QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Ký ức về một ngôi trường

Đăng lúc: 07:49:49 20/07/2018 (GMT+7)

Ghi dấu sự kiện kết nghĩa quan trọng và ý nghĩa giữa Thanh Hóa – Quảng Nam, trên mảnh đất Thanh Hóa kiên cường, nhiều công trình đã được xây dựng gắn với ý nghĩa của lễ kết nghĩa. Trong số những công trình ấy, trường cấp 1 Hoằng Tân là một trong những ngôi trường được xây dựng trong thời điểm lịch sử quan trọng ấy

Giữa lúc cuộc kháng chiến Chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn cam go, ác liệt, thực hiện chủ trương của Đảng, tháng 3 năm 1960, tại thị xã Thanh Hoá, tỉnh lỵ Thanh Hoá (ngày nay là thành phố Thanh Hoá) đã diễn ra lễ kết nghĩa giữa hai tỉnh Quảng Nam và Thanh Hoá. Đây là sự kiện chính trị trọng đại, tạo ra giá trị tinh thần và vật chất to lớn, cổ vũ cán bộ và nhân dân hai tỉnh thực hiện thắng lợi đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ cứu nước. “Vì miền Nam ruột thịt”. Qua lễ kết nghĩa, cán bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hoá đã chi viện nhân lực, vật lực cho Quảng Nam trong những thời điểm ác liệt nhất của chiến tranh. Đáp lại tình cảm thiêng liêng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hoá, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam đã chiến đấu ngoan cường lập nhiều chiến công xuất sắc góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối.
Ghi dấu sự kiện kết nghĩa quan trọng và ý nghĩa ấy, trên mảnh đất Thanh Hóa kiên cường, nhiều công trình đã được xây dựng gắn với ý nghĩa của lễ kết nghĩa. Trong số những công trình ấy, trường cấp 1 Hoằng Tân là một trong những ngôi trường được xây dựng trong thời điểm lịch sử quan trọng ấy. Ngôi trường đã mang trong mình giá trị lịch sử to lớn, nhắc nhở thế hệ thầy cô, thế hệ học sinh Hoằng Tân ngày ấy tích cực thi đua dạy tốt, học tốt, cùng Quảng Nam kiên cường vươn lên chống Mỹ xâm lược giành thắng lợi.
 
db2.JPG
Bác Lương Văn Thứ - người thầy giáo với những kỷ niệm khó quên về ngôi trường cấp 1 Hoằng Tân
Gặp bác Lương Văn Thứ - người thầy giáo già đã 83 tuổi đời - người thầy còn lại duy nhất của xã Hoằng Tân vẫn còn minh mẫn đã từng dạy học ở ngôi trường này trong những năm trường mới được xây dựng, trong đôi mắt bác vẫn ánh lên niềm vui và tự hào khi được nhiều năm liên tục đứng trên bục giảng của ngôi trường ghi dấu sự kiện kết nghĩa của 2 tỉnh Thanh Hóa – Quảng Nam. Ký ức chợt ùa về trong giọng kể chậm rãi của bác.
Không nhớ rõ tháng, nhưng trong ký ức của bác Thứ, năm 1961 là năm đầy kỷ niệm với người thầy giáo trẻ Lương Văn Thứ khi bác cùng lớp thanh niên ngày ấy tích cực tham gia xây dựng ngôi trường tiểu học Hoằng Tân- ngôi trường là dấu ấn ghi lại mối tình kết nghĩa Thanh Hóa – Quảng Nam ngày ấy. Ngôi trường được xây dựng tại khu trung tâm của xã, nơi địa thế cao ráo, rộng rãi, thoáng mát. Trường ngoảnh mặt hướng Nam mát mẻ, gồm 6 phòng có diện tích khá rộng. Mỗi phòng có 1 cửa chính và 4 cửa sổ. Trước khi có ngôi trường này, hầu hết những học sinh trong tuổi đến lớp của xã Hoằng Tân đều phải học tản mát tại các đình làng hoặc trong các nhà dân. Ngôi trường được xây dựng được đánh giá là ngôi trường đẹp trong khu vực, là niềm mong ước chờ đợi bấy lâu của cô trò Hoằng Tân mong muốn có một nơi giảng dạy và học tập chắc chắn, kiên cố. Bác Thứ cho biết: để có được ngôi trường ấy, xã đã phải tổ chức họp dân rất dân chủ, thống nhất tận dụng những lốt mộc từ các đình làng của xã để đưa vào xây dựng trường. Chính bác Thứ và những người bạn của mình đã tự tay đắp dòng chữ nổi: “Kết nghĩa Thanh Hóa – Quảng Nam -1961 ” ngay trên hồi phía đông của trường. Sau xây dựng, trường cấp 1 Hoằng Tân duy trì khoảng 7 cán bộ giáo viên và xấp xỉ 300 học sinh theo học. Ở ngôi trường này, không chỉ phong trào dạy tốt học tốt được duy trì tốt, nhiều phong trào được phát động đã được đông đảo học sinh, giáo viên nhàn trường tham gia như: phong trào “mỗi người làm việc bằng 2” – hướng về miền Nam ruột thịt. Các phong trào “tăng gia sản xuất, cải tiến kỹ thuật ” cũng được phát động sâu rộng trong giáo viên, học sinh như phong trào “nuôi bèo hoa dâu” “trồng cây theo lời bác dặn”. Tất cả đều hướng về Miền Nam thân yêu với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Cũng chính từ mái trường này, nhiều thế hệ học sinh của xã Hoằng Tân đã thành đạt. Nhiều đồng chí lãnh đạo xã Hoằng Tân cũng hồi tưởng lại trong ký ức mình những kỷ niệm đẹp về ngôi trường cấp 1 rộng rãi, thoáng mát – nơi đã ghi dấu tình cảm kết nghĩa giữa 2 tỉnh Thanh Hóa – Quảng Nam trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt.
Năm 2008, sau 47 năm tồn tại, ngôi trường cấp 1 Hoằng Tân được dỡ bỏ để địa phương xây dựng những phòng học mới của Trường Mầm non. Dấu tích của ngôi trường xưa không còn nữa, nơi đất ấy nhường chỗ cho những phòng học hiện đại thơm nồng mùi vôi mới, hiển hiện diện mạo của vùng quê đang thay da đổi thịt, song trong ký ức của những người đã từng nhiều năm gắn bó trên bục giảng và bao thế hệ học sinh Hoằng Tân vẫn không thể nào quên hình ảnh một ngôi trường vượt lên gian khó, nuôi dưỡng từng thế hệ học sinh trưởng thành. Hơn hết nơi ấy còn ghi dấu mối tình kết nghĩa gắn bó keo sơn của 2 tỉnh Thanh Hóa – Quảng Nam trong những năm tháng chiến tranh ác liệt./.
Minh Hiếu – Đài TT Hoằng Hóa
Truy cập
Hôm nay:
2340
Hôm qua:
15097
Tuần này:
56479
Tháng này:
156225
Tất cả:
11648787