QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Hoằng Hóa đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp

Đăng lúc: 21:26:49 14/10/2024 (GMT+7)

Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, Huyện ủy Hoằng Hóa đã thảo luận, ban hành các chương trình, kế hoạch phát triển CN, đô thị giai đoạn 2020-2025. Trong đó, huyện đặt mục tiêu phát triển CN theo hướng hiện đại, đưa CN trở thành ngành kinh tế trụ cột của huyện; tăng nhanh giá trị sản xuất CN, tiểu thủ công nghiệp (TTCN); thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho lao động địa phương; từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; nâng cao thu nhập và chất lượng sống của Nhân dân; đảm bảo an sinh, an toàn xã hội và phát triển toàn diện, bền vững.

Lễ động thổ dự án nhà máy dệt may Nam Ích Thái Thắng..jpg
Lễ động thổ dự án nhà máy dệt may Nam Ích Thái Thắng.

Tháng 5/2024, một dự án nhà máy dệt may có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng đã được khởi công xây dựng tại cụm công nghiệp (CCN) Thái Thắng. Dự án Nhà máy dệt may Nam Ích Thái Thắng do Tập đoàn Nam Ích (Hồng Kông - Trung Quốc) làm chủ đầu tư; Công ty CP Tập đoàn Việt Hưng là đơn vị tổng thầu thi công. Dự án được quy hoạch trên diện tích 81.972m2, nhằm mục đích sản xuất các sản phẩm dệt len, may mặc chất lượng cao phục vụ thị trường Việt Nam và xuất khẩu. Sau khi khởi công xây dựng, không khí thi công khẩn trương trên công trường, các đơn vị huy động xe, máy, nhân lực gấp rút thi công dự án, phấn đấu đến tháng 1/2025 nhà máy sẽ hoàn thành đi vào hoạt động. Dự án kỳ vọng sẽ giải quyết việc làm ổn định cho trên 5.000 lao động, góp phần thúc đẩy sự phát triển trong khu vực.

Cụm công nghiệp Bắc Hoằng Hóa.jpg

Theo Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, huyện Hoằng Hóa có 2 khu công nghiệp (KCN): KCN Phú Quý, KCN Bắc Hoằng Hóa và 6 CCN, gồm: CCN Thái Thắng, CCN Hoằng Đông, CCN Hoằng Quỳ, CCN Phú Quý, CCN Hoằng Sơn, CCN Đạt Tài. Triển khai quy hoạch, huyện Hoằng Hóa đang tập trung phát triển các khu, CCN để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Hiện nay, KCN Phú Quý đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 làm cơ sở triển khai thực hiện. Hai CCN (CCN Bắc Hoằng Hóa, CCN Thái Thắng) đã được thành lập CCN và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.

z4788990928051_cedb91d5c5e8300b07dcfc4f5e71ee50.jpg
Công bố quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp Phú Qúy.

Tận dụng lợi thế về vị trí địa lý, quy hoạch các khu, CCN trên địa bàn huyện Hoằng Hóa được khảo sát kỹ, thuận lợi về giao thông kết nối, nguồn nhân lực, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ngay sau khi được phê duyệt, một số khu, CCN đã và đang khẩn trương được đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp xây dựng các nhà máy sản xuất, kinh doanh. Đến nay, nhiều nhà đầu tư lớn đã đầu tư và tìm kiếm cơ hội đầu tư trên địa bàn. CCN Bắc Hoằng Hóa thu hút được 7 nhà đầu tư (2 nhà đầu tư nước ngoài và 5 nhà đầu tư trong nước); CCN Thái Thắng thu hút được 2 nhà đầu tư (1 nhà đầu tư trong nước và 1 nhà đầu tư nước ngoài). Tiếp nhận hồ sơ thành lập cụm CN Hoằng Đông.

Nhà máy Sakurai Việt Nam.jpg
Nhà máy Sakurai Việt Nam tại CCN Bắc Hoằng Hóa.

Là công ty có vốn đầu tư nước ngoài đóng chân tại cụm công nghiệp Bắc Hoằng Hóa, với sự tạo điều kiện của chính quyền huyện Hoằng Hóa về đất đai để xây dựng nhà xưởng, các thủ tục pháp lý và công tác tuyển lao động, Công ty Sakurai Việt Nam đã đi vào sản xuất giai đoạn 1, giai đoạn 2 với quy mô 500 công nhân chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Trong năm 2024, công ty dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động giai đoạn 3 của nhà máy và tạo việc làm cho khoảng 700 lao động tại địa phương.

Công bố lập quy hoạch Khu công nghiệp Phú Qúy..jpg
Công bố Quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp Phú Qúy.

Phát triển công nghiệp, đô thị là một trong 4 chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hoằng Hóa lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra với nhiều định hướng lớn nhằm từng bước thực hiện mục tiêu đưa Hoằng Hóa trở thành thị xã trước năm 2030. Thực hiện chương trình trọng tâm đó, trong những năm gần đây, lĩnh vực sản xuất công nghiệp của huyện đã có những bước chuyển đáng khích lệ. Riêng 9 tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn; song, các doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động và có xu hướng tăng trưởng tích cực; trong đó, sản phẩm một số ngành trọng điểm tăng, như: quần áo các loại, ước đạt 58,3 triệu sản phẩm, tăng 11,3% so cùng kỳ; bóng các loại 1,2 triệu quả, tăng 6,5% so cùng kỳ (trong đó đã xuất khẩu 962.096 quả); hàng nan đạt 24,2 triệu sản phẩm, tăng 4,3% so cùng kỳ; nước mắm đạt 12,2 triệu lít, tăng 7,8% so cùng kỳ; gạch viên các loại đạt 36,1 triệu viên, tăng 3,5% so cùng kỳ. Hiện trên địa bàn huyện có 106 doanh nghiệp công nghiệp, với gần 9.000 lao động; trong đó, có gần 20 doanh nghiệp may mặc có nhiều đơn hàng, có doanh nghiệp đã ký hợp đồng hết năm 2025, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động; đặc biệt, Công ty TNHH Sakurai Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) đã đi vào hoạt động với quy mô 500 lao động, bình quân sản xuất 360 nghìn sản phẩm/tháng; Công ty Lê gia mở rộng nhà máy sản xuất thực phẩm đóng hộp từ thủy sản, với tổng mức đầu tư gần 50 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn huyện đã thu hút được các dự án đầu tư sản xuất sợi dệt và các sản phẩm phụ trợ ngành dệt may, da giày như: Nhà máy vật tư ngành giày công suất 10 triệu sản phẩm/năm, với hơn 400 lao động và các nhà đầu tư thứ cấp ở cụm công nghiệp Bắc Hoằng Hóa.

Với những hướng đi đúng đắn của các cấp chính quyền cùng sự đồng lòng của Nhân dân, tin rằng huyện Hoằng Hóa sẽ tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển theo hướng bền vững. Trong đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương.

Thanh Qúy – Trung tâm VHTT TT&DL

 

Truy cập
Hôm nay:
11315
Hôm qua:
15845
Tuần này:
47086
Tháng này:
475227
Tất cả:
15630401