QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Hoằng Hóa lần thứ II

Đăng lúc: 00:00:00 29/06/2020 (GMT+7)

Tháng 2 năm 1948, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ nhất đề ra nghị quyết về xây dựng Thanh Hóa thành hậu phương vững mạnh để kịp thời cung cấp đầy đủ sức người sức của cho chiến trường, đồng thời tổ chức sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu giỏi nhằm bảo vệ hậu phương trong mọi tình huống.

Thời kỳ này theo chủ trương của cấp trên, Ủy ban kháng chiến các cấp được sáp nhập vào Ủy ban hành chính. Quán triệt nghị quyết của đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất và trên cơ sở phong trào kháng chiến địa phương, đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ II được tiến hành vào tháng 5 năm 1948 tại thôn Tế Độ xã Hoằng Phúc với trên 70 đại biểu đại diện cho gần 100 đảng viên thuộc 11 chi bộ cơ sở toàn huyện tham dự. Đại hội tổng kết nhiệm kỳ gần một năm qua. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện gồm 21 ủy viên. Đồng chí Lê Du, Xã Hoằng Phúc được bầu làm Bí thư. Đồng chí Nguyễn Doãn Chấp làm Phó Bí thư - Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính huyện. Tháng 2 năm 1949, đồng chí Lê Thế Sơn Hoằng Phúc được tỉnh tăng cường làm Bí thư thay đồng chí Lê Du đi công tác khác. Tháng 6 năm 1949 đồng chí Lê Nguyên Dĩnh Hoằng Minh được bầu làm Bí thư thay đồng chí Lê Thế Sơn về tỉnh.

Sau đại hội, toàn huyện dấy lên phong trào "kháng chiến hóa" trong nhân dân. Công tác rào làng kháng chiến, phát triển lực lượng dân quân du kích, rèn sắm vũ khí, huấn luyện vũ trang, giáo dục ý thức quân sự hóa cho nhân dân, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu có hiệu quả được tiến hành khẩn trương sâu rộng, nhất là ở những vùng xung yếu như các vùng sát quốc lộ 1A, vùng biển, nơi đông người qua lại, khu tập trung dân cư, các vùng trọng điểm kinh tế, chính trị,quân sự, trường học, chợ, bến đò... việc đào hào giao thông, làm hầm trú ẩn, hầm bí mật nhằm bảo vệ cán bộ, cất giấu tài sản tài liệu kháng chiến được xúc tiến tích cực. Bên cạnh đó, việc tuần tra canh gác phòng gian, phản gián, ý thức cảnh giác cách mạng với khẩu hiệu “3 không” (không biết, không nghe, không thấy) khi gặp những người lạ mặt dò la càng được nêu cao, thường xuyên, không kể ban ngày hoặc ban đêm. Những cuộc tập quân sự, tập đánh trận giả, huấn luyện sơ tán tại các địa phương đi vào tổ chức có nề nếp./.

Minh Hiếu - Trung tâm VHTTTT&DL

(Theo Lịch sử đảng bộ và phong trào cách mạng của nhân dân huyện Hoằng Hóa (1930-2015); NXB Sự Thật 2017)

 

 

 

 

Truy cập
Hôm nay:
4268
Hôm qua:
8140
Tuần này:
30293
Tháng này:
12408
Tất cả:
11761340