QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Hội nghị trực tuyến hướng dẫn triển khai các nội dung thực hiện chuyển đổi số năm 2022.

Đăng lúc: 14:38:17 27/04/2022 (GMT+7)

Sáng ngày 26-4, Ban chỉ đạo chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Thanh phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị hướng dẫn, triển khai các nội dung CĐS cho lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND cấp xã và các doanh nghiệp Bưu chính, Viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại 793 đểm cầu trên toàn tỉnh (Điểm cầu chính tại Sở Thông tin và Truyền thông, 27 điểm cầu tại UBND các huyện, thị, thành phố, 559 điểm cầu tại UBND xã, phường, thị trấn, 206 điểm cầu tại các thôn, bản, khu phố).

Tham dự tại Điểm cầu Sở Thông tin và Truyền thông, về phía Bộ Thông tin và truyền thông có đồng chí Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các đồng chí trong đoàn công tác của Cục Tin học hóa.

Về phía tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh.

Điểm cầu tại UBND huyện có đồng chí Lê Văn Phúc – Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện  chủ trì hội nghị; Trưởng Công an huyện; Chi cục thuế huyện; Trưởng các phòng chuyên môn UBND huyện; Chánh thanh tra huyện; Chánh, Phó Chánh Văn phòng HĐND- UBND huyện; Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin; các chuyên viên có liên quan tại các Phòng chuyên môn UBND huyện; cán bộ phụ trách Công nghệ thông tin Công an huyện và Chi cục thuế; Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thống kê huyện;  Giám đốc Viễn thông Hoằng Hóa; Bưu điện huyện; Vietel Hoằng Hóa; Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch; Điểm cầu tại UBND các xã, thị trấn có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND xã, thị trấn; Trưởng các Đoàn thể - Chính trị, xã hội; Công chức chuyên môn UBND xã, thị trấn; Trưởng các thôn, phố.

toàn cảnh.JPG

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ ngành Trung ương, sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và sự hưởng ứng của người dân, công tác CĐS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từng bước đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, hiện đại đang phát huy hiệu quả tích cực. Ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước đã có bước đột phá; từ ngày 05-9-2020 tất cả lãnh đạo, cán bộ công chức trong các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã thay đổi thói quen làm việc từ hình thức giấy tờ sang điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử; văn bản điện tử đã thay thế hoàn toàn văn bản giấy (trừ văn bản mật theo quy định); trên 99% văn bản được ký số cơ quan và ký số cá nhân; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh đang phát huy hiệu quả tích cực, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh COVID-19; Cổng dịch vụ công, Hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đang phát huy hiệu quả, góp phần công khai, minh bạch hoạt động cung cấp dịch vụ công của cơ quan nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian, chí phí trong giải quyết thủ tục hành chính. Trong quý I năm 2022, toàn tỉnh đã tiếp nhận 77.797 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3 đạt 98,54%; tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 4 đạt 95,76%. Nền tảng chia sẻ tích hợp dữ liệu (LGSP) của tỉnh Thanh Hóa là một trong 8 bộ, ngành, địa phương đầu tiên kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia; đã tích hợp 1.443 đơn vị của tỉnh (cấp tỉnh, huyện, xã và các đơn vị sự nghiệp), phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp từ Trung ương đến cấp xã và kết nối, chia sẻ các dữ liệu chuyên ngành trên địa bàn tỉnh. CĐS trong các ngành, lĩnh vực đã mang lại hiệu quả tích cực trong quản lý, điều hành và phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, như trong lĩnh vực y tế, bảo hiểm xã hội, tài chính ngân hành, thuế, hải quan…. Đã đưa 406 sản phẩm của các huyện lên Cổng kết nối cung cầu tỉnh Thanh Hóa; đưa 28 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử “voso.vn”; 38 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử “postmart.vn; cung cấp trên 40.000 tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm đặc trưng của các huyện. Người dân trên địa bàn tỉnh đã dần thay đổi thói quen từ mua bán hàng trực tiếp sang mua bán trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt…

Tuy nhiên, CĐS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Nhận thức về CĐS còn hạn chế; CĐS trong một số ngành lĩnh vực còn chậm; Công tác truyền thông để thay đổi nhận thức, thói quen của mọi người trong sử dụng các dịch vụ CĐS còn hạn chế....

Tại hội nghị, các đại biểu đã được các đồng chí báo cáo viên của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, triển khai những nội dung cơ bản về CĐS; định hướng về các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong các ngành, lĩnh vực; giới thiệu các nền tảng CĐS phục vụ người dân; giới thiệu mô hình cơ bản và nội dung CĐS cấp huyện, cấp xã; đặc biệt là kinh nghiệm triển khai thành công các mô hình CĐS trong chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, trong các ngành, lĩnh vực trên toàn quốc để Thanh Hóa học tập, áp dụng tại địa phương.

dc.JPG

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh nhấn mạnh: Từ một khái niệm mới lạ, CĐS đã dần được hình thành rõ nét và trở thành xu hướng phát triển tất yếu trong giai đoạn hiện nay cũng như trong thời gian tới. CĐS góp phần làm thay đổi thói quen xử lý công việc từ thủ công sang máy móc, công nghệ nhằm mang lại hiệu quả về thời gian, minh bạch trong xử lý công vệc giám sát được việc thực hiện các thủ tục hành chính nhà nước… Để CĐS thành công, cần có sự chủ động, triển khai tích cực của người đứng đầu các cấp, các ngành, các lĩnh vực, địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của các doanh nghiệp và sự hưởng ứng của người dân. Thực hiện CĐS ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, địa phương phải lấy người dân, doanh nghiêp là trung tâm phục vụ; sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động. Đồng thời, các ngành cần đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống dữ liệu liên thông các cấp để tạo nên hệ thống “dữ liệu sống” dùng chung từ Trung ương đến cấp xã…

Đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh trân trọng cảm ơn đồng chí Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đồng chí trong đoàn công tác của Cục Tin học hóa đã hỗ trợ Ban chỉ đạo CĐS tỉnh Thanh Hóa tổ chức thành công hội nghị. Đồng chí đề nghị Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa triển khai CĐS một cách hiệu quả, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đưa ra ý kiến thực tiễn để xây dựng, triển khai các nền tảng quan trọng và các giải pháp để tăng tốc độ CĐS của tỉnh trong năm 2022 và thời gian tiếp theo.

Minh Hiếu - Trung tâm VHTTTT&DL

Truy cập
Hôm nay:
2843
Hôm qua:
6909
Tuần này:
9752
Tháng này:
176952
Tất cả:
11669514