QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Phát huy nguồn vốn, giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo từ Quỹ hỗ trợ nông dân

Đăng lúc: 16:42:08 13/10/2016 (GMT+7)

Những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân trên địa bàn huyện Hoằng Hóa đã giúp hàng trăm lượt hộ hội viên nông dân vay vốn với phí thu ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, từng bước nâng cao đời sống nông dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Với vai trò của một tổ chức chính trị xã hội, những năm qua Hội Nông dân các cấp huyện Hoằng Hóa đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tạo khí thế sôi nổi, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tham gia. Một trong những chương trình được Hội nông dân Hoằng Hóa triển khai và phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống nông dân đó là việc xây dựng và phát huy nguồn vốn Qũy hỗ trợ nông dân.

Với mục tiêu không vì lợi nhuận, những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân trên địa bàn huyện Hoằng Hóa đã giúp hàng trăm lượt hộ hội viên nông dân vay vốn với phí thu ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, từng bước nâng cao đời sống nông dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, tính đến thời điểm hiện nay, tổng vốn của Quỹ HTND huyện đã lên tới trên 1 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2016, quỹ hỗ trợ nông dân huyện đã phát triển thêm 65 triệu 700 ngàn đồng, nâng tổng quỹ hỗ trợ nông dân toàn huyện lên 1 tỷ 242 triệu 900 ngàn đồng cho 276 hộ vay phát triển kinh tế. Trong đó, nguồn vốn từ Qũy hỗ trợ nông dân của Trung ương hội nông dân Việt Nam cho hội viên nông dân xã Hoằng Phụ vay 500 triệu đồng đầu tư chế biến, sản xuất nước mắm, với 20 hộ vay, số tiền 25 triệu đồng/hộ, dự án triển khai từ tháng 11/2015; Nguồn vốn từ quỹ hộ trợ nông dân tỉnh cho hội viên nông dân xã Hoằng Xuân vay 300 triệu đồng với dự án chăn nuôi lợn nái sinh sản đảm bảo vệ sinh môi trường, có 10 hộ vay, số tiền 30 triệu đồng/hộ, dự án triển khai từ tháng 7/2014.

13.10.2016.1.JPG
Mô hình nuôi lợn nái sinh sản gia đình chị Lê Thị Thu thôn Mỹ Cầu xã Hoằng Xuân

Để nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, các cấp Hội Nông dân đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, chính quyền địa phương khảo sát địa bàn, cho vay đúng đối tượng, tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh, cách quản lý, sử dụng vốn vay. Tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật về phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, dịch bệnh cho đàn vật nuôi…Thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm, tham quan những mô hình kinh tế hiệu quả để bà con nông dân học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình sản xuất.  Công tác cho vay vốn được thực hiện theo quy định, cụ thể là mỗi hộ được vay từ 25 đến 30 triệu đồng; mỗi dự án mô hình được thực hiện với 10 hộ dân. Sau khi kết thúc dự án, nguồn vốn lại được tiếp tục được luân chuyển đến các nhóm hộ khác.

Ông Lê Ngọc Đỉnh – chủ tịch Hội nông dân xã Hoằng Xuân cho biết: trước đây các hộ chăn nuôi theo hướng tự phát, ít khi tham khảo hay trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi với nhau. Với việc cho vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, thông qua dự án chăn nuôi lợn nái đảm bảo vệ sinh môi trường, các hộ vay vốn đã tập hợp lại thành tổ liên kết chăn nuôi lợn. Ngoài trao đổi thông tin với nhau về giá thức ăn, diễn biến thị trường, kinh nghiệm chăn nuôi, hàng tháng các hộ tham gia dự án họp kiểm đếm tiến độ đầu tư của từng hộ. Được thực hiện từ năm 2014, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã giải ngân cho dự án chăn nuôi lợn nái sinh sản ở xã Hoằng Xuân 300 triệu đồng với 10 hộ nông dân vay, bình quân mỗi hộ vay được vay 30 triệu đồng, phí vay là 0,7%/tháng. Để hạn chế thấp nhất rủi ro trong chăn nuôi, Hội nông dân xã Hoằng Xuân đã mở các lớp dạy nghề chăn nuôi thú y, các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho nông dân. Theo đó, trong 2 năm, Hội đã tổ chức được 5 lớp tập huấn chuyển giao KHKT, trong đó, có 3 lớp về chăn nuôi và 2 lớp về trồng trọt. 10 hộ nông dân hưởng lợi từ dự án hầu hết nuôi 2 đến 3 lợn nái, hộ nhiều là 5 lợn nái, 100% hộ đều sử bể Bioga. Là 1 trong 10 hộ vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, ông Lê Thanh Minh thôn Nghĩa Hương xã Hoằng Xuân chia sẻ: “Từ năm 2009, tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng bể Bioga – là hộ đầu tiên của xã đầu tư bể bioga trong chăn nuôi”. Lúc đầu nuôi lợn nái truyền thống (nái cỏ), nhưng vài năm nay, ông Minh nhận thấy loại nái này không phù hợp vì con giống để nuôi thương phẩm có tỷ lệ mỡ nhiều, thường bị thương lái ép giá nên ông chuyển sang nuôi giống lợn nái hướng nạc. Hiện nay, trong trang trại của gia đình ông luôn có từ 2 đến 3 lợn nái, duy trì đàn lợn thịt thường xuyên từ 10 đến 13 con. Trong 2 năm thực hiện dự án, ông đã xuất bán 3 lứa lợn thịt, trừ chi phí, hàng năm gia đình ông lãi từ 60 đến 65 triệu đồng. “Nhà nước nên có nhiều chương trình cho vay vốn ưu đãi như Quỹ hỗ trợ nông dân để hỗ trợ cho nông dân chăn nuôi. Được Quỹ hỗ trợ nông dân cho vay 30 triệu đồng, tôi có tiền mua thêm cám và thay mới những con nái già không còn đủ tiêu chuẩn” - ông  Lê Thanh Minh cho biết.

Cũng được Quỹ hỗ trợ nông dân cho vay 30 triệu đồng, chị Lê Thị Thu thôn Mỹ Cầu vui mừng nói: Hiện tại với 3 con lợn nái ngoại, gia đình tôi chủ động được con giống nuôi. Mỗi năm tôi xuất bán 4 lứa lợn con, trừ chi phí cũng có thu nhập từ 60 đến 70 triệu đồng. Chị Thu cho biết: gia đình chị đã gắn bó với nghề chăn nuôi lợn từ rất lâu, từ khi biết được lợi ích của mô hình hầm biogas chị đã tham gia thực hiện. Nhờ nguồn khí sinh học được xử lý từ phân của 3 con lợn nái và lợn con, quanh năm gia đình chị không phải lo nghĩ về nguồn khí đốt cho việc nấu ăn, bên cạnh đó lại có nguồn phân bón giàu dinh dưỡng sẵn có để chăm sóc cây trồng, rau màu. Chị Thu chia sẻ: “Từ khi lắp đặt hầm biogas đến nay tôi chưa phải tốn một đồng để mua gas nấu ăn cũng như mua phân bón. Đặc biệt, môi trường chăn nuôi của gia đình cũng bảo đảm hơn, không làm ảnh hưởng đến bầu không khí của các hộ dân xung quanh”.

Nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân đã phát huy được hiệu quả thiết thực, thực sự có ý nghĩa với các mô hình phát triển kinh tế vừa và nhỏ. Qua đó, giúp hội viên nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế, mở rộng quy mô phát triển ngành nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập trung ở nông thôn. Đồng thời, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

 

Thanh Qúy – Đài TT Hoằng Hóa

Truy cập
Hôm nay:
2448
Hôm qua:
15279
Tuần này:
82944
Tháng này:
17727
Tất cả:
15666259