QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Hoằng Hóa –Điện Bàn: Nét tương đồng trong phát triển làng nghề truyền thống

Đăng lúc: 15:50:56 09/07/2018 (GMT+7)

Hoằng Hóa và Điện Bàn có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa và con người: Là cửa ngõ của tỉnh lỵ Thanh Hóa và Quảng Nam; nếu như Hoằng Hóa được dòng sông Mã và sông Tào bao bọc ôm ấp, dãy núi Lạch Trường như con tàu khổng lồ chắn kẻ thù từ biển đông vào xâm phạm biển trời Tổ quốc, thì Điện Bàn như tấm lá chắn kẻ thù từ Bắc vào Nam, từ Đông sang Tây, dòng sông Thu Bồn, Vu Gia ôm trọn làng mạc xóm làng, tạo ra Gò Nổi, một vùng quê trù phú, nhiều nghề canh cửi, gieo trồng, nhiều con người tài ba đặc sắc. Hơn nữa, mảnh đất con người, các nét văn hoá dân gian cũng như hướng phát triển kinh tế của 2 đơn vị, đặc biệt là TTCN, làng nghề, làng nghề truyền thống của Hoằng hóa- Điện bàn cũng có nét tương đồng. Với sự hợp tác đắc lực của phóng viên Phạm Lộc (Đài Phát thanh –truyền hình Điện Bàn) nhân dịp kỷ niệm 55 năm Hoằng Hóa -Điện Bàn chúng tôi muốn gới thiệu với các bạn Nét tương đồng trong phát triển làng nghề truyền thống ở Điện Bàn- Hoằng Hóa.
 
1.JPG
 
Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề là một nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo. Trong những năm qua, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn thị xã cũng như huyện Hoằng Hóa luôn được quan tâm chỉ đạo và phát triển nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn.
 
2.JPG

11.JPG
 
Điện Bàn không chỉ được biết đến là mảnh đất địa linh nhân kiệt, mà còn nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống tồn tại từ bao đời nay. Trên địa bàn thị xã Điện Bàn,hiện có khoảng 2.219 cơ sở công nghiệp, nông thôn đang hoạt động. Trong đó, có 160 doanh nghiệp và trên 2.000 hộ cá thể sản xuất công nghiệp, giải quyết cho 20.870 lao động có việc làm ổn định, đưa doanh thu bình quân 34.579 triệu đồng/01 cơ sở. Tại các cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn đã có 57 doanh nghiệp đăng ký đầu tư với tổng vốn là 2.873 tỷ đồng. Trong đó, 32 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, 4 doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng cơ bản, 16 doanh nghiệp đang xúc tiến các thủ tục hồ sơ. Riêng số doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất ổn định với tổng vốn đăng ký 1.304 tỷ đồng, giải quyết 5.815 lao động.
 
3.JPG
 
Bên cạnh đó, việc sản xuất kinh doanh của các làng nghề được duy trì thường xuyên. Đến nay, thị xã có 6 làng nghề được UBND tỉnh công nhận và đang hoạt động đó là: Làng nghề Đúc đồng Phước Kiều, Làng nghề dệt chiếu Triêm Tây, Làng nghề bánh tráng Phú Triêm, Làng nghề nước mắm Hà Quảng, Gỗ mỹ nghệ và Mỹ nghệ đất nung với 210 hộ sản xuất, giải quyết việc làm cho 550 lao động. Hằng năm, mỗi làng nghề mang lại doanh thu bình quân 7.580 triệu đồng. Các làng nghề, nghề thủ công mỹ nghệ hầu hết đều đã gắn kết với các điểm, các tuyến du lịch như Đúc đồng Phước Kiều, Chiếu chẻ Triêm Tây, nước mắm Hà Quảng,… Ngoài ra, một số cơ sở tiểu thủ công nghiệp tiếp tục duy trì và hoạt động tốt như HTX Thương mại Điện Thọ, HTX Phú Bông, Cơ sở mây tre Lê Viết Tới, Công ty TNHH gỗ nghệ thuật Âu Lạc, Cở sở chạm khắc gỗ Lạc Việt, Cơ sở gỗ mỹ nghệ Gò Nổi, Công ty TNHH mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp, Cở sở gỗ mỹ nghệ Uy Long, Gốm Lê Đức Hạ, các cơ sở sản xuất lồng đèn…các cơ sở này đã thu hút trên 195 lao động nông nhàn, đã góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp của thị xã, đem lại thu nhập đáng kể cho người lao động. Tổng doanh thu của các hộ, doanh nghiệp, HTX trên 13,1 tỷ đồng/ 1 năm.
 
4.JPG
 
Đến thăm cơ sở mộc mỹ nghệ truyền thống Nguyễn Văn Tiếp ở cụm làng nghề du lịch Đông Khương, xã Điện Phương, một cơ sở sản xuất có quy mô lớn của thị xã Điện Bàn không khí làm việc ở đây hết sức khẩn trương; người cưa xẻ gỗ, người chuyên tâm đục đẽo, chạm trổ tạo hình… Mỗi người một việc, mỗi công đoạn sản xuất nên dường như đã tạo nên một dây chuyền sản xuất khép kín, liên tục. Những bộ đồ thờ, những chiếc tủ, tranh tượng.. được gia công hết sức tỉ mĩ, công phu, những pho tượng gỗ với nhiều kiểu dáng cũng đang được hoàn thiện những khâu cuối cùng... Mùi thơm của các loại gỗ cùng với những hình tiết, hoa văn ấn tượng khiến người xem mải mê không chán mắt.
 
10.JPG
 
5.JPG
 
Cũng như bao làng nghề khác, làng đúc đồng Phước Kiều cũng đang hối hả đỏ lửa cho ra lò những sản phẩm truyền thống của làng. Qua tìm hiểu , làng nghề đúc đồng Phước Kiều ra đời cách đây hơn 400 năm. Ban đầu chủ yếu sản xuất các loại lư đèn thờ, chuông, chiêng… phục vụ cho các sinh hoạt lễ nghi, phong tục tập quán. Khi miền xuôi và miền ngược thông thương, làng Phước Kiều “mở” thêm thị trường tại khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên, sản phẩm chủ yếu là các loại nhạc cụ dùng trong sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc đồng bào dân tộc thiểu số. Và cũng nhờ nó, các nghệ nhân nhiều thế hệ đã tạo dựng nên thương hiệu đó là làng đúc cồng chiêng Phước Kiều. Những nét độc đáo, tinh hoa của làng được lưu truyền đến ngày nay đều có “bí quyết riêng” về pha hợp kim và kỹ thuật thẩm âm của nghệ nhân đúc đồng Phước Kiều. Muốn có được nhạc khí, người thợ phải dành nhiều thời gian, công sức đầu tư bằng sự tỉ mỉ, khéo léo của việc làm khuôn. Tùy loại sản phẩm, thợ đúc áp dụng những kĩ thuật khác nhau về nung khuôn, nấu kim loại, rót khuôn và ra khuôn.
 
9.JPG
 
6hc.JPG
 
Cũng trên mảnh đất Điện Phương, làng bánh tráng Phú Triêm, nơi có món mỳ Quảng nổi tiếng, từ lâu đã đi vào câu ca, khúc hát của người xứ Quảng. Bánh tráng Phú Triêm hay tô mì Quảng đã tạo nên thương hiệu trên thị trường, được xem như món ăn được yêu thích của nhiều người. Đều đặn vào mỗi ngày, từ tờ mờ sáng cho đến tận giữa trưa, ở mỗi góc nhà của các hộ gia đình, các lò bánh vẫn cháy rực than hồng.
Hiện nay, làng bánh tráng Phú Triêm có khoảng gần 25 hộ đang duy trì sản xuất bánh tráng. Để bảo vệ thương hiệu cho riêng mình, làng nghề đã xây dựng nhãn hiệu độc quyền “Bánh tráng Phú Triêm”.
Tại Hoằng Hóa: Với khoảng 20 nghề truyền thống, đến nay còn tồn tại và phát triển một số nghề như: Nghề mộc, mây tre đan, bện chỗi đót, gốm, nấu rượu, bún bánh, đậu phụ, chế biến hải sản và nước mắm; lao động các nghề truyền thống thu hút khoảng ½ lực lượng lao động ngành nghề nông thôn (xấp xỉ 10.000 lao động).
Nghề mây tre đan, là nghề truyền thống của xã Hoằng Thịnh và Hoằng Thái, đến nay có 9 xã đang tổ chức hoạt động nghề, lao động bình quân qua các năm khoảng thu hút 2.500 lao động, sản xuất ra hàng triệu bộ sản phẩm/năm, doanh thu ước đạt trên 50 tỷ đồng /năm.(có thời điểm đã phát triển ở 13 xã với 4500 lao động)
 
8.JPG
 
Nghề mây tre đan với các sản phẩm truyền thống là rỗ, rá các loại cho xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc và bán cho các doanh nghiệp tỉnh ngoài xuất khẩu; từ năm 2006 đã có sản phẩm mới là sản phẩm thủ công mỹ nghệ chao đèn và đèn lồng xuất khẩu do công ty TNHH Quốc Đại (Hoằng Thịnh) đào tạo nghề và bao tiêu sản phẩm, đây là sản phẩm tiêu tốn ít nguyên liệu, cơ cấu giá trị lao động chiếm trên 80 % giá thành sản phẩm, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 600 của 9 xã (có thời điểm 1000 lao động).
Trong tổ chức sản xuất, nghề mây tre đan đã được đầu tư các máy móc thay thế một số khâu thủ công chiếm nhiều thời gia như như pha chẻ, đánh bóng nan; đồng thời trong khâu tiêu thụ sản phẩm, nếu như trước đây chỉ có các ông chủ thu gom và bán lại cho các doanh nghiệp tỉnh ngoài xuất khẩu, thì hiện nay đã có thêm 4 công ty tổ chức sản xuất và thu mua sản phẩm.
Nói đến Hoằng Hóa không thể không nhắc đến Nghề mộc, Từ xưa là nghề truyền thống của các xã Hoằng Hà, nay đã phát triển ở tất cả các xã, thị trấn; lao động thu hút khoảng 2.000 lao động, riêng 3 xã có nghề truyền thống khoảng 700 lao động.
 
7.JPG
 
Làng Đạt Tài thuộc xã Hà Thái, Tổng Bút Sơn (cũ), theo lời kể của các cụ Cao niên, Hoằng Hà thì người truyền nghề cho các vùng này quê gốc ở Ý Yên, Trấn Nam Sơn (cũ), nay là Hà Nam, ông vốn là thợ cả của một tổ thợ mộc vào đây làm nhà, lấy vợ người Đạt Tài, truyền nghề mộc cho dân Đạt Tài. Trên đôi câu đối ở đền Trà Cổ (Móng Cái, Quảng Ninh) vẫn còn ghi lại dấu tích của nghề mộc Đạt Tài với câu đối như sau:
Thiên tích thông minh Hoằng Hóa dục
Thánh phù công dụng Đạt Tài danh
(Tạm dịch: Trời phú thông minh cho Hoằng Hóa tiến phát
Thánh phù công dụng Đạt Tài lừng Danh)
Ngôi đền này được xây dựng năm 1711, điều đó cho thấy nghề mộc Đạt Tài và Hạ Vũ có lịch sử tồn tại và phát triển đến nay đã hơn 300 năm…
Trong những năm qua nghề mộc luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội của nhân dân làng Đạt Tài nói riêng và xã Hoằng Hà nói chung, luôn là nghề mũi nhọn và chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của địa phương, nếu như năm 2005 cả làng chỉ có khoảng 200 lao động làm nghề thì đến nay, số lượng đã tăng hơn gấp nhiều, 200 hộ mở xưởng tại làng trong đó có những hộ đã đầu tư vốn lớn để mua máy đục điêu khắc mỹ thuật công nghệ cao với giá 400 – 500 triệu đồng như hộ Anh Đặng Thế Hoạt, Lê Sỹ Toán, Lê Văn Trường, ngoài ra một số con em làng nghề mộc Đạt Tài còn đem nghề mộc lập công ty, mở xưởng ở nhiều các tỉnh thành trong cả nước với quy mô sản xuất lớn, sản xuất hàng mộc xuất khẩu và đáp ứng tiêu dùng trong cả nước . Thu nhập từ nghề đều đạt khá và tăng qua các năm, thời điểm hiện tại thu nhập đã đạt bình quân 7-9 triệu đồng/LĐ/tháng. Đến làng Đạt Tài ngày nay chúng ta có thể thỏa thê chiêm ngưỡng sản phẩm được bày bán 2 bên đường, bên cạnh những sản phẩm cổ truyền như phù điêu, đại tự, hoành phi, câu đối, tranh tứ quý .. còn có những sản phẩm kết hợp với tính cổ truyền và hiện đại như salon tàu, bàn ghế âu á .v.v....
Trong sản xuất đang phát triển theo mô hình doanh nghiệp và HTX, các công cụ máy móc được chú ý đầu tư tương đối nhanh trong những năm gần đây như các lọai máy cưa, vanh, lọng, bào, đục, đến nay đã đầu tư mới 8 máy đục các sản phẩm cao cấp; mặt hàng chủ yếu là sản phẩm gia dụng và công sở, xu hướng mộc cao cấp, mỹ nghệ phát triển khá nhanh và khẳng định được vị trí trên thị trường trong tỉnh; nghề mộc phát triển đã kích thích ra đời một số doanh nghiệp chế biến gỗ cung cấp cho các làng nghề và nhu cầu xây dựng. Doanh thu bình quân hàng năm của riêng 3 xã có nghề truyền thống là Hoằng Hà, Hoằng Đạt, Hoằng Lương khoảng 100 tỷ đồng.
Nghề chế biến hải sản như nước mắm, mắm chượp, hải sản khô, đông lạnh, ướp đá, có ở các xã Hoằng Phụ, Hoằng Trường, Hoằng Thanh, thu hút khoảng 2500 lao động, riêng ở Hoằng Phụ có trên 1.000 lao động.
Sản phẩm chế biến hàng năm nước mắm từ 2,3 đến 2,6 triệu lít, mắm chượp 2,0 đến 2,3 ngàn tấn, cá ướp đá 2,0 đến 2,5 tấn, hải sản khô các loại 300 đến 350 tấn; sản phẩm nước mắm Khúc Phụ có tiếng từ xưa của Hoằng Phụ đang được xây dựng nhãn hiệu tập thể để phát triển thương hiệu. Tuy nhiên, sản xuất của nghề này mang tính thời vụ cao, sản xuất là thủ công dựa trên kinh nghiệm truyền thống và thị trường trong tỉnh là chủ yếu.
Bên cạnh các nghề trên là, một số nghề truyền thống được khôi phục và duy trì: Nghề bện chỗi đót (Hoằng Trung); Nghề gốm (Hoằng Hợp); Bún bánh (Hoằng Hợp, Hoằng Giang); Nấu rượu Ngọc Chuế (Hoằng Yến), Hồng Nhuệ (Hoằng Thắng).
Qua khảo sát trên địa bàn Hoằng Hóa có 18 làng đạt tiêu chí làng nghề truyền thống. Những làng nghề truyền thống đóng vai trò nòng cốt trong duy trì và phát triển nghề truyền thống, đồng thời có tính ổn định cao hơn khi gặp điều kiện khó khăn và phát triển nhanh hơn khi có điều kiện thuận lợi. Lao động sản xuất trong các làng nghề truyền thống có tính ổn định cao, công cụ lao động được chú ý đầu tư hơn, do đó năng suất lao động, chất lượng sản phẩm cao hơn so với các làng nghề khác cùng ngành nghề. Tuy nhiên, hiện công tác xây dựng thương hiệu sản phẩm của các cơ sở sản xuất của làng nghề chưa được quan tâm; một số sản phẩm truyền thống có danh tiếng từ xưa tồn tại và phát triển đến nay, nhưng chưa đăng ký nhãn hiệu và triến khai các giải pháp xây dựng thương hiệu như mây tre đan (Hoằng Thịnh), mộc (Hoằng Hà, Hoằng Đạt, Hoằng Lương) nước mắm Khúc Phụ (Hoằng Phụ), rượu Ngọc Chuế (Hoằng Yến), rượu Hồng nhuệ (Hoằng Thắng) v.v..
Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của cả Điện Bàn-Hoằng Hóa vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, như việc tổ chức sản xuất còn phân tán, phát triển theo hướng tự phát, quy mô sản xuất nhỏ lẻ dưới dạng hộ gia đình và khép kín; chưa đầu tư đáng kể về công nghệ; thiếu sự liên kết trong tổ chức sản xuất, vốn, công nghệ vì vậy đã hạn chế khả năng phát triển của làng nghề. Việc quản lý các cơ sở chưa đạt hiệu quả, phần lớn chưa được trang bị những kiến thức cần thiết về quản trị kinh doanh cũng như chưa hiểu biết kỹ về chính sách liên quan tới các hoạt động kinh tế. Phần lớn lao động được học nghề qua lối truyền nghề và kèm cặp trong sản xuất; không qua đào tạo cơ bản và còn chưa tách khỏi nông nghiệp nên chậm tiếp thu công nghệ và hoạt động theo tính thời vụ. Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, thiếu đội ngũ lao động, kỹ thuật, công nhân lành nghề, số lượng nghệ nhân, thợ giỏi chưa nhiều. Thiếu đội ngũ lao động kế cận và lao động trẻ, phần lớn người lao động được đào tạo theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”.Mức hỗ trợ vốn vay tương đối thấp và khả năng tiếp cận các nguồn vốn còn hạn hẹp.Khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế: Chủng loại, kiểu dáng của sản phẩm thủ công truyền thống chưa phong phú, đa dạng, chất lượng chưa cao... để hấp dẫn khách du lịch. Một số cơ sở sản xuất TTCN còn thiếu thông tin về thị trường, giá cả, pháp luật của Nhà nước cũng như luật pháp quốc tế, chậm xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, sở hữu công nghiệp, công tác quảng cáo, tiếp thị chưa được quan tâm đúng mức. Do hạn chế về công nghệ, thiết bị, mặt bằng sản xuất, trình độ quản lý… và không có sự quan tâm đến các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường nên đa số các cơ sở trong quá trình sản xuất đều tác động xấu đến môi trường và khu vực dân cư xung quanh.
Để giữ gìn những nghề truyền thống mang đậm hồn Việt, để sản phẩm của làng nghề được bay cao, bay xa hơn nữa bằng chính thương hiệu của mình thì không phải chỉ có đôi bàn tay khéo léo, niềm đam mê sáng tạo là đủ, người làng nghề đang cần có thêm sự đầu tư hỗ trợ về vốn, thông tin thị trường, tạo thương hiệu, liên kết sản xuất... Đây sẽ là hành trang giúp các làng nghề tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai không xa./.
Tuyết Mai: Đài Hoằng Hóa và Phạm Lộc Đài PT_TH Thị xã Điện Bàn

 
Truy cập
Hôm nay:
4028
Hôm qua:
16746
Tuần này:
36332
Tháng này:
203532
Tất cả:
11696094