QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Gieo chữ “Tình” trên quê hương kết nghĩa

Đăng lúc: 16:33:22 09/07/2018 (GMT+7)

Đã có hơn nửa đời người gắn bó với mảnh đất Thanh Hóa dấu yêu và quyết tâm gắn bó cuộc đời mình với quê hương Hoằng Hóa khi đã lựa chọn được ở nơi đây người bạn đời tâm đầu ý hợp, bác Hoàng Bá Nghiên- người con quê hương Điện Bàn (hiện đang sinh sống tại thôn Tế Độ - xã Hoằng Phúc- Hoằng Hóa) chính là người đã gieo chữ “tình” trên quê hương kết nghĩa.

Với giọng nói vẫn rất đặc trưng của mảnh đất Quảng Nam đầy nắng và gió nhưng con người đôn hậu, thật thà, câu chuyện kể của bác Hoàng Bá Nghiên về cuộc đời mình được bắt đầu bằng những hồi tưởng hết sức xúc động. Cậu bé Hoàng Bá Nghiên – tên gọi ngày nhỏ là Huỳnh Nghiêm sinh ra trong một gia đình nghèo khó và chịu nhiều thiệt thòi. Mẹ mất sớm, bố đi bước nữa, bác ở với người bà con khi tuổi còn nhỏ xíu. Một thời gian ngắn, người bác ấy lại ra đi, bác trở về sống với bà ngoại tuổi đã cao, nghèo khó nhưng tấm lòng chan chứa niềm yêu thương con trẻ. Trong ký ức khó phai mờ của bác là hình ảnh một cậu bé Nghiên 10 tuổi hàng ngày vẫn lon ton theo bà ngoại đi làm thuê cho nhà địa chủ ở Quế Lộc và nơi ấy trước đây chủ yếu vẫn là nơi sinh sống của bà con Hoa Kiều. Lớn lên trong sự đùm bọc và tình yêu thương vô bờ bến của bà ngoại, năm 1945, chàng trai 17 tuổi Hoàng Bá Nghiên sớm ý thức được tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc cùng nhân dân đứng lên cướp chính quyền, bắt sống tri phủ, hòa chung niềm vui cách mạng thành công trong cả nước. 18 tuổi, chàng thanh niên trẻ ấy đã tạm biệt bà ngoại hăng hái xung phong lên đường đi bộ đội và quyết tâm đem sức trẻ của mình bảo vệ từng tấc đất quê hương.
 
db1.JPG
Hoàn đá kỷ niệm bên trận đánh Bồ Bồ
 
Trong rất nhiều trận đánh ác liệt và đáng nhớ ở mảnh đất Quảng Nam yêu dấu, bác Nghiên tự hào kể về trận đánh tại Thanh Quýt- Điện Bàn với những thắng lợi hết sức vẻ vang, đơn vị bác tiêu diệt được 14 xe cơ giới, trong đó có một xe thiết giáp, trực tiếp đánh giáp lá cà với quân địch và đã tiêu diệt được tên giặc. Máu quân thù đổ xuống nhuộm đỏ chiếc khăn tay có ký tên các đồng chí đồng đội của bác càng hun đúc quyết tâm trong trái tim người thanh niên trẻ niềm tự hào và sự căm thù giặc Pháp xâm lược. Cũng trong trận đánh ấy, đơn vị bác đã cướp được rất nhiều vũ khí của giặc. Sau trận đánh thắng lợi, bác được đồng chí trưởng quân khu tặng một chiếc áo ấm và ngày 15/9/1949, bác được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam ngay tại trận.
Những năm 1949- 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn cam go ác liệt, bác đã cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh tại các chiến trường Quảng Nam Đà Nẵng và Tây Nguyên.
Tháng 10/1954, bác cùng nhiều đồng chí đồng đội ở Quảng Nam tập kết ra Bắc và đóng quân tại Phà Ghép- xã Chiến Thắng- huyện Tĩnh Gia- Thanh Hóa. Vừa ra đất Bắc, đơn bị bác được được lệnh đi chống di cư tại làng công giáo Ba Làng. 7 tháng ròng rã chống di cư tại làng công giáo Ba Làng cũng là khoảng thời gian đáng nhớ của bác, có những thời điểm sự sống và cái chết cận kề, những khó khăn thiếu thốn tưởng chừng không vượt qua được nhưng với niềm tin và nhất là lý tưởng cộng sản đã ngấm vào máu thịt, bác đã cùng đồng đội vượt qua. Tháng 5/1955, trong trận đánh nhằm giải phòng nhà xứ, bác đã trúng đạn và bị thương.
Lùi lại phía sau chiến tuyến, bác theo đoàn ăn dưỡng về đóng quân tại huyện Hoằng Hóa ngay sau trận đánh ác liệt đó. Tại mảnh đất này, bác đã thấm thía và trân trọng những tình cảm của bà con nơi đây dành cho những chiến sĩ tập kết ra Bắc với những tình cảm thân thương, trân trọng, trìu mến. Cũng tại mảnh đất này, bác đã kết nghĩa với bà Lê Thị Tụng- thôn Tế Độ - xã Hoằng Phúc. Sau 3 năm kết nghĩa, bác Tụng cũng chính là người bạn đời mà bác lựa chọn để gắn bó suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời mình. Tiếp những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, bác đã tham gia tích cực trong công tác sửa sai sau cải cách ruộng đất và cải tiến quản lý HTX. Công tác tại Ban nông nghiệp Tỉnh ủy Thanh Hóa, bác đã cùng nông dân lội ruộng ở hầu khắp các cánh đồng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cùng tham gia chỉ đạo cải tiến quản lý ở nhiều HTX trên địa bàn tỉnh, trong đó có những HTX chỉ đạo điểm như Đông Phương Hồng, Xuân Thành (Hạnh Phúc- Thọ Xuân); Tại Hoằng Hóa, bác cũng đã gắn bó với phong trào cải tiến quản lý tại các HTX Hoằng Đại, Hoằng Trinh. Cuối năm 1968, bác được điều đi B, công tác tại ban Nông nghiệp tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng- mảnh đất đã sinh ra bác và in dấu những kỷ niệm thời niên thiếu. Công tác tại mảnh đất này cho đến sau ngày giải phóng, bác đã tham gia củng cố chính quyền và xây dựng tại mảnh đất Điện Bàn 31 HTX. Tiếp đó, bác lại tích cực tham gia chiến dịch Biên giới tại Cam Pu Chia với những đóng góp không hề nhỏ trong hỗ trợ, giúp bạn chống chiến tranh biên giới. Năm 1982, sau những tháng ngày dài xa gia đình nhỏ, bác được trở về đoàn tụ và công tác tại quê hương Hoằng Hóa.
Giờ đây trong căn nhà nhỏ với ăm ắp những kỷ niệm từ 1 mảnh đất Hoằng Hóa – Điện Bàn, cụ Hoàng Bá Nghiên hơn 90 tuổi vẫn còn minh mẫn lần giở những kỷ niệm. Những năm tháng tham gia chiến tranh ác liệt, cụ được tặng thưởng huân chương chiến công hạng nhất thời kỳ chống Pháp, hạng nhất, nhì, ba thời kỳ chống Mỹ; Bị thương 3 lần với thương tật 4/4. Trong những vật kỷ niệm mà cụ còn giữ được và rất trân trọng là hòn đá tại trận đánh Bồ Bồ. Nó như lưu giữ những mảnh ký ức đầy ác liệt và hào hùng của không của riêng cụ mà nhân dân Điện Bàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
 
db2.JPG
Bác Nghiên bên những tấm huy chương

Hơn 50 năm gắn bó với mảnh đất Hoằng Hóa thân yêu và tình yêu của bác đối với con người nơi mảnh đất này đã cho những mùa quả ngọt. Gia đình cụ có 4 người con thì cả 4 người đều trưởng thành và thành đạt trong sự nghiệp. 2 con trai đều theo đường binh nghiệp.Con trai đầu Hoàng Ngọc Hà cũng từng đi bộ đội và đã mất. Con trai thứ 3 Hoàng Đại Thắng hiện là trung tá quân đội về hưu, từng công tác tại huyện Mường Lát; con gái thứ 2 Hoàng Thị Giang là nhà giáo ưu tú, hiện đang là giảng viên học viện tài chính; con gái út Hoàng Thị Thủy là thạc sỹ, cán bộ tổng cục Hải quan.
Dẫu biết rằng tình duyên chồng vợ là lẽ tự nhiên song sự gắn kết nghĩa tình của vợ chồng bác Nghiên là một dấu ấn đáng trân trọng. Không chỉ là sự gắn kết của riêng vợ chồng 2 bác mà còn thể hiện tình nghĩa thủy chung son sắc giữa Điện Bàn- Hoằng Hóa; Miền Bắc - Miền Nam. Tình kết nghĩa giữa những mảnh đất khác nhau trong cùng một dải đất Việt Nam yêu dấu vẫn luôn tạo nên những tình cảm gắn kết bất ngờ và thủy chung như thế.
Minh Hiếu – Đài TT Hoằng Hóa

 
Truy cập
Hôm nay:
4768
Hôm qua:
16746
Tuần này:
37072
Tháng này:
204272
Tất cả:
11696834