QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường.

Đăng lúc: 00:00:00 24/08/2016 (GMT+7)

Sáng ngày 24/8/2016, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Đức Quyền - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND 27 huyện, thị, thành và các đơn vị liên quan.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, môi trường nước ta đang chịu nhiều áp lực từ phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Hằng năm, có hơn 2.000 dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trên cả nước có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000m3 nước thải/ngày đêm; 625 cụm công nghiệp trong đó chỉ có khoảng hơn 55% có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trên cả nước sử dụng hơn 100 ngàn tấn hóa chất bảo vệ thực vật; phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp…

Trước thực trạng trên, trong những năm qua, các chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường được bổ sung và hoàn thiện từng bước. Nhìn chung, nhận thức, ý thức của người dân và doanh nghiệp đã được nâng lên; nhiều vấn đề môi trường đã được xử lý; một số khu vực ô nhiễm đã được cải tạo, phục hồi. Xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy giảm chất lượng môi trường đang được kiềm chế chậm lại. Tính từ năm 2006 đến nay, cả nước đã có 2.229 tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và nhiều cơ sở bị buộc tạm ngưng hoạt động để khắc phục sự cố...

Báo cáo cũng nêu lên một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới như: Khẩn trương xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; ban hành hệ thống các tiêu chí đánh giá, sàng lọc, lựa chọn ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp môi trường...

26.8.2016.1.jpg

Đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Phát biểu tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, trong những năm gần đây, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về công tác tuyên truyền, phòng ngừa, hạn chế, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; công tác quản lý chất thải rắn; đầu tư công cho công tác BVMT; đặc biệt đã nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và nhân dân về BVMT; sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền ngày càng quyết liệt. BVMT là 1 trong 5 vấn đề bức xúc cần tập trung giải quyết trong giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT, đồng chí đề nghị: cần hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về BVMT, đặc biệt là bộ phận thanh, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường ở các cấp; tăng cường hiệu quả công tác quan trắc dự báo diễn biến môi trường; đề nghị Chính phủ quan tâm ban hành một số cơ chế, chính sách về BVMT; đồng thời có chính sách khuyến khích vùng trồng gỗ lớn để kéo dài chu kỳ thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng rừng, giá trị gia tăng của sản phẩm; quan tâm hỗ trợ triển khai các dự án trồng rừng ngập mặn...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, môi trường là vấn đề sống còn của quá trình phát triển, đồng hành cùng phát triển, không đánh đổi lợi ích kinh tế mà hy sinh môi trường. Đồng chí cũng yêu cầu, trong giai đoạn tới, cần có sự vào cuộc tích cực của tất cả các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong vấn đề xử lý môi trường. Theo đó, các bộ, ngành cần phân công rõ nhiệm vụ trong thanh tra, kiểm tra về vấn đề môi trường, lưu ý tránh sự chồng chéo. Thủ tướng nhấn mạnh bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm, song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, do đó cần phải thực hiện giám sát đối với các dự án đầu tư, công trình lớn có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường cao. Đồng thời, các cấp, ngành, địa phương cần coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần giải quyết. Bộ Tài nguyên và Môi trường phải phối hợp với các ngành, địa phương đề xuất các giải pháp đột phá trong vấn đề xử lý môi trường mang lại hiệu quả tích cực nhất, đặc biệt là quan tâm tới các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường. Sau hội nghị này, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải tiếp thu các ý kiến, giải pháp của các tỉnh, các ngành để đưa vào Chỉ thị một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường đến năm 2020 trình Chính phủ./.

 Bích Phương (Báo điện tử Thanh Hóa)

Các tin khác
Truy cập
Hôm nay:
2634
Hôm qua:
14372
Tuần này:
30328
Tháng này:
17006
Tất cả:
15172180