Huyện Hoằng Hóa chú trọng số hóa di tích nhằm phát triển du lịch theo hướng hiện đại
Xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển công nghệ số đặt ra vấn đề giữ gìn văn hóa truyền thống trong thời đại số. Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa đã có những hiệu quả tích cực.
Thực hiện Quyết định số 2026/QĐ-TTg, ngày 2/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, Tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo công tác số hóa di tích, số hóa những địa chỉ đỏ trên địa bàn tỉnh. Trong đó nhiều “địa chỉ đỏ ” được giao cho Đoàn thanh niên chủ trì như việc số hóa tại Chiến khu Du kích Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành, khu tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập, huyện Hậu Lộc, Khu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường… “Việc triển khai mô hình “Số hóa các địa chỉ đỏ” trên địa bàn tỉnh không chỉ tiết kiệm kinh phí trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch mà còn thể hiện tính tiên phong, đổi mới, sáng tạo của tuổi trẻ trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ góp phần thúc đẩy du lịch thông minh.
Tại huyện Hoằng Hóa, công tác số hóa di tích cũng đã và đang được triển khai tích cực, huyện xác định đây là một trong những tiêu chí quan trọng nhằm hoàn thành công tác chuyển đổi số cấp xã và cấp huyện trên địa bàn.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Hoằng Hóa có 93 di tích đã xếp hạng, trong đó có 16 di tích cấp Quốc gia và 77 di tích cấp tỉnh. Đến nay, thực hiện công tác Chuyển đổi số - số hóa di tích, huyện đã có trên 70% di tích được số hóa.
Xã Hoằng Lộc là xã Nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện Hoằng Hóa, lại là địa phương có nhiều di tích lịch sử với 10 di tích xếp hạng, trong đó có 3 di tích cấp Quốc Gia và 7 di tích cấp tỉnh. Hoằng Lộc cũng là xã tiên phong đi đầu trong việc số hóa di tích của huyện với việc đưa 3 di tích lịch sử cấp Quốc gia gồm: Nhà thờ và lăng mộ Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất, di tích lịch sử Nhà thờ Nguyễn Quỳnh và cụm di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Bảng Môn Đình số hóa bằng quét mã QR. Với những tấm bảng lớn chứa mã QR được trưng bày tại các khu di tích, du khách tới tham quan, thông qua việc quét mã QR sẽ nắm bắt được toàn bộ thông tin về di tích bằng hình thức video Clip thuyết minh, vừa dễ hiểu, dễ tiếp thu lại vừa mềm mại, mang tính nghệ thuật cao.
Khách tham quan quét mã QR tại Di tích Bảng Môn Đình xã Hoằng Lộc
Cùng với Hoằng Lộc, một số xã cũng đã số hóa di tích bằng việc đưa các thông tin của di tích lên Trang thông tin điện tử của địa phương và các nền tảng mạng xã hội như xã Hoằng Đạt, Hoằng Quỳ, Hoằng Tiến…
Để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số toàn huyện, cùng chạy đua với các mục tiêu KTXH khác trên địa bàn, huyện vẫn đang tích cực chỉ đạo các đơn vị thực hiện số hóa di tích thông qua mã QR và đăng tải trên Trang thông tin điện tử địa phương cũng như các nền tảng mạng xã hội khác. Huyện phấn đấu năm 2024 có 30 di tích được số hóa và hoàn thành số hóa 100% các điểm di tích trên địa bàn huyện vào năm 2025.
Có thể nói, Chương trình số hóa di tích được xem là bước tiến mới của công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống. Ngoài chi phí thấp hơn so với các phương pháp bảo tồn hiện nay, số hóa di tích cũng giúp các giá trị được lan tỏa, quảng bá nhanh chóng thông qua mạng internet mà không bị giới hạn về thời gian, địa điểm, ngôn ngữ...Khi di tích được số hóa, các thế hệ sau cũng thuận lợi hơn trong việc tu bổ, phục dựng, nhất là trong trường hợp di tích bị xóa sổ bởi thiên tai, hỏa hoạn… Đặc biệt, trong xu thế phát triển du lịch hiện nay, việc số hóa di tích chính là cầu nối để các thế hệ thỏa sức sáng tạo, vừa lưu giữ tốt di sản của cha ông, vừa phát triển kinh tế hiệu quả. Công tác giữ gìn và khai thác di tích gắn với phát triển du lịch là nền tảng cơ bản để giữ gìn và phát huy giá trị di tích, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động bảo tàng, di tích để tăng tính hấp dẫn, thu hút khách tham quan.
Minh Hiếu - Trung tâm VHTTTT&DL
- Trọng Hậu, thôn thông minh ở xã Hoằng Qùy
- Hội nghị giao ban công tác Chuyển đổi số
- Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Nhìn lại công tác Chuyển đổi số năm 2024 của huyện Hoằng Hóa
- Giao ban đánh giá tiến độ thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (giai đoạn 2); chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp đối với người có công qua tài khoản cá nhân trên địa bàn huyện
- Năm 2024, tỉnh đã công nhận hoàn thành các tiêu chí chuyển đổi số cấp xã năm 2023 cho 13 xã
- Hoằng Châu xây dựng thôn Giang Hải đạt thôn thông minh
- Nâng cao chất lượng hoạt động HTX thông qua Chuyển đổi số
- Huyện Hoằng Hóa chú trọng số hóa di tích nhằm phát triển du lịch theo hướng hiện đại
- Hội nghị giao ban thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06