QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Gia đình anh Đoàn Tất Đức - sôi nổi vào vụ sản xuất hương phục vụ tết nguyên đán

Đăng lúc: 14:49:30 24/01/2017 (GMT+7)

Những ngày này, làng hương Đông Khê Hoằng Quỳ bước vào thời điểm nhộn nhịp nhất trong năm, người lớn, phụ nữ, trẻ em ai cũng tất bật với công việc bởi đây cũng là mùa làm ăn chính của họ. Hộ anh Đoàn Tất Đức – một trong những hộ làm hương nổi tiếng ở Đông Khê cũng sôi nổi bước vào vụ hương tết nguyên đán.

Đến thăm làng hương Đông Khê xã Hoằng Qùy khi cái tết nguyên đán của dân tộc đang đến gần. Mùi hương nồng nàn ấm cúng đã xua tan đi cái se lạnh của những ngày cuối đông. Những bó tăm hương xoè đỏ rực được phơi dọc những con ngõ nhỏ, trong mỗi sân nhà của những hộ sản xuất hương trong làng, cảm nhận như xuân sớm đã đến với làng hương Đông Khê. Những ngày này, làng hương Đông Khê Hoằng Quỳ bước vào thời điểm nhộn nhịp nhất trong năm, người lớn, phụ nữ, trẻ em ai cũng tất bật với công việc bởi đây cũng là mùa làm ăn chính của họ. Hộ anh Đoàn Tất Đức – một trong những hộ làm hương nổi tiếng ở Đông Khê cũng sôi nổi bước vào vụ hương tết nguyên đán.

Anh Đoàn Tất Đức chia sẻ: Nghề làm hương không biết có ở Đông Khê tự bao giờ, những người đưa nghề về làng cũng không ai nhớ, chỉ biết làng từ lâu đã có nghề hương thủ công truyền thống. Tuy nghề làm hương có mùa vụ quanh năm, nhưng vào tháng cuối năm này, không khí làm việc ở làng nghề rất khẩn trương, nhộn nhịp. Mỗi nhà đều nỗ lực để hoàn thành những đơn hàng cuối cùng của năm cũ, chuẩn bị đón Tết. Trên con đường vào làng, đâu đâu cũng bắt gặp sắc màu rực rỡ của hàng ngàn bó hương và mùi thơm thật nồng nàn ấm cúng. Trải qua nhiều thăng trầm, nghề làm hương ở Đông Khê đến nay vẫn được duy trì với 16 hộ làm nghề với 10 đến 12 lao động/hộ. Thu nhập của lao động từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng. Từ năm 13 tuổi, anh Đoàn Tất Đức đã biết làm hương, khi đó là vào năm 1987. 3 năm sau, anh bắt đầu theo nghề. Bố anh là ông Đoàn Tất Mỹ cũng được truyền nghề từ ông nội và mẹ anh, bà Đoàn Thị Nhuần hiện đã 80 tuổi vẫn góp công góp sức để làm ra những nén hương thơm.

Những tưởng để cho ra đời một nén hương mỏng mảnh rất đơn giản nhưng thực tế lại khá phức tạp. Bởi lẽ, để có một nén hương thơm mà theo anh Đức là phải đi qua nhiều công đoạn gồm chẻ tăm, ngâm và phơi tăm, xay trám, đảo bột, vuốt, lăn, phơi hương và đóng gói. Nguyên liệu làm hương gồm: tăm hương, nhựa trám, cây bài, bột than củi. Theo anh Đức, hương thơm hay không là ở cây bài, tuy nhiên, chất lượng của cây bài hiện đã giảm so với trước đây vì cây bài trồng tự nhiên đã ít đi mà nhiều hơn là những cây bài tăng sản. Nghề làm hương vốn đã khó nhọc lại còn phải phụ thuộc vào thời tiết vì ngày nắng mới làm được, thậm chí ngay cả khi trời nắng, hương đang phơi mà bỗng gặp cơn mưa rào, không thu kịp thì mẻ hương đó phải bỏ đi. Năm 2007, anh Đức đã đầu tư mua máy phụt và máy lăn hương nhằm giảm bớt nhân công, tăng nguồn thu nhập. “Nghề hương bây giờ, theo là để giữ nghề chứ so với trước đây, thu nhập không thể bằng. Trước đây mỗi tháng có thể làm vài tạ bột than nhưng đến nay chỉ làm được trên dưới 1 tạ và cao điểm lại thường tập trung vào tháng tết. Thị trường cũng bị thu hẹp lại”. Anh Đức cho biết: từ đầu tháng Chạp, nhiều khách hàng đặt đã mua hương. Mỗi ngày, gia đình anh sản xuất và cung ứng ra thị trường 4 vạn cây hương, nhưng mấy ngày nay vẫn “cháy” hàng vì sản xuất ra bao nhiêu cũng không đủ giao cho khách.

“Nghề làm hương yêu cầu cẩn thận nhưng cũng không vất vả như nghề nông nhưng thị trường tiêu thụ tương đối ổn định, mang lại thu nhập khá cho người lao động và tranh thủ được nguồn lao động sẵn có trong gia đình. Người lớn thì đảm nhận khâu nhồi bột, nhúng hương, trẻ em và người già thì xe hương và gói hương” – anh Đức cho biết. Để cho ra một mẻ hương tốt phải chú ý đến khâu chọn nguyên liệu. Hương liệu trước đây phải là rễ cây trầm, nhưng bây giờ, rễ trầm ngày càng khan hiếm nên người ta thường thay thế bằng rễ cây trám, rồi trộn lẫn với các vị thuốc Bắc như nụ hồi, đinh hương, cam thảo... tạo mùi thơm rất dễ chịu. Hương trầm là loại hương được ưa chuộng nhất không chỉ bởi mùi thơm, mà còn bởi hương cháy đều khi đốt lên, tàn hương uốn vòng lại trên bát hương, báo hiệu những điềm tốt lành.

Mặc dù đã có máy móc thay thế nhưng nhiều công đoạn, gia đình anh Đức ở Đông Khê vẫn làm bằng thủ công từ công đoạn pha chế màu nhuộm cho đến xe hương. Vì vậy mà cây hương nhìn tròn trịa, dẻo và không bị bể. Xe hương xong được đem phơi trên những chiếc phên, nắng gió sẽ làm hương khô, màu sắc đẹp mà giữ nguyên mùi thơm. Mà lúc đốt, hương sẽ cháy đến tận chân hương và tàn hương thì uốn cong rất đẹp. Hương Thu Hiền của gia đình Đoàn Tất Đức không chỉ có mặt trong huyện mà còn vươn ra thị trường các tỉnh khác, có mặt nhiều ở Bình Dương và Gia Lai.

Thời điểm này, ghé vào các hộ làm hương ở Đông Khê, đâu đâu cũng thấy mọi người tích cực xe hương vừa chuyện trò vui vẻ để có đủ hàng cung cấp cho các mối bán buôn phục vụ nhu cầu tết nguyên đán Đinh Dậu 2017. Các loại hương được làm chủ yếu là: hương trăm, hương sào và hương thẻ. Giờ đây, hương không chỉ đơn thuần là sản phẩm tâm linh mà nó đã trở thành hàng hóa, đem lại thu nhập cho các hộ gia đình còn giữ lại nghề truyền thống và những lao động làm nghề ở đây.

Chia tay làng nghề hương Đông Khê khi cái tết cổ truyền của dân tộc đã cận kề, mùi hương nồng nàn, quấn quyết như níu chân người đến. Mùa xuân của đất trời đang về và mùa xuân đã đến sớm hơn với gia đình anh Đoàn Tất Đức nói riêng, làng hương Đông Khê xã Hoằng Quỳ nói chung.

Thanh Qúy – Đài TT Hoằng Hóa

Truy cập
Hôm nay:
3903
Hôm qua:
15097
Tuần này:
58042
Tháng này:
157788
Tất cả:
11650350