QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII
 Địa danh huyện thay đổi qua nhiều thời kỳ lịch sử. Thời Đinh - Tiền Lê gọi là giáp Cổ Hoằng; thời Lý - Trần gọi là Cổ Đằng; thời nhà Hồ đổi là huyện Cổ Linh; thời thuộc Minh lại gọi là huyện Cổ Đằng. Đến thời Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức thứ nhất (1469) đổi là huyện Hoằng Hóa. Thời Gia Long (đầu thế kỷ XIX), Hoằng Hóa có 7 tổng gồm: phía Bắc có các tổng Lỗ Đô (sau đổi thành Lỗ Hương), Dương Sơn; vùng giữa và phía Nam có các tổng Từ Minh (sau đổi là Từ Quang), Bút Sơn, Hành Vĩ, Bái Câù (sau đổi là Bái Trạch); vùng biển là tổng Kim Xuyết (sau đổi là Ngọc Chuế). Dưới triều Minh Mệnh thứ 19 (1838), một số làng thuộc tổng Dương Sơn được cắt ra cùng với một số làng thuộc tổng Đại Ly ở huyện Hậu Lộc hợp thành tổng Dương Thủy và lập nên huyện Mỹ Hóa gồm 3 tổng là Lỗ Đô, Dương Sơn, Dương Thủy do huyện Hoằng Hóa kiêm nhiếp. Lúc này Hoằng Hóa thuộc phủ Hà Trung. Đầu thế kỷ XX (1924), huyện Mỹ Hóa giải thể, cả ba tổng trên nhập về Hoằng Hóa và Hoằng Hóa được gọi là phủ, gồm 8 tổng là Lỗ Hương, Dương Sơn, Dương Thủy, Từ Quang, Bút Sơn, Bái Trạch, Hành Vỹ, Ngọc Chuế.

Lỵ sở huyện thời Lý - Trần đóng ở Cổ Đằng (Hoằng Đạo); thời Lê đóng ở Quan Nội (Hoằng Anh), thời Nguyễn đóng ở Bút Sơn (Hoằng Phúc).

 Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cấp phủ giải thể, Hoằng Hóa được gọi là huyện. Năm 1946, sau bầu cử Quốc hội khóa I, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), huyện Hoằng Hóa được lập thành 54 đơn vị hành chính cơ sở. Tiếp theo qua nhiều lần điều chỉnh điạ giới, đến kết thúc kháng chiến chống Pháp, hòa bình lập lại ở miền Bắc, thực hiện cải cách ruông đất năm 1954, Hoằng Hóa được cơ cấu lại các đơn vị hành chính cơ sở gồm 46 xã. Năm 1956, sau cải cách ruộng đất một đơn vị hành chính là xã Hoằng Hải ở vùng biển được chia cách thành 2 xã là Hoằng Hải và Hoằng Trường, đưa tổng số đơn vị hành chính cơ sở của huyện Hoằng Hóa lên 47 xã. Trong đó, vùng phía Bắc thuộc tả ngạn sông Mã và sông Tuần có 17 xã là: Hoằng Khánh, Hoằng Xuân, Hoằng Giang, Hoằng Phượng, Hoằng Hợp, Hoằng Lý, Hoằng Quỳ, Hoằng Phú, Hoằng Quý, Hoằng Kim, Hoằng Trung, Hoằng Sơn, Hoằng Trinh, Hoằng Lương, Hoằng xuyên, Hoằng Cát, Hoằng Khê. Vùng giữa và phía nam thuộc tả ngạn sông Mã, hữu ngạn sông Tuần có 22 xã là Hoằng Quang, Hoằng Long, Hoằng Anh, Hoằng Minh, Hoằng Đức, Hoằng Phúc, Hoằng Đạt, Hoằng Hà, Hoằng Đồng, Hoằng Vinh, Hoàng Thịnh, Hoằng Thái, Hoằng Lộc, Hoằng Đại, Hoằng Thành, Hoằng Trạch, Hoàng Tân, Hoằng Châu, Hoằng Phong, Hoằng Lưu, Hoằng Thắng , Hoằng Đạo. Vùng biển phía đông sông Cung có 8 xã là: Hoằng Trường, Hoằng Yến, Hoằng Hải, Hoằng Tiến, Hoằng Ngọc, Hoằng Đông, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ. Đến năm 1977, theo chủ trưởng của trên trong thời kỳ quy hoạch sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, vùng biển lập thêm một xã mới có tên là xã Hoằng Ngư gồm một phần xã Hoằng Yến và một phần xã Ngư Lộc huyện Hậu Lộc, được chuyển sang sáp nhập tại sườn phía Bắc núi Trường (nay là thôn 1 xã Hoằng Yến). Năm 1987, do không phù hợp điều kiện sản xuất, lưu thông, phân phối nên xã Hoằng Ngư giải thể, Hoằng Hóa trở lại 47 xã như cũ. Tháng 9 năm 1989, đáp ứng nhu cầu đổi mới, Hoằng Hóa lập thị trấn Bút Sơn ở huyện lỵ, gồm một phần đất được cắt ra từ các xã Hoằng Phúc, Hoằng Đức, Hoằng Đạo, Hoằng Vinh; tháng 12 năm 2003 lập tiếp thị trấn Tào Xuyên gồm một phần đất các xã Hoằng Long, Hoằng Lý, Hoằng Anh hợp lại. Thực hiện Quyết định số 05/CP-Ttg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28 tháng 02 năm 2012, nhằm mở rộng, nâng cấp thành phố Thanh Hóa trong thời kỳ mới, tháng 7 năm 2013, Hoằng Hóa chuyển đi 6 đơn vị hành chính cơ sở nhập về thành phố Thanh Hóa gồm các xã: Hoằng Đại, Hoằng Quang, Hoằng Long, Hoằng Lý, Hoằng Anh và thị trấn Tào Xuyên. Hoằng Hoá còn 42 xã và 01 thị trấn Bút Sơn với tổng diện tích tự nhiên của huyện là 19.612,2 ha, dân số 226.685 người (số liệu năm 2015).

Đến năm 2019, huyện Hoằng Hóa có diện tích tự nhiên là 20.380,2ha; dân số 230.625 người, chia thành 43 đơn vị hành chính cấp xã (42 xã và 1 thị trấn).

Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.

Theo đó, trong năm 2019, huyện Hoằng Hóa sắp xếp 11 đơn vị hành chính cấp xã gồm: Hoằng Xuân, Hoằng Khánh, Hoằng Sơn, Hoằng Lương, Hoằng Xuyên, Hoằng Khê, Hoằng Minh, Hoằng Đức, Hoằng Phúc, Hoằng Vinh và thị trấn Bút Sơn thành 5 đơn vị hành chính mới.

Cụ thể, nhập nguyên trạng xã Hoằng Phúc, Hoằng Vinh vào thị trấn Bút Sơn và lấy tên gọi chung là thị trấn Bút Sơn. Hai xã nằm phía Bắc giáp sông Lạch Trường là Hoằng Đức và Hoằng Minh sáp nhập lại, lấy tên gọi chung là Hoằng Đức. Xã Hoằng Xuyên nhập vào xã Hoằng Khê, lấy tên gọi chung là Hoằng Xuyên. Xã Hoằng Sơn nhập với xã Hoằng Lương, lấy tên gọi chung là Hoằng Sơn. Xã Hoằng Khánh nhập với xã Hoằng Xuân, lấy tên gọi chung là Hoằng Xuân.

Sau khi sáp nhập, huyện Hoằng Hóa sẽ còn 37 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 36 xã và 1 thị trấn.

Như vậy, xét về mặt vị trí địa lý, huyện Hoằng Hóa có những sự biến đổi địa giới đơn vị hành chính cơ sở theo các thời kỳ và thời điểm lịch sử, tuy nhiên về tổng thể Hoằng Hóa cơ bản là đơn vị hành chính cấp huyện có địa giới ổn định, ít biến động vì sự chia tách.

Phía Bắc huyện giáp Hậu Lộc; phía Tây - Nam giáp thành phố Thanh Hóa; phía Tây - Bắc giáp huyện Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc, Hà Trung; phía Nam giáp thị xã Sầm Sơn; phía Đông là biển.

Hoằng Hóa là vùng đất có cả sông, núi và biển.

Hai sông lớn chảy qua Hoằng Hóa là sông Mã ở phía Tây và sông Tuần ở giữa huyện.

Sông Mã từ Ngã Ba Bông (Hoằng Khánh) đến Lạch Trào (Hoằng Châu) làm ranh giới huyện với thành phố Thanh Hóa và thành phố Sầm Sơn. Ngoài giao thông thuận tiện đi từ miền xuôi lên miền ngược tỉnh Thanh, hàng năm sông Mã còn bồi đắp một lượng phù sa mầu mỡ cho đồng bằng Hoằng Hóa.

Sông Tuần ở giữa huyện, theo các tài liệu lịch sử thì xưa kia sông Mã có dòng chảy đến Tào Xuyên rồi đổ về Lạch Trường ra biển. Nhưng đến thế kỷ thứ XIV, do một biến cố bởi hàng chục bè gỗ lim bị cạn nằm chắn lòng sông ở Tào Xuyên, làm cho sông Mã bị tắc dòng phải chảy qua Hàm Rồng đổ về cửa Lạch Hới (tức Lạch Trào) để lại dòng chảy về Lạch Trường chỉ là sông nhánh, có tên gọi là sông Tuần. Đoạn đầu sông Tuần thường gọi là sông Tào, đoạn giữa gọi là sông Bút, đoạn cuối là sông Ngu. Dân gian đã có câu:

“Sông Tuần một dải dài ghê

Thuyền đi tấp nập, thuyền về sao giăng”

Ngoài ra, vùng phía Đông huyện còn có sông Cung do thủy triều lên xuống ở hai cửa lạch, chảy thành vòng cung ôm lấy 8 xã miền biển, là tuyến vận tải hàng hải kín đáo qua biển Đông, và là nơi sinh trưởng của nhiều loại thủy, hải sản nước lợ có giá trị.

Trong lòng huyện ở một vài vùng còn có thêm một vài khúc sông nhỏ như sông Trà, sông Ấu, sông Gòng, sông Đằng, sông Rọc… chảy qua mỗi địa phương giúp ích cho việc tưới tiêu thuận lợi trong vùng.

Núi ở Hoằng Hóa có hai dãy chính thuộc hai tuyến biên giới huyện.

Dãy Kim Trà theo hình vòng cung ở phía Tây - Bắc làm ranh giới với huyện Vĩnh Lộc, Hà Trung, Hậu Lộc. Núi lan ra phía Đông tận Quốc lộ 1A gọi là núi Nghĩa Trang (tức Sơn Trang). Đỉnh cao nhất của núi này gần 800m. Sử cũ ghi rằng: “Ái Châu có nhiều ngọn núi gần biển, duy chỉ có núi Nghĩa Trang là cao hơn cả. Thuyền đi biển trông vào đấy để làm mốc”[1]. Người xưa đã từng nói “Trà sơn ngư tác biểu” (nghĩa là dân ngư nghiệp lấy núi Sơn Trang làm mốc đi về). Trên đỉnh Sơn Trang có 3 chiếc ao quanh năm nước trong xanh không khi nào cạn, nuôi dưỡng một loài cá thường gọi là cá Bắc Đẩu. Người xưa có thơ rằng:

“Sơn Trang sơn thế tối thanh kỳ

Nhất lĩnh toàn ngoan tiếp thái vi

Vũ lộ bất giao thiên chiểu hạc

Tuyết sương hằng chí Đẩu ngư phì

Hoàng Công duy cảo sơn nam nhận

Lương thị tiên sinh thạch bất di

Hoa huyện trấn sơn long đệ nhất

Đăng lâm phương giáp chúng phong đê”

Dịch:

Thế núi Sơn Trang đẹp tuyệt vời

Chon von một ngọn tiếp sao trời

Vắng mưa chẳng để ao trời cạn

Sương tuyết luôn cho cá Đẩu tươi

Di cảo Hoàng Công non khó biết

Mộ xưa Lương thị đá không rời

Sơn Long cao nhất trong Hoa huyện

Núi khác xem ra thấp cả rồi”

Dãy Kim Chuế ở phía Đông - Bắc giáp biển Đông, đối bờ với sông Ngu và động Y Bích ở Hậu Lộc. Núi Kim Chuế có tên là núi Linh Trường, tục gọi là núi Hà Rò, làm ranh giới với Hậu Lộc, chạy từ xã Hoằng Yến qua Hoằng Hải, Hoằng Trường rồi ăn lan ra biển, đỉnh cao nhất 205m. Đây là đồn tiền tiêu quan trọng của tỉnh và cũng là nơi có cảnh trí thiên nhiên đẹp, gắn liền với chiến tích của con người. Sông liền núi, núi liền sông chạy dài ra biển cả với bảy ngọn dựng lên một bức trường thành phía Bắc 8 xã vùng biển, có chỗ trông như hình dáng bò mẹ, bò con. Sách ghi là “Hoàng Ngưu mẫu tử phong” tức núi Bò. Nhấp nhô trong sóng bạc, một ngọn lớn nổi lên giống như một mũi giãy mà bản đồ địa lý Việt Nam gọi là Mũi Hài (Hài Tỵ phong). Năm 1470, Lê Thánh Tông du tuần tại đây đã có thơ đề “Linh Trường Hải khẩu” (cửa biển Lạch Trường) và bài tựa có đoạn: “Bên cạnh núi là biển, núi xanh cao vút, hình núi dị kỳ đứng sững ở cửa biển, chân núi có động sâu thẳm không cùng, tương truyền đấy là miệng Rồng, ngoài cửa động có viên đá như hình cái mũi, tương truyền đấy là mũi Rồng, dưới núi mọc lên một viên đá tròn nhẵn, tương truyền đấy là hạt Ngọc, đá lớn lô nhô rất nhiều hình thái, chỗ thưa, chỗ dày, không thể đếm được, tương truyền đấy là râu Rồng”.

Đứng ở độ cao 200 mét của núi Linh Trường, phóng tầm mắt có thể bao trọn cả một vùng 12 km bờ biển trải dài từ cửa Lạch Trường đến tận cửa Lạch Trào nơi sông Mã đổ ra biển Đông. Bao trùm lên các bãi cát là những rặng phi lao ngút ngàn che chở cho ngư dân làng chài tồn tại bên những cánh đồng lúa, đồng màu. Nhìn phía Bắc là những cánh đồng muối trắng xóa của làng Vích (Hậu Lộc), những bãi nuôi ngao, gợi nhớ một thời, xưa kia là thương cảng sầm uất, nơi giao lưu buôn bán giữa người Việt, người Hoa và người Ấn đã được ghi lại trong cuốn “An Nam tức sự” về cảnh tượng sầm uất của thương cảng này: “Các phiên thuyền ở hải  ngoại tụ tập ở đấy, họp chợ ngay trên thuyền rất đông thật là một thị trấn lớn”. Trước đó nữa, nhìn về phía Hậu Lộc là thành Dư Phát ghi chiến công oanh liệt của Hai Bà Trưng thế kỷ I, của Nguyễn Đa Phương thế kỷ XIII trong chiến trận đánh thắng giặc ngoại xâm.

Rải rác trong lòng huyện còn vài ngọn núi không cao quá 200 m như núi Triêng (tức Trinh Sơn ở Hoằng Giang), núi Bưng (tức Băng Sơn ở Hoằng Sơn) và núi Đẻn ở Hoằng Trinh…

Riêng núi Ngọc ở đầu cầu Hàm Rồng (xã Hoằng Long nay thuộc thành phố Thanh Hóa) tức núi Hỏa Châu, một ngọn núi nhỏ, tròn như người xếp đá, cao khoảng 100 m, trông xa tựa một hòn Ngọc nhả ra từ miệng rồng thuộc dãy Long Hạm uốn khúc bên kia sông Mã. Trên núi Ngọc có một phiến đá giống hình một vị tiến sĩ và dưới chân núi lại mọc tách ra một tảng đá giống hình trẻ con đứng thẳng, có tên là “Đá Thần Đồng”. Người xưa thường gọi là núi Nít [2]. Nơi đây có chùa Đồng, tháp Bút nên còn có tên là núi Bút. Sách “Hoằng Hóa phong vật” viết về vùng này: “Từ phía Đông Nam nhìn về lại giống như ngọn Bút sừng sững cho nên thường gọi là Bút phong”. Đây là vùng “sơn thủy hữu tình”. Thuở trước một số danh nho như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, Nguyễn Trãi đã từng đến thưởng ngoạn. Thơ ca lưu truyền ở đây có câu:

               Giát ngọc trình lang tinh thái tại

               Vi Hoa huyện bảo ức thiên thu

    Dịch:

               Ngọc giát khoe màu còn rạng rỡ

               Ngàn thu báu vật huyện Vi Hoa.

Từ khi có cầu Hàm Rồng thì thắng cảnh nơi này luôn là nguồn cảm hứng của nhiều thế hệ thi sĩ khi qua xứ Thanh.

Bờ biển Hoằng Hóa dài 12 km, giáp hai cửa lạch ở hai đầu: phía Bắc là Lạch Trường giáp làng Vích tức Y Bích (Hậu Lộc), có tên là cửa Y Bích rộng khoảng 300 m, làm ranh giới với Hậu Lộc; phía Nam là Lạch Trào (giáp làng Triều Tông, huyện Quảng Xương nay là thành phố Sầm Sơn), có tên là cửa Triều Tông, còn gọi là cửa Hội Triều, Cửa Hới), làm ranh giới với thành phố Sầm Sơn. Khi thủy triều dâng cao, lạch trải rộng khoảng 2.000 - 3.000 m, sâu khoảng 400 - 500 m. Đây là cửa biển quan trọng đã được sử sách nhắc tới như “Cửa biển Hội Triều, thuyền chuyển vận cho kinh thành cùng thuyền buôn Nam Bắc ra vào như mắc cửi là nơi đẹp nhất trong số 12 cửa biển của Thanh Hóa” (Hoằng Hóa phong vật). Nơi đây cũng là cửa ngõ lớn của tỉnh ở phía Đông. Sử cũ cũng từng ghi: “Thanh Hóa có nhiều cửa biển nhưng chỉ có hai cửa Hội Triều và Y Bích là đường biển phải đi qua để thông lên sông Mã và sông Lương. Nếu có việc cần kíp thì hai huyện Hoằng Hóa và Hậu Lộc giữ vị trí xung yếu”[3].

Vùng hai cửa lạch còn là nơi dồi dào tiềm năng sinh sản tôm, cua, cá nước mặn, lợ, ngọt,… riêng Lạch Trào lại có thêm rau câu.

Y Bích và Triều Tông, một thời đã đi vào thơ ca của người xưa, rất đỗi lay động:

        “Đất giáp đông điền, núi hiên ngang

        Rồng cuộn lưng mềm, tán lá giăng

        Nam mở Triều Tông, vòng cát bọc

        Bắc tràn Y Bích, buổi triều dâng

        Chân đá lội sông, sông chẳng chuyển

        Đầu non nhìn biển, biển thêm cường

        Đông Nam một cõi, Vi Hoa huyện

        Mỗi tấc non sông, một tấc vàng”.

      Hoằng Hóa có 3 hệ thống giao thông gồm đường bộ, đường sắt và đường thủy. Tuyến Quốc lộ 1A và đoạn đường sắt chạy song song qua huyện 11 km, có cầu Tào nối liền giữa hai vùng trong huyện, cầu Hàm Rồng, cầu Hoàng Long, cầu Nguyệt Viên thông thương với thành phố, tạo thành trục giao thông chính xuyên Việt rất thuận lợi. Riêng giao thông đường thủy thì có cả đường sông và đường biển. Đường sông chủ yếu là sông Mã, sông Tuần là nơi giao thông thuận tiện từ miền xuôi lên miền núi. Đường biển là tuyến hàng hải thích hợp vào Nam ra Bắc dễ dàng.

Về khoáng sản, Hoằng Hóa có mỏ sắt ở núi Trà; nhôm, a-mi-ăng, mi-ca… ở núi Trường và thạch anh ở Hoằng Hải, tuy nhiên trữ lượng không đáng kể.

Thuộc huyện ven biển, được ảnh hưởng trực tiếp khí hậu nhiệt đới gió mùa, mảnh đất Hoằng Hoá bốn mùa cây quả tốt tươi, môi trường thoáng đãng.

Đất đai Hoằng Hóa chia làm ba vùng rõ rệt: phía Bắc thuộc tả ngạn sông Tuần và sông Mã, là vùng đất thịt và đất thịt nhẹ, thích hợp thâm canh cây lúa nước cả hai vụ chính. Vùng giữa và phía Nam thuộc hữu ngạn sông Tuần và tả ngạn sông Mã, phần lớn cũng là đất thịt nhẹ pha cát, thích hợp thâm canh lúa và màu. Vùng phía Đông sông Cung là các xã miền biển, hầu hết là đất cát, nơi đây được gọi là vùng “đầu sóng ngọn gió”, “đồng khô cát bỏng”, “nước mặn đồng chua”. Đất đai trước đây chỉ thích hợp cấy một vụ lúa, năng suất thấp còn lại trồng khoai lang là chính nhưng thu hoạch cũng bấp bênh. Tuy vậy, đây lại là vùng sản xuất được nhiều rau màu và có nghề đánh cá sông, cá biển rất đa dạng.

Có thể nói, Hoằng Hóa với vị trí đắc địa, được thiên nhiên ưu đãi “mỗi tấc non sông, một tấc vàng”, có núi, sông, lạch, biển hội tụ, có đồng lúa, đồng màu bốn mùa thâm canh nhiều giống cây trồng, lại có đường bộ, đường thủy, đường sắt, nằm trên tuyến giao thông xuyêt Việt, có địa giới giáp thành phố Thanh Hóa đã tạo cho Hoằng Hóa thành một vùng chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội có nhiều thuận lợi.

Song, cũng phải thấy rằng, điều kiện tự nhiên của Hoằng Hóa vẫn tiềm ẩn những khó khăn cơ bản luôn phải đối mặt.

Hoằng Hóa thuộc vùng hạ lưu sông Mã, mùa khô nước sông Mã chảy êm đềm vì đầu nguồn cạn, để lại lớp phù sa được bồi đắp nhưng không nhiều. Mùa lũ nước chảy mạnh, phù sa cuốn đi nhanh. Vùng duyên hải là đồng khô cát bỏng, nước mặn đồng chua, độ phì của đất không cao, chỉ trồng được một vụ lúa mùa mưa, vụ màu mùa khô còn lại là hoang hóa.

Trên các sông ngòi của huyện, phần nước ngọt thường xen lẫn nước mặn tạo ra nước lợ do thủy triều lên xuống mà thành. Gặp hạn hán lâu ngày, nguồn nước tưới cho cây trồng cũng trở nên khan hiếm.

Hai cửa lạch là vùng nước triều khá mạnh. Triều lên có khi dâng cao 3 - 4 m, thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão lụt diễn ra rất nặng nề. Đặc biệt, vào mùa lũ lụt, lúc triều cường, nước biển dâng cao, vỡ đê bao ven biển, lại gặp nước thượng nguồn sông Mã đổ về 2 cửa lạch thì nước lũ không thoát kịp. Nạn vỡ đê sông Mã, sông Cung, sông Lạch Trường trở thành một hiểm họa. Sử cũ còn ghi vào những thế kỷ trước, có những trận bão lụt nước dâng ở ven biển Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Quảng Xương đã cuốn trôi hàng ngàn nóc nhà và làm chết hàng trăm người, gây cảnh đồng trắng nước trong hàng tháng trời, “mất mùa tới hai ba năm liền, khiến dân chúng phải tha phương cầu thực khắp nơi” [4]

Đầu thế kỷ XX, năm 1906 một đợt hạn nặng kéo dài, tiếp đến nạn hồng thủy lớn xảy ra cũng đã tàn hại trên 10 làng ở ven biển Hoằng Hóa và làm chết trên 200 người [5]  thuộc hai vùng cửa lạch. Vào những lúc ấy, nhân dân ta gặp bao thảm cảnh.

Với các con sông lớn nhỏ, toàn huyện có hơn 100 km đường đê. Những năm thiên tai dồn dập thì việc hộ đê phải đương đầu thường xuyên. Lúc đê vỡ thì dân tình càng khốn đốn.

Điều khó khăn quan trọng hơn cả là trong quá trình lịch sử, Hoằng Hóa luôn có mật độ dân số cao so với nhiều huyện trong tỉnh nên yêu cầu giải quyết công ăn việc làm cho người lao động là một gánh nặng.

Những thuận lợi và khó khăn trên đây là những yếu tố góp phần tạo thành những đặc điểm, truyền thống lâu bền của con người Hoằng Hóa, trong đó truyền thống học tập đã trở thành mục đích tự thân.

(Theo “Lịch sử Đảng bộ và phong trào cách mạng của Nhân dân Hoằng Hóa  1930-1945”)

 


[1]   Thanh Hóa dưới triều Nguyễn. Tài liệu lưu trữ tại Thư viện quốc gia Hà Nội.

[2]  “Đầu núi Nít, đít Hà rò”

 

[3] Thanh Hóa Dưới triều Nguyễn (đã dẫn).

[4] Đại Nam thực lục chính biên: tập XXXVII – NXBKHXH Hà Nội 1977, trang 194.

[5]  Rô- bơ-canh: Tỉnh Thanh Hóa: tài liệu lưu trữ tại thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh.

Truy cập
Hôm nay:
14547
Hôm qua:
31638
Tuần này:
106083
Tháng này:
536744
Tất cả:
14861577