QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Nghe tuồng cổ trên đất Kim Sơn

Đăng lúc: 09:06:17 10/02/2025 (GMT+7)

Từ bao đời nay, người dân làng Kim Sơn xã Hoằng Kim luôn giữ cho mình ngọn lửa nghệ thuật tuồng và xem đây là món ăn tinh thần không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày. Dù tuồng cổ đã có phần mai một nhưng tại làng Kim Sơn, đây vẫn được xem là nét độc đáo riêng có của văn hóa làng.

 1. Màn trống hội do CLB tuồng và trống hội Kim Sơn xã Hoằng Kim biểu diễn..jpg
Biểu diễn trống hội của các thành viên CLB tại kỷ niệm 10 năm thành lập.

Song hành với sự đổi mới, phát triển của đoàn nghệ thuật tuồng, ở những làng quê trên mảnh đất Hoằng Hóa, làn điệu tuồng vẫn rộn vang như minh chứng cho sự bền bỉ, tình yêu với loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của người dân. Những vùng quê như Kim Sơn xã Hoằng Kim vẫn vang mãi điệu tuồng với câu lạc bộ (CLB) hát tuồng và trống hội Kim Sơn. Ở đó có những con người tâm huyết như bà Nguyễn Thị Miên, ông Nguyễn Văn Long... Hiện nay, CLB tuồng và trống hội Kim Sơn phát triển với hơn 30 thành viên, độ tuổi từ 45 đến trên 70 tuổi. Các nghệ sĩ, diễn viên dù không qua trường lớp đào tạo nhưng với tình yêu, lòng đam mê, họ đã và đang gìn giữ nghệ thuật tuồng trong lòng thôn quê.

z4041547531743_0db7e589016d6339bf58f78a0c2ac4cf.jpg

Theo các cụ cao niên, không ai biết tuồng cổ xuất hiện ở làng từ khi nào. Trước kia, cùng với gánh chèo làng Phượng Mao (xã Hoằng Giang), gánh tuồng làng Kim Sơn được nhiều người biết đến. Gánh tuồng đi đến đâu người dân hồ hởi đón xem đến đó. Từ sân khấu lớn cho đến sân làng... gánh tuồng Kim Sơn đều góp mặt và để lại tiếng tăm, dấu ấn đậm nét trong lòng khán thính giả mê loại hình nghệ thuật dân gian này. Xưa kia, dân làng Kim Sơn ai cũng có thể hát và thuộc một tích tuồng cổ. Xã có 4 làng gồm Kim Sơn, My Du, Nghĩa Trang và Nghĩa Phú, làng nào cũng có gánh tuồng riêng nhưng nổi tiếng nhất vẫn là gánh tuồng Kim Sơn. Các diễn viên thời đó không qua trường lớp đào tạo, mà chủ yếu từ tình yêu, lòng đam mê, rồi đi theo các bậc tiền bối “học lỏm”. Nhưng họ diễn rất chuẩn mực và vẫn luôn giữ được “khuôn vàng thước ngọc” của các cụ xưa.

5. Bác Trịnh Hán Thu....jpg
Ông Trịnh Hán Thu, nghệ nhân chơi trống chèo của CLB.

Cũng như bao loại hình nghệ thuật dân gian khác, nghệ thuật tuồng đã trải qua những thăng trầm, biến thiên của thời gian. Đã có giai đoạn tuồng bị lãng quên, các gánh tuồng giải tán, trang phục, đạo cụ phủ một lớp bụi. Khi có chính sách của Nhà nước về việc khôi phục, bảo tồn các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống thì nghệ nhân dân gian xưa, những người một thời gắn bó “kép đen”, “kép đỏ”... một lần nữa đã làm sống lại tuồng Kim Sơn.

2. Cô Nguyễn Thị Miên - Chủ nhiệm CLB...jpg
Bà Nguyễn Thị Miên, Chủ nhiệm CLB vừa là người chơi trống cái vừa có thể hát tuồng.

Ông Nguyễn Văn Long là một trong những người có công gây dựng, vực dậy nghề hát tuồng truyền thống. Sinh ra và lớn lên giữa đất tuồng, tình yêu và lòng đam mê ngấm chảy vào ông. Khi có chủ trương khôi phục, ông là người đầu tiên đứng ra vận động thành lập đội hát tuồng của xã. “Năm 1986, đội tuồng của xã được thành lập lại, việc vận động mọi người tham gia không khó. Cái khó là việc mua sắm trang phục, đạo cụ tốn nhiều tiền trong khi hoàn cảnh kinh tế ai cũng khó khăn”, ông Long cho biết. Nhưng “cái khó” nhanh chóng được giải quyết khi người dân xã Hoằng Kim nói chung và dân làng Kim Sơn nói riêng từ lâu đã khát khao được xem và nghe lại tuồng. Theo đó, người dân đồng lòng giúp đỡ đội tuồng xây dựng sân khấu trên đình làng xưa, góp tiền mua sắm trang phục hoặc tự chế dụng cụ biểu diễn.

4. Cô Trịnh Thị Mau....jpg
BàTrịnh Thị Mau, nghệ nhân CLB.

Được thành lập tại Quyết định số 06/QĐ-UBND ngày 17/11/2013 của Chủ tịch UBND xã Hoằng Kim, tuồng và trống hội ban đầu được người dân làng Kim Sơn phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh của quần chúng trong các lễ hội truyền thống, dần được phát triển thành nghệ thuật biểu diễn phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa - xã hội ở địa phương. Chỉ bằng nguồn huy động xã hội hóa nhưng kinh phí đầu tư cho hoạt động, mua sắm trống, trang phục, đạo cụ biểu diễn của mỗi hội trống lên tới hàng trăm triệu đồng. Trống của CLB được tuyển chọn, đặt mua từ các làng nghề làm trống truyền thống nổi tiếng. Đội trống nữ Kim Sơn thường xuyên phục vụ các nghi lễ ở hội làng, trong các dịp khai mạc, ngày hội lớn của địa phương hay trong các dịp hội phủ, giỗ mẫu ở các đền, chùa, phủ. Những năm qua, âm hưởng của tuồng và tiếng trống Kim Sơn đã vượt ra khỏi khuôn khổ các buổi sinh hoạt, nghi lễ tại các hội làng, hội Phủ để tham gia vào các hoạt động văn hóa, chính trị của các địa phương trong và ngoài huyện.

6...và rất nhiều thành viên CLB hát tuồng và trồng hội Kim Sơn đang góp phần duy trì loại hình văn hóa dân gian truyền thống của quê hương Hoằng Kim..jpg

Hiện nay, thành viên CLB vẫn gìn giữ các làn điệu tuồng được truyền dạy qua những buổi sinh hoạt CLB văn hóa dân gian. Những vở tuồng, trích đoạn được các cụ cao niên ghi chép lại bằng sổ sách, video qua việc ghi hình. Các vở diễn như: “Sơn Hậu”, “Khương Linh Tá thử Lê Tử Trình”, “Kim Lân qua đèo”, “Ôn Đình Chém Tá”... khi được diễn trên sân khấu, những thành viên CLB cảm giác như được trở lại thời vàng son của làng Kim Sơn xưa nên mỗi cử chỉ, động tác, bước chân của diễn viên đều theo bộ, ăn khớp với lời hát, đưa khán giả cuốn vào không gian kịch.

Theo các nghệ nhân dân gian ở đội tuồng Kim Sơn: Trong các bộ môn ca kịch thì tuồng là khó nhất. Người diễn tuồng có thể đi đóng cải lương, chèo nhưng để những “nghệ sĩ” bộ môn khác hát tuồng là rất khó. Mỗi lời nói, cử chỉ, động tác, mỗi bước chân đi đều phải theo bộ, có bộ mới ra tuồng. Từng điệu bộ, thao tác diễn tuồng cũng rất khó để thể hiện. Đơn cử như động tác vuốt râu, chèo cây, múa kiếm, chèo đò, cưỡi ngựa... đòi hỏi diễn viên phải thể hiện thật giống, để câu hát, dáng vẻ điệu bộ và cả hành động phải ăn khớp, phù hợp, khán giả xem mới không thấy sự “vô duyên” trong cách diễn. Đôi khi chỉ một động tác thôi cũng phải tập đi tập lại rất nhiều ngày.

Với tác động của cơ chế thị trường, sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình nghệ thuật mới, những người thật sự yêu thích môn nghệ thuật tuồng ngày càng ít dần. Để tiếng trống tuồng vang mãi trong các làng quê, điều cần nhất vẫn là phải xây dựng được một đội ngũ diễn viên trẻ. Đây cũng chính là nỗi lo lắng lớn nhất của ông Long, bà Miên và các nghệ nhân dân gian khi việc truyền dạy gặp nhiều khó khăn.

Về Kim Sơn nghe âm vang tiếng trống chầu, nghe những âm điệu ngọt ngào của tuồng và tiếng trống hội qua những diễn viên chân đất của làng quê mới thấm thía hết niềm đam mê của thế hệ con cháu đất tuồng dành cho nghệ thuật truyền thống. Với họ, nghệ thuật tuồng, trống hội mãi mãi là ngọn lửa luôn rực sáng trong tim.

Thanh Qúy – Trung tâm VHTT TT&DL

 

 

Truy cập
Hôm nay:
105201
Hôm qua:
185372
Tuần này:
567015
Tháng này:
851288
Tất cả:
18015917