Xây dựng và phát huy hiệu quả vườn cổ tích ở Trường mầm non trên địa bàn huyện Hoằng Hóa
Xây dựng vườn cổ tích tại các trường mầm non nhằm tạo điều kiện để mọi trẻ em có cơ hội được học tập, vui chơi, được tự do sáng tạo, thả trí tưởng tượng cũng như lưu giữ lại những khoảnh khắc đáng nhớ của tuổi thơ trong sắc màu cổ tích.
Những câu chuyện cổ tích vốn là chủ đề yêu thích của tất cả trẻ em. Chuyện cổ tích nuôi dưỡng ước mơ về một “thế giới thần tiên” với những điều kỳ diệu mà hầu như tất cả trẻ em đều ao ước; Mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật cổ tích đều ẩn chứa những ý nghĩa, những bài học giàu tính nhân văn về cuộc sống. Có thể nói “vườn cổ tích” là sân chơi bổ ích giúp trẻ biết thêm nhiều câu chuyện cổ tích “ngày xửa, ngày xưa” của Việt Nam và thế giới gắn với những nhân vật cổ tích huyền thoại. Qua đó sẽ có những định hướng tốt hơn để chăm sóc, giáo dục trẻ phát triển toàn diện.
Thực hiện chương trình giáo dục mới, phong trào xây dựng vườn cổ tích đã bắt đầu được triển khai ở bậc học mầm non trên địa bàn huyện Hoằng Hóa. Khuôn viên xanh, sạch, đẹp cùng với những góc chủ đề mang nội dung các câu truyện cổ tích là môi trường hấp dẫn để trẻ có cơ hội được học tập, vui chơi, phát huy trí tưởng tượng và lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ của tuổi thơ.
Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, Phòng GD&ĐT huyện đã hướng dẫn, khuyến khích các địa phương và các trường mầm non trong toàn huyện xây dựng vườn cổ tích nhằm tạo điểm nhấn về môi trường ngoài lớp học, tạo điều kiện cho trẻ được khám phá, trải nghiệm, tăng cường vận động ngoài trời, giúp trẻ gần gũi với thiên nhiên, với cuộc sống. Cũng xuất phát từ mục đích đổi mới tư duy của trẻ, hiện thực hóa cổ tích, một số trường mầm non trên địa bàn huyện đã tích cực huy động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng nên khu vườn cổ tích trong khuôn viên của nhà trường, với đầy đủ các nhân vật cổ tích bước ra từ trong sách vở, trở nên gần gũi và thân thuộc với trẻ hơn bao giờ hết.
Tập trung huy động nguồn lực, đến nay, toàn huyện đã có 12/43 Trường mầm non đã xây dựng vườn cổ tích thông qua xã hội hóa giáo dục. Tùy vào mức kinh phí huy động được mà mỗi trường dành quỹ đất để xây dựng vườn cổ tích với quy mô lớn, nhỏ khác nhau, nhưng điểm chung nhất vẫn là mỗi vườn cổ tích đều thiết kế với không gian thoáng đãng, có đầy đủ phong cảnh núi non thu nhỏ, cùng với những hình ảnh mô phỏng các nhân vật từ truyện cổ tích như truyện “Tấm Cám”, “Thánh Gióng”, “Sự tích Trầu Cau”, “Cây tre trăm đốt”, “Nàng bạch tuyết và bảy chú lùn”… được tô điểm với những gam màu tươi sáng, bắt mắt, bố trí khoa học có tác dụng gây sự tò mò và hứng thú cao độ để trẻ quan sát, tiếp thu nhanh. Hơn thế nữa, bên cạnh các nhân vật cổ tích, bên trong khu vườn còn có cả cây cỏ, hoa lá, các hình đúc những con thú ngộ nghĩnh và nhiều hoạt họa rực rỡ sắc màu. Với vườn cổ tích này, trẻ không chỉ có những khám phá về thế giới cổ tích, mà còn ứng dụng vào nhiều nội dung khác: khám phá thiên nhiên, môi trường xung quanh. Cứ thế, sau những giờ học, trẻ cùng với giáo viên lại ngược về với miền cổ tích, được thoải mái liên tưởng, sáng tạo ngay cạnh các nhân vật được mô phỏng, hòa cùng với không gian xanh mát mẻ, hiệu quả giảng dạy nâng cao rõ rệt, từ những hình tượng trực quan sinh động minh họa về các nhân vật, trẻ sẽ nhớ nhanh hơn, phát triển ngôn ngữ và tư duy logic cũng như hứng thú hơn khi đến trường. Một trong những trường mầm non có vườn cổ tích với thiết kế khá đẹp và thu hút trẻ em, có thể kể đến trường mầm non Hoằng Trung, từ nguồn huy động xã hội hóa, nhà trường đã xây dựng và đưa vào sử dụng vườn cổ tích trị giá 550 triệu đồng. Trước đây khi chưa có khu vườn cổ tích, việc dạy các tiết học gặp nhiều khó khăn. Các em tiếp thu chậm, không tưởng tượng được nhiều về nhân vật cũng như các tình huống. Còn nay, khi được xuống Vườn cổ tích trẻ không những được hít thở không khí trong lành, mà trẻ còn được quan sát mọi thứ xung quanh để tưởng tượng vào nội dung câu chuyện mà trẻ đã được nghe ở trên lớp, từ đó trẻ có thể kể lại cho bạn nghe câu chuyện mà mình đã được nghe. Hay như trường mầm non Hoằng Thành huy động sự đóng góp của phụ huynh được phụ huynh đồng tình, hưởng ứng ủng hộ tiền để cùng với nhà trường hoàn thiện vườn cổ tích, họ thấy vui khi con em mình được học ở một môi trường tốt như vậy.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều Trường mầm non trên địa bàn huyện vẫn chưa có vườn cổ tích, các nhà trường đang tập trung nhiều cho xây dựng cơ sở vật chất lớp học và sân chơi ngoài trời, hơn nữa kinh phí dành cho xây dựng vườn cổ tích cũng tương đối lớn và cũng đòi hỏi có quỹ đất rộng để xây dựng vườn. Để tạo điều kiện cho trẻ em phát triển toàn diện, hiện trong huyện có một số trường mầm non như Trường mầm non Hoằng Quỳ, Hoằng Lưu, Thị trấn Bút Sơn đang kêu gọi xã hội hóa, tiến hành quy hoạch, thiết kế, phấn đấu sớm xây dựng được vườn cổ tích cho trẻ. Trường mầm non Hoằng Quỳ hiện nay đang phấn đấu xây dựng Trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, cơ sở vật chất của trường còn thiếu, nhưng các giáo viên đều gắn bó, yêu thương trẻ, mong muốn đem đến cho các em kiến thức bổ ích, và hơn nữa, việc gieo những tri thức nền tảng đầu tiên là điều cần thiết, giúp các em không thụ động khi học, không phụ thuộc vào sách vở quá nhiều, đó là lý do mà trường đang đầu tư khu vườn cổ tích.
Trường mầm non là môi trường đào tạo đầu tiên cho trẻ, làm nền tảng để trẻ tự tin bước vào các cấp học cao hơn. Do vậy, trẻ cần được đáp ứng đầy đủ các phương tiện và công cụ để tìm hiểu, khám phá. Và, để hướng cho trẻ gần gũi với thiên nhiên, bay bổng với những ước mơ, ở mỗi trường mầm non cần phải có một không gian vui chơi gần gũi, mang lại nhiều điều bổ ích. Vườn cổ tích chính là khuôn viên rất phù hợp với trẻ ở bậc học mầm non. Mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật cổ tích đều ẩn chứa những ý nghĩa, những bài học giàu tính nhân văn về cuộc sống. Chính vì thế, những giờ học ở vườn cổ tích qua giọng kể ngọt ngào, dịu dàng của cô giáo, qua những hình ảnh minh họa sinh động, ngộ nghĩnh sẽ giúp trẻ cảm nhận được cái hay, cái đẹp của câu chuyện, tăng cường khả năng diễn đạt ngôn ngữ và trí nhớ, góp phần hình thành nhân cách và phát triển óc sáng tạo của trẻ./.
Phương Trang – Đài TT Hoằng Hóa