QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Nâng cao chất lượng hoạt động HTX thông qua Chuyển đổi số

Đăng lúc: 09:00:00 01/12/2024 (GMT+7)

Hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm, tạo năng lực cạnh tranh và thích ứng với xu hướng thị trường, các HTX trên địa bàn huyện đã và đang nỗ lực chuyển đổi số (CĐS), bước đầu thu được kết quả tích cực.

 Được biết, trong những năm gần đây, nhiều HTX trên địa bàn huyện cũng đã nhanh nhạy ứng dụng môi trường số để đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đem lại hiệu quả thiết thực. So với các phương thức tiêu thụ truyền thống, các kênh bán hàng thông qua các sàn thương mại điện tử như: Postmart.vn, Lazada, Shopee; phần mềm kết nối cung - cầu nongsanantoanthanhhoa.vn; các trang mạng xã hội như: zalo, facebook đã mở thêm cơ hội mới, giúp các HTX giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng không giới hạn không gian qua môi trường mạng, như: HTX chăn nuôi xã Hoằng Đồng đã tiến hành số hóa, đưa hình ảnh, thông tin các sản phẩm do HTX sản xuất lên sàn thương mại điện tử, các nền tảng Internet, mạng viễn thông di động và mạng mở khác. Phương thức này đặc biệt có tác dụng đối với các sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP.
post mart.jpg

Mặc dù, hiệu quả của chuyển đổi số đã được khẳng định rõ ràng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung, cũng như trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc tiếp cận các ứng dụng số đối với các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp được đánh giá là còn chậm. Những hạn chế về trình độ tin học, nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực vận hành khiến hoạt động chuyển đổi số tại các HTX chưa được như kỳ vọng.

HTX nông nghiệp xanh, CNC Hồng Nhuệ (còn gọi là Nông trại Nhung Farms) có địa chỉ tại thôn Hồng Nhuệ 2, xã Hoằng Thắng được thành lập năm 2020, là một trong những đơn vị tích cực đầu tư chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, nhờ áp dụng các giải pháp đồng bộ, như: nhật ký điện tử, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh, hệ thống tưới tự động, tem truy xuất nguồn gốc QR code. Ban đầu, HTX có 9 thành viên là các hộ nông dân tại thôn Hồng Nhuệ 2. Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, HTX đã có 14 thành viên. Diện tích sản xuất chính của HTX là khu nhà màng 6.500m2 tại cánh đồng thôn Hồng Nhuệ 2 và 2 ha ký kết sản xuất ngoài trời. Để xây dựng nhà màng làm nơi sản xuất chính, HTX đã phải đầu tư không ít công sức và tiền của để tôn tạo khu đất, lắp đặt nhà màng, hệ thống tưới tự động.

Chị Lê Thị Nhung, chủ HTX nông nghiệp xanh, CNC Hồng Nhuệ cho biết: Sản phẩm chủ lực của HTX là dưa vàng Kim Hoàng hậu, dưa lưới, dưa leo... Ngoài ra, tùy mùa vụ, HTX còn cung cấp ra thị trường các loại rau dinh dưỡng như: Cải kale, cà chua bi, dâu tây... Hiện nay, sản phẩm của HTX và các đơn vị liên kết đã có mặt tại hệ thống thực phẩm sạch của các tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển, các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP... Theo chị, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ trong sản xuất và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, đã giúp cho HTX mở rộng, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và sự tương tác của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm của HTX. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong chuyển đổi số ở HTX chủ yếu là do thiếu kinh phí, thiếu nguồn lao động có chuyên môn...

Hiện toàn huyện có tổng số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là 56 HTX. Năm 2023, thành lập thêm 1 HTX là HTX sản xuất thương mại nông nghiệp Trường Xuân (xã Hoằng Trung). Các HTX nông nghiệp tiếp tục duy trì nhiều hoạt động dịch vụ phục vụ sản xuất như: dịch vụ thủy lợi, làm đất, cung ứng vật tư nông nghiệp, phun thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ mạ khay, máy cấy... Trên địa bàn huyện hiện có một số mô hình hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao như: HTX dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Hoằng Đạt, HTX xanh công nghệ cao Hồng Nhuệ (xã Hoằng Thắng), HTX dịch vụ nông nghiệp và thủy sản Hoằng Đông, HTX sản xuất thương mại nông nghiệp sạch Hoằng Đạo, HTX Quỳ Chữ xã Hoằng Quỳ, HTX dịch vụ nông nghiệp - thủy sản Hoằng Phong, HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản xã Hoằng Lưu. Các HTX đã tích cực tham gia các hội nghị, diễn đàn về HTX; trên cơ sở các diễn đàn, tùy theo thế mạnh và định hướng hỗ trợ của từng tổ chức để kêu gọi hỗ trợ, liên kết, đầu tư cho các HTX trên địa bàn huyện. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 4 HTX có sản phẩm tham gia chương trình OCOP và đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao là HTX chăn nuôi xã Hoằng Đồng (sản phẩm giò bò Thuật Yến), HTX chăn nuôi Hoằng Thái (sản phẩm giò lụa Chinh Hằng) và HTX dịch vụ nông nghiệp xã Hoằng Thắng (sản phẩm Dưa hấu đồng quê), HTX nông nghiệp xanh, CNC Hồng Nhuệ (sản phẩm Dưa vàng Nhungfarm). Tuy nhiên, viêc chuyển đổi số tại các HTX trên địa bàn huyện hiện vẫn mới dừng lại ở mức độ manh nha. Trong khâu sản xuất, hiện mới có một số HTX ứng dụng công nghệ 4.0 trong các khâu điều khiển hệ thống tưới tự động; Trong tiêu thụ sản phẩm, một số HTX đã tích cực tận dụng nền tảng số nhưng vẫn chưa rộng khắp, còn nhỏ lẻ, cục bộ.

Các HTX chính là “cánh tay nối dài” giữa các hộ nông dân với các doanh nghiệp; đồng thời, giúp cung cấp các vật tư đầu vào, hướng dẫn người dân sản xuất theo quy trình, bảo đảm đầu ra cho các nông sản. Do vậy, ứng dụng chuyển đổi số sẽ giúp các HTX sớm nâng cao trình độ sản xuất, đặc biệt là phát triển mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, góp phần xây dựng thương hiệu nông sản Hoằng Hóa, đồng thời, làm thay đổi nhận thức của các doanh nghiệp, hộ sản xuất về phương thức kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ gắn với phát triển công nghệ số trong nông nghiệp, nông thôn.

Thanh Qúy – Trung tâm VHTT TT&DL

 

 

Truy cập
Hôm nay:
5689
Hôm qua:
17683
Tuần này:
23372
Tháng này:
331379
Tất cả:
16977889