QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Đảng bộ huyện Hoằng Hoá 90 năm xây dựng và phát triển

Đăng lúc: 21:56:50 31/08/2020 (GMT+7)

Ngày 1/9/1930, Đảng bộ huyện Hoằng Hoá được thành lập. Đây là mốc son chói lọi, khởi đầu cho những dấu ấn lãnh đạo, chỉ đạo bằng bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần đổi mới, sáng tạo… trong lịch sử đấu tranh cách mạng và dựng xây, phát triển của quê hương Hoằng Hoá suốt 90 năm qua.

Sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời - ngày 3/2/1930, Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá được thành lập - ngày 29/7/1930, ngày 1/9/1930, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Hữu Lập, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Hoằng Hóa đã được thành lập tại nhà đồng chí Lê Viết Phồn thôn Cự Đà xã Hoằng Minh (nay là xã Hoằng Đức). Chi bộ gồm ba đảng viên: đồng chí Lê Viết Phồn – Bí thư chi bộ, đồng chí Trương Khắc Khoan và đồng chí Trương Khắc Cần. Những “hạt giống đỏ” đã được gieo mầm, ngọn cờ cách mạng đã được giương cao trên mảnh đất vốn có bề dày truyền thống yêu nước – Hoằng Hoá.

1. Nơi thành lập chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên huyện Hoằng Hoá.jpg
Nơi thành lập chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên huyện Hoằng Hoá

Sự ra đời của chi bộ Đảng huyện đánh dấu bước ngoặt trọng đại đối với con đường phát triển đi lên của huyện Hoằng Hoá. Ngay sau khi ra đời, chi bộ Đảng huyện Hoằng Hoá đã nhanh chóng ổn định tổ chức, lãnh đạo nhân dân vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945. Dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của Chi bộ Đảng huyện, phong trào Việt Minh Hoằng Hóa được dấy lên thành cao trào mạnh mẽ, nhiều cuộc tuần hành diễn ra ở các làng, tổng làm cho kẻ địch lo lắng. Phong trào yêu nước trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, làm nền tảng vững chắc, tạo đà cho cuộc nổi dậy giành chính quyền trong cách mạng tháng 8 năm 1945. Những địa danh trên mảnh đất Hoằng Hoá: cồn Mã Nhón xã Hoằng Đạo, Liên Châu – Hoá Lộc xã Hoằng Châu, cồn Ba Cây xã Hoằng Thắng trở thành những địa chỉ đỏ ghi dấu khí thế sục sôi của cách mạng tháng Tám năm 1945 trên quê hương Hoằng Hoá tỉnh Thanh. Để rồi ngày 24/7, nhân dân huyện Hoằng Hoá đã vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân - sớm nhất trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Bài ca 24/7/1945 – Hoằng Hoá khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân đã ghi vào trang sử cách mạng của huyện như một mốc son đỏ chói, được tổng Bí thư Trường Trinh đánh giá "đây là cuộc khởi nghĩa đầy sáng tạo, trọn vẹn và rất táo bạo, xứng đáng là lá cờ đầu của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thanh Hoá".

2. Một số hình ảnh về khởi nghĩa 24.7 tại Hoằng Hoá - Tranh sơn dầu (1).jpg
Một số hình ảnh về khởi nghĩa 24.7 tại Hoằng Hoá - Tranh sơn dầu

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hoằng Hoá đã huy động sức người, sức của, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Trong thư khen ngợi của Bác Hồ giành cho nhân dân xứ Thanh, Hoằng Hoá cũng có một phần vinh dự “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Hoằng Hoá đã có gần 4.000 con em lên đường ra nhập bộ đội, công an và trên 920 con em gia nhập thanh niên xung phong. Toàn huyện có 13 gia đình có từ 2 con trở lên tham gia lực lượng vũ trang, trên 5 vạn lượt dân công phục vụ tiền tuyến, nổi bật là tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, chiếm tới 1/6 lực lượng dân công của tỉnh. Ngoài sức người, Hoằng Hoá đã huy động trên 2 vạn tấn thóc, gần 7 triệu đồng tiền mặt cùng nhiều thực phẩm phục vụ chiến trường. Với những đóng góp to lớn, Đảng bộ, quân và dân Hoằng Hoá đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng lá cờ "làm tròn nhiệm vụ" trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và nhiều huân, huy chương, bằng khen của Quốc hội và Chính Phủ. Riêng liệt sỹ Lê Công Khai xã Hoằng Phú được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi trong lần người về thăm Thanh Hoá ngày 13/6/1957.

Trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều phong trào thi đua trong sản xuất được dấy lên. HTX Trung Hoà trở thành đơn vị đầu tiên của tỉnh đạt năng suất lúa 5 tấn/ha, mở đầu ở thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đã góp phần hết sức quan trọng trong việc đẩy mạnh thâm canh, nâng cao năng suất của huyện, tạo nguồn lực lớn cho công cuộc chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn anh hùng. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, Thanh Hoá trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt. Lúc này, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá, huyện Hoằng Hoá với Lạch Trường phía đông, Hàm Rồng phía tây, Lạch Trào phía nam, Nghĩa Trang phía bắc, đâu đâu cũng rực lửa chiến công. Ngày 5-8-1964, nhân dân khu vực Lạch Trường đã chi viện, chăm sóc cứu chữa thương binh, tiếp đạn cho tàu hải quân chiến đấu, đã làm tăng thêm sức chiến đấu của lực lượng hải quân ta, góp phần viết nên bản hùng ca trận đầu chiến thắng của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

3. Hình ảnh Lão Quân Hoằng Trường trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (4).jpg


Ngày 3 và 4/4/1965, hàng trăm lượt máy bay của đế quốc Mỹ tập trung đánh phá cầu Hàm Rồng. Quân và dân trong huyện đã phối hợp cùng bộ đội cao xạ bắn rơi 47 máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái, đập tan cuộc không kích của địch. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hoằng Hoá đã có 4 đơn vị được Hồ Chí Minh gửi lời khen và thư khen trên các mặt sản xuất và chiến đấu, gồm: HTX Trung Hoà, Trung đội lão quân xã Hoằng Trường, Trung đội nữ dân quân xã Hoằng Trường, xã Hoằng Hải.

3. Hình ảnh Lão Quân Hoằng Trường trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (5).jpg

4. Tượng đài lão quân Hoằng Trường.jpg

Riêng Trung đội lão dân quân xã Hoằng Trường  được Đảng, Chính phủ tuyên dương đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, ngay sau trận đánh bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 2.400. Nhiều tập, thể, cá nhân của huyện được tuyên dương dũng sỹ diệt Mỹ, được tặng thưởng huân chương chiến công. Nổi bật là đơn vị dân quân Yên Vực được tuyên dương "75 dũng sỹ Yên Vực".

Theo thống kê, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hoằng Hoá có trên 400 Mẹ được truy tặng, phong tặng danh hiệu cao quý Mẹ Việt Nam anh hùng; trên 40 đơn vị, tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động; trên 5.000 bằng tổ quốc ghi công; gần 30.000 huân, huy chương các loại, các hạng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc. Năm 1996, huyện Hoằng Hoá được phong tặng danh hiệu đơn vị "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".

5.1 Một số hình ảnh Hoằng Hoá trong thời kỳ đổi mới.jpg

Từ truyền thống đi lên và bước qua các cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại, Hoằng Hóa bước vào công cuộc xây dựng và đổi mới. Suốt trong nhiều năm qua, một Hoằng Hóa đầy nội lực, đầy ý chí tiến thủ, đầy nghị lực, dám nghĩ, dám làm, dám bứt phá, dám chiến thắng mọi hoàn cảnh, vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới lại được khơi dậy từ mạch nguồn truyền thống đó. 

5.2 Một số hình ảnh Hoằng Hoá trong thời kỳ đổi mới.jpg

Với hơn 12.300 Đảng viên đang sinh hoạt ở 67 tổ chức đảng trực thuộc, Ðảng bộ, chính quyền huyện Hoằng Hóa luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao năng lực lãnh đạo của các cơ sở đảng. Trong đó, đã xây dựng 4 lĩnh vực trụ cột: phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển công nghiệp và đô thị; phát triển du lịch và trở thành một trung tâm giáo dục chất lượng cao. Nhờ quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, huy động hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, giai đoạn 2016 - 2020 đã thu hút được 351 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư đăng ký hơn 3.800 tỷ đồng, góp phần nâng tổng mức đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 đạt 25.220 tỷ đồng. Nhiều dự án có quy mô lớn, công trình quan trọng có tính chất lan tỏa được chỉ đạo, đôn đốc đầu tư, đưa vào sử dụng.

5.4 Một số hình ảnh Hoằng Hoá trong thời kỳ đổi mới.jpg



Với sự nỗ lực quyết tâm phấn đấu của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện trong suốt những năm qua đã xây dựng nên một Hoằng Hóa có diện mạo khang trang, đời sống nhân dân ngày càng khá giả, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở khám chữa bệnh đã đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân, đưa huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Với tầm nhìn chiến lược, Hoằng Hoá đã xây dựng quy hoạch vùng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070, trong đó, Hoằng Hoá phấn đấu trở thành thị xã trước năm 2030.


Từ mạch nguồn lịch sử, Hoằng Hóa hôm nay đang chủ động, tự tin bước vào thời kỳ tái cơ cấu nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Những thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới của Hoằng Hóa hôm nay chính là được kế thừa và phát huy từ cội rễ gian lao, sâu bền và suối nguồn trong mát của lịch sử. Đây cũng là nền tảng, là động lực để Hoằng Hóa tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai.

Thanh Quý - Trung tâm VHTT - TT&DL

 

 

 

 

 

Truy cập
Hôm nay:
9001
Hôm qua:
7183
Tuần này:
16184
Tháng này:
115930
Tất cả:
11608492