QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Xã bãi ngang ven biển Hoằng Tiến khởi sắc sau 10 năm xây dựng nông thôn mới

Đăng lúc: 08:00:10 16/06/2020 (GMT+7)

Từ làng quê bãi ngang ven biển, đời sống người dân khó khăn, sau gần 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, xã Hoằng Tiến đang vươn mình mạnh mẽ, bừng lên sắc diện NTM hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao trong năm 2020.

Công sở xã Hoằng Tiến ngày nay đã khang trang hơn.jpg
Công sở xã Hoằng Tiến ngày nay đã khang trang hơn




Về Hoằng Tiến hôm nay chúng ta thấy sự đổi mới trên quê hương của xã thuộc diện bãi ngang ven biển đặc biệt khó khăn, các tuyến đường liên xã, liên thôn ngày nào nắng bụi, mưa lầy thì nay được rải nhựa, bê-tông. Chính quyền vận động nhân dân cùng trồng hoa dọc các tuyến đường đông dân cư, tạo nên môi trường xanh - sạch - đẹp, công sở làm việc của xã, trường học, nhà văn hóa, kênh mương, hệ thống đường giao thông… được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang, nhà cửa nhân dân được chỉnh trang xây mới. Tất cả vẽ lên một bức tranh NTM với những gam màu tươi sáng - điều mà gần 10 năm trước, những người dân quê ở vùng bãi ngang ven biển này chưa thể nghĩ tới... Phấn khởi trước những đổi thay của quê hương, ông Trần Hữu Đới, người dân thôn Kim Sơn xã Hoằng Tiến chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của địa phương, các cấp, các ngành, người dân chúng tôi có được những con đường nhựa, đường bê tông khang trang, sáng, xanh, sạch đẹp, nhiều tuyến đường không còn lầy lội vào mùa mưa; nhà văn hóa xây mới giúp bà con có nơi sinh hoạt cộng đồng;  trường học xây dựng khang trang, sạch đẹp, giúp con em học hành đến nơi, đến chốn”.

Từ năm 2011 khi bắt đầu triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM xã còn nhiều khó khăn, đất nông nghiệp ít, bạc màu, đời sống nhân dân thấp. Qua rà soát các tiêu chí theo chương trình XDNTM, toàn xã mới chỉ đạt 6/19 tiêu chí. Khó khăn đến mức, ở thời điểm đó, xã chưa có đơn vị trường học nào đạt chuẩn quốc gia. Các tiêu chí NTM đều là những tiêu chí cần nguồn vốn lớn, như: Đường giao thông, kênh mương thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa,...

Trước thực tế đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hoằng Tiến đã xác định những thách thức trong “bài toán” XDNTM cũng chính là thời cơ để cải thiện tình hình, khởi sắc bộ mặt nông thôn. Nhờ sự chung tay của cả hệ thống chính trị và huy động tố đa các nguồn lực, kết quả toàn xã đã huy động được 209 tỷ đồng đầu tư vào XDNTM, trong đó vốn ngân sách từ trung ương đến địa phương là 53 tỷ 522 triệu đồng; trên 124 tỷ đồng do nhân dân đóng góp. Từ nguồn vốn đó, xã đã đầu tư cứng hóa hệ thống đường xã, liên xã, đường làng, ngõ xóm với chiều dài 18,5km. Đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện. Hệ thống kênh mương trên địa bàn cơ bản đáp ứng được việc tưới tiêu chủ động, kiên cố hóa được 6,72 km. Hệ thống cơ sở vật chất văn hóa được đầu tư xây dựng mới, trong đó nhà văn hóa đa năng được xây dựng năm 2017 với diện tích 665m2, với quy mô 250 ghế được trang bị đầy đủ; khu thể thao được hoàn thiện, sân vận động với diện tích hơn 5,400m2, đáp ứng nhu cầu phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao tại địa phương. Cơ sở vật chất tại 3 cấp học mầm non, tiểu học, THCS được đầu tư nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới với quy mô khang trang, đồng bộ. Đến nay, các trường đều được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, Trường Mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I năm 2010, trường tiểu học Lê Xuân Lan đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 năm 2012 và trường THCS Lê Quang Trường đạt chuẩn quốc gia năm 2014. Nhân dân tự đầu tư vốn chỉnh trang và xây dựng nhà ở, đầu tư xây dựng các cửa hàng kinh doanh tổng hợp, xây dựng các công trình phúc lợi, sản xuất. Đáng lưu ý là cho đến nay, Hoằng Tiến đã xây dựng và nhanh chóng hoàn thành, đưa vào sử dụng gần 15 km đường điện chiếu sáng công cộng, tổng giá trị hơn 3,3 tỷ đồng - là xã đầu tiên trong huyện hoàn thành 100% đường điện chiếu sáng công cộng trên địa bàn. Ánh điện từ công trình thắp sáng đường quê đã làm thay đổi diện mạo vùng quê bãi ngang ven biển Hoằng Tiến.

Những con đường được bê tông hóa và trải nhựa 100%.jpg
Những con đường được bê tông hóa và trải nhựa 100%

Có thể nói, phong trào XDNTM như luồng gió mới, làm thay đổi tư duy, nhận thức và khởi sắc bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân. Nhìn vào con số tỷ lệ hộ nghèo 23,3%, ít ai nghĩ rằng Hoằng Tiến có thể “giải” được bài toán giảm nghèo trong thời gian ngắn. Chủ tịch UBND xã Lê Văn Nam chia sẻ: “Giảm tỷ lệ hộ nghèo là việc làm cần thiết nhất trong lộ trình xây dựng NTM, vì dân có giàu thì mới có thể góp sức cùng với chính quyền xây dựng các mục tiêu xây dựng NTM được”. Do vây, xã đã tập trung chỉ đạo nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ, cây trồng, vật nuôi. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Hoằng Tiến từ 10,5 triệu đồng/người/ năm 2011 lên 46,5 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 4,6 lần so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 23,3% năm 2011 xuống còn  2,39% năm 2020.

Ông Lê Văn Lĩnh – thôn Kim Sơn, xã Hoằng Tiến với mô hình lúa cá kết hợp.jpg 

Ông Lê Văn Lĩnh – thôn Kim Sơn, xã Hoằng Tiến với mô hình lúa cá kết hợp

Đến thăm mô hình lúa - cá của gia đình ông Lê Văn Lĩnh – thôn Kim Sơn, đón chúng tôi bằng cái bắt tay thật chặt xen lẫn nụ cười hiền hậu, chân chất, ông Lĩnh tâm sự: “Năm 2000 gia đình bắt đầu thuê đất 5% của xã để đầu tư mô hình cá – lúa kết hợp cây ăn quả. Với 50ha, nuôi chủ yếu các loại cá như cá trắm, đối, mè, cá chép,.. hàng năm năng suất ước đạt 2 – 3 tấn/ năm, đem lại thu nhập cho gia đình khoảng 250 – 300 triệu đồng/năm.”

ánh phương.jpg

Ngoài nông nghiệp, nhiều ngành nghề dịch vụ trên địa bàn xã cũng tương đối phát triển. Phát huy lợi thế là xã trung tâm của Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến, địa phương đã nắm bắt cơ hội, khơi dậy tiềm năng, đầu tư mạnh mẽ và xúc tiến thương mại phát triển kinh tế ở khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến đã giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân.. Nhiều hoạt động dịch vụ thương mại “mọc lên” như kinh doanh khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, các nhà nghỉ, hàng tạp hóa, các mặt hàng hải sản,... mang chất lượng, thương hiệu, thu hút khách du lịch khi đến với biển Hải Tiến.

Thăm xưởng mộc của anh Trần Trọng Phúc, thôn Kim Sơn, xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa.jpg
Thăm xưởng mộc của anh Trần Trọng Phúc, thôn Kim Sơn, xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa

Không chỉ du lịch, Hoằng Tiến định hướng phát triển nghề truyền thống của xã như: nghề mộc, cơ khí,... Nghề mộc hiện nay đang là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, được đánh giá cao với những sản phẩm tinh tế, mang lại sự hài lòng của khách hàng. Đặc biệt, gần đây nhiều cơ sở sản xuất gỗ tại xã Hoằng Tiến đã nhạy bén đã đầu tư máy móc, tìm kiếm nguồn hàng, mẫu mã sản phẩm, mở rộng mặt bằng xưởng để chuyên sản xuất các mặt hàng mộc nội thất nhà ở cao cấp, nhà gỗ ... vừa có lãi cao, thị trường tiêu thụ mạnh. Theo thống kê, trên địa bàn xã Hoằng Tiến có khoảng 80 cơ cở sản xuất, chế biến gỗ; trong đó có 20 xưởng sản xuất lớn. Thăm xưởng gỗ của gia đình anh Trần Trọng Phúc – thôn Kim Sơn, xã Hoằng Tiến, được chứng kiến anh cùng những người thợ đang tất bật hoàn thiện các khâu cuối cùng của sản phẩm để giao cho khách. Bên chén trà nóng, anh Phúc chia sẻ: “Sau khi định cư và làm việc tại huyện Quan Hóa, năm 2018, với ấp ủ ước mơ muốn lập nghiệp, mở rộng xưởng sản xuất đồ gỗ của gia đình tại quê hương Hoằng Hóa nên tôi quyết định trở về quê hương lập nghiệp”. Từ một xưởng mộc quy mô nhỏ của gia đình, với ý chí quyết tâm làm giàu, anh Phúc mạnh dạn vay mượn người thân, bạn bè và ngân hàng gần 1 tỷ 500 triệu đồng đầu tư mở rộng nhà xưởng và mua nhiều dụng cụ, máy móc hiện đại. Có được thành công bước đầu, anh quy tụ thêm đội ngũ thợ mộc tay nghề cao trong xã về xưởng. Qua đôi tay tài hoa của những người thợ giỏi, mỗi tháng cơ sở sản xuất của anh làm ra hàng chục sản phẩm đồ nội thất nhà ở cao cấp, vật dụng làm nhà gỗ. Với mẫu mã đa dạng, chất lượng cao, giá thành hợp lý, sản phẩm đồ gỗ của anh ngày càng đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường. Do vậy, không chỉ phục vụ người dân trên địa bàn xã, nhiều khách hàng trong huyện và các tỉnh lân cận cũng tìm đến cơ sở của anh để đặt hàng.  “Hiện nay, tôi đã đầu tư rất nhiều máy móc công nghệ cao nên thời gian hoàn thiện sản phẩm được rút ngắn và chất lượng sản phẩm ngày một nâng cao. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất”. Anh Phúc chia sẻ thêm.

Vượt qua muôn vàn khó khăn, một vùng bãi ngang đã thực sự khởi sắc đó là minh chứng rõ ràng về những bước đi đúng đắn, những cách làm sáng tạo của cấp ủy, chính quyền xã Hoằng Tiến và sự đồng lòng của nhân dân. Dẫu biết chặng đường phía trước còn không ít gian nan nhưng với quyết tâm, niềm tự hào, tạo thành sức mạnh đoàn kết để quyết tâm phấn đấu hoàn thành xã NTM nâng cao trong năm 2020, tạo diện mạo nông thôn mới ngày càng khang trang, xứng đáng là trung tâm của khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa và trở thành một miền quê đáng sống./.

Thanh Hằng – Trung tâm VHTT TT&DL huyện 

Truy cập
Hôm nay:
6219
Hôm qua:
8940
Tuần này:
31705
Tháng này:
131451
Tất cả:
11624013