Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu và vùng đất Băng Sơn
Năm 2025, lễ hội kỳ phúc Đền thờ Lê Phụng Hiểu ở Xuân Sơn được tổ chức trong 2 ngày (8 và 9/2/2025 (tức ngày 11 và 12/1 năm Ất Tỵ) nhằm ngày sinh Đức thánh Lê Phụng Hiểu (ngày 12/1 âm lịch). Lễ hội năm nay được xã Hoằng Sơn tổ chức chủ yếu là phần lễ với lễ cúng tế, dâng hương của các bản hội; phần hội với hát ca công và hội vật truyền thống.

Đền thờ Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu tại thôn Xuân Sơn xã Hoằng Sơn.
Vùng đất Băng Sơn và nhân vật Lê Phụng Hiểu từ lâu đã thu hút sự quan tâm, nghiên cứu của giới khoa học, nhất là lịch sử, văn hóa dân gian xứ Thanh và cả nước. Năm 1995, các nhà nghiên cứu đã có một chương trình nghiên cứu lớn; năm 2024, xã Hoằng Sơn đã phối hợp với Hội khoa học lịch sử Thanh Hóa tổ chức Hội thảo khoa học “Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu và vùng đất Băng Sơn”. Hội thảo đã thu hút 18 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý ở Trung ương và địa phương tham gia; được chia thành 2 nội dung lớn: Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu với 11 báo cáo khoa học; vùng đất Băng Sơn với 7 báo cáo khoa học; công bố những tư liệu mới, những quan điểm đánh giá mới, toàn diện, đầy đủ hơn về nhân vật Lê Phụng Hiểu và vùng đất Băng Sơn. Từ đó, đã có những đề xuất, kiến nghị, làm cơ sở khoa học cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất cổ Băng Sơn trong bối cảnh hiện nay.
Lối đi giữa tòa tiền bái và đại bái.
Trong lịch sử dân tộc, Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu – một người con của làng Xuân Sơn xã Hoằng Sơn không chỉ là một võ tướng kiệt xuất của triều Lý mà còn là người có công dẹp loạn Tam Vương, phò Lý Thái Tông lên ngôi. Võ tướng Lê Phụng Hiểu sinh vào khoảng năm 982 ở Kẻ Bưng, hương Băng Sơn, Châu Ái, nay là làng Xuân Sơn, xã Hoằng Sơn. Ông có sức khỏe phi thường và võ nghệ hơn người, được tuyển chọn vào đội quân túc vệ dưới thời vua Lý Thái Tổ, về sau được vua giao giữ chức Vũ vệ Tướng quân. “Đại Việt sử ký toàn thư” có ghi lại câu chuyện về sức mạnh của Lê Phụng Hiểu.
Trong di tích còn nhiều hiện vật quý được lưu giữ.
Đó là trong một lần tranh chấp địa giới ruộng vườn, người dân hai làng Cổ Bi và Đàm Xá lời qua tiếng lại. Làng Đàm Xá cậy có nhiều trai tráng ức hiếp, xâm lấn nhiều ruộng của Cổ Bi. Lúc đó, Lê Phụng Hiểu đã trưởng thành, ông nói một mình có thể đánh thắng làng Đàm Xá, lấy lại ruộng cho Cổ Bi. Dân làng mừng rỡ, bèn làm cơm khoản đãi chàng trai. Thanh niên làng Đàm Xá thấy ông liền kéo nhau ra tấn công, ông điềm nhiên nhổ bật cụm tre ven đường vung lên quật tới tấp. Dân làng Đàm Xá hoảng sợ bỏ chạy, buộc phải trả hết ruộng vườn cho làng Cổ Bi. Sau này, “Đại Nam nhất thống chí” (bản Hoàng Văn Lâu dịch, NXB Lao Động- Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây) có ghi lại 56 câu vè truyền tụng khắp nơi đời đời ghi nhớ công trạng của Lê Phụng Hiểu thuở hàn vi.
Hòn quần (quả tạ) là dụng cụ để danh tướng Lê Phụng Hiểu tập luyện võ nghệ.
Bấy giờ, gặp dịp vua Lý Thái Tổ tuyển binh bổ sung Túc vệ (lính hầu và bảo vệ Hoàng đế), ông được chọn. Nhờ võ nghệ siêu quần, lại siêng năng, tháo vát, dần dần ông được thăng lên chức Vũ vệ tướng quân, đứng ngang hàng với các tướng như Đàm Thận, Quách Thịnh, Lý Huyền Sư... Năm Mậu Thìn (1028), sau khi vua Lý Thái Tổ băng hà, các hoàng tử Vũ Đức Vương, Dực Thánh Vương và Đông Chính Vương không chấp nhận việc Thái tử Lý Phật Mã lên nối ngôi, đã đem quân vây thành để đoạt ngôi. Võ tướng Lê Phụng Hiểu đã có công giúp Thái tử dẹp loạn “Tam Vương”, lên ngôi vua lấy hiệu là Lý Thái Tông, đặt niên hiệu là Thiên Thành. Cảm kích trước tấm lòng trung dũng của ông, vua Lý Thái Tông đã phong ông làm Đô thống Thượng tướng quân.
Núi Bưng, tượng trưng cho hai bó củi trong truyền thuyết dân gian về Lê Phụng Hiểu. Tương truyền, trên đỉnh ngọn núi Bưng phía Tây hiện còn vết tích chùa xưa, khi còn bé Lê Phụng Hiểu từng được sư trụ trì dạy.
Sau khi lập được nhiều công lớn, Lê Phụng Hiểu xin về Băng Sơn và xin ban ruộng bằng cách ném đao để lập nghiệp. Làng Bưng, theo “Danh nhân văn hóa Hoằng Hóa” nay là làng Xuân Sơn, xã Hoằng Sơn. Ngọn núi Băng Sơn có tên nữa là Mộc Sơn, có hai ngọn nổi vọt lên ở giữa đồng bằng, trong ấy một ngọn hai đầu cao vót mà quãng giữa bằng phẳng nên còn gọi là núi Mã Yên. Cũng từ đó, vua Lý Thái Tông đặt lệ cấp ruộng “thác đao” để ban thưởng cho các công thần. Sau khi ông mất, được vua phong làm Phúc thần, dân làng lập đền thờ ngay dưới chân núi để ghi nhớ công ơn của ông.
Xung quanh thân thế và sự nghiệp của Lê Phụng Hiểu, có rất nhiều giai thoại, bởi ông luôn hòa quện giữa nhân vật dân gian và nhân vật lịch sử có thật. Tên tuổi và công trạng của Đô thống thượng Tướng quân Lê Phụng Hiểu không những được sử sách lưu danh, mà còn được dân gian truyền tụng bằng tất cả lòng tự hào và biết ơn sâu sắc. Và về Xuân Sơn xã Hoằng Sơn ngày hội sẽ thấy trong lòng rưng rưng tự hào, như đang nghe rền vang tiếng hô dẹp loạn của vị danh tướng giữ yên cơ nghiệp nhà Lý, gìn giữ cho bờ cõi và cuộc sống của nhân dân Đại Việt được an bình thịnh vượng.
Cách khu di tích không xa là lăng mộ thân mẫu Lê Phụng Hiểu nằm trong khuôn viên nhà văn hóa thôn Xuân Sơn.
Những năm qua, Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân xã Hoằng Sơn luôn coi các di sản văn hóa là một “tài sản vô giá”, một nguồn lực quan trọng, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương trong bối cảnh hiện nay, vì vậy công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa luôn được chú trọng. Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã ban hành các Chương trình, Nghị quyết để Bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hoá ở Hoằng Sơn. Trên cơ sở định hướng của huyện là “Phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa, các điểm du lịch”, đảng bộ, chính quyền xã Hoằng Sơn đã và đang nỗ lực đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, đặc biệt là phát huy các giá trị lịch sử di tích Đền thờ Lê Phụng Hiểu cũng như các di tích lịch sử khác hiện có của địa phương với mong muốn Hoằng Sơn sẽ trở thành một trong những điểm đến du lịch của huyện.
Năm 2025, lễ hội kỳ phúc Đền thờ Lê Phụng Hiểu ở Xuân Sơn được tổ chức trong 2 ngày (8 và 9/2/2025 (tức ngày 11 và 12/1 năm Ất Tỵ) nhằm ngày sinh Đức thánh Lê Phụng Hiểu (ngày 12/1 âm lịch). Lễ hội năm nay được xã Hoằng Sơn tổ chức chủ yếu là phần lễ với lễ cúng tế, dâng hương của các bản hội; phần hội với hát ca công và hội vật truyền thống. Đây cũng là dịp để địa phương phát huy giá trị lịch sử văn hóa của di tích, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tâm linh của nhân dân trong xã, con em xa quê, khách thập phương; huy động sự đóng góp của con em trong và ngoài xã nhằm tôn tạo di tích để các thế hệ được biết đến và tưởng nhớ công ơn của Đô thống thượng Tướng quân Lê Phụng Hiểu, từ đó, phát huy giá trị của di tích trong giáo dục truyền thống, phát triển du lịch.
Tên tuổi và công trạng của Đô thống thượng Tướng quân Lê Phụng Hiểu không những được sử sách lưu danh, mà còn được dân gian truyền tụng bằng tất cả lòng tự hào và biết ơn sâu sắc. Đất và người Kẻ Bưng (Xuân Sơn xã Hoằng Sơn ngày nay) được kết tinh và lan tỏa thông qua các di sản tiêu biểu gắn liền với núi Bưng/Băng Sơn, sông Trà và Thánh Bưng Lê Phụng Hiểu. Việc hoàn thiện hệ thống di tích Đền thờ Tướng quân Lê Phụng Hiểu và phục dựng lễ hội xứng tầm là nhiệm vụ có ý nghĩa nhằm phát huy những giá trị văn hóa có tính chất biểu trưng của vùng đất này.
Thanh Qúy – Trung tâm VHTT TT&DL
- Họp BCĐ Lễ hội Bút Nghiên năm 2025
- CÂU LẠC BỘ THƠ BÚT SƠN HOẰNG HÓA SINH HOẠT ĐẦU XUÂN
- Nghe tuồng cổ trên đất Kim Sơn
- Xã Hoằng Sơn tổ chức lễ hội Đền thờ Đô thống Thượng Tướng Quân Lê Phụng Hiểu năm 2025
- Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu và vùng đất Băng Sơn
- Âm vang trống hội cung đình Phú Khê
- Nhân dân Xã Hoằng Phú tổ chức bầu chủ tế làng năm 2025
- Đoàn Vovinam huyện Hoằng Hoá vinh dự đạt giải nhì toàn đoàn tại Hội diễn các câu lạc bộ Vovinam tỉnh Thanh Hoá lần thứ X “Mừng đảng, mừng xuân Ất Tỵ” năm 2025
- HOẰNG TRƯỜNG TỔ CHỨC GIẢI CỜ TƯỚNG VUI XUÂN ẤT TỴ 2025
- Hoằng Phong - Sôi nổi Hội vật truyền thống Xuân Ất Tỵ 2025