QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

HAI LẦN ĐƯỢC CỨU SỐNG

Đăng lúc: 07:49:49 20/07/2018 (GMT+7)

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hoằng Trinh, Hoằng Hóa, ngày ấy khi chưa đầy 18 tuổi, bố mất sớm, nhà có 4 anh em, thì hai anh trai đang ở chiến trường Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, một anh định cư ở Bá Thước, chỉ còn tôi và mẹ già ở nhà, tôi thuộc diện ưu tiên không phải nhập ngũ, nhưng tôi biết hơn lúc nào hết, đất nước đang cần những thanh niên trẻ đầy nhiệt huyết như tôi, thế là tôi viết đơn tình nguyện và hăng hái lên đường nhập ngũ với ý chí tất cả vì miền Nam ruột thịt.

 Ngày 25/3/1967 tôi được nhập ngũ vào đơn vị huấn luyện tân binh. Sau 3 tháng huấn luyện, tôi vui mừng hơn khi biết tin được chọn vào Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn - Thanh Hóa để chi viện cho chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng - ở đó có một đơn vị kết nghĩa với huyện Hoằng Hóa từ năm 1963 là huyện Điện Bàn. Lễ xuất quân được diễn ra long trọng, sôi động thể hiện hào khí của 500 cán bộ, chiến sỹ quê hương Lam Sơn anh hùng, trong đó có trên 200 cán bộ, chiến sỹ là con em Hoằng Hóa. Lúc ấy, đồng chí Ngô Thuyền - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa giao nhiệm vụ và trao lá cờ Lam Sơn quyết thắng cho tiểu đoàn. Cuộc hành quân thần tốc với khí thế hào hùng, băng đèo lội suối vượt bao thác ghềnh, sau gần 2 tháng hành quân xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, chúng tôi đã tới chiến trường, nơi đặt chân đầu tiên là xã Lộc Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam để lấy đạn, lấy gạo. Tại đây, chúng tôi được học cách sinh hoạt của nhân dân từng vùng, được nghe mặt trận 44 báo cáo tình hình địch và âm mưu của chúng.
 
db1.JPG
Hai vợ chồng bác Trịnh Ngọc Hưởng CCB Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn
 
Chỉ trong 3-4 ngày với tinh thần hết sức khẩn trương, ổn định nơi ăn, nghỉ, sắp xếp tổ chức, đồng thời khảo sát, nắm bắt tình hình diễn biến thực tế của chiến trường, phân công nhiệm vụ cho từng tiểu đội, trung đội, đại đội. Tiểu đoàn chúng tôi được giao nhiệm vụ phải đánh bằng được cứ điểm Cồn Khe, tại xã Điện Tín, huyện Điện Bàn. Cứ điểm này địch có 3 tiểu đoàn gần 1000 tên với nhiều trang bị hiện đại, giao thông hào hầm ngầm, lô cốt chúng bố trí rất cẩn thận, pháo sáng đèn pha quét liên tục. Cứ điểm phòng thủ rất kiên cố, do đó việc tiến hành điều tra nắm bắt tình hình của địch rất khó khăn. Được sự chỉ đạo của Tỉnh đội Quảng Nam, tiểu đoàn tổ chức 10 đồng chí, trong đó có tôi chia làm 2 tổ tiền nhập nắm tình hình hoạt động của địch. Đây là những ngày khó khăn, gian khổ, song lại đầy ắp kỷ niệm với tôi. Trong 7 ngày nằm hầm bí mật, tôi được các o du kích và dân quân Điện Bàn dẫn đường, che chở, đưa cơm như những người thân trong gia đình. Đến ngày thứ 7 chúng tôi đã hoàn chỉnh được hồ sơ cứ điểm Cồn Khe, lập sa bàn, lên kế hoạch chiến đấu. Tiểu đoàn chia thành 2 mũi, mũi 1 do đồng chí Được - người Quảng Nam, trưởng ban đặc công mặt trận 44 làm tiểu đoàn trưởng, đồng chí Hòa, người Hòa Châu, Quảng Nam làm tiểu đoàn phó. Tối ngày 21/02, rạng sáng 22/02/1969 tiểu đoàn bí mật hành quân. Tôi được giao nhiệm vụ đánh 01 ụ pháo và 01 hầm ngầm ngay cạnh ụ pháo. Cứ điểm này có 11 hàng rào, mỗi hàng cách nhau 5-7m. Trong hàng rào thép gai chúng treo ống bơ, cài nhiều loại mìn. Với tinh thần dũng cảm, sáng tạo của chiến sỹ đặc công cùng với những chiến thuật đã được đào tạo, đúng 1 giờ đêm tôi đã luồn sâu, lót sẵn vào các mục tiêu đã giao. Lúc đó một tiếng nổ long trời của quả bọc phá 20 kg do tổ thọc sâu của ta đã nổ, phát sáng một vùng rộng lớn. Tiếp đó là những tiếng súng hỏa lực của B40, B41, tiếng AK, tiếng thủ pháo của quân ta làm cho mặt đất rung lên bần bật. Quân địch trở tay không kịp. Chúng rú còi báo động, xe tăng, xe bọc thép chạy quanh cứ điểm để chặn đường rút quân của ta. Trên vọng lâu, chúng ném lựu đạn xuống như mưa. Nhưng bằng sự mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, ta đã nhanh chóng rút ra bằng cửa chính của cứ điểm. Trong trận đánh này ta đã tiêu diệt được 205 tên Mỹ ngụy, diệt 2 trận địa pháo gồm 11 khẩu, phá hủy 7 xe M113, phá sập 8 lô cốt, 16 trại lính, diệt 02 sở chỉ huy... Phía tiểu đoàn của ta tổ thọc sâu không ra được, các đồng chí phải nằm lại ở các nhà bị sập, chúng bao vây và bắt 06 đồng chí. Đồng chí Hòa và 05 chiến sỹ của ta hy sinh, 04 đồng chí bị thương, trong đó có tôi. Tôi bị 6 vết thương vào đùi, trán, cổ, 2 tay, được anh em đưa về trạm tiền tiêu, sau đó được đưa về hầm bí mật. Một lần nữa, hơn lúc nào hết, tôi lại cảm nhận được tình cảm quân dân, sự chăm sóc nhiệt tình, chu đáo của các o du kích, các chị y sỹ huyện Điện Bàn làm tôi thấy ấm lòng như đang ở trong chính ngôi nhà của mình. Lúc đó trên người tôi chỉ mặc một cái quần đùi. Có một ông cụ đến thăm, tặng tôi một bộ quần áo bà ba rộng thùng thình làm tôi rất cảm động. Hai tay tôi bị thương, họ phải đút cho tôi từng thìa cháo và động viên tôi ăn nhiều để nhanh lành viết thương, lấy lại sức tiếp tục chiến đấu. Sau 10 ngày nằm lại, sức khỏe tôi đã khá hơn, tôi được chuyển đến căn hầm bí mật của một gia đình ở Điện Bàn. Tôi đang nằm ở cái chõng tre thì nghe du kích báo 01 trung đội Mỹ đang đi lùng sục chúng tôi. Anh chủ nhà (tôi gọi là anh nuôi) kéo vội tôi vào chuồng trâu, lấy rơm phủ kín người tôi. Lúc này tôi vẫn nghe du kích quần nhau với bọn Mỹ. Sau 10 ngày ở đây, tôi được y sỹ Hồng, người Điện Bàn chăm sóc, vết thương của tôi đã khô, nhưng cũng chưa thể đi lại được. Khoảng 03 giờ chiều hôm ấy, khi đang ở nhà một mình, anh nuôi cũng không có nhà. Tôi nghe thấy bọn Mỹ ngụy lại lùng sục, tôi xác định số phận lúc này như ngàn cân treo sợi tóc, hoặc là bị bắt, hoặc là sẽ bị chết. Tôi cố gắng tự cứu mình bằng cách lết đi từng bước một ra khỏi nhà. Đi được một quãng, rất may mắn nhìn thấy tổ du kích đang đi tìm tôi. Như được cứu sống một lần nữa, tôi đã khóc. Tối hôm đó tổ du kích tổ chức đám cưới giả để đưa tôi lên khu an toàn. Họ cho tôi ngồi vào chiếc thúng kết hoa khiêng tôi đi. Các cháu 10-12 tuổi đi trước làm trinh sát, nếu có địch sẽ dấu tôi vào bụi lau lách. Đến 9 giờ tối các mẹ, các chị bàn giao tôi cho đội du kích huyện Duy Xuyên và được vào Bệnh viện 78 của mặt trận Quảng Đà 5 tháng. Sau đó do vết thương chưa khỏi nên tôi được ra Bắc điều dưỡng.
Với sự cống hiến vì miền Nam nói chung, Điện Bàn - Quảng Nam ruột thịt nói riêng tôi đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Bằng khen của Mặt trận Quảng Đà, Huân chương kháng chiến Hạng 3, Huy hiệu quyết thắng và nhiều bằng khen, giấy khen khác... song phần thưởng cao quý nhất là được nhân dân Điện Bàn coi tôi như người con ruột thịt. Từ chiến trường ác liệt, mặc dù bị thương nặng, nhưng tôi đã may mắn hơn các đồng đội của mình thoát chết, tôi cảm nhận được tình quân dân cá nước. Mỗi lần hồi tưởng lại trận đánh, nghĩ về vết thương, từ sâu thẳm trái tim, cảm ơn những người mẹ, người chị, các y tá, các o du kích những nơi tôi đã đến, đã ở và chiến đấu tại Điện Bàn đã đùm bọc, che chở, nhường cơm, sẻ áo, chăm sóc cho tôi. Nếu không có sự chăm sóc, che chở ấy chắc chắn tôi đã gửi thân mình trên mảnh đất Điện Bàn.
Giờ đây, tuổi đã cao, là thương binh bậc 4/4, trên 70 tuổi đời, 45 tuổi Đảng, về nghỉ hưu tại địa phương, nhưng với quyết tâm “thương binh tàn nhưng không phế”, phát huy truyền thống "anh bộ đội cụ Hồ", góp phần nhỏ bé vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương, từ 1993, vợ chồng tôi quyết định làm kinh tế gia đình lấy tiền nuôi các con ăn học. Với một chiếc xe đạp và một chút vốn có trong nhà, tôi đạp xe đi khắp các con đường trong huyện, trong tỉnh để thu mua bao bì, phế liệu, về phân loại sạch rồi đem bán cho nhân dân trong vùng. Đến nay cơ sở thu mua phế liệu của gia đình đã ngày càng mở rộng quy mô, trừ chi phí, mỗi năm thu nhập trên dưới 100 triệu đồng, đồng thời tạo điều kiện cho 7-8 lao động tại địa phương có công ăn việc làm với mức lương 3-5 triệu đồng/tháng
Với gia đình, hiện nay mười hai người con gái, trai, dâu, rể của tôi đều trưởng
thành, tốt nghiệp đại học, trên đại học, người là giáo viên, người là bác sỹ... Các
con của tôi đều là những người đảng viên ưu tú, tận tụy trong công việc, chuẩn
mực trong đời thường. Tình cờ và cơ duyên, vì yêu mến con người Điện Bàn, 3 người con gái của tôi đã đem lòng yêu 3 anh bộ đội trong mảnh đất anh hùng ấy và ở lại kết sợi tơ hồng Hoằng Hóa - Điện Bàn. Mỗi lần vào thăm các con, các cháu là một dịp tôi thăm lại chiến trường xưa, nơi có các đồng đội đã từng chiến đấu tất cả vì độc lập dân tộc, nơi có những người thân yêu đã gắn bó, “chia lửa” cùng tôi.
Chiến trường đã lùi xa hơn 50 năm, song trận chiến đấu cứ điểm Cồn Khe, tại xã Điện Tín, huyện Điện Bàn với sự đùm bọc, chở che, hai lần được cứu sống ngày ấy mãi in đậm trong tâm trí tôi. Điện Bàn mãi là nơi đã sinh ra tôi lần thứ hai.
Hương Mận - Ban Tuyên giáo Huyện ủy
Ghi theo lời kể của bác Trịnh Ngọc Hưởng - CCB Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn
Truy cập
Hôm nay:
3712
Hôm qua:
8100
Tuần này:
34438
Tháng này:
215893
Tất cả:
11471738