QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Cây ớt xuất khẩu trên đồng đất Hoằng Ngọc- Hoằng Hóa

Đăng lúc: 15:27:29 27/02/2017 (GMT+7)

Thuộc vùng biển của huyện Hoằng Hóa, tuy không thuận lợi về chất đất canh tác nhưng Hoằng Ngọc luôn là xã trong tốp đầu của huyện thực hiện liên doanh- liên kết với doanh nghiệp để sản xuất cây rau màu có giá trị hàng hóa.

Trong những năm qua, nhằm phát triển nền nông nghiệp và đảm bảo thu nhập cho nông dân trong xã, Hoằng Ngọc đã mạnh dạn liên kết với một số công ty như: Công ty xuất nhập khẩu biên giới, Công ty xuất nhập khẩu Thanh Hóa; Công ty An Việt và kết hợp với công ty Giống cây trồng Thanh Hóa cho xuất khẩu một số cây trồng mang giá trị hàng hóa cao: cây dưa bao tử, ngô ngọt, khoai tây,…

nông dân thu hoạch ớt.JPG
Nông dân thu hoạch ớt

Trong 3 năm gần đây, xã Hoằng Ngọc tập trung gieo trồng đại trà cây ớt xuất khẩu đem lại nhiều lợi nhuận cho bà con nông dân. Sau một số vụ trồng thử nghiệm, vụ đông xuân 2017, Hoằng Ngọc bắt đầu liên kết với công ty Giống cây trồng Thanh Hóa, gieo trồng trên tổng diện tích là 25ha/ 8 thôn (trong 9 thôn của xã); trong đó, thôn 1 và thôn 2 là những thôn trồng ớt với diện tích nhiều nhất. Theo hợp đồng, công ty cung ứng giống chậm trả cho bà con; hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc và thu mua với giá bảo lãnh là 10.000 đồng/ kg. Cùng với giá bảo lãnh, Công ty sẽ căn cứ theo giá thị trường tại thời điểm thu hoạch. Qua thời gian chăm sóc, cây ớt bắt đầu thu hoạch từ 1/2/2017, đến nay cây ớt bước vào thời kỳ thu hoạch rộ. Theo đánh giá của người trồng ớt, ớt Đông xuân 2017 cho năng suất khá, bình quân là 1,2 tấn/ sào (tương đương với 500m2), 2 – 3 ngày thu/lần.

Ông Đỗ Đức Hải- Thôn trưởng thôn 6  và cũng là hộ trực tiếp trồng ớt khẳng định : với năng suất và giá bán như hiện nay, trừ chi phí, mỗi sào ớt đem lại giá trị 20 triệu đồng/ sào.

Mặc dù, giá hợp đồng là 10.000 đồng/kg nhưng căn cứ thị trường Công ty đã trực tiếp xuống xã thu mua với giá 20.000đồng/kg, có thời điểm thu mua với giá 21.000 đồng/kg. Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện tình trạng tư thương phá giá thị trường, tự động nâng giá cao và 1 số hộ đã lén bán ra ngoài cho tư thương. Trong hợp tác sản xuất, để có sự gắn kết bền chặt giữa Doanh nghiệp, nhà nước và nông dân thì tất cả các bên đều phải đặt chữ tín lên hàng đầu, tuân thủ theo đúng hợp đồng đã thống nhất, ký kết. Bà con nông dân cũng cần có nhận thức đúng đắn, thực hiện đúng theo hợp đồng, không vì cái lợi ích trước mắt mà phá vỡ hợp đồng. Bởi nếu nông dân không hợp tác tốt, tuân thủ nghiêm theo hợp đồng, giữ chữ tín với Doanh nghiệp, sẽ khó khăn cho những dự án liên kết sắp tới của xã Hoằng Ngọc nói riêng và huyện Hoằng Hóa nói chung./.

                                      Tuyết Mai- Thanh Hằng: Đài TT Hoằng Hóa

 
Truy cập
Hôm nay:
800
Hôm qua:
15279
Tuần này:
81296
Tháng này:
16079
Tất cả:
15664611