QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu và vùng đất Băng Sơn qua nghiên cứu của các nhà khoa học.

Đăng lúc: 17:43:11 28/08/2024 (GMT+7)

Lê Phụng Hiểu là một nhân vật lịch sử rất đặc biệt quê ở làng Băng Sơn (nay thuộc xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hoá). Ông là một danh tướng nổi tiếng thời Lý, người có công dẹp loạn Tam vương, giúp Lý Thái Tông lên ngôi Hoàng đế, đưa quốc gia Đại Việt bước vào giai đoạn thái bình thịnh trị. Sau khi qua đời, ông còn được Nhân dân phong là “Thánh Bưng”, được thờ phụng tại quê nhà và nhiều địa phương khác trong cả nước.

Đền thờ Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu tại thôn Xuân Sơn xã Hoằng Sơn.jpg
Đền thờ Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu tại thôn Xuân Sơn xã Hoằng Sơn

Vùng đất Băng Sơn và nhân vật Lê Phụng Hiểu từ lâu đã thu hút sự quan tâm, nghiên cứu của giới khoa học, nhất là lịch sử, văn hóa dân gian xứ Thanh và cả nước. Năm 1995, các nhà nghiên cứu đã có một chương trình nghiên cứu lớn và mới đây, xã Hoằng Sơn đã phối hợp với Hội khoa học lịch sử Thanh Hóa tổ chức Hội thảo khoa học “Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu và vùng đất Băng Sơn”. Hội thảo đã thu hút 18 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý ở Trung ương và địa phương tham gia; được chia thành 2 nội dung lớn: Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu với 11 báo cáo khoa học; vùng đất Băng Sơn với 7 báo cáo khoa học; công bố những tư liệu mới, những quản điểm đánh giá mới, toàn diện, đầy đủ hơn về nhân vật Lê Phụng Hiểu và vùng đất Băng Sơn. Từ đó, đã có những đề xuất, kiến nghị, làm cơ sở khoa học cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất cổ Băng Sơn trong bối cảnh hiện nay.

1. Hai ngọn núi Bưng, tượng trưng cho hai bó củi trong truyền thuyết dân gian về Lê Phụng Hiểu. Tương truyền, trên đỉnh ngọn núi Bưng phía Tây hiện còn vết tích chùa xưa, nơi hồi nhỏ Lê Phụng Hiểu từng được sư trụ trì dạy.jpg
Hai ngọn núi Bưng, tượng trưng cho hai bó củi trong truyền thuyết dân gian về Lê Phụng Hiểu. Tương truyền, trên đỉnh ngọn núi Bưng phía Tây hiện còn vết tích chùa xưa, nơi hồi nhỏ Lê Phụng Hiểu từng được sư trụ trì dạy.

GS.TS.NGND Nguyễn Ngọc Quang trong tham luận “Lê Phụng Hiểu – từ anh hùng dẹp loạn đến thần tượng của lòng trung thành Đại Việt” đã đánh giá : “Sự nghiệp oai hùng của Đô thống thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu đã hóa thân thành Thiên hạ chủ minh chi thần đền Đồng Cổ và Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ (Thăng Long – Hà Nội) từ xưa đến nay đều gợi nhớ nguyên mẫu người anh hùng hương Băng Sơn đất Ái Châu. Lê Phụng Hiểu từ người anh hùng xả thân dẹp loạn cứu nguy cho nhà vua và vương triều Lý năm Mậu Thìn (1028) đã trở thành thần tượng, thành biểu tượng tuyệt vời của lòng trung thành với vua, với nước.”

PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Sử học Việt Nam trong báo cáo “Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu với vương triều Lý” đã khẳng định: "Ngôi vua nhà Lý được truyền nối liên tục, lâu dài nhất trong lịch sử các triều đại quân chủ Việt Nam trước hết là nhờ vào công lao phò tá, dẹp nạn nước của các bậc trung thần như Lê Phụng Hiểu, Lý Nhân Nghĩa... Họ đã thể hiện trọn vẹn tấm lòng kiên trung, tận tuỵ phụng sự quân vương...”

Nhà nghiên cứu Phạm Tấn, Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hoá trong tham luận "Lê Phụng Hiểu – một nhân vật lịch sử đích thực song cũng là nhân vật của truyền thống, huyền thoại và thần thánh trong đời sống dân gian” đã khẳng định: Với những gì mà ông đã đóng góp công lao cho đất nước, quê hương mà ông đã được huyền thoại hoá và suy tôn là bậc thánh thần linh diện. Và trên thực tế lịch sử thì từ sự huyền thoại và suy tôn ấy sau nhiều thế kỷ, ông vẫn được nhắc tới như một thần tượng vô cùng đáng kính trong tâm thức người Việt. Ông trở thành anh hùng văn hoá trong thế giới tâm linh".

4. Lối đi giữa tòa tiền bái và đại bái.jpg
Lối đi giữa tòa tiền bái và đại bái.

Về ngôi đền thờ Lê Phụng Hiểu ở xã Hoằng Sơn, mặc dù những năm gần đây đã được quan tâm, đầu tư trùng tu, được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia song vẫn còn rất nhiều việc phải làm. GS.TS. Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trong tham luận của mình đã thẳng thắn nhận xét: “Từ thực tiễn lễ hội thờ Lê Phụng Hiểu tại các nơi, đặc biệt là ở Thanh Hoá hiện nay cho thấy một thực tế các lễ hội ở Thanh Hoá được tổ chức chưa xứng tầm với công lao và vị trí của Lê Phụng Hiểu”.

GS.TS. Lê Hồng Lý đã đề xuất: "Với tầm vóc lịch sử cũng như những chiến công của Lê Phụng Hiểu đối với quê hương, đất nước, đặc biệt là những chi tiết cuộc đời ông đã trở thành những giai thoại, truyền thuyết nhuốm màu tâm linh và thực sự mang tính tâm linh thì việc xây dựng một lễ hội hoành tráng về ông là rất xứng đáng...".

Những năm qua, Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân xã Hoằng Sơn luôn coi các di sản văn hóa là một “tài sản vô giá”, một nguồn lực quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong bối cảnh hiện nay, vì vậy công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa luôn được chú trọng. Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã ban hành các Chương trình, Nghị quyết để Bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử - văn hoá ở Hoằng Sơn. Trên cơ sở định hướng của huyện là “Phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa, các điểm du lịch”, đảng bộ, chính quyền xã Hoằng Sơn đã và đang nỗ lực đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, đặc biệt là phát huy các giá trị lịch sử di tích Đền thờ Lê Phụng Hiểu cũng như các di tích lịch sử khác hiện có của địa phương với mong muốn Hoằng Sơn sẽ trở thành một trong những điểm đến du lịch của huyện.

5. Trong di tích còn nhiều hiện vật cổ được lưu giữ.jpg
Trong di tích còn nhiều hiện vật cổ được lưu giữ.

Năm 2002, Đền thờ Lê Phụng Hiểu ở làng Xuân Sơn xã Hoằng Sơn đã được xếp hạng là Di tích Quốc gia. Năm 2019, một số hạng mục được tiến hành thi công. Đến nay khu nhà tiền bái, đại bái, hậu cung đã hoàn thiện đưa vào sử dụng. Tuy vậy, vẫn còn một số hạng mục như tường rào, sân, cổng khu di tích đã xuống cấp nhưng chưa được trùng tu, xây dựng do ngân sách địa phương có hạn.

Tên tuổi và công trạng của Đô thống thượng Tướng quân Lê Phụng Hiểu không những được sử sách lưu danh, mà còn được dân gian truyền tụng bằng tất cả lòng tự hào và biết ơn sâu sắc. Đất và người Kẻ Bưng (Xuân Sơn xã Hoằng Sơn ngày nay) được kết tinh và lan tỏa thông qua các di sản tiêu biểu gắn liền với núi Bưng/Băng Sơn, sông Trà và Thánh Bưng – Lê Phụng Hiểu. Việc hoàn thiện hệ thống di tích Đền thờ Tướng quân Lê Phụng Hiểu và phục dựng lễ hội xứng tầm là nhiệm vụ có ý nghĩa nhằm phát huy những giá trị văn hóa có tính chất biểu trưng của vùng đất này.

Thanh Qúy – Trung tâm VHTT TT&DL

 

 

 

Truy cập
Hôm nay:
6879
Hôm qua:
31550
Tuần này:
129244
Tháng này:
762307
Tất cả:
15087140