QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Âm vang tiếng trống hội từ CLB tuồng và trống hội Kim Sơn xã Hoằng Kim

Đăng lúc: 13:50:38 15/01/2023 (GMT+7)

Theo phương thức xã hội hóa, CLB tuồng và trống hội Kim Sơn xã Hoằng Kim được thành lập, hoạt động sôi nổi, hiệu quả, làm sinh động đời sống tinh thần của người dân, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh con người, văn hóa quê hương Kim Sơn.

1.Dàn trống hội Kim Sơn tại lễ hội Phủ Vàng xã Hoằng Xuân..jpg
Dàn trống hội Kim Sơn tại lễ hội Phủ Vàng xã Hoằng Xuân.

Làng Kim Sơn xã Hoằng Kim là vùng đất lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống đặc sắc, trong đó có nghệ thuật biểu diễn trống hội. Chơi trống ban đầu được người dân nơi đây phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh của quần chúng trong các lễ hội truyền thống, dần được phát triển thành nghệ thuật biểu diễn phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa - xã hội ở địa phương.

Bà Nguyễn Thị Miên (63 tuổi), Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát tuồng và trống hội Kim Sơn, thuộc Hội Người cao tuổi xã Hoằng Kim là một trong những người khởi xướng thành lập và gắn bó với CLB đã nhiều năm. Người “nhạc trưởng” này chia sẻ, tiếng trống hội giục lòng người hướng về cội nguồn dân tộc và mang yếu tố tâm linh, đem không khí xuân thêm rộn ràng. Được thành lập ban đầu với 21 thành viên từ CLB văn nghệ làng Kim Sơn, đến nay, CLB tuồng và trống hội xã Hoằng Kim đã thu hút 30 thành viên tham gia, độ tuổi từ 45 đến 68 tuổi. Trong đó, có đội trống với 15 thành viên đều là nữ.

Ảnh 2.jpg

Chỉ bằng nguồn huy động xã hội hóa nhưng kinh phí đầu tư cho hoạt động, mua sắm trống, trang phục, đạo cụ biểu diễn của mỗi hội trống lên tới hàng trăm triệu đồng. Trống của CLB được tuyển chọn, đặt mua từ các làng nghề làm trống truyền thống nổi tiếng. Đội trống nữ Kim Sơn thường xuyên phục vụ các nghi lễ ở hội làng, trong các dịp khai mạc, ngày hội lớn của địa phương hay trong các dịp hội phủ, giỗ mẫu ở các đền, chùa, phủ. Trong các tiết mục biểu diễn “Trống hội quê hương”, tiếng trống hòa quyện cùng những điệu múa dùi uyển chuyển, nhịp nhàng của người thể hiện đã tạo sức lôi cuốn đặc biệt đối với người xem.

3. Và trong lễ công bố thôn Kim Sơn xã Hoằng Kim đạt chuẩn NTM.jpg
...Và trong lễ công bố thôn Kim Sơn xã Hoằng Kim đạt chuẩn NTM

Theo ông Lê Văn Nụ, vừa là người trực tiếp truyền dạy trống hội vừa là thành viên CLB tuồng và trống hội làng Kim Sơn thì “muốn chơi trống hội, trống tuồng cho hay phải chuyên tâm luyện rèn. Trống tuồng, trống hội có nhiều bộ, nhiều bài, mỗi bộ lại biểu hiện một câu chữ, một động tác phải thuần thục, nhuần nhuyễn sao cho hài hoà”. Trống hội dùng trong nghi lễ đình làng, bao gồm có 11 bài như bài trống rước, trống đón, trống bình thân, trống rình rình, trống múa dùi, trống bái, trống tái nghiêm, tam nghiêm..., mỗi bài có một cách đánh và mang ý nghĩa khác nhau nên đòi hỏi người đánh trống phải có niềm đam mê thì mới có thể học được. Một buổi biểu diễn của CLB trống nữ làng Kim Sơn thường có 15 người, gồm 1 trống cái, 8 trống con, 2 bong, 2 nạo bạc và 2 mỏ. Những năm qua, âm hưởng của tiếng trống Kim Sơn đã vượt ra khỏi khuôn khổ các buổi sinh hoạt, nghi lễ tại các hội làng, hội Phủ để tham gia vào các hoạt động văn hóa, chính trị của các địa phương trong và ngoài huyện. Âm hưởng hùng tráng, rền vang từ các hội trống như nhân lên lòng tự hào về truyền thống văn hóa lịch sử ở vùng quê này.

Là một CLB tuồng và trống hội thành lập muộn hơn so với nhiều CLB khác trên địa bàn huyện, CLB tuồng và trống hội làng Kim Sơn xã Hoằng Kim với 10 năm hoạt động (2013 – 2023), thời gian đầu, CLB cũng đã gặp không ít khó khăn do bộ môn nghệ thuật này đang dần bị mai một, đôi khi có những thành viên chán nản muốn bỏ cuộc. Nhưng với lòng đam mê nghệ thuật, đồng thời, kế thừa truyền thống của vùng đất giàu truyền thống văn hóa, các thành viên câu lạc bộ đã không ngừng cố gắng, duy trì và phát triển. Để có kinh phí hoạt động, các thành viên đã tự nguyện đóng góp tiền mua trống và trang phục, đạo cụ phục vụ biểu diễn. Không phụ lòng mong mỏi của nhiều người yêu tuồng, mê tiếng trống hội địa phương, câu lạc bộ đã đang góp phần lưu giữ những tinh hoa văn hoá nghệ thuật tuồng, trống hội của dân tộc. Mỗi đêm diễn tại đình làng hay các làng bạn, xã bạn lại vang lên những tiếng í ới gọi nhau đi xem, lại được thấy những đôi mắt thả hồn dõi theo những điệu múa, lời hát, tiếng trống, điệu múa dùi của các nghệ nhân CLB. 10 năm hoạt động, CLB tuồng và trống hội Kim Sơn không chỉ biểu diễn trong làng, trong xã mà đã tham gia biểu diễn ở rất nhiều nơi trên địa bàn huyện và huyện bạn, thường xuyên tham gia trống hội trong lễ hội Phủ Vàng, lễ hội đền thờ Quốc Mẫu xã Hoằng Xuân và nhiều xã lân cận, đội trống cũng đã đi biểu diễn ở những địa phương khác như Đông Sơn, Hậu Lộc... nhằm quảng bá nét đặc sắc của trống hội làng Kim Sơn. Trong những ngày lễ hội, âm vang của các bài trống cổ truyền như: “trống tiến rượu”, “trống tế”, “trống thét”, “trống rước”… được hòa quyện cùng những điệu múa dân vũ truyền thống uyển chuyển, nhịp nhàng đã làm rộn ràng cả một vùng quê.

Những hồi trống rền vang như tiếng hoan ca của cả cộng đồng, thu hút người dân tạm gác lại công việc thường ngày khoác lên người những trang phục đẹp nhất, nô nức tham gia vào ngày hội làng truyền thống. Tiếng trống hội tựa như “sợi dây” vô hình kết nối quá khứ với hiện tại. Lắng nghe tiếng trống, mỗi người như được tiếp thêm sức mạnh để phấn đấu vươn lên trong cuộc sống đời thường, gợi nhớ về nguồn cội quê hương, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, góp phần gắn kết tình làng, nghĩa xóm qua những sinh hoạt cộng đồng đầy ý nghĩa nhân văn./.

Thanh Qúy – Trung tâm VHTT TT&DL

 

Truy cập
Hôm nay:
7549
Hôm qua:
8649
Tuần này:
23107
Tháng này:
190307
Tất cả:
11682869