QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Cần phát triển vườn cây thuốc nam tại các trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn huyện

Đăng lúc: 08:48:17 18/12/2017 (GMT+7)

Thuốc nam được coi như những di sản quý báu của dân tộc, danh y Tuệ Tĩnh từng nói “Nam dược trị nam nhân”, chẳng thế mà từ xa xưa, cây thuốc nam gắn liền với cuộc sống của các gia đình người Việt và có giá trị quý báu trong điều trị bệnh.

 Chỉ là những cây gần gũi, thân quen xung quanh con người cũng được sử dụng làm bài thuốc chữa bệnh đơn giản, thông thường cho người Việt Nam. Chữa bệnh bằng thuốc nam không chỉ có lợi vì nguồn thuốc dễ tìm, dễ sử dụng, ít tác dụng phụ mà còn ít tốn kém. Chính vì lẽ đó, việc xây dựng vườn thuốc Nam có ý nghĩa vô cùng to lớn; không chỉ giới thiệu về cây thuốc nam và cách sử dụng, các trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn huyện còn khuyến khích người dân, nhân giống các loại cây này trong vườn nhà mình để sử dụng khi cần… Tuy nhiên, để đi đến mục tiêu “Thầy tại nhà, thuốc tại vườn, điều trị tại chỗ” thì cần rất nhiều nỗ lực.
Hiện nay trên địa bàn huyện Hoằng Hóa, hầu như trạm y tế xã, thị trấn nào cũng có vườn cây thuốc nam mẫu trồng tại trạm. So với việc chữa các bệnh thông thường bằng thuốc tây thì chữa bệnh bằng các bài thuốc nam có nhiều ưu điểm như: Dễ trồng, chữa bệnh an toàn, ít gây tác dụng phụ, tránh được hiện tượng nhờn thuốc. Hiệu quả chữa bệnh của cây thuốc nam cũng cao nếu biết sử dụng đúng cách, giá thành lại rẻ hơn dùng thuốc tây, phù hợp với thu nhập của người dân  địa phương. Bên cạnh đó, vườn thuốc nam còn tạo cảnh quan, tăng khoảng không gian xanh cho cơ sở khám chữa bệnh.
Dễ bắt gặp ở vườn cây thuốc nam của các trạm y tế, phổ biến trồng các loại cây như: Ngải cứu, hương nhu, chanh, sả, tía tô, gừng, hẹ, rẻ quạt, đinh lăng… Những loại cây thuốc nam này có hiệu quả rất tốt trong việc điều trị các chứng cảm mạo, thương hàn, viêm họng, thanh nhiệt, tiêu viêm, sốt xuất huyết, đau nhức cơ xương khớp... hay như dùng diếp cá để hạ sốt, lá ổi để chữa tiêu chảy, viêm họng thì dùng hạt lựu vv… những loại cây này, các gia đình cũng có thể dễ dàng trồng ngay tại vườn nhà mình để chữa những bệnh thường gặp, hoặc nhờ sự hướng dẫn của bác sỹ ở trạm cũng có thể biết cách kết hợp các loại lá nam để thành bài thuốc chữa được các bệnh như bỏng, rắn cắn, đau dạ dày, … Một trong những trạm y tế phát triển khá tốt vườn cây thuốc nam trên địa bàn phải kể đến vườn cây thuốc nam của trạm y tế Thị trấn Bút Sơn, xã Hoằng Đức, Hoằng Sơn, Hoằng Vinh, Hoằng Thành,...
Qua trao đổi với bà Lê Thị Tuyết - Trạm trưởng trạm y tế xã Hoằng Đức được biết, bên cạnh phát huy chuyên môn nghiệp vụ khám chữa bệnh ban đầu theo phương pháp tây y, Trạm y tế xã Hoằng Đức luôn chú trọng đến phát triển và sử dụng hiệu quả vườn cây thuốc nam tại trạm, với trên 60 loại cây thuốc thường gặp, dễ trồng; sử dụng chữa các loại bệnh, điển hình nhất là bệnh ngứa rất hiệu quả; ngoài ra trạm cũng tuyên truyền hướng dẫn tới người dân công dụng của các cây thuốc nam chữa các bệnh thường gặp để người dân tìm hiểu.
Thế nhưng số trạm y tế có vườn cây thuốc nam đủ chủng loại cây thuốc cũng như sử dụng hiệu quả thì còn ít. Mặc dù trên địa bàn huyện, hầu hết các trạm y tế đều được quy hoạch khu vực vườn thuốc Nam và nhiều trạm cũng đã xây dựng được vườn thuốc Nan khá đầy đủ và quy mô. Tuy nhiên, việc duy trì vườn thuốc là không đơn giản nhất là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, có không ít trạm do nhiều yếu tố ảnh hưởng mà không có vườn thuốc Nam đạt yêu cầu. Hạn chế lớn nhất chính là sự quan tâm chăm sóc vườn thuốc Nam. Do thiếu quan tâm đến việc duy trì vườn thuốc Nam, thiếu chăm sóc nên cây thuốc còi cọc, khô héo không phát triển, thậm chí cây chết khô vẫn chưa được thay thế bằng cây khác, để cỏ dại mọc nhiều, khó nhận biết được cây thuốc; do cơ sở trạm xuống cấp, khó khăn, không có vườn cây thuốc nam hoặc có nhưng cũng chưa phát triển được. Theo quy định của Bộ Y tế, xây dựng và phát triển vườn thuốc Nam là 1 trong những tiêu chí bắt buộc khi xây dựng trạm y tế đạt yêu cầu và cũng là tiêu chí chấm điểm xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế; vườn thuốc Nam phải có trên 40 loại cây thuộc 9 nhóm dược liệu theo danh mục của Bộ Y tế ban hành, dùng để chữa một số bệnh thường gặp, đồng thời phải có bảng hướng dẫn về công dụng của từng cây thuốc để người dân tìm hiểu.
Rõ ràng thuốc nam có hiệu quả rất tốt trong việc điều trị bệnh nhất là khi kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền vừa giúp đạt hiệu quả cao trong việc điều trị bệnh, vừa hạn chế khả năng xảy ra tác dụng phụ đối với người bệnh. Do vậy mà tại các Trạm y tế cần quan tâm đến vườn cây thuốc nam tại trạm mình, đưa vào trồng những cây thuốc quý để các vườn thuốc nam ngày càng phong phú và phát huy hiệu quả trong điều trị bệnh cho nhân dân;vườn cây thuốc trồng xong cũng cần có có danh mục, bảng hướng dẫn tác dụng, cách dùng của từng loại cây thuốc. Bên cạnh đó các y, bác sỹ cũng cần phổ biến kiến thức cũng như khuyến khích người dân sử dụng thuốc nam cho các trường hợp cần thiết. Điều này vừa giúp người dân bớt tốn kém tiền bạc vừa đỡ phụ thuộc vào thuốc tây. Hơn nữa, sử dụng thuốc nam còn tạo điều kiện cho các cơ sở y tế, cũng như người dân bảo vệ và phát triển nguồn cây thuốc quý của dân tộc.
Giờ đây, chuyện dùng cây thuốc Nam để chữa một số bệnh thông thường không còn xa lạ nữa; một số loại còn bào chế thành dược liệu... Quý như thế, nhưng không phải ai cũng biết công dụng và trồng, chăm sóc để khi cần là có. Thiết nghĩ, tại vườn nhà, các gia đình cũng nên trồng các loại cây thuốc nam vừa dễ kiếm, dễ trồng lại chữa được nhiều bệnh khi không may gặp phải./.
Phương Trang – Đài TT Hoằng Hóa
Các tin khác
Truy cập
Hôm nay:
4696
Hôm qua:
13322
Tuần này:
18018
Tháng này:
4696
Tất cả:
15159870