QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Xây dựng Cổng làng- nét văn hóa xây dựng nông thôn mới

Đăng lúc: 14:55:59 16/05/2020 (GMT+7)

Cổng làng ra đời từ rất sớm, gắn liền với sự hình thành phát triển của một khu dân cư. Ngoài mục đích như ranh giới phân chia, cổng làng còn thể hiện rõ phong cách, hồn cốt của làng, lưu giữ nhiều giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc- Nơi lưu giữ hồn quê.

 

1.4. cổng làng.jpg

Cũng như biết bao làng quê Việt Nam khác, hình ảnh cổng làng cũng khắc ghi vào tâm khảm mỗi người dân huyện Hoằng Hóa. Trong ký ức, cổng làng được tái hiện rất giản đơn nhưng vẫn toát lên vẻ uy nghi, hùng vĩ. Nhưng thời gian và hệ quả của chiến tranh đã khiến nhiều cổng làng bị tàn phá, dỡ bỏ. Trong nhiều năm trở lại đây, người dân Hoằng Hóa đã dành nhiều tâm huyết, công sức và tiền của để phục dựng những chiếc cổng làng, nhằm khơi dậy và gìn giữ nét văn hóa đặc trưng làng quê Việt. Nhất là kể từ khi huyện Hoằng Hóa đồng loạt triển khai chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là kế hoạch số 99 của huyện  về chỉnh trang cảnh quan làm đẹp làng quê sáng, xanh, sạch đẹp với sự chung sức của nhân dân cũng như sự ủng hộ của con em xa quê, phần lớn các cổng làng đã được phục dựng- nhiều làng, bằng công tác xã hội hóa, sự hảo tâm của con em xa quê còn xây mới cổng làng hàng tỷ đồng.

1.1.jpg

Cổng làng Nhân Ngọc, xã Hoằng Ngọc, sau 8 tháng khởi công xây dựng, đến nay cổng làng Nhân Ngọc xã Hoằng Ngọc đã hoàn thiện. Cổng làng được xây dựng theo kiến trúc cổng làng Việt truyền thống, phía trên được xây mái, trên nóc cổng được trang trí, chạm khắc biểu tượng “Vinh quy bái tổ”. Kinh phí xây dựng cổng làng gần 3 tỷ đồng, từ sự tài trợ của 1 người con xa quê xã Hoằng Ngọc và hiện nay, trong nhiều cổng làng, cổng chào của các xã hoặc cổng làng đang được thi công xây mới, nâng cấp có thể kể đến như cổng làng Nội tý xã Hoằng Đức với tổng kinh phí hơn 380 triệu bằng nguồn xã hội hóa, tự nguyện đóng góp của nhân dân, đặc biệt, dòng họ Vũ Văn của làng  tài trợ toàn bộ phần thi công cổng làng. Hiện việc thi công đang được gấp rút để phấn đấu hoàn thành trong tháng 3.2020.

Ông Vũ Văn Hải- CT UBND xã Hoằng Đức chia sẻ: Việc đóng góp của các hộ dân để xây dựng cổng làng là hoàn toàn tự nguyện, mức đóng góp tùy theo sự hảo tâm chứ không phải bắt buộc. Từ khi cổng làng được khởi công xây dựng lên, sự đoàn kết, nghĩa tình giữa các hộ dân trong làng ngày càng tăng lên, để từ đó, cùng góp sức xây dựng khu dân cư văn minh.

Nhìn chung, cổng làng rất phong phú, đa dạng về kiểu dáng và chất liệu, là những công trình kiến trúc cổ ngoài giá trị về lịch sử văn hóa, còn thể hiện được hồn quê, cốt cách của mỗi làng xã. Vì vậy, việc phục dựng cổng làng đã được nhân dân địa phương nơi đây rất chú trọng, tập trung vào việc thể hiện rõ nét văn hóa truyền thống.

Đa phần cổng làng được thiết kế với một lối đi chính, kiến trúc, họa tiết trên cổng đều khắc ghi những dòng chữ  mang ý nghĩa nhắc nhở, dạy bảo con cháu mỗi lần bước qua, cũng như giới thiệu khái quát cho khách thập phương về phong tục, tập quán của làng. Hơn thế, những chiếc cổng làng giờ đây còn góp phần tô điểm cho diện mạo nông thôn của mỗi làng quê huyện đồng bằng ven biển.

1.2.jpg

1.3.jpg
 

Việc phục dựng cổng làng không chỉ mang giá trị văn hóa, tinh thần mà còn góp phần tô điểm cho diện mạo nông thôn mới của địa phương.  Ðặc biệt, nhiều ngôi làng được công nhận là làng văn hóa thường có xu hướng dựng cổng làng, rồi trưng biển "làng văn hóa" như một niềm tự hào. Kiến trúc của các cổng làng được khá phong phú, có cổng làng đơn giản, làng có điều kiện kinh tế dựng cổng lớn, có cổng làng còn được dựng gác mái, từ xa trông có dáng dấp những ngôi đình, ngôi chùa. Có làng dựng cổng chính, hai bên là hai lối đi nhỏ, gọi là tam quan. .. nhưng đó là mặt hình thức, còn hồn cốt của cái cổng làng, chính là những thông điệp được gửi gắm. Hầu hết cổng làng được tạo tác những bức đại tự. Những vùng đất giàu chữ nghĩa, còn được đắp nổi hoặc viết những đôi câu đối và cổng làng đã vượt xa giới hạn của một vật bảo vệ cho dân làng. Ngoài sự thân quen khiến người dân đất Việt thường nghĩ đến cổng làng như một biểu tượng của làng quê, cổng làng còn mang trong mình những thông điệp đầy tính nhân văn. Mỗi khi về làng, nhìn lên cổng, những dòng chữ đại tự khiến mỗi người như có trách nhiệm hơn.

Đối với những người con xa quê, hình tượng cổng làng là hình tượng của quê hương, xứ sở. Đây là điểm để phân biệt các ngôi làng. Là điểm ngăn cách nơi ở của cư dân với đồng ruộng, với bên ngoài. Theo năm tháng, nhiều cổng làng được xem là di sản văn hóa, nghệ thuật, là đỉnh cao trong kiến trúc của ngôi làng, phản ánh lý tưởng và chiều sâu của văn hóa cộng đồng, từ mỗi chiếc cổng làng, ta hình dung ra bộ mặt của làng xã, phía sau đó là một xã hội thu nhỏ. Cổng làng không chỉ tồn tại gắn bó với nhiều thế hệ dân làng mà còn mang ý nghĩa trong sự tiếp nối truyền thống tốt đẹp của con người sinh sống nơi đây./.

Tuyết Mai: TTVHTTTT và DL

Truy cập
Hôm nay:
1951
Hôm qua:
15097
Tuần này:
56090
Tháng này:
155836
Tất cả:
11648398