Âm vang trống hội cung đình Phú Khê
Không biết có mặt ở Hoằng Phú tự bao giờ, nhưng từ xưa, tuồng cổ và trống hội đã được các nghệ nhân quần chúng nơi đây lưu diễn nhiều nơi. Trải qua thăng trầm thời gian, cho đến ngày hôm nay, tiếng trống hội làng Phú Khê vẫn vang lên đều đặn như thúc giục, như mời gọi về với Phú Khê.

CLB trống hội Phú Khê tại Lễ công bố quyết định huyện Hoằng Hóa đạt chuẩn NTM.
Đình làng Phú Khê, xã Hoằng Phú trong những ngày Tết, ngày kỵ thần (16/2 âm lịch hàng năm), tiếng trống khai hội dồn dập, rộn vang. Theo dân làng Phú Khê, thì ngày 16/2 âm lịch hàng năm là ngày sinh của nhị vị thành hoàng làng Chu Minh, Chu Tuấn. Những ngày này, dân làng lại sắm sửa lễ vật tổ chức lễ hội Kỳ Phúc để cầu may. Quan niệm dân gian tin rằng, ngày hội làng không chỉ để tưởng nhớ công lao của nhị vị thành hoàng mà còn là dịp người làng cầu mong thành hoàng làng phù trợ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh... Náo nhiệt và đông vui nhất là lễ rước cỗ quanh làng của các dòng họ, gia đình, từ già trẻ, gái trai, nhất là những người con xa quê đều tham gia đoàn rước. Dưới sự dẫn dắt của tiếng trống rộn ràng, đoàn đi đến đâu tiếng hò reo náo nhiệt đến đó. Tiếng cười vui vang vọng khắp làng trên xóm dưới, hâm nóng không khí của làng, xua tan những lạnh lẽo của cái rét lộc còn vương vấn trên những mái nhà.
Vào ngày khai mạc lễ hội Phú Khê hàng năm, CLB tuồng và trống hội cung đình Phú Khê thường biểu diễn tiết mục múa trống khai hội với những động tác đan xen những hồi trống như múa dùi, xoay người, đổi vị trí đánh trống... hấp dẫn người xem. Sau màn trống khai hội vừa dứt, mọi người hân hoan, háo hức dự lễ, chơi hội với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn.
Được thành lập theo quyết định số 06/QĐ - UBND ngày 28/10/2003 của Chủ tịch UBND xã Hoằng Phú, đến nay, CLB tuồng và trống hội cung đình Phú Khê đã có hơn 20 năm hoạt động, là tâm huyết của các nghệ nhân dân gian, những người yêu nghệ thuật truyền thống, đam mê trống hội. Hơn 20 năm, CLB tuồng và trống hội cung đình Phú Khê không chỉ biểu diễn trong kỳ hội làng mà còn tham gia lưu diễn ở rất nhiều nơi trong huyện, trong tỉnh và trong nước - trở thành nơi lưu giữ môn nghệ thuật có lối diễn xướng độc đáo - tuồng cổ, nơi lưu giữ hồn trống hội.
Ông Lê Minh Thiết - Chủ nhiệm CLB cho biết: “Muốn chơi trống hội, trống tuồng cho hay phải chuyên tâm luyện rèn. Trống tuồng, trống hội có nhiều bộ, nhiều bài, mỗi bộ lại biểu hiện một câu chữ, một động tác phải thuần thục, nhuần nhuyễn sao cho hài hoà”. Trống hội Phú Khê dùng trong nghi lễ đình làng, bao gồm có 11 bài như bài trống rước, trống đón, trống bình thân, trống rình rình, trống múa dùi, trống bái, trống tái nghiêm, tam nghiêm..., mỗi bài có một cách đánh và mang ý nghĩa khác nhau nên đòi hỏi người đánh trống phải có niềm đam mê thì mới có thể học được. Một buổi biểu diễn trống hội ở đình làng thường có 25 người tham gia, còn ở những lễ hội lớn, không gian biểu diễn rộng thì số người biểu diễn lên tới 35 đến 40 người với trang phục truyền thống là nam mặc quần áo nghi lễ màu đỏ, nữ mặc áo tứ thân, đầu đội khăn xếp. Trống hội Phú Khê sử dụng phong phú các loại trống như trống bong, trống bản, trống cái... Trong quá trình biểu diễn, các nghệ nhân không chỉ đánh trống mà còn kết hợp nhiều động tác đẹp mắt như múa dùi, xoay người, đổi vị trí đánh trống khiến trống hội Phú Khê không chỉ có âm sắc mà còn có cả vũ đạo hấp dẫn thu hút người xem. Bài trống được các nghệ nhân CLB Phú Khê thường hay biểu diễn là 18 nhịp trong bài trống rước.
Hơn 20 năm hoạt động, CLB tuồng và trống hội cung đình Phú Khê không chỉ biểu diễn trong làng, trong xã mà đã tham gia biểu diễn ở rất nhiều nơi trên địa bàn toàn tỉnh, thường xuyên tham gia trống hội trong lễ hội Lam Kinh và là một CLB vinh dự được tham gia đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội...Không dừng lại ở việc biểu diễn, để những bài trống hội không bị mai một, ông Thiết cùng nhiều thành viên CLB đã tham gia truyền dạy các bài trống hội ở rất nhiều địa phương như: họ Cao ở Hoằng Giang, làng Cự Đà Hoằng Minh, một số câu lạc bộ của thành phố Thanh Hoá..vv Thời gian qua, Trung tâm Văn hóa tỉnh Thanh Hoá cũng đã quan tâm, chỉ đạo, đưa CLB “Trống hội cung đình Phú Khê” đi biểu diễn tại các cuộc liên hoan trống, lễ hội truyền thống, các chương trình văn nghệ dân gian trên địa bàn tỉnh và ở TP Hà Nội, Nghệ An, Nam Định... nhằm quảng bá nét đặc sắc của trống hội làng Phú Khê.
Chứng kiến các nghệ nhân quần chúng của câu lạc bộ biểu diễn tại một số làng văn hoá không chỉ với trống hội mà với nhiều tiết mục tuồng cổ đặc sắc như: vở Cờ đại nghĩa, Lê Lai khoác áo Long bào, vào chầu thượng đế, trường kịch Trương Viên..vv, chúng tôi đều thấy ở đó lòng đam mê nghệ thuật của những thành viên CLB nơi đây. Tất cả các vở diễn đều rất đặc sắc, đem đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc và đam mê cùng bộ môn nghệ thuật tuồng cổ, cùng tiếng trống hội. Bằng niềm đam mê với môn nghệ thuật này, họ đã gìn giữ và thổi hồn cho tuồng cổ và trống hội hồi sinh.
Tiếng trống âm vang, rộn ràng là một phần không thể thiếu trong lễ hội hay các sự kiện văn hoá, thể thao dịp đầu xuân năm mới ở nhiều miền quê. Những thanh âm hào hùng, lúc trầm lúc bổng, lúc nhẹ nhàng, lúc dồn dập như sợi dây vô hình kết nối quá khứ và hiện tại, nhắc nhớ về cội nguồn, thôi thúc ước nguyện cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Thanh Qúy – Trung tâm VHTT TT&DL
- Họp BCĐ Lễ hội Bút Nghiên năm 2025
- CÂU LẠC BỘ THƠ BÚT SƠN HOẰNG HÓA SINH HOẠT ĐẦU XUÂN
- Nghe tuồng cổ trên đất Kim Sơn
- Xã Hoằng Sơn tổ chức lễ hội Đền thờ Đô thống Thượng Tướng Quân Lê Phụng Hiểu năm 2025
- Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu và vùng đất Băng Sơn
- Âm vang trống hội cung đình Phú Khê
- Nhân dân Xã Hoằng Phú tổ chức bầu chủ tế làng năm 2025
- Đoàn Vovinam huyện Hoằng Hoá vinh dự đạt giải nhì toàn đoàn tại Hội diễn các câu lạc bộ Vovinam tỉnh Thanh Hoá lần thứ X “Mừng đảng, mừng xuân Ất Tỵ” năm 2025
- HOẰNG TRƯỜNG TỔ CHỨC GIẢI CỜ TƯỚNG VUI XUÂN ẤT TỴ 2025
- Hoằng Phong - Sôi nổi Hội vật truyền thống Xuân Ất Tỵ 2025