QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII
 1. Truyền thống lao động cần cù, sáng tạo trong nghề nghiệp, tự lập, tự cường.

Với vị trí địa lý và điều kiện đất đai, sông, biển như trên, nhân dân Hoằng Hóa qua hàng chục thế kỷ, luôn tận dụng mọi lợi thế của thiên nhiên để sớm tìm ra cách làm ăn phù hợp.

Về nghề nông thì việc thâm canh cây lương thực và cây thực phẩm nhằm nâng cao sản lượng đảm bảo đời sống hàng ngày đều được đẩy mạnh thường xuyên.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, theo Niên giám Đông Dương, diện tích canh tác toàn huyện gồm 44.843 mẫu Bắc Bộ [1] trong đó có 28.851 mẫu ruộng và 15.992 mẫu đất. Ngoài việc trồng lúa nước, nhân dân còn có nghề làm màu khá thành thục đạt năng suất cao như trồng khoai, đậu, lạc, vừng…và những cây công nghiệp ngắn ngày như, đay, bông, mía, dâu tằm. Nhiều vùng chuyên canh giỏi còn để lại những câu ca như:

“ Đồn rằng Kẻ Trọng lắm cau

     Kẻ Cát lắm lúa, Kẻ Mau lắm tiền”.(2)

Nhiều loại cây con cũng được thuần chủng và nhiều giống mới được lai tạo để có thu hoạch cao.

Vùng phía Bắc huyện, một số cánh đồng đất thịt và đất thịt nhẹ còn được bồi đắp để có thêm diện tích trồng màu. Ở nhiều làng, xã đã tôn tạo thành những khu thổ cư trù mật, có vườn cây lấy gỗ, cây ăn quả, có hoa màu phục vụ đời sống hàng ngày.

Vùng giữa do đất thịt nhẹ và đất cát pha nên việc cải tạo để có thêm diện tích gieo cấy cả hai vụ lúa cũng được đẩy mạnh.

Vùng ven biển là nơi cát bỏng đồng khô, việc đào ao khơi ngòi được quan tâm thường xuyên để có đủ nước tưới cho cây trồng và chọn lựa được nhiều giống cây lương thực, thực phẩm chịu hạn, chịu mặn có kết quả.

Hệ thống mương máng tưới tiêu trong huyện xưa kia dựa vào sông ngòi là chính, chưa được quy hoạch cải tạo nhiều. Một số vùng, các làng xã có điều kiện đã liên kết với nhau, đào đắp thành những con kênh, con hón lớn nhỏ giúp ích cho việc sản xuất bốn mùa thông suốt.

Nhiều cầu cống bằng đá phiến được xây lát ở những con đường liên hương, trên nhiều cánh đồng vừa thông thủy vừa thuận tiện đi lại.

Mặc dù dưới chế độ cũ, có những lúc giai cấp thống trị tha hóa, không quan tâm đến đời sống và tính mạng của nhân dân nhất là việc phòng chống thiên tai, nhưng nhiều nơi trong huyện, cộng đồng dân cư đã đoàn kết tự chủ lo liệu phòng lũ lụt như sửa chữa, nâng cấp, bồi trúc đê điều, lập điếm canh, đất tích thổ, đắp đê con chạch… để kịp thời hạn chế tác hại bão lụt.

Tính đến nay, hơn trăm ki-lô-mét đường đê lớn nhỏ được hình thành vững chãi là công lao xây đắp to lớn của bao thế hệ nhằm bảo vệ sản xuất, bảo vệ quê hương.

Phải luôn luôn chống đỡ với thiên nhiên để sống còn nên ý thức tự lập, tự cường của nhân dân ngày càng bền vững.

Trong quá trình lao động cần cù, sáng tạo và dũng cảm, nhân dân ta đã tạo dựng được những xóm làng đông vui, thoáng đãng, phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng. Từ 67 xã, trang, sở dưới thời Lý, đến đầu thời Nguyễn đã có 161 làng xã [2] bao gồm làng núi, làng sông, làng đồng, làng biển, được phân bố đều khắp trong huyện, xây nên thế trận liên hoàn trong sản xuất và chiến đấu có hiệu quả.

Ngoài nghề nông là chủ yếu, Hoằng Hóa còn là mảnh đất có nhiều người tài hoa, nhiều nghề truyền thống. Trong đó nghề thợ mộc ở làng Đạt Tài (Hoằng Hà) là nổi tiếng. Sách “Phong vật Hoằng Hóa” đã viết:

 “Thiên tích thông minh Hoằng Hóa dục

Thánh phù công dụng Đạt Tài danh”

Nghề dệt vải phát triển mạnh ở các vùng như Hoằng Nghĩa (Hoằng Lộc), Phú Khê (Hoằng Phú - Hoằng Quý), Đại Tiền (Hoằng Đại), Nhợm Thôn (Hoằng Trinh), Qùy Chử (Hoằng Quỳ). Nghề ươm tơ, kéo sợi, trồng dâu nuôi tằm phổ biến rộng rãi ở nhiều làng, từ phía Nam huyện đến phía Bắc, nhất là ở Hà Đồ, An Hảo (Hoằng Trạch), Phú Khê (nay thuộc Hoằng Phú và Hoằng Quý). Lê Quý Đôn đã từng ca ngợi:  

“Chốn chốn chứa đủ tằm, tơ,

Nhà nhà chất đầy là, lụa”

Nghề đan song, mây tre ở Đoan Vĩ (Hoằng Thịnh) đã tạo được nhiều sản phẩm mỹ nghệ có giá trị xuất khẩu cao.

Ngoài ra, một số nghề khác như nghề thêu ren ở Hoằng Phú, Hoằng Quý, Hoằng Kim, Hoằng Lộc; dệt cói chiếu, chắp thảm, bện thừng ở Xuân Vi (Hoằng Thanh), Bằng Trì (Hoằng Phụ); nghề nung vôi, nung nồi đất ở Đức Giáo (Hoằng Hợp); đục đá ở Băng Sơn (Hoằng Sơn); đục tre trúc ở Hồng Văn (Hoằng Thắng); rèn nông cụ ở Đại An (Hoằng Lương); ép dầu ở Thọ Bút (Hoằng Đức); kéo mật ở Tào Thôn (Hoằng Lý); phết quạt giấy ở Bút Cương (Hoằng Phúc); làm hương tết ở Đông Khê (Hoằng Quỳ); thợ gạch ở Đông Thành - Tiền Thôn (Hoằng Tiến); thợ xẻ ở Đô Du, Nhân Ngọc (Hoằng Ngọc); thợ nề ở Hoàng Nghĩa (Hoằng Lộc)… đều được nhiều nơi ưa chuộng.

Nghề đánh cá biển và khai thác thủy sản đã hình thành sớm. Trước thế kỷ X, nghề biển xuất hiện phương tiện bè mảng bằng luồng, đánh bắt gần. Đầu thế kỷ XVII, thuyền gỗ chạy bằng buồm ra đời. Trong các làng ven biển vào thời kỳ này đã có trên 30 thuyền gỗ [3] đánh bắt xa hơn nên sản lượng và chủng loại cá ngày một tăng.

Trên các khúc sông, nghề đánh giắt, don, ngao, hến cũng trở thành phổ biến. Ở Cát Mao và Bái Xuyên (Hoằng Cát và Hoằng Xuyên) thuộc tả ngạn sông Tuần còn có nghề câu phi, một đặc sản quý đã từng làm vật phẩm cung tiến các triều vua chúa xưa.

Tại Văn Bối phường và Lầm Trung giáp (tức thôn Thọ Văn và Bút Cương thuộc xã Hoằng Phúc ngày nay) có nghề thả lưới cá đối ở sông Đằng. Cá đối làm thành một loại thực phẩm thơm ngon, tinh khiết có thể để lâu hàng tháng, thường gọi là “cá chàm” dùng vào việc tế lễ đầu năm tại Nghè Bút.

Ở các làng thuộc phía Đông ven sông Cung luôn thịnh hành với nghề đánh lạch, lặn hàu, bắt cua, cáy, cá bớp, cá nhậu, đào don, ngao, hến, dắt… những đặc sản quý của địa phương.

Nghề chế biến thủy hải sản được coi là một trong những nghề chính của một số làng ven biển nhất là thôn Khúc Phụ (Hoằng Phụ). Nước mắm cá nục nơi đây đã từng xuất đi các tỉnh Bắc Kỳ cũ và đôi khi sang tận Hồng Kông (Trung Quốc).

Nghề buôn bán cũng khá phát đạt. Xưa kia ở chợ Bút (Hoằng Phúc - cạnh phủ lỵ), chợ Huyện (Hoằng Anh), chợ Quăng (Hoằng Lộc), chợ Đừng (Phú Khê cũ, nay chợ Đừng thuộc (Hoằng Quý), chợ Rà (Hoằng Kim), chợ Hón (Hoằng Hải) là nơi giao lưu hàng hóa tấp nập của nhiều khách hàng trong và ngoài huyện.

Đã một thời, Nguyệt Viên và Quan Nội (nay đều thuộc thành phố Thanh Hóa), là vùng “dân cư giang khúc hữu tình”, trên chợ dưới sông, thuyền bè nhộn nhịp.

Dân gian đã có câu:

“Nguyệt Viên lắm bạc nhiều tiền

Lại có sông hiền tắm mát thảnh thơi

Chiều chiều hai dãy cá tươi

Không ăn cũng thiệt, không chơi cũng hoài”

Bên cạnh các chợ lớn như trên họp theo phiên cách 2 - 5 ngày, vào buổi sáng, rải rác ở từng vùng còn có những chợ nhỏ thường họp vào buổi chiều hàng ngày như chợ Trọng, chợ Tổ (Hoằng Quỳ), chợ Gòng (Hoằng Vinh), chợ Rọc (Hoằng Châu), chợ Vực (Hoằng Ngọc), chợ Hà (Hoằng Thanh)… đáp ứng yêu cầu sinh hoạt  thường nhật  của nhân dân trong vùng.

Riêng chợ Bến (Hoằng Phụ) được coi là một thương cảng của huyện, quanh năm thuyền buôn ra vào đều đặn. Nhiều lâm sản, hải sản quý đã trao đổi ở nơi đây như măng khô, mục nhĩ, nấm hương, tôm khô, mực ống, mắm chược…

Có thể nói để phù hợp với điều kiện tự nhiên vừa ưu đãi, vừa khắc nghiệt, nhân dân Hoằng Hóa hết thế hệ này đến thế hệ khác không ngừng rèn luyện mình tự vươn lên bằng lao động cần cù, sáng tạo dũng cảm, tự lập, tự cường trong nhiều nghề nghiệp, đem lại nhiều sản phẩm có giá trị. Vì thế các tầng lớp nhân dân trong huyện đã tích lũy được vốn sống sản xuất khá phong phú trên nhiều lĩnh vực khác nhau, nhằm không ngừng mở mang kinh tế cho gia đình, quê hương, đất nước. Sự đoàn kết thương yêu nhau với tình làng nghĩa xóm, cũng từ đó, ngày một đậm đà thắm thiết. Biểu hiện cao quý là sự kết giao trong đời sống hàng ngày đã xây thêm truyền thống “chị ngã em nâng”, “lá lành đùm lá rách” trong nhân dân. Nhiều làng xã có người khi “ăn nên làm ra” đã bỏ tiền của để khai hoang lập ấp, tạo công ăn việc làm nhằm cưu mang những người nghèo khổ.

Cho tới tận bây giờ một số địa danh còn gắn liền với công tích của nhiều người xưa như thôn Bột Trung (nay thuộc xã Hoằng Tân) vốn có nguồn gốc từ Bột Đà Trang (nay là xã Hoằng Lộc) do một bà hoàng lập nên từ thời Lê, hoặc thôn Đồng Lộng (cũng ở Hoằng Tân) do tiến sĩ Lê Duy Hàn ở Đồng Bình (Hoằng Trạch) khai phá, thôn Hữu Khánh (nay thuộc xã Hoằng Khánh) do gia đình họ Lương ở Hội Triều (Hoằng Phong) xây dựng, hoặc ấp Hàn Quang cũng do một tú tài họ Lương ở Hoằng Phong lập ra.

Trải qua những biến động khốc liệt của thiên nhiên, những thăng trầm lớn lao của lịch sử, những đạo lý tốt đẹp của dân tộc sản sinh từ lao động, văn hóa luôn được giữ gìn.

Nhiều làng, xã từ xưa đã có phong tục kết nghĩa thường gọi là “kết chạ” để giúp đỡ nhau xây dựng cuộc sống. Đến nay có nơi như thôn Đông Khê (Hoằng Quỳ) còn lại một số đường đi, cầu ao, cống rãnh bằng đá lát, là dấu tích của hai thôn Đông Khê và Trinh Nga (Hoằng Trinh), nơi có núi đá, kết chạ



[1]  Một sào Bắc Bộ lúc này là 360 m² .

2 Kẻ trọng nay thuộc xã Hoằng Qùy, Kẻ Cát, Kẻ Mau nay thuộc xã Hoằng Cát.

[2]  Viện nghiên cứu Hán Nôm : Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX (thuộc các tỉnh từ Nghệ An ra ) NXBKHXH Hà Nội 1981 trang 107.

[3]  Rô-bơ-canh: Tài liệu đã dẫn.

Truy cập
Hôm nay:
5765
Hôm qua:
16459
Tuần này:
39907
Tháng này:
347914
Tất cả:
16994424