QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Cải cách tổ chức bộ máy hành chính - nhiều kết quả nổi bật

Đăng lúc: 10:00:00 31/10/2020 (GMT+7)

(Baothanhhoa.vn) - Với quyết tâm xây dựng nền hành chính dân chủ, minh bạch, hiện đại, hoạt động hiệu quả, hiệu lực, trong 10 năm qua Thanh Hóa đã quyết liệt trong chỉ đạo triển khai chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước, giai đoạn 2011-2020. Bên cạnh cải cách nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), công tác cải cách tổ chức bộ máy cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm.

 2.jpg
Cán bộ Hội Nông dân huyện Cẩm Thủy thăm mô hình kinh tế trang trại hiệu quả tại xã Cẩm Châu. Ảnh: Việt Linh

Bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, các ban, bộ, ngành và xem xét phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, Thanh Hóa đã tổ chức rà soát về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và đã tiến hành sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện. Giai đoạn 2011–2015, toàn tỉnh đã tiến hành kiện toàn 38 ban chỉ đạo, ban quản lý dự án thuộc các sở, ngành, UBND cấp huyện; giải thể 9 đơn vị; bổ sung, chuyển giao chức năng nhiệm vụ quản lý Nhà nước cho 13 đơn vị; tách các hoạt động dịch vụ công khỏi cơ quan hành chính, như: Công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, định giá đất; 27/27 UBND huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức, sắp xếp lại với 335 phòng, ban và tương đương, mỗi UBND cấp huyện có 12 phòng, riêng 11 huyện miền núi có 13 phòng (thêm phòng dân tộc); rà soát, thành lập, sáp nhập, chuyển đổi 622 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có 577 đơn vị ngành giáo dục và đào tạo; giải thể Trung tâm Tư vấn tài chính giá cả thuộc Sở Tài chính; ban quản lý xây dựng, Ban Quản lý dự án xây dựng cơ bản thuộc UBND tỉnh; Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư; các trạm kiểm lâm trực thuộc các hạt kiểm lâm huyện thuộc Chi cục Kiểm lâm; trạm kỹ thuật bảo vệ rừng.

Sang giai đoạn 2016–2020, tỉnh tiếp tục tiến hành rà soát, sắp xếp, giảm 11 phòng và 3 chi cục; sáp nhập các trung tâm giáo dục vào trường trung cấp nghề còn 27 đầu mối (giảm 17 đầu mối); sáp nhập 15 ban quản lý dự án trực thuộc các đơn vị thành 5 ban quản lý dự án tỉnh (giảm 10 đầu mối), giảm 73 đơn vị sự nghiệp công lập và 54 đầu mối sự nghiệp. Cùng với sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện tinh giản biên chế đối với 3.003 người, trong đó có 165 người khối công chức hành chính, 131 người khối Đảng, đoàn thể và 2.707 người khối viên chức.

Cùng với sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn, Thanh Hóa đã quyết liệt sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, trở thành tỉnh đi đầu cả nước trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2019.

Giai đoạn 2016–2020, toàn tỉnh đã thực hiện sắp xếp 143 xã, phường, thị trấn thành 67 xã, phường, thị trấn, giảm 76 đơn vị (giảm 11,9%); sáp nhập 3.100 thôn, tổ dân phố để thành lập 1.552 thôn, tổ dân phố, làm giảm 1.578 thôn, tổ dân phố (giảm 26%).

Đến nay, Thanh Hóa có 20 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 27 đơn vị hành chính cấp huyện, 559 đơn vị hành chính cấp xã (496 xã, 34 phường, 29 thị trấn), 14 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh. Với việc sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan khối Đảng, đoàn thể và các cơ quan chính quyền được phân biệt rõ ràng; cơ bản thực hiện bí thư hoặc phó bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch HĐND cùng cấp; thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch UBND tại 38 đơn vị cấp xã.

Nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước đã được phân cấp khá mạnh theo đúng nghị quyết của Chính phủ. Việc phân công, phân cấp, ủy quyền đã góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc; nhiều nguồn lực được huy động, sử dụng hiệu quả hơn; từng bước tạo sự công bằng và phát triển cân đối giữa các vùng, miền, địa phương.

Đồng thời với cải cách tổ chức bộ máy, Thanh Hóa đã tập trung cải cách và triển khai trên diện rộng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công; đảm bảo tính cạnh tranh với khu vực ngoài công lập, thu hút người có tài, có trình độ tham gia vào đội ngũ viên chức để nâng cao chất lượng phục vụ người dân trong các lĩnh vực.

Cùng với đó, tỉnh đã tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Hằng năm tỉnh đã ban hành kế hoạch cải cách chế độ công vụ, công chức, phê duyệt Đề án vị trí việc làm đối với các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, trên cơ sở đó, các đơn vị bố trí cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm được phê duyệt. UBND tỉnh đã ban hành, hoàn thiện nhiều thể chế về tuyển dụng, bổ nhiệm, quản lý cán bộ, công chức, viên chức nhằm đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức; sử dụng các phần mềm trong thi trắc nghiệm, các kỳ thi tuyển công chức. Thực hiện quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thông qua phần mềm quản lý. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngày càng đổi mới theo hướng đi sâu vào chất lượng, xác định nhu cầu đào tạo theo vị trí việc làm. Trong 10 năm qua, đã tổ chức 1.355 lớp đào tạo, bồi dưỡng với hàng triệu lượt người tham gia. Tính đến tháng 5-2020, toàn tỉnh có 12.916 cán bộ, công chức cấp xã. Trong đó cán bộ có 6.724 người; công chức có 6.192 người. Chất lượng cán bộ, công chức cấp xã ngày càng được chuẩn hóa, nâng cao bảo đảm theo đúng quy định.

Nhìn lại 10 năm thực hiện chương trình tổng thể CCHC chính Nhà nước (2011–2020) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu, đó là:

Vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, người đứng đầu cấp ủy địa phương, cơ quan, đơn vị ngày càng được phát huy, tăng cường. Có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, giữa cấp ủy đảng và chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ CCHC.

Tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện và rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Chủ động rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp để tránh sự chồng chéo. Việc thực hiện CCHC đã được tiến hành đồng bộ, toàn diện, thường xuyên, với những mục tiêu và giải pháp cụ thể; lấy sự hài lòng của tổ chức và công dân làm mục tiêu thực hiện; có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, sự phối hợp, kết nối giữa chính quyền các cấp với người dân, doanh nghiệp.

Cụ thể hóa các nhiệm vụ, lượng hóa tối đa nội dung công việc giao cho từng ngành, địa phương, đơn vị và từng cán bộ, công chức; đồng thời, thường xuyên giám sát, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện để chỉ đạo. Kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật, có biểu hiện tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà trong giải quyết công việc.

Ưu tiên bảo đảm các nguồn lực về tài chính và nhân lực cho CCHC; đẩy mạnh và mở rộng thực hiện cơ chế tự chủ một phần và tự chủ hoàn toàn về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp.

Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực về công nghệ thông tin; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị.

CCHC là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Để đẩy mạnh CCHC nhằm xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, ứng dụng có hiệu quả thành tựu phát triển cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa đã xác định công tác CCHC tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng của toàn hệ thống chính trị; trọng tâm là hoàn thiện thể chế, hệ thống cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thông thoáng, hấp dẫn để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tại Dự thảo Báo cáo tổng kết chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020, định hướng giai đoạn 2021–2030, UBND tỉnh đã xác định các mục tiêu cụ thể, đó là: (1) Phấn đấu 100% các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thể chế kinh tế, TTHC được ban hành đúng quy định của pháp luật. (2) Nâng cao thứ hạng các Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số CCHC (PAR INDEX) phấn đấu đứng trong top 10 cả nước. (3) Hoàn thành việc sáp nhập, hợp nhất các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quy định của Trung ương. (4) Đến năm 2025: có ít nhất 50% dịch vụ công được chuyển giao cho các cơ quan ngoài Nhà nước thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả; phấn đấu giảm 50% thời gian giải quyết TTHC theo quy định. (5) Hàng năm, phấn đấu có từ 10% trong tổng số đơn vị sự nghiệp công lập có thu tăng mức độ tự chủ về kinh phí chi thường xuyên. (6) Đến năm 2025: 100% hồ sơ công việc của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện; UBND cấp xã được xử lý trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; 100% dịch vụ công trực tuyến phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được thực hiện ở mức độ 4; tỷ lệ hồ sơ, TTHC được giải quyết trực tuyến mức độ 3 đạt trên 80%, mức độ 4 đạt trên 60%; 100% xã miền xuôi và 80% xã miền núi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 trong hoạt động. Các cơ quan, địa phương, đơn vị cần xác định nhiệm vụ CCHC là một trong những tiêu chí của phong trào thi đua, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu của mọi sự phục vụ.

Việt Linh

Việt Linh

 

Truy cập
Hôm nay:
7906
Hôm qua:
7193
Tuần này:
30532
Tháng này:
211987
Tất cả:
11467832