QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII
 ------------------------------------------

                                                                        

I. TÊN GỌI DI TÍCH

Căn cứ Quyết định số 161 VHQĐ ngày 20 tháng 4 năm 1994 của Sở Văn hóa và Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa) quyết định về việc công nhận di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, di tích có tên gọi là Đền thờ và mộ Lê Duy Hàn (Tức Nguyễn Hàn – Tiến sĩ – Hộ bộ Thượng thư triều Lê).

Gọi như vậy bởi đây là nơi thờ tự và an táng của Tiến sĩ Lê Duy Hàn (còn gọi là Nguyễn Hàn). Ngoài tên gọi ở trên, di tích không còn tên gọi nào khác.

II. ĐỊA ĐIỂM PHÂN BỐ, ĐƯỜNG ĐI ĐẾN DI TÍCH

1. Địa điểm di tích:

Hiện nay di tích thuộc làng Đồng Lòng, xã Hoằng Tân, huyện Hoằng Hóa.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí huyện Hoằng Hóa thời Đinh, Tiền Lê gọi là giáp Cổ Hoằng, đời Lý Thiên Tư Gia Thụy đổi làm giáp Cổ Đằng; đời Trần Hưng Long đổi làm huyện Cổ Đằng; nhà Nhuận Hồ đổi làm Cổ Linh; thời thuộc Minh lại là Cổ Đằng, lệ vào phủ Thanh Hóa. Đời Lê Thánh Tông năm Quang Thuận 10 (1469) đặt làm huyện Hoằng Hoá thuộc phủ Hà Trung. Các triều đều theo thế. Năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) do phân phủ kiêm lý, lại trích đất hai tổng Lỗ Hương và Dương Sơn và 3 xã Bái Xuyên, Hà Thủy và Trung Tiết của tổng Bút Sơn, cùng với tổng Đại Lý (huyện Hậu Lộc) cho lệ vào huyện Mỹ Hóa; năm Tự Đức thứ 3 lại nhập Mỹ Hóa vào Hoằng Hóa kiêm lý.

Năm 1924 bỏ huyện Mỹ Hoá, trả lại các tổng xã như đầu đời Minh Mệnh. Địa giới Hoằng Hóa ổn định từ đây.

Theo sách Đồng Khánh Dư địa chí1, đầu thế kỷ XIX tổng Bái Trạch2, huyện Hoằng Hóa, phủ Hà Trung. có 27 xã thôn, trong đó có xã Đồng Lộng,

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tên huyện Hoằng Hóa vẫn giữ nguyên.

Từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945 đến những năm đầu thế kỷ XXI, tên gọi cũng như các đơn vị hành chính của Hoằng Hóa có nhiều thay đổi. Chính quyền cách mạng bỏ đơn vị hành chính cấp trung gian là tổng, các làng, các thôn vẫn giữ nguyên nhưng không phải là đơn vị hành chính cấp cuối cùng trong hệ thống hành chính ở nước ta, mà đơn vị hành chính chính thức là cấp xã. Trên cơ sở đó, toàn huyện Hoằng Hóa được chia làm 54 xã mới. Năm 1947, huyện Hoằng Hóa tháp nhập thành 12 xã lớn, trong đó có xã Liên Châu. Đến cuối năm 1954, xã Liên Châu lại được chia thành 2 xã gồm Hoằng Châu và Hoằng Phong.

Cuối năm 1953, trước khi tiến hành cải cách ruộng đất ở Miền Bắc, Hoằng Châu lại chia ra 2 xã nhỏ gồm Hoằng Châu và Hoằng Tân.

Hoằng Tân nằm về phía tây nam huyện Hoằng Hóa, cách trung tâm tỉnh lỵ Thanh Hóa khoảng 18 km về phía tây. Hiện nay, Hoằng Tân gồm 5 làng là Trung Hòa, Cẩm Trung, Bột Trung, Cẩm Vinh và Đồng Lòng.

Về địa lý xã Hoằng Tân phía đông giáp xã Hoằng Châu; phía tây giáp xã Hoằng Trạch; phía nam giáp sông Mã; phía bắc giáp hai xã Hoằng Châu và Hoằng Trạch.

2. Đường đi đến di tích:

Từ trung tâm thành phố Thanh Hoá theo quốc lộ 1A đi về h­­ướng Bắc qua cầu Hoàng Long, rẽ phải 300m đến đường đê phía tả ngạn sông Mã thuộc địa phận xã Hoằng Quang. Từ đó đi dọc theo đường này khoảng 12km đến địa phận xã Hoằng Trạch, từ đây rẽ trái khoảng 1km đến đường liên xã tiếp tục rẽ phải khoảng 2 km là đến làng Đồng Lòng. Từ trung tâm làng đi theo về phía nam khoảng 1km là đến di tích. Các phương tiện ô tô, xe máy đi lại đều thuận tiện.

III. PHÂN LOẠI DI TÍCH

Đền thờ và Mộ Lê Duy Hàn thuộc loại di tích lịch sử.

IV. SỰ KIỆN, NHÂN VẬT LỊCH SỬ, ĐẶC ĐIỂM CỦA DI TÍCH:

Từ xưa, Thanh Hóa đã nổi tiếng là vùng đất có tinh thần hiếu học, trân trọng đào tạo nhân tài và khuyến khích việc học hành, thi cử. Cũng từ truyền thống ấy mà nhiều vùng đất học hành, khoa bảng đã ra đời và làm rạng danh quê hương. Trong những vùng đất học, đất khoa bảng xứ Thanh, huyện Hoằng Hóa vẫn luôn là cái tên chói sáng, lắm người đỗ đạt, nhiều người thành danh, thành tài. Trong thời thịnh trị của nhà Lê, Hoằng Hoá có nhiều người đỗ đạt cao, trong đó có Lê Duy Hàn đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu (1481).

Tra cứu trong sử sách và các tài liệu như: Các nhà khoa bảng Việt Nam; Hồ sơ Tiến sỹ Văn Miếu Quốc Tử giám Hà Nội, Danh nhân Hoằng Hóa…… đều có chép về thân thế sự nghiệp của Tiến sĩ Lê Duy Hàn. Sách Các nhà khoa bảng Việt Nam cho biết, ông sinh năm 1957, người xã Bái Cầu, huyện Hoằng Hóa – tỉnh Thanh Hóa. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu niên hiệu Hồng Đức 12 (1481) đời Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Hiến sát sứ1. LHĐK (Liệt huyện đăng khoa bị khảo) chép đỗ năm 23 tuổi.

Hiện nay sử sách ghi chép về Lê Duy Hàn còn thiếu sót khá nhiều. Căn cứ vào gia phả họ Lưu - Trịnh tại thôn Liên Châu (xã Hoằng Châu) tổ tiên dòng họ Lê vốn là họ Lưu, có quê gốc ở trấn Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên). Dòng họ này nổi tiếng với nhiều người đỗ đạt làm quan to, thời Lê sơ có ông Lưu Khắc Châu làm quan đến chức Thượng thư bộ Binh, ban tặng tước Thanh Cẩm quận công được ban quốc tính họ Lê. Quê gốc ở trấn Thái Nguyên, sau dời về huyện Lôi Dương. Đến đời ông Chính Đạo, con ông Lưu (Lê) Khắc Châu mới chuyển từ Lôi Dương về xứ Ngoại Lang (thôn Ngoại, xã Hà Đồ1, huyện Hoằng Hoá). Tiếp đến ông Lê Hảo Đạo sinh ra ông Lê Duy Hàn (năm 1459).

Đến đầu thế kỷ XVI, triều Lê suy vi, Mạc Đăng Dung lộng quyền, lấn át vua, trong triều, ngoài nội xôn xao, tầng lớp trí thức ngả nghiêng dao động, tình hình Bắc triều vô cùng phức tạp, chính sự rối ren, chiến tranh xảy ra liên miên, dân tình điêu đứng, ông đã từ quan về ở xã Đồng Lộng, tổng Bái Trạch (nay là làng Đồng Lòng thuộc xã Hoằng Tân). Ông đã đổi ra họ Nguyễn và lập nên dòng họ lớn ở đây. Vì thế con cháu của ông sau này đều mang họ Nguyễn.

Từ khi trở về sống tại vùng đất làng Đồng Lòng, ông đã bỏ nhiều tiền của, công sức giúp đỡ dân làng. Do vậy để ghi nhớ công lao và  tôn vinh tài năng phẩm hạnh của ông, khi mất phần mộ và đền thờ của ông được lập tại làng Đồng Lòng, xã Hoằng Tân hiện nay.

Đền thờ và mộ Tiến sĩ Lê Duy Hàn được làm theo kiểu “thượng sàng hạ mộ” (trên là nơi thờ, dưới là mộ).

V. SINH HOẠT VĂN HÓA, TÍN NGƯỠNG LIÊN QUAN ĐẾN DI TÍCH

Hiện nay, Đền thờ và Mộ Lê Duy Hàn là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh của con cháu dòng họ nói riêng và nhân dân trong làng nói chung. Hàng năm vào dịp mùng 10 tháng 02 âm lịch chính quyền địa phương phối hợp với dòng họ tổ chức lễ hội để tưởng nhớ đến Tiến sĩ Lê Duy Hàn. Từ chiều ngày mùng 9, các cụ cao niên trong dòng họ đã tiến hành tổ chức sắm sửa lễ vật tế lễ tại Đền. Sáng ngày mùng 10 chính quyền địa phương cùng với dòng họ tổ chức tế lễ. Trong những dịp này con cháu trong dòng họ, bà con nhân dân địa phương và khách thập phương tới dâng hương rất đông với lòng thành kính, cầu mong thần ban cho những điều tốt đẹp với gia đình, dòng họ, quê hương.

Ngoài lễ hội được tổ chức ngày mùng 10 tháng 2 hàng năm, vào những ngày sóc vọng (mùng 1 và 15 Âm lịch hàng tháng) nhân dân trong làng và con cháu trong dòng họ thường đến Đền thờ và Mộ Lê Duy Hàn để thắp hương cầu mong được sự che chở, giúp đỡ của các vị thần thành hoàng làng cho quốc thái dân an, gia đình gặp nhiều may mắn.

VI. KHẢO TẢ DI TÍCH

Hiện nay, Đền thờ và Mộ Lê Duy Hàn được xây quay mặt hướng Nam, trên thửa đất số 120 với diện tích hơn 261.4m2.

1. Về niên đại: Theo các cụ cao niên trong dòng họ cho biết thì sau khi Tiến sĩ Lê Duy Hàn mất, thi hài ông được an táng tại đây.

Theo lời kể của các cụ cao niên trong họ, ban đầu đền thờ được làm lộ thiên bên trên ngôi mộ làm nơi thờ tự theo kiểu “Thượng sàng hạ mộ”. Hàng năm làng Đồng Lòng thường tổ chức lễ hội ở đình làng và tổ chức thường rước kiệu đi quanh làng. Một lần làng rước kiệu qua đây lạ thay đoàn rước kiệu bỗng dưng không đi được, thấy lạ nhân dân trong làng cho rằng có quan ở ẩn nên đã xin rước bát hương về thờ trong đình, sau đó thì lập nên ngôi đền 3 gian để thờ ông.

Đến khoảng những năm 1959 - 1960 ngôi đền bị phá, các vật liệu bị mang đi làm các công trình công cộng, ngôi đền chỉ còn là phế tích. Năm 1983 con cháu trong dòng họ lập một bàn thờ lộ thiên để thờ.

Năm 2000, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và con cháu trong dòng họ đã đóng góp để xây dựng đền thờ như hiện nay.

2. Về quy mô cấu trúc:

Hiện nay, từ ngoài vào trong di tích gồm có các công trình: Cổng, Sân, và Đền thờ.

- Cổng: Có kích thước rộng 1,9m gồm 2 cột trụ vuông xây bằng gạch, xi măng. Mỗi cột trụ có kích thước cao 2,3m; rộng 0,45m x 0,45m.

Ngăn cách bên trong với bên ngoài cổng là các cánh cửa làm bằng sắt kẽm kiểu cửa cuốn hoa gồm 2 cánh.  

Từ ngoài cổng vào sân là lối đi rộng 1,7m, dài 70m, lát gạch đỏ (40cm x 40cm.

- Sân: Qua lối đi từ ngoài vào là sân đền hình chữ nhật, lát gạch bát màu đỏ (40cm x 40cm), diện tích 124,25m2 (chiều dài 5,5m, chiều rộng 6,2m). Trước  sân phía trước đền xây bức bình phong kiểu cuốn thư, kích thước dài 2,96m, cao 1,8m. Giữa cuốn thư đắp hình chữ Thọ tròn, hai bên đắp 2 con chim phượng. Đầu hai cuốn thư đắp đôi câu đối bằng chữ quốc ngữ:

“Nhân nghĩa vẹn tình ngời đạo lý

Hiếu trung trọn đạo đẹp luân thường”

- Đền thờ: Được xây theo hướng Nam, kiến trúc hình chữ Đinh (J) gồm 3 gian Tiền đường và 1 gian Hậu cung.

+ Tiền đường: nằm dọc so với toàn bộ khuôn viên của di tích. Tường được xây bằng gạch, xi măng theo kiểu bê tông cuốn vòm chồng diêm hai tầng mái. Diện tích 18,15m(chiều dài 5,5m, chiều rộng 3,3m). Gian giữa rộng 2m, hai gian bên rộng 1,75m. Phía trước của Tiền đường là hệ thống cửa đi gồm 3 cửa theo kiểu cuốn vòm. Cửa giữa có kích thước chiều cao là 1,9m, rộng 1, 2m; hai cửa bên được làm bằng nhau, có kích thước nhỏ hơn cửa giữa, chiều cao 1,9m, chiều rộng 0,9m. Các cánh cửa được làm bằng gỗ theo kiểu cửa bức bàn. Hai bên đầu tường ngoài phía trước đắp tượng phù điêu hai pho tượng hộ pháp cao 1,73m, rộng 0,97m. Nền nhà lát gạch bát màu đỏ (25cm x 25cm). Phía trên đổ trần cuốn vòm cao 4,2m, phía ngoài là 2 tầng mái dán ngói vẩy. Mái dưới gồm 4 mái, các đầu đao được đắp uốn cong theo kiểu hình mũi thuyền, bên trên đắp hình thủy quái. Mái trên được xây theo kiểu tường hồi bít đốc, hai mái được dán ngói vẩy. Phần cổ diêm giữa hai mái được chia thành 3 ô hình chữ nhật, đắp phù điêu trang trí. Ô giữa đắp hình cuốn thư, hai bên đắp hai hình chim phượng. Bờ nóc đắp vữa theo kiểu truyền thống, ở giữa đắp hình “lưỡng long chầu nhật”, hai đầu hồi của bờ nóc đắp đấu bát.

+ Hậu cung: Có diện tích 10,56m (chiều dài 3,3m, chiều rộng 3,2m), nằm ngang nối với nhà Tiền đường ở gian giữa.

Hậu cung cũng được xây theo kiểu cuốn vòm chồng diêm hai tầng mái, mỗi tầng gồm hai mái nằm dọc theo ngôi nhà, các mái đều được dán ngói vẩy. Hai bên cổ diêm giữa hai tầng mái được chia thành 3 ô hình chữ nhật, bờ nóc đắp vữa theo kiểu truyền thống, hai đầu hồi của bờ nóc đắp đấu bát.

Từ ngoài Tiền đường vào Hậu cung bằng 3 cửa cuốn vòm có kích thước rộng 0,6m; cửa giữa cao 1,9m, hai cửa bên cao 1,8m.

3. Về hệ thống thờ tự:

Hiện nay Đền thờ và mộ Lê Duy Hàn được bố trí thờ tự như sau:

- Nhà Tiền đường: Ở gian giữa đặt một bát hương đồng và hai hạc đồng loại lớn. Hai gian bên đặt hai con ngựa gỗ.

- Nhà Hậu cung: gồm có một hương án và hai bệ thờ.

+ Trên hương án gỗ các đồ thờ gồm có 1 bát hương bằng sứ, 3 đài chén, 2 chân nến, 2 hạc chầu, 1 lư hương.

+ Bệ thờ phía dưới: đặt bát hương, mâm triện, đài chén, mâm bồng.

+ Bệ thờ phía trên (giáp tường): đặt khám thờ và 1 pho tượng bằng gỗ và một số đồ thờ khác như: bát hương, ống hương, hộp đựng sắc phong…

VII. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA, KHOA HỌC, THẨM MỸ CỦA DI TÍCH:

- Giá trị về lịch sử: Sự tồn tại của ngôi đền thờ và mộ phần nào đã cho chúng ta thấy được vị trí, diện mạo ít nhiều của di tích đã có nguồn gốc từ lâu đời. Qua dặm dài lịch sử, Đền thờ và Mộ Lê Duy Hàn đã từng đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng làng xã. Và hôm nay cho dù ngôi đền mới được xây dựng lại, những hiện vật cũ đã bị mất mát đi nhiều do sự biến động của thời gian, nhưng đối với cộng đồng dân cư làng Đồng Lòng nói riêng và xã Hoằng Tân nói chung Đền thờ và Mộ Lê Duy Hàn vẫn là một thực thể sống động trước mắt, cần được bảo tồn những giá trị vốn có từ xưa đến nay.

- Giá trị về văn hoá: ­Di tích Đền thờ và mộ Lê Duy Hàn là nơi thờ tự vị quan tài năng phẩm hạnh, người đã có công giúp dân, được nhân dân tôn thờ. Sự tồn tại của di tích đã phản ánh nhu cầu về đời sống tâm linh của cộng đồng dân cư vùng đất Hoằng Tân rất đa dạng và phong phú. Vì thế nơi đây trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh của nhân dân trong làng nói riêng và quanh vùng nói chung, thể hiện truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt từ xưa tới nay.

- Giá trị về khoa học, thẩm mỹ: Đền thờ và mộ Lê Duy Hàn là di tích lịch sử mới được phục hồi, tôn tạo lại trên nền đất cũ. Tuy quy mô kiến trúc của di tích không lớn lắm nhưng đã góp phần cung cấp thêm những tư liệu nghiên cứu liên quan đến vị Tiến sĩ Lê Duy Hàn nói riêng và qua đó khẳng định được vai trò và sự ảnh hưởng to lớn của ông đối với làng Đồng Lòng nói riêng và vùng đất Hoằng Tân nói chung. Đồng thời, thông qua hệ thống thờ tự và các sinh hoạt văn hóa tâm linh tại di tích cũng cho chúng ta biết thêm được hình thức thờ tự theo truyền thống của người Việt từ xưa đến nay.

Với những giá trị nêu trên, Đền thờ và mộ Lê Duy Hàn đã được Sở Văn hóa – Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa) công nhận di tích là lịch sử, văn hóa tại Quyết định số 161 VHQĐ ngày 20 tháng 4 năm 1994.

Với những giá trị nêu trên, đây là di tích có giá trị nghiên cứu trên nhiều phương diện lịch sử, văn hoá, mỹ thuật... Vì vậy, Đền thờ và Mộ Lê Duy Hàn là di tích lịch sử cần được bảo vệ và phát huy giá trị.

VIII. THỰC TRẠNG BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH:

Đền thờ và Mộ Lê Duy Hàn là di tích mới được phục dựng trên nền đất cũ vào năm 2000. Hiện nay di tích đang được con cháu trong dòng họ cùng nhân dân trong làng và các cấp chính quyền địa phương quan tâm, gìn giữ và bảo vệ rất tốt.

Chính quyền và nhân dân làng Đồng Lòng đã bầu ra Ban quản lý di tích để bảo vệ, phục vụ nhân dân trong làng nói riêng và quanh vùng nói chung.

IX. PHƯƠNG HƯỚNG BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH:

Để việc bảo vệ và phát huy tốt giá trị của di tích, cần phải thực hiện phương án bảo vệ và sử dụng di tích với các nội dung sau:

- Sau khi di tích đư­ợc cấp đổi bằng xếp hạng, Ban quản lý di tích ở địa phương cần phối hợp với các cơ quan chuyên môn và các ban nghành có liên quan tiến hành cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ di tích theo quy định của Luật di sản Văn hóa;

- Thực hiện đúng luật phân vùng và bảo vệ nguyên bản đất đai của khu di tích như: các khu vực bất khả xâm phạm, khu vực cảnh quan thiên nhiên của di tích... 

X. KẾT LUẬN

Di tích lịch sử Đền thờ và Mộ Lê Duy Hàn (tức Nguyễn Hàn – Tiến sĩ – Hộ bộ Thượng thư triều Lê) được nhân dân và chính quyền Xã Hoằng Tân, UBND huyện Hoằng Hóa thống nhất tại tờ trình số 85/TTr-UBND ngày 21/6/2019 đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Thanh Hóa xem xét lập lại hồ sơ khoa học di tích đề nghị UBND tỉnh cấp đổi bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh Đền thờ và mộ cụ Lê Duy Hàn, xã Hoằng Tân.

Căn cứ vào Luật Di sản văn hoá năm 2011, sửa đổi năm 2009 của nước CHXH chủ nghĩa Việt Nam và xuất phát từ nội dung, ý nghĩa lịch sử của di tích, chính quyền địa phương thống nhất với cơ quan chuyên môn cấp tỉnh lập hồ sơ khoa học và các thủ tục pháp lý bổ sung cần thiết trình UBND Tỉnh ra quyết định và cấp lại bằng xếp hạng Đền thờ và Mộ Lê Duy Hàn (tức Nguyễn Hàn – Tiến sĩ – Hộ bộ Thượng thư triều Lê)là di tích lịch sử cấp Tỉnh, nhằm bảo tồn và sử dụng hiệu quả những giá trị của di tích, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá của dân tộc./.

 Một số hình ảnh về Di tích:

1.jpg
Đường đến Di tích
2.jpg
Cổng vào Di tích
3.jpg
Phía trước đền thờ
4.jpg
Bình phong
5.jpg
Phía trước hậu cung
6.jpg
Hệ thống thờ tự
7.jpg
Mộ

Truy cập
Hôm nay:
2897
Hôm qua:
22418
Tuần này:
2897
Tháng này:
137230
Tất cả:
16273602