QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Từ cây thuốc lào - thoát nghèo trên cùng đất nhiễm mặn

Đăng lúc: 15:57:55 19/04/2019 (GMT+7)

Từ vùng đất mặn, ít ai nghĩ rằng có thể trồng cây được cây gì, nhưng người dân xã Hoằng Tân đã biến điều không thể thành có thể khi dày công cải tạo đất và chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ những loài cây rau màu như ngô, khoai, lạc sang trồng cây thuốc lào mang lại thu nhập cao, vươn lên thoát nghèo.

 
tl1.JPG
 
Hoằng Tân là một xã thuần nông, xác định lấy sản xuất nông nghiệp làm gốc, làm nền tảng để thúc đẩy các ngành nghề khác phát triển, vì vậy trong những năm qua, cấp ủy chính quyền đã quan tâm, chú trọng đến phát triển sản xuất. Tổng diện tích đất nông nghiệp 304,7 ha. Hiện xã có khoảng 180 ha diện tích đất nông nghiệp thuộc loại đất nhiễm mặn làm cho cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp. Vốn người dân nơi đây đã có truyền thống và nhiều kinh nghiệm trồng cây thuốc lào, việc chủ động chuyển một diện tích lúa nước sang trồng cây thuốc lào là giải pháp “đón đầu” hợp lý, tránh tình trạng bỏ phí đất sản xuất. Vì vậy, nhân dân đã tận dụng tối đa các điều kiện tự nhiên và quỹ đất trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng thay vì trồng các loại cây rau màu như ngô, lạc, khoai,... địa phương đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng lúa kết hợp trồng cây thuốc lào mang lại thu nhập gấp 5, 6 lần cây trồng khác. Với diện tích ổn định hơn 180 ha, trồng trong 3 tháng, cây trồng này đã đem về cho nông dân địa phương một khoản tiền xấp xỉ 3,5 tỷ đồng/năm.
Những ngày vào hè, khi trời nắng chói chang là dịp bà con xã Hoằng Tân vào mùa thu hoạch thuốc lào. Anh Cao Ngọc Lan, thôn Cẩm Vinh trồng 1,5 ha thuốc lào, đến nay, việc thu hoạch đã gần hoàn thiện. Anh Lan cho hay, năm nay giá thuốc tuy có thấp hơn mọi năm một ít, song sản lượng tăng nên thu nhập từ cây trồng này của gia đình vẫn đạt khá. Với 1,5 ha thuốc, sau khi trừ chi phí, vụ này gia đình anh thu về khoảng 250 triệu đồng/năm.
Hiện ở Hoằng Tân có trên 1.000 hộ dân trồng cây thuốc lào. Nhà trồng nhiều có tới 1,5 ha, ít cũng 1 sào. Qua bao đời sản xuất, bà con nông dân nơi đây đã đúc kết kinh nghiệm để trồng cây này có hiệu quả. Theo bà con, để lá thuốc lào to, dày, đạt chuẩn thì mỗi cây chỉ nên để 10 đến 12 lá. Khi trồng, nông dân phải bón phân cân đối. Quá trình chăm sóc phải đề phòng sâu bệnh, nhất là bệnh nấm. Sau ba tháng trồng, khi lá cây thuốc lào rủ cong xuống và ngả màu vàng là đến lúc thuốc chín.
 
tl2.JPG
 
Thông thường, bà con ra đồng hái thuốc vào buổi chiều. Sáng hôm sau, thuốc được thái thành sợi nhỏ và đem phơi khô. Trước khi thái, lá thuốc được bà con cuộn lại thành cây, ủ 3 đến 4 ngày cho lá thuốc “chín” để sau khi cắt phơi, thuốc có màu vàng tươi và thơm. Trước đây, bà con cắt thuốc bằng thủ công. Nay cắt bằng máy, nhanh gấp tới 40 lần. Hơn thế, cắt bằng máy, sợi thuốc vừa đều lại vừa đẹp.
Thời điểm cắt thuốc lào phải chọn những ngày trời nắng. Trời càng nắng to, thuốc càng đẹp và thơm. Thuốc vừa cắt xong được bà con đem trải đều trên những tấm liếp bằng tre hình tròn mà người địa phương gọi là trành. Mỗi trành như thế phải phơi năm đến sáu nắng thì thuốc mới khô đạt yêu cầu. Nhờ đó, các sợi thuốc kết dính với nhau và có hương thơm đặc biệt. Thuốc lào thành phẩm được cắt thành bánh, đóng gói trong bao kín. Sau đó, nhiều hộ dân đã mang thuốc lào đi bán khắp mọi miền quê của tổ quốc cũng như nước ngoài. Thuốc lào xã Hoằng Tân được nhiều khách hàng đánh giá cao về chất lượng.
Như vậy, trên chân đất nhiễm mặn, cây thuốc lào ở Hoằng Tân đang tạo góp phần đa dạng hóa cây trồng, khẳng định giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập cao cho nông dân xã Hoằng Tân vươn lên thoát nghèo./.
 
Thanh Hằng – Đài TT Hoằng Hóa
Truy cập
Hôm nay:
6955
Hôm qua:
8100
Tuần này:
37681
Tháng này:
219136
Tất cả:
11474981