợ trên 17 tỷ đồng và 2.300 tấn hàng hóa, tiếp thêm sức mạnh, hỗ trợ Nhân dân các tỉnh, thành phố vượt qua khó khăn, tích cực phòng, chống dịch bệnh, sớm ổn định cuộc sống.

  

Với những nỗ lực, cố gắng không ngơi nghỉ của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn dân; đến nay, dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh ta đang được kiểm soát tốt. Đây là tiền đề quan trọng để Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo tỉnh thống nhất để Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3604 về áp dụng một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới kể từ 0 giờ ngày 15-9, với nhiều hoạt động, dịch vụ được phép hoạt động trở lại nhưng phải bảo đảm an toàn.

 

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo tỉnh, tôi ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết, quyết tâm, đồng lòng sẻ chia để cùng nhau phòng, chống dịch bệnh của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh; đặc biệt biểu dương sự nỗ lực vượt bậc của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, đó là: Đội ngũ thầy thuốc, y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế, chiến sĩ quân đội, công an bằng trái tim nhiệt huyết, tấm lòng nhân ái, đã khắc phục mọi khó khăn, tận tâm, tận lực phục vụ Nhân dân và bảo đảm an toàn chống dịch.

  

Thưa các đồng chí!

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng phải thắng thắn nhìn nhận, công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở một số nơi, có thời điểm còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện chưa nghiêm, chưa thực chất các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, thể hiện ở cả 2 thái cực: Một là, vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác (như ở một số ổ dịch lớn vừa qua, nếu cấp ủy, chính quyền cơ sở, Tổ giám sát Covid cộng đồng, Tổ an toàn Covid phát huy tốt vai trò hạt nhân, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, thực sự là pháo đài trong công tác phòng dịch thì đã không để phát sinh các ca F0 lây nhiễm trong cộng đồng như vậy); hai là hoang mang, lo lắng, lúng túng, vừa thiếu, vừa yếu trong xử lý các tình huống phòng chống dịch. Một bộ phận tổ chức, doanh nghiệp, người dân chưa ý thức được sự nguy hiểm, lây lan nhanh của dịch bệnh, chưa chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch. Công tác tổ chức, vận hành các khu cách ly tập trung ở một số đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu. Việc thực hiện cách ly tại nhà ở một số nơi chưa đúng quy định, có nơi còn buông lỏng quản lý. Việc trả kết quả xét nghiệm thời gian đầu trong một số trường hợp còn chậm. Công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 còn để xảy ra có trường hợp chưa tuân thủ quy trình, quy phạm trong kiểm soát nhiễm khuẩn, để lây lan dịch bệnh cho cán bộ, nhân viên y tế tại Bệnh viện Phổi. Việc thực hiện tiêm vắc xin ở một số địa phương chưa kịp thời, cá biệt có nơi tiêm chưa sát đối tượng. Việc lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện tiêm chủng có nơi bố trí chưa khoa học, nguy cơ mất an toàn còn cao. Trang thiết bị y tế phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 còn thiếu; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động phòng, chống dịch còn chậm.

 

Công tác thông tin, tuyên truyền có việc, có thời điểm, chưa chính xác và kịp thời, gây hoài nghi trong Nhân dân. Kỷ luật, kỷ cương hành chính có nơi thực hiện chưa nghiêm. Việc thành lập và hoạt động của không ít chốt kiểm dịch chưa đúng theo chỉ đạo của tỉnh; có nơi thành lập với số lượng chốt quá nhiều ngay trong nội bộ một huyện, bố trí địa điểm chốt chưa thật sự hợp lý, gây khó khăn trong việc huy động lực lượng, nguồn kinh phí, cơ sở vật chất và gây khó khăn trong việc đi lại, sinh hoạt của người dân. Dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị và tổ chức khai giảng năm học mới; ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học; điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng lực sử dụng công nghệ thông tin của một bộ phận giáo viên, kỹ năng tự học của một bộ phận học sinh, sinh viên và phát triển học liệu số phục vụ dạy và học trực tuyến chưa đáp ứng yêu cầu. Trẻ em phải ở nhà trong thời gian dài, đã ảnh hưởng đến nền nếp, thói quen thực hiện chế độ sinh hoạt theo yêu cầu phát triển của độ tuổi. Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo của một số địa phương chưa kịp thời; có nơi, có đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý còn bị động trong việc nắm và xử lý thông tin liên quan đến dịch bệnh…

 

Từ thực tiễn công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm, đó là:

 

Trước hết chúng ta phải đặc biệt coi trọng và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm kiểm soát, đẩy lùi và thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19. Trong công tác phòng, chống dịch, phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng, vai trò điều hành, quản lý của chính quyền và năng lực tổ chức thực hiện của các lực lượng chức năng. Các cấp, các ngành, các địa phương phải phát huy được sức mạnh của Nhân dân, người dân phải là trung tâm, là chủ thể trong công tác phòng, chống dịch, “mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương là một pháo đài” thì trận tuyến chống dịch mới có thể giành được thắng lợi.

 

Quyết tâm kiểm soát, đẩy lùi và thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thành công “Mục tiêu kép”Thành viên Tổ giám sát cộng đồng ở huyện Nông Cống tuyên truyền, vận động Nhân dân ký bản cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

 

Hai là, phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong xử lý mọi công việc, trong đó phòng dịch là chính, là cơ bản, chiến lược, lâu dài, với mục tiêu tối thượng là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết. Công tác phòng, chống dịch phải đi trước và cao hơn tình hình thực tế một bước. Nếu coi việc “Chống dịch” như “chống giặc” thì mỗi người phải xác định tâm thế đang ở một cuộc chiến. Muốn chiến thắng, nguyên tắc căn bản là phải “biết địch, biết ta”. Ta chưa thực sự hiểu địch, khi dịch bùng lên sẽ hoang mang, lo lắng; ngược lại có lúc chủ quan, lơi lỏng và tự mãn. Vì vậy, phải chủ động sẵn sàng triển khai các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra với tinh thần không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; coi trọng nhận diện từ xa, từ sớm, từ cơ sở để chỉ đạo triển khai các biện pháp linh hoạt, sáng tạo phù hợp với từng địa bàn, bảo đảm từng địa phương an toàn, để toàn tỉnh an toàn.

 

Ba là, khi dịch bệnh bùng phát, phải triển khai thực hiện nghiêm giãn cách xã hội trong phạm vi phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, theo tinh thần “ai ở đâu ở yên đó”; thực hiện cách ly triệt để, chặt chẽ, nghiêm ngặt các ổ dịch, nguồn lây; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, tranh thủ “thời gian vàng” thực hiện giãn cách để tổ chức truy vết, xét nghiệm thần tốc có trọng tâm, trọng điểm để nhanh chóng phát hiện, bóc tách nguồn lây F0 ra khỏi cộng đồng và chăm sóc, điều trị kịp thời, hiệu quả, tuyệt đối không để dịch lây lan ra cộng đồng.

 

Bốn là, quá trình thực hiện giãn cách, cách ly, phong tỏa phải bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân lâm vào hoàn cảnh khó khăn, nhất là các đối tượng yếu thế.

 

Năm là, tăng cường kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết thay thế, bố trí lại những cán bộ năng lực yếu kém, thiếu bản lĩnh, thiếu trách nhiệm trong công việc và xử lý nghiêm những trường hợp chống đối, xuyên tạc, thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh; đồng thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc; khơi dậy tinh thần lao động, khát vọng cống hiến trong mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

 

Thưa các đồng chí! Thư­a toàn thể Hội nghị!

 

Thời gian tới, dịch bệnh COVID-19 vẫn còn có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài, ảnh hướng xấu đến các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước, tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống của Nhân dân. Đối với tỉnh ta, thành quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 là rất đáng trân trọng, nhưng mới chỉ là bước đầu. Chúng ta đã xác định “Chống dịch như chống giặc”; vì vậy, vừa qua, chúng ta mới thắng một số trận đánh, chứ chưa phải thắng cả cuộc chiến. Cuộc chiến chống dịch COVID-19 còn rất gian nan và đầy thử thách. Để thắng được cuộc chiến này, phải giữ quyết tâm đánh thắng từng trận để đi đến ngày vui đại thắng. Muốn làm được điều đó, tôi đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh và cả hệ thống chính trị phải tiếp tục tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch và triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

  

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Lời kêu gọi phòng, chống đại dịch COVID-19 của Tổng Bí thư, các nghị quyết, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và văn bản khác của các cơ quan Trung ương và của Tỉnh, nhất là Nghị quyết số 86 của Chính phủ, Quyết định số 3604 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc áp dụng một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phải xác định đây là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, hàng đầu của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và của toàn dân trong giai đoạn hiện nay; trong đó, ưu tiên chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh trên mọi địa bàn, đặc biệt là các thành phố, thị xã, các địa bàn đông dân cư, các khu công nghiệp, các bệnh viện, trường học, các hoạt động tập trung đông người và dọc trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, địa bàn giáp ranh... Tiếp tục thực hiện nghiêm phương châm phòng dịch là giải pháp cơ bản, chiến lược, lâu dài, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; bảo vệ vững chắc “Vùng xanh”, quản lý, ngăn chặn không để dịch lây lan vào địa bàn, để cuộc sống trở nên bình thường mới.

 

Thứ hai, tiếp tục triển khai thực hiện thật tốt phương châm “hai chống, ba xây”; trong đó “hai chống” là “Chống tư tưởng chủ quan, lơ là, thỏa mãn, mất cảnh giác và chống xâm nhập dịch bệnh từ bên ngoài vào cộng đồng”; “Ba xây” là “Xây dựng kế hoạch cho tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn để không bị động; xây dựng kế hoạch để không khủng hoảng về an sinh xã hội và xây dựng kế hoạch để tuyên truyền, vận động Nhân dân thích ứng với những biến đổi của tình hình dịch bệnh trong tình hình mới”. Khẩn trương hoàn chỉnh và đưa Cổng Thông tin điện tử COVID-19 tỉnh Thanh Hóa đi vào hoạt động.

 

Cuộc chiến chống dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài; chúng ta cần chuẩn bị tân lý để không chỉ “chống chịu”, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, mà còn cần chủ động tấn công và thích ứng với những khó khăn mới sẽ liên tiếp phát sinh. Vì vậy, các cấp, các ngành phải khẩn trương rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án, kịch bản để chủ động, kịp thời ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh COVID-19 có thể xảy ra với tinh thần không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với dịch bệnh; đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo phương châm “Bốn tại chỗ”, kể cả ở mức cao hơn, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trên địa bàn.

 

Thứ ba, phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia phòng, chống dịch; đặc biệt phải đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc “người dân là trung tâm, là chủ thể”. Phòng, chống dịch vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ, là quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân. Mỗi người dân phải là một chiến sĩ, là “lá chắn thép”; mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là các bệnh viện, doanh nghiệp, chợ đầu mối, trường học, công sở,… phải là một pháo đài chống dịch. Các cấp, các ngành tăng cường thông tin, tuyên truyền kịp thời về tình hình, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người dân biết, người dân hiểu, tin và hưởng ứng, ủng hộ, tự giác tham gia phòng, chống dịch COVID-19 nhằm ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch bùng phát trong cộng đồng; phát huy hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị ở cơ sở, của các tổ COVID-19 cộng đồng, tổ an toàn Covid, trong phòng, chống dịch bệnh, vì đây là lực lượng gần dân nhất, hiểu dân nhất.

  

Thứ tư, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch trên mọi lĩnh vực, mọi địa bàn; thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K và các biện pháp giãn cách, cách ly, khoanh vùng, truy vết xuôi, truy vết ngược, xét nghiệm, điều trị, tiêm vắc xin. Các huyện, thị xã, thành phố phải nắm chắc tình hình cơ sở; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra cấp dưới, rà soát các khâu, các điều kiện, biện pháp phòng, chống dịch bệnh; xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả xử lý hình sự đối với mọi hành vi xuyên tạc, không tuân thủ, cản trở, chống đối việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch bệnh; đồng thời, kịp thời biểu dương, động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân làm tốt trong công tác phòng, chống dịch và kiên quyết thay thế, bố trí lại những cán bộ năng lực yếu kém, thiếu bản lĩnh, thiếu trách nhiệm trong công việc.

 

Tập trung siết chặt công tác phòng, chống dịch để ngăn chặn triệt để nguồn lây từ bên ngoài; phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, truy vết thần tốc; thực hiện nghiêm các quy định về cách ly tập trung, cách ly tại nhà theo quy định, tuyệt đối không để xảy ra trường hợp lây nhiễm chéo, không để lây lan dịch ra cộng đồng; bổ sung và nâng cao năng lực, rút ngắn chu kỳ xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bảo đảm phát hiện sớm, cách ly nhanh nhất F0 và kịp thời thu dung, phân loại, tổ chức quản lý, điều trị tích cực, phù hợp. Nếu thực hiện giãn cách xã hội hoặc các biện pháp tăng cường giãn cách xã hội, phải thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm, quy mô phù hợp với khu vực đô thị, nông thôn, bảo đảm nghiêm ngặt, chặt chẽ các yêu cầu người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, “ai ở đâu ở yên đó”, tuyệt đối không để “chặt ngoài, lỏng trong”. Bảo đảm việc cung ứng, cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trong khu vực thực hiện giãn cách, cách ly, phong tỏa. Thực hiện tiêm vắc xin kịp thời, đúng đối tượng, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả và phải làm cho người dân hiểu “vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất”, để khắc phục tình trạng chờ đợi, kén chọn vắc xin; đồng thời triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh và các địa phương.

 

Thứ năm, tăng cường tập huấn, nâng cao chất lượng nhân lực và chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19. Phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của hệ thống máy xét nghiệm vừa được trang bị nhằm sàng lọc, phát hiện nhanh các trường hợp F0; tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực phòng và chữa bệnh của tất cả các cơ sở y tế; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cán bộ y, bác sĩ, nhân viên y tế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao và cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trong quá trình điều trị tại bệnh viện; tuyệt đối không để dịch bệnh lây nhiễm chéo, lây lan, bùng phát trong các cơ sở y tế. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa để có thêm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch. Quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, doanh nhân, các tổ chức, cá nhân phát huy truyền thống nhân ái, ủng hộ kinh phí, hàng hóa, vật tư y tế, nhu yếu phẩm, ngày công để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19, với phương châm “Người có của góp của, người có công góp công, có nhiều góp nhiều, có ít góp ít”, chung tay góp sức vượt qua dịch bệnh.

  

Thứ sáu, tiếp tục dành sự quan tâm nhiều hơn nữa đến việc chăm lo cho đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, kiên quyết không để những khó khăn từ dịch bệnh mà hình thành các vấn đề xã hội phức tạp. Ngày xưa các thế hệ cha ông chúng ta phải chịu những đau thương, mất mát do chiến tranh, trên trời thì địch ngày đêm cày xéo bom mìn, dưới đất thì vẫn lao động sản xuất, các hoạt động thiết yếu vẫn diễn ra, trẻ em vẫn đội mũ rơm đến trường đi học. Trong giai đoạn mới hiện nay, với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, chúng ta cần quán triệt và vận dụng sâu sắc những bài học của ông cha vào thực tiễn cuộc sống; tiếp tục thực hiện nghiêm các nguyên tắc, quy định về phòng dịch, nhưng vẫn phải duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội để thích nghi với trạng thái bình thường mới.

 

Ngành Giáo dục và Đào tạo cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học chủ động, linh hoạt thông qua hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc trên truyền hình với thời lượng hợp lý theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp, nhất là các nội dung thực hành, thí nghiệm và kết hợp ôn tập, củng cố những nội dung lý thuyết đã học trực tuyến, học trên truyền hình, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo quy định. Chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng viễn thông để tổ chức dạy học trực tuyến khi cần thiết. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng tổ chức dạy học trực tuyến cho giáo viên. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng video bài giảng các nội dung cốt lõi theo hướng tinh giản bài học để phát sóng vào các khung giờ phù hợp trong ngày để học sinh tự học tập. Đối với những nơi học sinh không đủ điều kiện tiếp cận học trực tuyến, thì chuyển tài liệu học tập đến tận tay học sinh và triển khai hiệu quả Chương trình “Sóng và máy tính cho em” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng học”; không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

 

Thứ bảy, cùng với việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong trạng thái bình thường mới. Triển khai đầy đủ, kịp thời các quy định nhằm bảo đảm hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa thông suốt và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, áp dụng linh hoạt các phương án “3 cùng”, “1 cung đường 2 điểm đến” với phương châm “An toàn mới sản xuất và sản xuất phải an toàn”. Bên cạnh đó, cùng với việc khẩn trương triển khai các chương trình, kế hoạch, chủ trương, cơ chế, chính sách để cụ thể hóa, đưa nhanh các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; các cấp, các ngành, các địa phương cần rà soát, đánh giá thật chính xác kết quả thực hiện tất cả các chỉ tiêu của ngành, địa phương, đơn vị mình 9 tháng năm 2021 để xác định rõ những chỉ tiêu đạt thấp, khó hoàn thành kế hoạch và nguyên nhân; trên cơ sở đó, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp, phân công cụ thể trách nhiệm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, phấn đấu hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu đề ra trong năm 2021 và chuẩn bị kế hoạch năm 2022.

 

Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu cần đề cao trách nhiệm nêu gương, tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, áp dụng đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các lực lượng y tế, quân đội, công an, cán bộ ở cơ sở, nhất là các tổ giám sát COVID-19 cộng đồng tiếp tục thi đua, thể hiện trái tim nhiệt huyết, tấm lòng nhân ái, tận tâm, tận lực phục vụ Nhân dân, bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch.

 

Phát huy những thành tích, kết quả đạt được trong thời gian qua; tôi đề nghị các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và từng người dân tỉnh nhà đã đoàn kết thì càng đoàn kết hơn nữa, đã thống nhất thì càng thống nhất cao hơn nữa, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức với tinh thần “Mỗi người dân phải là một chiến sĩ; mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương là một pháo đài chống dịch”, thực hiện thành công “Mục tiêu kép”, vừa chiến thắng đại dịch COVID-19, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021 và các năm tiếp theo.

 

Cuối cùng, xin chúc các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các đồng chí đại biểu tham dự hội nghị mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công./.

Truy cập
Hôm nay:
6692
Hôm qua:
7193
Tuần này:
29318
Tháng này:
210773
Tất cả:
11466618