Thú vị món bánh đa dừa xã Hoằng Phụ
Đăng lúc: 00:00:00 20/09/2017 (GMT+7)
Huyện Hoằng Hóa không chỉ được biết đến là mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống hiếu học mà còn là nơi có nhiều món ăn đậm chất thôn quê, dân dã nhưng ấn tượng khó quên… trong đó phải kể đến bánh đa dừa xã Hoằng Phụ.
Một trong những nét đẹp văn hóa ẩm thực ở Hoằng Hóa khi người ta nhắc đến đó là hương vị đậm đà biển cả - nước mắm Khúc Phụ, nước mắm Lê Gia - xã Hoằng Phụ và giờ đây là món bánh đa dừa của địa phương. Rất tình cờ khi phóng viên Đài Hoằng Hóa gặp một vài người khách từ Hà Nội về nghỉ dưỡng tại khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua, họ hỏi đường về xã Hoằng Phụ để mua bánh đa dừa về làm quà cho người thân. “Được một số bạn bè từng về Hải Tiến và biết đến bánh đa dừa ở xã Hoằng Phụ, ăn và khen rất ngon, nên dịp về Hải Tiến lần này, chúng tôi cũng muốn mua thứ bánh ấy để về làm quà cho gia đình” – chị Mai Lan Anh – du khách người Hà Nội cho biết.

Phải chăng với hương vị đặc trưng, được làm từ những con người cần cù, hiền hậu, bánh đa dừa Hoằng Phụ ẩn chứa nét văn hóa dân dã, khiến ai đã một lần thưởng thức đều không thể quên hương vị độc đáo ấy? Tìm về xã Hoằng Phụ, hỏi đến bánh đa dừa người ta chỉ ngay đến nhà bà Phạm Thị Tâm ở thôn Bắc Sơn – người đã gắn bó với nghề làm bánh đa dừa từ rất lâu rồi, bà Tâm cho biết, gia đình bà đã 3 đời làm bánh đa dừa, bà học nghề từ hồi còn nhỏ, do bà ngoại và mẹ truyền lại. Bánh đa dừa Hoằng Phụ có đặc trưng rất riêng, mộc mạc đơn sơ là thế nhưng để làm được những chiếc bánh đa dừa ngon “chuẩn vị”, thì người làm bánh phải thật tinh tế, tỉ mỉ và có cả sự tâm huyết, yêu nghề. Một chiếc bánh đa dừa có thể không hề đắt tiền, nhưng sự kì công để làm ra nó thì ai ai cũng phải công nhận. Từ khâu chọn nguyên liệu đến chuẩn bị nguyên liệu đều mất khá nhiều thời gian và công sức, tạo cho chiếc bánh hương vị đặc trưng không ở nơi nào có được. Đó không chỉ là món bánh đơn thuần mà còn chứa đựng nhiều nét văn hóa trong đời sống lao động của người dân nơi đây. Qua nhiều công đoạn vất vả và và không kém phần cầu kỳ để cho ra chiếc bánh ngon: từ cách chọn gạo, chọn dừa đến xay bột tráng bánh, phơi và nướng bánh. Các nguyên liệu đều được làm ra từ chính bàn tay lao động sản xuất của người dân. Gạo làm bánh phải là gạo tẻ trắng tinh, hạt đều tăm tắp, độ dẻo vừa phải; dừa già tươi có cùi dày, trắng ngậm nước ngọt giòn; vừng, lạc rang vàng ươm thơm nức mũi, và sau cùng là đường kính hoặc đường phên, khiến cho không mấy người có thể kiềm lòng trước những hương vị ấy. Dừa sau khi nạo, xay nhỏ với nước dừa rồi trộn cùng với bột làm bánh, pha thêm với tỷ lệ đường vừa phải - đây có lẽ là bí quyết riêng chỉ người làm bánh đa dừa lâu năm mới biết, để làm nên chiếc bánh đa dừa ngoài vị xốp giòn còn có vị ngọt dịu mùi dừa, ăn vào là nhớ mãi. Bà Tâm cũng cho biết thêm, gạo phải xay theo kiểu xay bột nước, như mấy năm trước xay tay bằng cối đá nhiều lần, khi nào bột chảy xuống chậu sủi tăm dùng tay se thử thấy mịn mát sánh như sữa mới được, bây giờ nhờ có máy xay nên tiện hơn. Bột xay xong phải tráng bánh ngay, nếu để lâu bột sẽ bị chua, bánh sẽ mất ngon, do vậy mà mỗi ngày bà Tâm thường dậy từ sáng sớm tinh mơ để xay bột rồi tráng luôn chứ không xay bột từ tối hôm trước.
Công đoạn chuẩn bị nguyên liệu đã có nhiều kì công, tráng bánh lại càng cần nhiều kinh nghiệm để sao cho chiếc bánh đạt được độ tròn, độ chín, độ mỏng lý tưởng nhất mà vẫn giữ nguyên hương vị của nó. Bánh được tráng 2 lớp mỏng đều, sau lớp tráng bột lần một, lớp bột lần 2 được rắc thêm lạc rang giã dập, vừng rang thơm. Bánh tráng xong, trải đều trên những chiếc phên tre, được lật trở nhiều lần cho khô, đều nắng. Khác với các loại bánh đa thường, chỉ phơi một nắng đã khô, nhưng bánh đa dừa sau khi tráng xong cần phải phơi 3 nắng. Thế nên người làm bánh trước khi làm được một mẻ bánh đa phải lựa xem thời tiết có nắng hay không rồi mới đem gạo ngâm để xay bột. Theo bà Tâm khó nhất để làm chiếc bánh đa dừa chính là khâu nướng bánh, vừa cần phải khéo léo vừa cần nhiều thời gian, 1 tiếng quạt tích cực thì được khoảng 12 cái bánh hoàn chỉnh, thứ than dùng để quạt bánh thường dùng là thứ than hoa. Người quạt bánh dùng thứ quạt giấy một tay vừa hơ bánh trên nồi than hồng, một tay vừa quạt than, bánh được lật đi lật lại xoay trái xoay phải để bánh chín đều không bị cướp lửa. Đôi khi phải dùng tay hoặc trở đầu quạt để uốn bánh. Bánh chín đều hai mặt , có màu sắc hung đỏ, thơm dậy mùi dừa - đó mới là chiếc bánh ngon, đẹp chứng tỏ người quạt bánh khéo tay.
Bánh đa dừa được làm quanh năm, nhưng làm nhiều và bán rộ nhất vào dịp Tết đoan ngọ hay các ngày lễ trong năm, có thời điểm nhà bà Tâm làm không kịp để bán, bình quân mỗi tháng bán được khoảng 500 cái bánh, tháng cao điểm bán được 1.500 cái. Bánh làm ra không phải mang đi bán mà người dân quanh vùng hoặc các nơi trong và ngoài tỉnh tự tìm đến mua. Giờ đây bà Tâm cũng đang truyền nghề làm bánh đa dừa cho con cháu, với mong muốn nghề truyền thống được duy trì và hơn hết là lưu giữ được một nét đẹp văn hóa ẩm thực của quê hương.
Đôi khi không cần phải là cao lương mĩ vị, cứ giản đơn chân chất thôi lại làm mê mẩn, đắm say lòng người… và bánh đa dừa xã Hoằng Phụ chính là món ăn chân chất, dân dã ấy! Ăn bánh đa dừa không chỉ thấy được vị giòn, vị thơm mà còn cả tấm lòng của người dân nơi đây gửi tới những vị khách phương xa./.
Phương Trang – Đài TT Hoằng Hóa
Các tin khác
- Thông báo bán vật liệu thu hồi sau thanh lý tài sản Nhà làm việc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện
- Hội nghị đầu bờ đánh giá năng suất giống lúa thuần Thanh Hương vụ mùa 2020
- Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khu dân cư xã Hoằng Tiến
- Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khu dân cư xã Hoằng Đức
- UBND huyện - tổ chức hội nghị thường kỳ tháng 6 năm 2020
- Huyện Hoằng Hóa – 17 xã được thẩm định, công nhận xã đạt tiêu chí xã ATTP
- Hoằng Hợp: Sử dụng hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học trên rau, củ, quả
- Họp kiện toàn Ban cưỡng chế thu hồi đất và thông qua phương án cưỡng chế, thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư tại xã Hoằng Ngọc.
- Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khu dân cư xã Hoằng Hải
- Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Liên kết website
Truy cập
Hôm nay:
7946
Hôm qua:
15821
Tuần này:
68208
Tháng này:
388447
Tất cả:
19819938