QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Xuôi dòng ba Bông

Đăng lúc: 14:11:25 17/02/2021 (GMT+7)

Vùng đất “một tiếng gà gáy 6 huyện cùng nghe” – Trà La xã Hoằng Xuân không chỉ cho tôi cảm nhận về những nét văn hóa - tâm linh truyền đời, mà còn được hiểu thêm về đời sống của con người nơi đây khi xuôi dòng ba Bông.

 1. Ngã Ba Bông - nơi dòng sông Mã tách nhánh.jpg
 Ngã Ba Bông - nơi dòng sông Mã tách nhánh

“Một tiếng gà gáy 6 huyện cùng nghe”, thoạt nghe tưởng như đó chỉ là một cách nói hình ảnh, nhưng đó là sự thực. Sự thực thú vị này đã đưa chúng tôi về với dòng sông Mã – nơi điểm cuối của đường Trung – Xuân và được thỏa tò mò ở ngã ba Bông - nơi con sông Mã tách mình ra một nhánh phụ để làm nên sông Lèn. Vùng đất “một tiếng gà gáy 6 huyện cùng nghe” – Trà La xã Hoằng Xuân không chỉ cho tôi cảm nhận về những nét văn hóa - tâm linh truyền đời, mà còn được hiểu thêm về đời sống của con người nơi đây khi xuôi dòng ba Bông.

2. Một góc Trà La xã Hoằng Xuân.jpg
Một góc Trà La xã Hoằng Xuân
 

Dừng chân ở điểm cuối của đường Trung – Xuân, từ quốc lộ 1A chạy theo tuyến đường này, lên đê tả sông Mã, đi về cuối làng Trà La xã Hoằng Khánh cũ (nay là xã Hoằng Xuân), chung tôi bắt gặp ngã ba Bông nằm ngay trước mặt. Đây là nơi con sông Mã tách nhánh. Nhánh chính xuôi xuống hướng Hoằng Hóa, Sầm Sơn; nhánh phụ tách ra thành con sông Lèn hướng về biển theo địa bàn huyện Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn. Người lái đò thôn Trà La đưa tôi xuống bến đò để ra gần ngã ba sông. Nghe tôi hỏi, anh lái đò cười lớn: “Ồ, đúng đây chính là ngã ba sông “một tiếng gà gáy 6 huyện cùng nghe”. Nó nổi tiếng cũng vì thế, chứ dễ gì có ngã ba sông nào có tới 6 huyện cùng chụm vào”. Nói rồi, anh giới thiệu, chỗ thuyền anh đang neo đậu là xã Hoằng Xuân (huyện Hoằng Hoá), bên kia về phía tay phải là xã Hà Sơn (huyện Hà Trung) và xã Châu Lộc (huyện Hậu Lộc), phía tay trái bên kia sông Mã là xã Vĩnh An (huyện Vĩnh Lộc), xã Định Công (huyện Yên Định) và xã Thiệu Quang (huyện Thiệu Hóa).

3. Nơi bình yên sông nước Trà La.jpg
Nơi bình yên sông nước Trà La

 

Nói rồi, chúng tôi cùng người lái đò Trà La xuôi dòng Ba Bông để hoà mình trong cảnh sắc và con người nơi đây khi xuân Tân Sửu đã về. Dòng sông bình yên đến thế, con người hồn hậu đến vậy nhưng mảnh đất Trà La hôm nay đã khoác lên mình chiếc áo mới – thôn đã cơ bản hoàn thành 14/14 tiêu chí thôn kiểu mẫu từ sự đồng lòng, chung sức của cấp uỷ - chính quyền và nhân dân trong thôn. Dường như, mảnh đất và con người nơi đây đã hoà trong mùa xuân của đất trời, vạn vật. Những tuyến đường rộng rãi, nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên san sát, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng lên rõ rệt… Đó là những thành quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), từ sự đồng lòng, phát huy lợi thế của vùng đất bán sơn địa để xây dựng thôn kiểu mẫu. Những đổi thay của Trà La hôm nay đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi để người dân Trà La cùng xã Hoằng Xuân chung sức xây dựng NTM nâng cao.

4. Cầu Vàng - nơi du khách có thể dừng chân để lên thăm Phủ Vàng Linh từ.jpg
Cầu Vàng - nơi du khách có thể dừng chân để lên thăm Phủ Vàng Linh từ
 

Xuôi dòng sông Mã, chúng tôi tiếp tục tìm đến với Phủ Vàng – một địa điểm văn hoá tâm linh của người dân xã Hoằng Xuân và người dân trong vùng. Phủ Vàng toạ lạc trên núi Chùa làng Vàng xã Hoằng Khánh cũ (nay là xã Hoằng Xuân), vùng đất bên núi bên sông hữu tình, hoà quyện với thiên nhiên. Từ xa xưa, Phủ Vàng không chỉ là nơi để người dân Hoằng Khánh hướng vọng tâm linh mà còn là địa điểm thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương trong vùng lân cận quanh ngã ba Bông về tỏ lòng hướng vọng tới Đệ nhất Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đền còn có tên là "Phủ Vàng Linh Từ". Ngôi đền nằm cách đường 1A khoảng 7 km. Được xây dựng từ thế kỷ thứ 18, Phủ Vàng thờ đệ nhất Thánh Mẫu Liễu Hạnh – một vị nữ thần duy nhất trong 4 vị thần “Tứ bất tử” của Việt Nam.

5. Phủ vàng Linh từ toạ lạc trên núi Chùa làng Vàng.jpg

Phủ vàng Linh từ toạ lạc trên núi Chùa làng Vàng
 

Phủ Vàng xưa có cổng ngoài cùng giáp sông Mã là nghi môn ngoại, đến cổng trong là nghi môn nội, nghi môn nội có 3 cửa (gọi là cửa tam quan), hai bên có hai hộ pháp oai vệ. Lối lên toà bái đường phải đi qua gần trăm bậc đá, hai bên có đôi rồng chầu vào rất uy linh. Tiếp đến là hồ bán nguyệt thả sen thơm ngát, long lanh đáy nước in trời. Cấu trúc của toà bái đường đồ sộ với 2 tầng 8 mái theo kiểu chồng diêm, các đầu đao cong vút nâng đỡ mái ngói mũi hài thanh thoát. Trong cùng là toà thượng điện gắn liền với toà bái đường theo hình chữ đinh. Cùng với toà bái đường, chính tẩm thì hậu cung phủ Vàng có 3 gian, quanh năm thường đóng kín, chỉ có ngày lệ, ngày tuần mới mở cửa thắp hương cúng lễ. Nơi đây đặt khám thờ, có tượng Thánh Mẫu và Tứ Vị Hồng Nương. Trên có treo một bức đại tự chữ Hán “mẫu nghi thiên hạ”, phía ngoài cột cái bái đường có đôi câu đối: Đế khuyết, tam giáng sinh thập phuơng Thánh hoá – Thiên nam, tứ bất tử vạn cổ Mẫu nghi”.

Ngày xuân về Phủ Vàng xã Hoằng Xuân, chúng tôi được hòa mình trong không gian văn hóa tâm linh vừa uy nghi, trang trọng, vừa mộc mạc, gần gũi. Đó là sự đan xen, hòa quyện giữa những nghi thức trang trọng như: tế lễ, hầu đồng với các hoạt động văn hóa dân gian sôi nổi, đặc sắc. Tiêu biểu cho hệ thống các nghi lễ tại Phủ Vàng là nghi lễ hầu đồng gắn với hát văn. Ngoài các giá đồng ca ngợi công lao của Thánh Mẫu, các giá Quan Đệ Nhất, Ông Hoàng Mười, ông Hoàng Bảy, Cô Bơ, Cô Chín... còn có các giá đồng ca ngợi những người có công lao với nước, với dân, ca ngợi cảnh đẹp của quê hương đất nước…

6. Hoà mình trong không gian văn hoá tại Nghè làng Vĩnh Gia xã Hoằng Phượng.jpg
Hoà mình trong không gian văn hoá tại Nghè làng Vĩnh Gia xã Hoằng Phượng
 

Nếu tiếp tục xuôi dòng ba Bông, còn có thể tìm đến với nhiều di tích văn hoá lịch sử, tâm linh khác trên địa bàn xã Hoằng Xuân như đền thờ “quốc mẫu linh từ” - thờ bà Hà Thị Cai - người đã có công chiêu dân lập làng Nghĩa Hương và giúp Lê Lợi trên đường lánh nạn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh hay đến với Nghè Vĩnh Gia, chùa Gia xã Hoằng Phượng; đền thờ tướng quân Cao Lỗ xã Hoằng Giang…. Với ngã ba Bông sông núi hữu tình, đây sẽ là những địa điểm hấp dẫn du khách trong tuor du lịch sông Mã, là những di tích văn hoá tâm linh thu hút du khách trong tiến trình phát triển du lịch trên địa bàn huyện.

7. Đền thờ tướng quân Cao Lỗ xã Hoằng Giang.jpg
 Đền thờ tướng quân Cao Lỗ xã Hoằng Giang
 

Xuân Tân Sửu 2021 đã về trên mỗi nhành cây ngọn cỏ, không gian văn hoá nơi ngã ba sông với cái tên ngã ba Bông xã Hoằng Xuân cũng sâu lắng sắc xuân. Dòng sông – dòng người trong lắng đọng của đất trời, vạn vật cùng đón chào mùa xuân mới với lời nguyện cầu một năm mưa thuận gió hòa, mọi điều may mắn, sung túc, an vui.

Thanh Quý – Trung tâm VHTT – TT&DL

 

 

 

Truy cập
Hôm nay:
6654
Hôm qua:
9867
Tuần này:
48825
Tháng này:
216025
Tất cả:
11708587