QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” ở Hoằng Hóa – xây dựng những sản phẩm OCOP chủ lực

Đăng lúc: 14:46:06 26/06/2020 (GMT+7)

Để đưa chương trình OCOP phát triển theo chiều sâu, huyện Hoằng Hoá đang tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực đạt OCOP cấp tỉnh và định hướng cấp quốc gia.

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (gọi tắt là chương trình OCOP) đã đang được huyện Hoằng Hóa tích cực triển khai và thực hiện. Nhờ hướng đi đúng và hiệu quả, đến nay huyện Hoằng Hoá đã xây dựng được 6 sản phẩm OCOP. Cùng với việc phát triển mạnh số lượng sản phẩm hàng hóa, huyện tiếp tục đầu tư, hỗ trợ các tổ chức kinh tế nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Trong đó, để đưa chương trình OCOP phát triển theo chiều sâu, huyện Hoằng Hoá đang tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực đạt OCOP cấp tỉnh và định hướng cấp quốc gia.

1. Các sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2020 tại tỉnh.jpg
 Các sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2020 tại tỉnh

Mặc dù còn nhiều bỡ ngỡ khi bắt tay thực hiện, nhưng sau 2 năm, chương trình OCOP đã “vào guồng” tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn. Trong chương trình OCOP, người dân đóng vai trò chính khi tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường. Không chỉ mang ý nghĩa về phát triển sản xuất mà còn giúp các xã trên địa bàn huyện giải quyết những vấn đề quan trọng trong giảm nghèo, tạo việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng mối liên kết kinh tế cộng đồng bền vững. Đây được coi là hướng đi đúng và trúng trong việc lan tỏa thương hiệu địa phương, tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường và quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần tích cực hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

2. Thùng gỗ ủ mắm truyền thống Lê Gia.jpg
Thùng gỗ ủ mắm truyền thống Lê Gia

Theo đó, giai đoạn 2019 – 2020, huyện tập trung khởi động chương trình và xây dựng nhãn hiệu cho một số sản phẩm trong huyện. Hoằng Hoá xác định lựa chọn các sản phẩm để xây dựng lộ trình trở thành sản phẩm có thương hiệu. Trong đó, năm 2020, tập trung xây dựng OCOP cho một số sản phẩm truyền thống và sản phẩm mới nổi bật trong huyện, gồm: Đông trùng hạ thảo Lạch Trường, rượu Đông trùng hạ thảo Lạch Trường, rượu Ngọc Chuế, dưa kim Hoàng Hậu Hoằng Đạo- Hoằng Đạt, rau mầm, rau VietGap, nấm của doanh nghiệp tư nhân Lê Đức, dưa hấu, dưa lê ruột vàng của HTX sản xuất rau, củ quả an toàn Hoằng Thắng, các loại dầu của tư nhân Nguyễn Văn Thạch, mướp đắng của HTX dịch vụ nông nghiệp Hoằng Hợp, nước mắm Bà Hoan, nước mắm của HTX sản xuất kinh doanh nước mắm truyền thống Khúc Phụ với mục tiêu phấn đấu các sản phẩm tham gia đều được xếp hạng 3 sao trở lên. Bên cạnh đó, khởi tạo ý tưởng cho ra các sản phẩm mới như: Du lịch cộng đồng, nông nghiệp - du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, khôi phục sản phẩm truyền thống...

3. Những sản phẩm của Công ty Lê Gia xã Hoằng Phụ.jpg
Những sản phẩm của Công ty Lê Gia xã Hoằng Phụ

Thực hiện mục tiêu giai đoạn này, trong năm 2019, huyện đã lựa chọn các sản phẩm để xây dựng lộ trình trở thành sản phẩm có thương hiệu như: nước mắm và sản phẩm thủy sản của các xã vùng biển, vùng đồng triều. Theo đó, các sản phẩm đầu tiên được huyện chỉ đạo xếp hạng sản phẩm đạt sản phẩm OCOP tại huyện là của Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia xã Hoằng Phụ. Sau xếp hạng tại huyện với tiêu chuẩn 4 sao, các sản phẩm của Lê Gia đã tiếp tục bảo vệ sản phẩm và tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm tại Hội đồng đánh giá – xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Kết quả bước đầu, huyện đã có 3 sản phẩm, gồm: Mắm tôm, mắm tép, nước mắm của Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia xã Hoằng Phụ được xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Cùng với việc phát triển thương hiệu, Công ty TNHH Thực phẩm và TMDV Lê Gia đã tiếp tục nâng cấp chất lượng sản phẩm, tích cực quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ, đồng thời, bổ sung hoàn thiện hồ sơ đối với các nội dung còn hạn chế, phấn đấu nâng hạng sản phẩm OCOP từ 4 sao lên 5 sao. Mới đây, trong hội nghị đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2020, 4 sản phẩm gồm: nước mắm, mắm tôm, mắm tép và mắm ruốc trà của công ty Lê Gia đã được hội đồng cấp huyện đánh giá đạt tiêu chuẩn 5 sao.

4. Cơ sở sản xuất Đông trùng hạ thảo Lạch Trường xã Hoằng Thanh.jpg
 Cơ sở sản xuất Đông trùng hạ thảo Lạch Trường xã Hoằng Thanh

Những sản phẩm được chọn lọc phân hạng theo tiêu chuẩn OCOP trên địa bàn huyện Hoằng Hoá đều là đặc sản vùng miền hoặc làng xã, sử dụng nguyên liệu, công nghệ địa phương hoặc do người dân địa phương thực hiện. Tham gia chương trình OCOP, rất nhiều nông sản, sản phẩm lợi thế của các địa phương trong huyện từng bước được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn nhất định, có độ tin cậy cao hơn, dễ dàng tiếp cận thị trường ngoài huyện, ngoài tỉnh.

5. Các sản phẩm của cơ sở sản xuất Đông trùng hạ thảo xã Hoằng Thanh tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2020.jpg
Các sản phẩm của cơ sở sản xuất Đông trùng hạ thảo xã Hoằng Thanh tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2020

Cùng chung mục đích hướng đến được xếp hạng là sản phẩm OCOP, sản phẩm đông trùng hạ thảo của gia đình anh Nguyễn Hữu Tấn thuộc cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo Lạch Trường xã Hoằng Thanh cũng đang được huyện Hoằng Hóa đưa vào là 1 trong 15 sản phẩm, ý tưởng sản phẩm tham gia chương trình OCOP năm 2020. Được biết, đây là 1 trong 2 cơ sở đầu tiên trên địa bàn huyện Hoằng Hóa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất sản phẩm đông trùng hạ thảo. Nấm đông trùng hạ thảo có rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, là nguồn nguyên liệu tốt cho ngành y dược học. Trong đó, nổi lên với 3 công dụng chính là bồi bổ cơ thể, phục hồi sức khỏe sau đau ốm; tăng cường chức năng thận và tăng cường hoạt động hệ tuần hoàn, hệ hô hấp và khả năng miễn dịch của cơ thể... Từ việc đánh giá tác dụng và giá trị thương mại của nấm đông trùng hạ thảo, đầu năm 2019 anh đã tìm tòi và nhờ người chuyển giao khoa học công nghệ, đầu tư cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo với quy mô phòng cấy giống 35m2, phòng ủ tơ 62m2, phòng nuôi trồng 256m2. Các phòng đều bảo đảm tiêu chuẩn về độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ, có đầy đủ các thiết bị bảo đảm cho quy trình sản xuất. Thành công này đã mở ra một cơ hội nghề mới có triển vọng mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, cũng như góp phần đưa thêm những sản phẩm có chất lượng của huyện Hoằng Hoá trên thị trường.

Sau các sản phẩm của Công ty Lê Gia, 2 sản phẩm gồm: Đông trùng hạ thảo khô và rượu đông trùng hạ thảo của cơ sở sản xuất Đông trùng hạ thảo Lạch Trường xã Hoằng Thanh đã được Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP cấp huyện đánh giá đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Theo kế hoạch: Giai đoạn 2021 – 2025 tập trung xây dựng thương hiệu cho 15 sản phẩm, trong đó, có 5 sản phẩm cấp tỉnh, 2 sản phẩm cấp quốc gia. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước và kết nối thông tin, xúc tiến thương mại sản phẩm.

Nhằm nâng cao chất lượng, thương hiệu, đưa sản phẩm vươn xa, huyện Hoằng Hoá tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, định hướng cấp quốc gia. Theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng OCOP quốc gia được ban hành tháng 8/2019, để được xếp hạng 5 sao thì sản phẩm phải có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Căn cứ chấm điểm dựa trên 3 yếu tố cơ bản là chất lượng, sản phẩm và sức mạnh cộng đồng, khả năng tiếp thị. Do vậy, để có được sản phẩm OCOP đạt 5 sao, các tổ chức kinh tế của huyện phải không ngừng nâng cao chất lượng, phát triển sản phẩm, xúc tiến thương mại sản phẩm, đặc biệt là chú trọng thúc đẩy chuỗi giá trị, kết nối với năng lực, nguồn lực và sự tham gia của cộng đồng./.

Thanh Quý – Trung tâm VHTT – TT&DL

 

Truy cập
Hôm nay:
7044
Hôm qua:
7193
Tuần này:
29670
Tháng này:
211125
Tất cả:
11466970