QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Nét đẹp tín ngưỡng thờ Mẫu ở xã Hoằng Xuân.

Đăng lúc: 13:44:07 09/04/2024 (GMT+7)

Từ ngã ba Bông xuôi theo dòng sông Mã về phía cầu Hàm Rồng, trên mảnh đất Hoằng Xuân tươi đẹp, du khách có thể dừng chân ghé thăm rất nhiều di tích trên vùng đất này. Trong những vị nhân thần, nhiên thần được nhân dân suy tôn và phụng thờ tại đây, không thể không nhắc tới Thánh Mẫu Liễu Hạnh được phụng thờ tại Phủ Vàng linh từ trên núi Chùa làng Vàng và Quốc mẫu Hà Thị Cai được phụng thờ tại Đền thờ Quốc Mẫu ở làng Nghĩa Hương.

Ảnh 7.jpg
Đền thờ Quốc Mẫu tại làng Nghĩa Hương xã Hoằng Xuân

Từ ngã ba Bông xuôi theo dòng sông Mã về phía cầu Hàm Rồng, trên mảnh đất Hoằng Xuân tươi đẹp, du khách có thể dừng chân ghé thăm rất nhiều di tích trên vùng đất này, như: Phủ Vàng – nơi thờ thánh mẫu Liễu Hạnh, đình làng Xuân Phú – nơi thờ Liễu Hoa công chúa, làng Nga Phú – nơi thờ đức thánh cả Tô Hiến Thành, làng Mỹ Cầu – nơi thờ đức Thái Giám, làng Nghĩa Hương – nơi thờ Quốc Mẫu Hà Thị Cai...
Trong những vị nhân thần, nhiên thần được nhân dân suy tôn và phụng thờ tại đây, không thể không nhắc tới Thánh Mẫu Liễu Hạnh được phụng thờ tại Phủ Vàng linh từ trên núi Chùa làng Vàng và Quốc mẫu Hà Thị Cai được phụng thờ tại Đền thờ Quốc Mẫu ở làng Nghĩa Hương.
1. Đền thờ Quốc mẫu Hà Thị Cai..jpg

Đây cũng là địa điểm diễn ra những lễ hội lớn vào dịp đầu xuân ở địa phương này, gắn liền với nét đẹp trong tín ngường thờ Mẫu ở xã Hoằng Xuân. Với người dân Hoằng Xuân, tín ngưỡng thờ Mẫu là nét văn hóa đặc trưng, phổ biến, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, trở thành dòng chảy liên tục trong văn hóa tâm linh nơi đây.

Theo tài liệu sử truyền thống dân gian, nhất là bản Thánh tổ Phổ tích (Bản chữ Hán) còn lại ở làng Nghĩa Hương xã Hoằng Xuân thì: Bà Quốc Mẫu tên húy là Hà Thị Cai, sinh quán tại làng Quan Nội xã Hoằng Anh (phường Long Anh ngày nay). Trong thời kỳ khởi nghĩa Lam Sơn, có lần Lê Lợi bị truy đuổi phải vượt sông Mã sang đất Hoằng Xuân bây giờ. Khi giặc Minh đuổi theo gần đến nơi, Lê Lợi chạy vào một quán nước bên đường. Trong quán, có một bà lão đầu tóc bạc phơ, dung mạo hiền lành phúc hậu. Lê Lợi vội nói tình cảnh của mình và nhờ bà cứu giúp. Bà lão điềm tĩnh nói: Người đừng lo sợ! Rồi bà chỉ cho Lê Lợi nơi ẩn nấp kín đáo - ngay trong quán của mình. Khi quân Minh kéo đến quát tháo, truy vấn bà, bà điềm tĩnh thản nhiên chỉ tay về phía núi Vàng (làng Đại Điền xã Hoằng Xuân ngày nay), nói là thấy một người đàn ông lạ mặt chạy về phía ấy. Bọn giặc tưởng thật vội chạy theo cho kịp. Khi chúng đã chạy xa, Lê Lợi đi ra quỳ lạy cám ơn bà lão, rồi cáo biệt đi ngay. Sau ngày đại thắng quân Minh, Lê Lợi thân chinh đến làng Sở tìm bà lão bán nước đưa về kinh đô tôn làm Quốc Mẫu. Ít lâu sau bà xin về làng Quan Nội (thuộc phường Long Anh bây giờ) là quê gốc của bà rồi mất ở đó. Bà lão bán nước ấy chính là Hà Thị Cai.

z4127379127191_7a2aa5d2c88c869073894c3c508b7017.jpg
Đây đang là nơi giáo dục truyền thống cho học sinh địa phương

Không chỉ được vua Lê Thái Tổ tôn làm Quốc Mẫu, bà Hà Thị Cai còn được người dân suy tôn là Thành hoàng làng, thờ ở đình làng Nghĩa Hương. Đình làng Nghĩa Hương khi xưa nổi tiếng là một trong những công trình kiến trúc gỗ đẹp, bề thế trong khắp tổng Lỗ Hương. Trải qua thời gian cùng thăng trầm lịch sử, đền Quốc Mẫu Hà Thị Cai ở làng Nghĩa Hương đã được chính quyền, người dân địa phương và du khách xa gần hảo tâm dốc lòng đóng góp tôn tạo lại trên nền móng cũ. Tọa lạc trong không gian văn hóa làng truyền thống, nơi địa thế “sơn thủy hữu tình” và thiên nhiên tươi đẹp. Mặt đền hướng về phía tây nhìn xuống sông Mã, phía bắc là dãy Sơn Trang, phía nam là vùng đất bồi ngoại đê và phía đông là làng nghĩa Hương dân cư đông đúc.  Ngôi đền là điểm đến chiêm bái, dâng hương vãn cảnh hấp dẫn du khách khi về với vùng đất bên bờ sông Mã.

Hàng năm, tại đền Quốc Mẫu diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, như: lễ Kỳ phúc (15 tháng 2 âm lịch); lễ giỗ Quốc Mẫu Hà Thị Cai (12 tháng 12 âm lịch) và vào ngày giỗ vua Lê Thái Tổ (22 tháng 8 âm lịch) người dân trong vùng cùng trở về đền làm lễ tưởng nhớ.

Phủ Vàng qua góc máy flycam..jpg
Phủ Vàng tọa lạc trên núi Chùa làng Vàng (thôn Đại Điền) xã Hoằng Xuân

Cách Đền thờ Quốc Mẫu Hà Thị Cai về phía Bắc không xa là Phủ Vàng Linh từ - nơi thờ Đệ nhất Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Hoà quện trong không gian linh thiêng của tín ngưỡng thờ Mẫu ở xứ Thanh, tháng 3 âm lịch hàng năm, ngược xuôi sông Mã hay chạy theo các tuyến đường bộ về với xã Hoằng Xuân, du khách lại được hoà mình trong lễ hội Phủ Vàng – nơi thờ phụng Đệ nhất Thánh Mẫu Liễu Hạnh – một trong 4 vị thần “tứ bất tử” của Việt Nam (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh Thánh Mẫu). Phủ nằm cách đường 1A khoảng 7 km, được xây dựng từ thế kỷ thứ 18. Ở Phủ Vàng, Thánh Mẫu Liễu Hạnh là bậc anh linh, quyền cao tối thượng nhưng gần gũi, bình dị trong đời sống tâm linh của người dân.

Rước cỗ trong lễ hội Phủ Vàng (2).jpg
Rước cỗ trong lễ hội Phủ Vàng

Theo truyền thuyết kể lại: Khi Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc dẹp giặc Thanh, tới phủ Vàng cho quân dừng chân nghỉ ngơi và vào phủ dâng hương kính lễ, được Thánh Mẫu báo mộng, bày kế sách đánh giặc nên đã thu được thắng lợi. Khi Nguyễn Huệ lên ngôi vua, lấy niên hiệu Quang Trung đã tri ân thánh Mẫu và ban sắc phong là: “Đệ Nhất Liễu Hạnh công chúa, sắc tặng gia phong Mã vàng Bồ Tát Chế Thắng Bảo Hòa Diệu Đại Vương tối linh thần” và lập đền thờ trên núi Chùa làng Vàng xã Hoằng Xuân với phong cảnh nên thơ hữu tình, tụ khí linh thiêng của đất trời.

Năm 2024, lễ hội Phủ Vàng được tổ chức theo thông lệ – từ ngày 9/4 đến hết ngày 11/4 (tức ngày 1/3 đến ngày 3/3 năm Giáp Thìn) với nhiều hoạt động phong phú, ý nghĩa, đậm nét văn hoá cổ truyền của dân tộc. Trong đó, sau lễ khai mạc sẽ diễn ra chương trình văn nghệ giao lưu giữa các làng văn hoá và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn xã Hoằng Xuân. Trong các ngày tiếp theo, du khách đến phủ Vàng, ngoài tìm hiểu nét đẹp trong không gian văn hoá của đạo thờ Mẫu nơi đây còn được hòa mình trong các hoạt động như: hội thi nấu cơm, các làng văn hoá trong dâng lễ cúng mẫu, các đội tế, các bản hội hầu đồng.

Hầu đồng trong lễ hội Phủ Vàng..jpg
Nghi lễ hầu đồng trong lễ hội Phủ Vàng

Tín ngưỡng thờ Mẫu ở xã Hoằng Xuân hấp dẫn du khách bởi sự đan xen, hòa quyện giữa những nghi thức trang trọng như: tế lễ, hầu đồng với các hoạt động văn hóa dân gian sôi nổi, đặc sắc. Tiêu biểu cho hệ thống các nghi lễ trong lễ hội Phủ Vàng là nghi lễ hầu đồng gắn với hát văn. Giữa làn khói hương mờ ảo, giọng hát văn, tiếng trống phách, đàn nguyệt, sáo nhị vang lên, lúc dìu dặt, khoan thai, khi dồn dập cùng với động tác lắc lư, nhún nhảy, tâm trạng biến hóa của thanh đồng… khiến không gian lễ hội trở nên huyền ảo. Những năm gần đây, Phủ Vàng Linh Từ và Đền thờ Quốc Mẫu dần đã trở thành điểm nhấn tâm linh tín ngưỡng của đông đảo nhân dân và du khách thập phương trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh, nhớ về nguồn cội. Nằm ven sông Mã, đây còn là những địa điểm kết nối di tích với các đền lân cận như: đền cô Bơ, đền Hàn Sơn, đền bà Triệu... là điểm đến ý nghĩa trong tuyến du lịch sông Mã của du khách.

Có thể nói, tín ngưỡng thờ Mẫu cho đến nay đã hòa cùng các tôn giáo khác để trở thành một tín ngưỡng bản địa riêng có của người Việt nói chung, người dân địa phương nói riêng. Tuy nhiên, để tín ngưỡng thờ Mẫu thực sự trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống cộng đồng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là hoạt động giao lưu hầu đồng. Cùng với đó, định hướng cho người dân nhận thức đúng, thực hành đúng nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu, hạn chế những biến tướng xấu trong xã hội; khuyến khích những nghệ nhân hát chầu văn truyền dạy những bài hát, điệu hát văn cổ cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, cần xử lý thật nghiêm những biểu hiện lệch lạc, lợi dụng tín ngưỡng thờ Mẫu để trục lợi, tuyên truyền yếu tố mê tín dị đoan...

Thanh Qúy – Trung tâm VHTT TT&DL

 

Truy cập
Hôm nay:
2722
Hôm qua:
7960
Tuần này:
10682
Tháng này:
249167
Tất cả:
11741729