QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Hiệu quả từ dự án “chăn nuôi lợn nái sinh sản đảm bảo vệ sinh môi trường” tại xã Hoằng Xuân

Đăng lúc: 16:09:32 11/07/2016 (GMT+7)

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội nông dân tỉnh Thanh Hóa cho vay nuôi lợn nái sinh sản gắn với bảo vệ sinh môi trường, nhiều hộ nông dân xã Hoằng Xuân đã mở rộng quy mô chăn nuôi, tăng thu nhập...

Chăn nuôi là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn đang phải đối diện với thách thức lớn về vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là những hộ chăn nuôi gần kề với khu dân cư. Trước thực trạng đó, trong 2 năm qua, Hội nông dân xã Hoằng Xuân đã tranh thủ và thực hiện hiệu quả dự án “chăn nuôi lợn nái sinh sản đảm bảo vệ sinh môi trường” từ quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh nhằm giúp người dân vừa tăng gia sản xuất, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường. Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội nông dân tỉnh Thanh Hóa cho vay nuôi lợn nái sinh sản gắn với bảo vệ sinh môi trường, nhiều hộ nông dân xã Hoằng Xuân đã mở rộng quy mô chăn nuôi, tăng thu nhập...

Được thực hiện từ năm 2014, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã giải ngân cho dự án chăn nuôi lợn nái sinh sản ở xã Hoằng Xuân 300 triệu đồng với 10 hộ nông dân vay, bình quân mỗi hộ được vay 30 triệu đồng, phí vay là 0,7%/tháng. Để hạn chế thấp nhất rủi ro trong chăn nuôi, Hội nông dân xã Hoằng Xuân đã mở các lớp dạy nghề chăn nuôi thú y, các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho nông dân. Theo đó, trong 2 năm, Hội đã tổ chức được 5 lớp tập huấn chuyển giao KHKT, trong đó, có 3 lớp về chăn nuôi và 2 lớp về trồng trọt. Ông Lê Ngọc Đỉnh – Chủ tịch Hội nông dân xã Hoằng Xuân cho biết: “Bên cạnh trồng trọt thì chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại từ lâu đã là thu nhập chính của nông dân xã Hoằng Xuân. Tuy nhiên, việc xử lý vệ sinh môi trường trong chăn nuôi luôn là vấn đề bức xúc trên địa bàn xã, đặc biệt là chăn nuôi gia trại trong khu dân cư”. Từ thực tế đó, ngay sau khi thực hiện dự án chăn nuôi lợn nái ngoại đảm bảo vệ sinh môi trường, để đảm bảo vốn đến đúng đối tượng và sử dụng đúng mục đích, Hội nông dân xã Hoằng Xuân đã tiến hành họp từng chi hội, bình xét công khai, ưu tiên các hộ thực sự cần vốn, có kinh nghiệm và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi.

Cũng theo ông Đỉnh, trước đây các hộ chăn nuôi theo hướng tự phát, ít khi tham khảo hay trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi với nhau. Với việc cho vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, thông qua dự án chăn nuôi lợn nái đảm bảo vệ sinh môi trường, các hộ vay vốn đã tập hợp lại thành tổ liên kết chăn nuôi lợn. Ngoài trao đổi thông tin với nhau về giá thức ăn, diễn biến thị trường, kinh nghiệm chăn nuôi, hàng tháng các hộ tham gia dự án họp kiểm đếm tiến độ đầu tư của từng hộ. 10 hộ nông dân hưởng lợi từ dự án hầu hết nuôi 2 đến 3 lợn nái, hộ nhiều là 5 lợn nái, 100% hộ đều sử bể Bioga. Qua 2 năm thực hiện, dự án thực sự đã phát huy được hiệu quả.

Là 1 trong 10 hộ vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, ông Lê Thanh Minh thôn Nghĩa Hương xã Hoằng Xuân chia sẻ: “Từ năm 2009, tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng bể Bioga – là hộ đầu tiên của xã đầu tư bể bioga trong chăn nuôi”. Lúc đầu nuôi lợn nái truyền thống (nái cỏ), nhưng vài năm nay, ông Minh nhận thấy loại nái này không phù hợp vì con giống để nuôi thương phẩm có tỷ lệ mỡ nhiều, thường bị thương lái ép giá nên ông chuyển sang nuôi giống lợn nái hướng nạc. Hiện nay, trong trang trại của gia đình ông luôn có từ 2 đến 3 lợn nái, duy trì đàn lợn thịt thường xuyên từ 10 đến 13 con. Trong 2 năm thực hiện dự án, ông đã xuất bán 3 lứa lợn thịt, trừ chi phí, hàng năm gia đình ông lãi từ 60 đến 65 triệu đồng. “Nhà nước nên có nhiều chương trình cho vay vốn ưu đãi như Quỹ hỗ trợ nông dân để hỗ trợ cho nông dân chăn nuôi. Được Quỹ hỗ trợ nông dân cho vay 30 triệu đồng, tôi có tiền mua thêm cám và thay mới những con nái già không còn đủ tiêu chuẩn” - ông  Lê Thanh Minh cho biết.

Cũng được Quỹ hỗ trợ nông dân cho vay 30 triệu đồng, chị Lê Thị Thu thôn Mỹ Cầu vui mừng nói: Hiện tại với 3 con lợn nái ngoại, gia đình tôi chủ động được con giống nuôi. Mỗi năm tôi xuất bán 4 lứa lợn con, trừ chi phí cũng có thu nhập từ 60 đến 70 triệu đồng. Chị Thu cho biết: gia đình chị đã gắn bó với nghề chăn nuôi lợn từ rất lâu, từ khi biết được lợi ích của mô hình hầm biogas chị đã tham gia thực hiện. Nhờ nguồn khí sinh học được xử lý từ phân của 3 con lợn nái và lợn con, quanh năm gia đình chị không phải lo nghĩ về nguồn khí đốt cho việc nấu ăn, bên cạnh đó lại có nguồn phân bón giàu dinh dưỡng sẵn có để chăm sóc cây trồng, rau màu. Chị Thu chia sẻ: “Từ khi lắp đặt hầm biogas đến nay tôi chưa phải tốn một đồng để mua gas nấu ăn cũng như mua phân bón. Đặc biệt, môi trường chăn nuôi của gia đình cũng bảo đảm hơn, không làm ảnh hưởng đến bầu không khí của các hộ dân xung quanh”.

Có thể khẳng định, cùng với việc triển khai dự án “chăn nuôi lợn nái sinh sản đảm bảo vệ sinh môi trường” đang được triển khai hiệu quả tại Hội nông dân xã Hoằng Xuân, hiện nay, từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân do huyện quản lý và sử dụng đang đem lại hiệu quả rõ rệt, các địa phương được đầu tư đều phát huy thế mạnh sẵn có nên nhanh chóng tác động trực tiếp đến đời sống các hộ tham gia. Dự án “chăn nuôi lợn nái sinh sản đảm bảo vệ sinh môi trường” tới đây sẽ được giữ nguyên nguồn vốn, chuyển sang đầu tư mô hình nuôi bò tại xã Hoằng Xuân. Với cách làm này đã tạo điều kiện cho các hộ nông dân tiếp tục được vay vốn phát triển kinh tế, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giúp nhiều hộ nông dân có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Thanh Qúy – Đài TT Hoằng Hóa

Truy cập
Hôm nay:
4885
Hôm qua:
7193
Tuần này:
27511
Tháng này:
208966
Tất cả:
11464811