Linh thiêng đạo Mẫu nơi Phủ Vàng Linh Từ xã Hoằng Xuân
Ở Phủ Vàng Linh Từ xã Hoằng Xuân, Thánh Mẫu Liễu Hạnh là bậc anh linh, quyền cao tối thượng nhưng gần gũi, bình dị trong đời sống tâm linh của người dân.
Trong không gian thiêng, tiếng hát của cung văn quện trong âm nhạc réo rắt, tiếng người vỗ tay trầm trồ mê mẩn, thanh đồng hóa thân thành những vị thánh với những sắc phục, cử chỉ, điệu bộ... tất cả tạo nên một sức hấp dẫn kì lạ với người có mặt. Hình ảnh sinh hoạt hầu đồng thuộc tín ngưỡng thờ Mẫu tại các di tích đền, phủ dịp đầu xuân là một nét đẹp văn hóa, thể hiện truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời ở xứ Thanh.
Hoà quện trong không gian linh thiêng của tín ngưỡng thờ Mẫu ở xứ Thanh, tháng 3 âm lịch hàng năm, xuôi thuyền hay chạy theo các tuyến đường bộ về với xã Hoằng Xuân huyện Hoằng Hoá, du khách lại được hoà mình trong lễ hội Phủ Vàng – nơi thờ phụng Đệ nhất Thánh Mẫu Liễu Hạnh – một trong 4 vị thần “tứ bất tử” của Việt Nam (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh Thánh Mẫu).
Phủ Vàng hay Phủ Vàng Linh Từ toạ lạc trên núi Chùa làng Vàng xã Hoằng Khánh cũ (nay là xã Hoằng Xuân), vùng đất bên núi bên sông hữu tình, hoà quyện với thiên nhiên. Từ xa xưa, Phủ Vàng không chỉ là nơi để người dân Hoằng Khánh hướng vọng tâm linh mà còn là địa điểm thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương trong vùng lân cận quanh ngã ba Bông về tỏ lòng hướng vọng tới Đệ nhất Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Ngôi đền nằm cách đường 1A khoảng 7 km, được xây dựng từ thế kỷ thứ 18. Ở Phủ Vàng, Thánh Mẫu Liễu Hạnh là bậc anh linh, quyền cao tối thượng nhưng gần gũi, bình dị trong đời sống tâm linh của người dân.
Phủ Vàng xưa có cổng ngoài cùng giáp sông Mã là nghi môn ngoại, đến cổng trong là nghi môn nội, nghi môn nội có 3 cửa (gọi là cửa tam quan), hai bên có hai hộ pháp oai vệ. Lối lên toà bái đường phải đi qua gần trăm bậc đá, hai bên có đôi rồng chầu vào rất uy linh. Tiếp đến là hồ bán nguyệt thả sen thơm ngát, long lanh đáy nước in trời. Cấu trúc của toà bái đường đồ sộ với 2 tầng 8 mái theo kiểu chồng diêm, các đầu đao cong vút nâng đỡ mái ngói mũi hài thanh thoát. Trong cùng là toà thượng điện gắn liền với toà bái đường theo hình chữ đinh. Cùng với toà bái đường, chính tẩm thì hậu cung phủ Vàng có 3 gian, quanh năm thường đóng kín, chỉ có ngày lệ, ngày tuần mới mở cửa thắp hương cúng lễ. Nơi đây đặt khám thờ, có tượng Thánh Mẫu và Tứ Vị Hồng Nương. Trên có treo một bức đại tự chữ Hán “mẫu nghi thiên hạ”, phía ngoài cột cái bái đường có đôi câu đối: Đế khuyết, tam giáng sinh thập phuơng Thánh hoá – Thiên nam, tứ bất tử vạn cổ Mẫu nghi”.
Năm 2021, lễ hội Phủ Vàng được tổ chức sớm hơn so với những năm trước – từ ngày 10/4 đến 14/4 (tức ngày 29/2 đến ngày 3/3 năm Tân Sửu) với nhiều hoạt động phong phú, ý nghĩa, đậm nét văn hoá cổ truyền của dân tộc. Trong đó, sáng ngày 10/4 (tức sáng ngày 29/2 Tân Sửu) sẽ diễn ra lễ khai mạc với chương trình văn nghệ đặc sắc, thỉnh chuông, điểm trống và hầu đồng khai hội. Trong các ngày tiếp theo, du khách đến phủ Vàng, ngoài hoà mình trong không gian văn hoá của đạo thờ Mẫu nơi đây, còn được nghe thuyết minh giới thiệu về Phủ; bên cạnh đó, 11 làng văn hoá trong xã sẽ dâng lễ cúng mẫu, các đội tế, các bản hội hầu đồng.
Nếu yêu thích tín ngưỡng thờ Mẫu, không ít người hẳn nhiên đã hơn một lần hòa mình vào không gian thiêng của nghi lễ hầu đồng. Hoặc ngược lại, có người vì vô tình bước vào không gian của buổi lễ hầu đồng nào đó mà nảy sinh niềm yêu mến, thôi thúc sự tìm hiểu về sự tâm linh, huyền hoặc của một tín ngưỡng. Tuy nhiên, dù đã tham gia hay chưa thì có lẽ, không hẳn ai cũng biết về những yếu tố liên quan tới nghi lễ hầu đồng. Trước hết, đó phải là không gian thiêng, nơi thờ Mẫu cùng với cung văn (người đàn, hát) và hầu dâng (khăn áo, đăng đuốc) thì thanh đồng chính là trung tâm của mỗi giá đồng. Chỉ cần nhìn trang phục (xanh, đỏ, trắng, vàng…), vũ điệu, thần khí, đạo cụ... trên người thanh đồng, người ta cũng đoán định được đấy là vị “thánh” nào. Điều đó giống như quy ước mà bất kì một thanh đồng nào khi đã vào hầu cũng phải tuân thủ nghiêm cẩn.
Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt không phụ thuộc vào kinh, sách mà tồn tại dưới những “bản văn” hát được lưu truyền trong dân gian. Theo đó, mỗi giá đồng lại ứng với những bản nhạc văn khác nhau và 36 giá đồng là 36 bản nhạc văn khác biệt. Lắng nghe những bản nhạc văn trong những lễ hầu đồng, đó là nguồn gốc, công trạng, đặc điểm, sở thích... của từng vị thánh giáng đồng. Dân gian cũng quan niệm, thanh đồng khi chưa vào hầu cũng chỉ là người bình thường như bao người, vậy nhưng khi đã vào hầu, ứng với mỗi giá hầu thì đó được xem là hiện thân của những vị thánh đã được dân gian tôn sùng, bởi vậy sự tôn kính là dành cho vị “thánh” hiển linh chứ không phải dành cho thanh đồng.
Những năm gần đây, Phủ Vàng Linh Từ dần đã trở thành điểm nhấn tâm linh tín ngưỡng của đông đảo nhân dân và du khách thập phương trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh, nhớ về nguồn cội. Mỗi năm, đã có hàng trăm lượt du khách từ nhiều tỉnh và trong tỉnh Thanh Hoá tìm về Phủ Vàng dâng hương kính Mẫu, vãn cảnh đền. Lễ hội Phủ Vàng năm 2021, người dân trong xã và du khách thập phương lại sắm sửa lễ vật, cùng gia đình bạn bè, nguời thân phấn khởi, nô nức đến với Phủ Vàng dâng hương, kính lễ, cầu nguyện một năm mưa thuận gió hòa, mọi điều may mắn, sung túc, an vui.
Thanh Quý – Trung tâm VHTT TT&DL
- Khai mạc Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - tại Đền Thờ Tô Hiến Thành
- Làng Qùy Chử xã Hoằng Qùy khai mạc Lễ hội truyền thống đầu xuân năm 2024.
- Trên đất làng Vĩnh Gia
- Di tích Quốc gia bên bờ sông Mã – Đền thờ Tướng quân Cao Lỗ xã Hoằng Giang.
- CLB tuồng và trống hội cung đình Phú Khê – 20 năm lưu giữ và phát triển vốn tuồng cổ, trống hội.
- Nơi lưu giữ những ký ức hào hùng
- Xã Hoằng Xuân – khai mạc và tổ chức lễ hội Phủ Vàng năm 2021
- Linh thiêng đạo Mẫu nơi Phủ Vàng Linh Từ xã Hoằng Xuân
- Hội nghị tập huấn công tác phát ngôn, cung cấp và xử lý thông tin Báo chí
- Xã Hoằng Trường: Tổ chức lễ cầu an - cầu ngư năm 2021