QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Nguyễn Văn Tuân - Người khuyết tật đầy nghị lực, vươn lên trong cuộc sống

Đăng lúc: 15:09:45 16/01/2020 (GMT+7)

Trong quầy tạp hóa nhỏ, khập khểng và lết từng bước khó khăn nhờ đôi nạng, anh Nguyễn Văn Tuân đang bán hàng cho khách, với nụ cười tươi rói trên môi.

 Hơn 36 năm nay, anh Nguyễn Văn Tuân thôn Thanh Xuân xã Hoằng Hải bước đi với đôi chân khập khểnh do chân trái teo nhỏ, ngắn hơn chân phải và thuộc đối tượng khuyết tật nặng của địa phương.
Nghe anh Tuân kể lại, chúng tôi không khỏi xúc động về hoàn cảnh của anh. Mới 11 tháng tuổi, không may bị bệnh sốt bại liệt, thời đó gia đình lại rất nghèo không có tiền chạy chữa, dẫn đến đôi chân anh bị teo cơ không thể di chuyển được. Song, cũng vì thương con mà bố mẹ anh vẫn cố gắng cho anh đi học được như các bạn cùng trang lứa. Thời gian đầu học cấp 1, anh được bố cõng trên vai đến trường. Lớn lên, anh Tuân tự đi học bằng 2 tay của mình, đôi lúc được bè bạn chở bằng xe đạp... Dù hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như vậy, nhưng anh Tuân vẫn luôn chăm chỉ học tập, chưa từng có suy nghĩ bỏ học. Năm tháng qua đi, tưởng chừng ước mơ vươn tới cánh cổng đại học sắp tới gần, nhưng sức khỏe anh Tuân không ổn định, đi lại càng ngày càng khó khăn, kinh tế gia đình lại chật vật, nên anh buộc phải dừng việc học và bắt đầu đi học nghề với mong muốn tìm được việc gì đó phù hợp với bản thân lại vừa tự kiếm thêm thu nhập để giảm bớt gánh nặng cho gia đình.
IMG20191204084021.jpg
 
Được bạn bè giới thiệu, anh Tuân bắt đầu học nghề sửa chữa điện dân dụng, rồi làm phụ việc cho các cửa hàng. Với sự thông cảm và sẻ chia, chủ cửa hàng thuê anh cũng giúp đỡ anh nhiệt tình, song bản thân anh Tuân tự nhận thấy hiệu quả công việc không cao, do đi lại ko thuận lợi ảnh hưởng đến công việc, nên anh quyết định thôi việc. Đến năm 2006, anh tiếp tục vừa học vừa làm nghề khảm trai ở Hà Tây, song cũng chỉ được thời gian ngắn vì thì sức khỏe anh không cho phép.
Nhiều lần tìm việc thất bại, bao lần nản chí và cũng không ít lần tự ti, mặc cảm với gia đình, bạn bè. Nhưng rồi, suy nghĩ đó chỉ như thoáng qua và anh Tuân lại tiếp tục tìm kiếm công việc thật sự phù hợp với khả năng của bản thân, năm 2006 anh xây dựng gia đình, vợ anh Tuân cũng là người khuyết tật nhẹ. Vợ chồng anh cùng hoàn cảnh nên dễ thấu hiểu và sẻ chia. Dựng tạm ngôi nhà nhỏ lợp mái tôn và vay mượn mở thêm để quán bán hàng tạp hóa, vợ chồng đùm bọc nhau mưu sinh qua ngày. Vợ làm thêm 4 sào ruộng, anh Tuân vì đi lại khó nên ở nhà bán tạp hóa, rồi cộng tác với chi nhánh Viettel để bán sim thẻ và thanh toán, chuyển tiền qua thẻ cho người dân có nhu cầu. Đời sống cứ túc tắc vậy, khó khăn nhiều nhưng bản thân anh Tuân luôn nuôi dưỡng ý chí “Tàn nhưng không phế”, tự thân vận động, vượt khó vươn lên tự chủ kinh tế gia đình, không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Giờ đây, vợ chồng anh Tuân đã có 3 con: 1 gái 2 trai, các cháu đều ngoan ngoãn, chăm học, cuộc sống đã bớt một phần khó khăn. Bên cạnh tự thân vươn lên, chăm lo cho gia đình, anh Nguyễn Văn Tuân còn tích cực tham gia vào công tác xã hội ở địa phương, hiện anh đang là ủy viên BCH chi hội người khuyết tật của huyện và thường xuyện gặp gỡ, giúp đỡ cùng như chia sẻ buồn vui trong cuộc sống với những người khuyết tật như anh ở địa phương. Anh Tuân cho biết, còn sức là còn lao động để khẳng định mình dù bị tật nguyền nhưng vẫn có thể đóng góp cho gia đình và xã hội.
Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh, nhiều người sinh ra và lớn lên không may mắn khi cơ thể bị khuyết tật. Tuy nhiên, không vì vậy mà họ lại buông xuôi, phó mặc cho số phận. Từ chỗ bi quan và bế tắc, họ đã vươn lên trong cuộc sống và tỏa sáng giữa đời thường… Và nghị lực của anh Nguyễn Văn Tuân đã minh chứng cho điều đó, tự vươn lên để khẳng định bản thân, sống có ích cho gia đình, xã hội./.
 
Phương Trang – Trung tâm văn hóa thông tin TT&DL
Các tin khác
Truy cập
Hôm nay:
15153
Hôm qua:
28564
Tuần này:
166082
Tháng này:
799145
Tất cả:
15123978