QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đăng lúc: 20:00:00 18/01/2022 (GMT+7)

Chiều ngày 18/1/2022, tại phòng họp tầng 2 UBND huyện, huyện Hoằng Hóa tổ chức hội Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị .

 

Cùng dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương. Dự họp trực tuyến tại điểm cầu trung tâm huyện Hoằng Hóa có đồng chí Lê Xuân Thu, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, đồng chí Lê Sỹ Nghiêm, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng công an huyện; Chánh văn phòng HĐND-UBND; Trưởng các phòng: Văn hóa, thông tin; tư pháp; Đội trưởng, đội phó và cán bộ, chiến sỹ đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội công an huyện. Tại điểm cầu các xã, thị trấn, có các đồng chí Bí thư đảng uỷ, chủ tịch UBND; Trưởng công an, công chức văn phòng thống kê; tư pháp - hộ tịch và các thành viên liên quan.

ảnh 1. Toàn cảnh hội nghị trực tuyến đề án phát triển ứng dung...jpg
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến đề án phát triển ứng dung

Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký, ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. 

Đề án đã xác định 7 quan điểm chỉ đạo, mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể cùng với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện với lộ trình của từng nhiệm vụ trong năm 2022 và giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.  Mục tiêu tổng thể của Đề án là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích. Song song với việc triển khai 5 nhóm tiện ích, cần xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật để bảo đảm đầy đủ tính pháp lý để tổ chức triển khai thực hiện. Trước mắt, trong năm 2022 cần tập trung xây dựng và ban hành Nghị định và Thông tư có liên quan đến việc quản lý, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đồng thời, nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và phát triển kinh tế - xã hội, tiến tới 2023, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Căn cước công dân và các văn bản hướng dẫn nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện phát triển Chính phủ số và đến năm 2024, tham mưu đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; đồng thời xây dựng cơ chế thanh tra, kiểm tra việc sử dụng dữ liệu công dân qua khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu phòng chống lộ lọt dữ liệu…Để tổ chức thực hiện Đề án quan trọng này, Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định thành lập tổ công tác triển khai Đề án do Bộ trưởng Bộ Công an làm tổ trưởng. Tổ công tác triển khai Đề án sẽ xây dựng kế hoạch triển khai và đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án theo lộ trình từng tháng. 

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự hội nghị tại các điểm cầu đã phát biểu tham luận về kết quả đạt được trong việc tích cực tham gia chuyển đổi số, ý nghĩa to lớn, hiệu quả thiết thực của việc ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử trong phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là sự kiện quan trọng góp phần khẳng định những nỗ lực trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, cụ thể hóa nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng trong việc thực hiện triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là "đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạnh công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số". Thủ tướng chỉ ra những kết quả đã đạt được thời gian qua có ý nghĩa quan trọng, góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công, sử dụng giấy tờ sang hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý toàn dân thông qua mã định danh cá nhân; Tiết kiệm thời gian, công sức, cơ sở vật chất trong xây dựng và vận hành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; Tạo điều kiện thuận lợi và nền tảng quan trọng để triển khai các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân và doanh nghiệp đã được xác định trong Đề án. Đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Công an nhanh chóng thực hiện kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, cơ sở dữ liệu an sinh xã hội, thông tin vắc xin, xét nghiệm COVID-19, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm xác thực chính xác thông tin. Khẩn trương rà soát các vướng mắc hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về quy định của pháp luật có liên quan. Để tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, tổng thể liên thông tổ chức thực hiện hiệu quả.

Về nguồn lực triển khai thực hiện, ưu tiên bố trí kinh phí hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả để triển khai thực hiện Đề án. Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ phát huy vai trò là cơ quan thường trực trong thực hiện Đề án. Đặc biệt Thủ tướng chỉ rõ trong đó Bộ Công an phải đảm bảo dữ liệu dân cư chính xác và liên tục bổ sung, cập nhật thường xuyên, đảm bảo "đúng, đủ, sạch, sống". Duy trì liên tục kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ dữ liệu cá nhân theo đúng quy định của pháp luật.  Cần thực hiện quyết liệt, mang lại hiệu quả rõ nét, làm gương, làm mẫu, nói là làm, làm thì phải quyết liệt, đến nơi đến chốn, có hiệu quả vì mục đích cuối cùng là phục vụ lợi ích người dân, lợi ích quốc gia, dân tộc.  Với tinh thần lấy người dân là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu, là mục tiêu, là động lực phát triển, Thủ tướng tin tưởng rằng những nỗ lực đổi mới, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai hiệu quả đề án này và ủng hộ Công an trong vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, quản lý căn cước công dân sẽ được người dân, cộng đồng doanh nghiệp đón nhận tích cực, nhiệt tình hưởng ứng và ủng hộ, góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về người dân, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, xây dựng kinh tế số, xã hội số, công dân số, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân./.

Thế Khải – Trung tâm VHTTTT&DL

 

Các tin khác
Truy cập
Hôm nay:
210
Hôm qua:
28564
Tuần này:
151139
Tháng này:
784202
Tất cả:
15109035