QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Giữ nét xưa làng Phượng Mao.

Đăng lúc: 10:00:00 16/01/2023 (GMT+7)

Nếu ví văn hóa làng xã xứ Thanh như bức tranh đa sắc, đa thanh thì làng Phượng Mao xã Hoằng Phượng góp vào đó một nét vẽ mộc mạc, dung dị cùng thanh âm rộn ràng, sống động của làng chèo trong bài ca xây dựng nông thôn mới. Dẫu qua bao thăng trầm của thời gian, nhiều điều đổi thay, làng Phượng Mao vẫn in đậm nét vẽ, thanh âm ấy…

Ảnh 1.jpg

Tự xa xưa, theo tài liệu cũ ghi chép, làng Phượng Mao vốn là vùng có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, kết nối giao thông thuận lợi. Làng Phượng Mao hình thành vào thế kỷ 15, trước đây có tên là làng Tuấn Mau, thuộc tổng Lỗ Hương xã Cẩm La huyện Mỹ Hoá do hai vị tướng đời nhà Lê có công dẹp giặc, giữ nước được nhà vua cho chọn nơi đây để lập ấp. Trên dải đất chỉ vẻn vẹn 1km2 với 330 hộ, 1.237 nhân khẩu đựơc chia làm 12 cụm dân cư, 7 dòng họ cùng nhau sinh sống nhưng làng Phượng Mao xã Hoằng Phượng trong quá trình xây dựng và phát triển, các gia đình, dòng họ và nhân dân trong làng luôn đoàn kết,chung lưng đấu cật, gắn bó nhau cùng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chung tay xây dựng làng quê ngày càng phát triển và đổi mới nhưng vẫn không mất đi vẻ đẹp dung dị, mộc mạc của một làng quê thanh bình.

2. Nền giấy sắc phong tuy đã mục nát theo thời gian nhưng chữ và hoa văn trên bản sắc phong tại Phượng Mao vẫn còn rất rõ ràng.JPG
 Nền giấy sắc phong tuy đã mục nát theo thời gian nhưng chữ và hoa văn trên bản sắc phong tại Phượng Mao vẫn còn rất rõ ràng

Làng Phượng Mao nổi tiếng gần xa với những làn điệu chèo sâu lắng, mượt mà đã làm nên diện mạo văn hóa tinh thần ít nơi nào có được. Đây cũng là mảnh đất còn lưu giữ di sản Hán - Nôm đáng ngưỡng mộ, thể hiện trong sự hiện hữu của những đạo sắc phong vua ban qua các triều đại phong kiến Việt Nam. Trong tổng số 36 đạo sắc phong mà mà đình làng Phượng Mao có, hiện đang lưu giữ được 23 đạo sắc phong. Năm 2016, nhằm mục đích gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể - văn hóa ngôn ngữ Hán - Nôm; giáo dục các thế hệ con cháu của làng về lịch sử hình thành và phát triển làng; thân thế, sự nghiệp cũng như những công trạng, đóng góp của hai vị Thành hoàng làng, Ban Văn hóa – Ban Quản lý di tích làng Phượng Mao đã gửi dịch 23 đạo sắc phong này.

3. Những bản sắc phong được Ban văn hoá làng gửi đi dịch được treo tại đình làng.jpg
Những bản sắc phong được Ban văn hoá làng gửi đi dịch được treo tại đình làng

Đến nay, 23 đạo sắc phong tại đình làng Phượng Mao đã được Thạc sĩ Vũ Ngọc Định dịch hoàn chỉnh và được treo tại đình làng, có xác nhận của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học xã hội và Nhân văn – Trường Đại học Hồng Đức. Những đạo sắc phong này không chỉ có giá trị về mặt văn hóa ngôn ngữ mà trên hết, sự tồn tại của nó đóng vai trò như một chứng nhân lịch sử về sự hình thành và phát triển của làng xã gắn liền với thân thế, sự nghiệp của những con người đã sống và chiến đấu cho sự bình yên, no ấm của xóm làng.

Trải qua năm tháng, các thế hệ người dân làng Phượng Mao sống đoàn kết, hăng say lao động sản xuất xây dựng cuộc sống, dệt nên những giá trị lịch sử - văn hóa độc đáo, vững bền theo thời gian, lắng đọng sức sống làng chèo truyền thống. Trong đó, đình làng Phượng Mao như “chứng nhân lịch sử”, biểu tượng đẹp của đất và người nơi đây.

4. Sinh hoạt văn hoá tại Đình Làng thuộc thôn Phượng Mao xã Hoằng Phượng được phát huy.jpg
Sinh hoạt văn hoá tại Đình Làng thuộc thôn Phượng Mao xã Hoằng Phượng được phát huy

Đình làng Phượng Mao do dân trong làng lập năm 1556. Buổi ban đầu đình được làm bằng các vật liệu đơn sơ như tranh, tre, luồng, kè… Về sau, đình được xây dựng lại với tiền đường dài 12m, rộng 5m bằng các vật liệu tranh, tre, luồng, gỗ… Năm 1994, nhân dân làng Phượng Mao và con cháu gần xa đã đóng góp sức người, sức của xây dựng lại đình làng bằng các vật liệu kiên cố, vững chắc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của nhân dân địa phương. Đình làng Phượng Mao thờ hai vị thành hoàng của làng là Linh thông tôn thần Lê Công Trinh và Linh Quang tôn thần Lê Công Phụ nhằm tưởng nhớ những đóng góp to lớn của hai vị Thành hoàng làng trong công cuộc phò vua giúp nước, chống giặc ngoại xâm, được triều đình ban thưởng và cho phép lập đồn điền, khai khẩn đất hoang, tập hợp dân cư về đồn điền sinh sống.  Với những giá trị văn hoá lịch sử mà đình làng Phượng Mao còn lưu giữ, ngày 24/12/1991, tại quyết định số 34, UBND tỉnh Thanh Hoá đã công nhận đình làng Phượng Mao là di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh, khẳng định giá trị lịch sử văn hóa đang được bảo tồn và lưu giữ tại đình, xác lập cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị di tích lâu dài, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, nơi cố kết cộng đồng, làng mạc, bồi đắp tình yêu quê hương xứ sở cho các thế hệ.

Cùng với đình làng, các di tích liên hoàn gồm chùa Liên Hoa bên phải đình và phủ mẫu bên trái đình đã tạo thành quần thể di tích lịch sử - văn hoá – tâm linh làng Phượng Mao ngay trong cùng một khuôn viên. Đây cũng là địa điểm, hàng năm nhân dân làng Phượng Mao tổ chức hoạt động lễ hội đầu xuân, là hoạt động văn hóa, sinh hoạt tập thể của nhân dân trong làng sau những ngày lao động vất vả, bên cạnh cầu mong mơ ước những điều tốt đẹp là sự nhắc nhở bản thân và răn dạy con cháu biết ơn và tôn kính các vị thánh hiền, các bậc tiền nhân đã có công với nước với dân.

5. Đội nhạc tế làng Phượng Mao trong kỳ hội làng.jpg
Đội nhạc tế làng Phượng Mao trong kỳ hội làng

Về Phượng Mao hôm nay, ai cũng bất ngờ trước những con đường bê tông trải rộng. Người dân đã hiến đất mở đường, nắn chỉnh những khúc cua, khiến đường phong quang, sạch sẽ. Nếu như ở nhiều địa phương, ao làng, giếng làng vốn là những mảnh hồn quê đang dần biến mất, thì ở Phượng Mao, ao làng được kè cẩn thận nằm quanh quần thể di tích đình làng. Song song với đầu tư hạ tầng, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Hoằng Phượng và Ban phát triển thôn đã chú trọng nâng cao chất lượng mô hình làng văn hóa, gia đình văn hóa, chú trọng bảo tồn những nét đẹp của “nông thôn cũ” như đầu tư bảo tồn di tích, di sản, gìn giữ các phong tục truyền thống. Người dân Phượng Mao đi đâu cũng muốn về với làng quê của mình.

Giữ gìn những nét đẹp truyền thống vốn có, tiếp thu, chọn lọc, xây dựng thêm những nét văn hoá mới, làng Phượng Mao xã Hoằng Phượng đang phát huy nội lực, huy động những giá trị văn hóa, cả vật chất và tinh thần vào xây dựng nông thôn mới. Với đức tính cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo, nhạy bén với thời cuộc, các thế hệ cư dân làng Phượng Mao càng thêm đoàn kết, chung sức, đồng lòng dựng xây làng, xã ngày càng phát triển, giữ gìn và dựng xây nhiều giá trị lịch sử - văn hóa tiêu biểu. 

Thanh Quý – Trung tâm VHTT TT&DL

 

 

 

Truy cập
Hôm nay:
13710
Hôm qua:
13556
Tuần này:
52752
Tháng này:
152498
Tất cả:
11645060