Cụm di tích lịch sử, văn hóa cách mạng Đình Liên Châu và Đình Hoàng Chung (xã Hoằng Châu) - “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ
Cụm di tích lịch sử, văn hóa cách mạng Đình Liên Châu và Đình Hoàng Chung (xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa) từ lâu đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Đình Liên Châu là nơi thờ Tiến sĩ Đào Thành, người có công khai hoang, mở điền, lập ấp. Ông đỗ Tiến sỹ đời Hậu Lê, làm quan dưới triều Lê Nhân Tông. là nơi thờ Thành hoàng Tiến sĩ Đào Thành, cũng là cơ sở hoạt động cách mạng trong kháng chiến chống Nhật năm 1945. Sau chiến tranh, đình Liên Châu được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa, cách mạng cấp quốc gia. Đây là niềm tự hào, biểu tượng thiêng liêng để Đảng bộ và Nhân dân Hoằng Châu tri ân, tưởng nhớ các thế hệ cha ông.
Nằm ở phía Đông Nam của huyện Hoằng Hóa. Với phong cảnh giếng nước, mái đình khiến cho làng quê nơi đây trở nên bình dị, thân quen, và càng trở nên đặc biệt, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách thập phương bởi mới đây (tháng 10-2022), 2 cây muỗm có tuổi đời trên 200 tuổi tại đình Liên Châu được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản. Đôi rồng đá bên ngoài cổng vào Đình Liên Châu được chính quyền và Nhân dân đóng góp, xây dựng.
Đình Liên Châu lúc sơ khai ban đầu, xây dựng tạm đình bằng tranh tại xứ Đình Lòng thuộc đất kẻ rọc ( thôn Châu Lộc ngày nay) gọi là Đình Lòng, khoảng cuối niên hiệu Lê thái Tông đầu niên hiệu Vua Lê Nhân Tông (1425 – 1430) Sau đó làng Liên Châu cho phép một nhà hào phú cung tiến xây dựng một ngôi nghè thờ Thần bằng gỗ, xây tường lợp ngói, năm gian tiền đường, có một chính tẩm, làm ngay trên nền miếu thờ ông Đào Duy Thụy, rồi sau đó thờ chung Thành Hoàng Đào Thành cùng với ngôi nghè đó, gọi là nghè thờ Thành Hoàng, với đầy đủ đồ thờ cúng, lộng đình, kiệu bát cống, gươm giáo, lư hương, bát hương, hạc, ngựa, phượng, lân vv… nghè này đã bị phá vào năm 1960 theo Quyết định chống mê tín dị đoan, đến cuối đời Vua lê Nhân Tông sang đầu thời Lê Thánh Tông khoảng năm 1460. Làng Liên Châu xây dựng thêm ngôi đình phía đông nghè thờ Thần, lấy tên là phúc đình 5 gian bằng gỗ xây gạch lợp ngói, làm nơi tế kỳ phúc hàng năm, đem giống cây quéo về trồng các hàng xung quanh và trước đình, tạo thành cảnh thiên nhiên giống như cố hương phần tử, đình này cũng bị phá năm 1960, quéo cổ thụ cũng bị đốn chặt , chỉ còn sót 2 cây quéo già cổ thụ.
Đến đời Vua Thành Thái thứ 17 nhà Nguyễn (1905) hai làng Hải Châu – Hóa Lộc, đóng góp tiền cùng xây dựng chung một ngôi đình tại chợ rọc, năm gian hai chái, xây tường lợp ngói , hướng nam, gọi là Đình Chợ, đây mới chính là Đình Liên Châu, mỗi năm đến ngày mùng 6 tháng giêng, lý Trưởng, ngũ hương hai làng Hóa Lộc và Hải Châu ra đây họp bàn tế lễ kỳ phúc hàng năm theo lịch quy định “ Mồng chin rước ra , mười ba rước về”. Sau đó các làng mới được vào tế thượng nguyên cho riêng mỗi làng, có hai câu đối tại đình chợ rọc như sau.
“ Điểm chương văn vật thùy thiên dị
Lễ nhạc y quan hợp nhị thôn”
Nghĩa là : Của ngon vật lạ theo chương trình cúng tế. Aó mũ lễ nhạc hợp hai thôn.
Đến đời Vua Bảo Đại năm thứ 11 năm 1936. Hai làng bỏ tiền mua một ngôi nhà gỗ to của viên quan lại thôn Quảng Thi huyện Thọ Xuân về thêm gỗ tốt bổ sung dựng một ngôi đình lớn, đấu đầu vào giữa hai ngôi nghè và đình cũ, thành hình chữ Đinh, to, cao, rộng rãi, gọi là đình dọc, dùng để họp làng, đồng thời xếp chứa các lộng đình hàng tổng, mỗi khi có đảo vũ do hạn hán, mất mùa. Có hai câu đối ghi ở Đình này như sau.
“Canh tạc tương yên, bất thức bất tri thuận đế.
Hội quy hữu cực, vô thiên vô đảng tuân vương”
Nghĩa là : Yên tâm cày cấy làm ăn, chẳng biết, chẳng lo theo chế, hướng về một chí không thiên không vị tôn vương.
Toàn bộ cụm đình, nghè này, xa xưa gọi là đình Liên Châu, dân gian gọi là đình cây quéo, xây tường rào bằng gạch bao quanh , to cao, vững chắc, nghiêm trang, cửa phía nam xây một cái nghi môm có 3 cửa cái , mái lợp ngói, cửa giữa luôn luôn đóng ( Chỉ mở khi làng rước kiệu bát cống, lộng đình) Hai cửa hai bên luôn mở, cửa bên phải vào đình, cửa bên trái đi ra ngoài, đắp hai ông bộ hạ cầm gươm đứng gác hai bên rất oai nghiêm với hai câu đối.
“ Thử vị chân tướng quân hỷ.
Dĩ năng Bảo lê nhân tai”
Nghĩa là : Đó mới là tướng quân giỏi, bảo vệ yên lành cho dân.
Trước cửa nghi môn có con đường giao thông nối xóm cầu của thôn Châu Lộc qua cầu Rọc phía tây, với xóm đông của thôn Giang Hải qua cầu ngẵng phía đông đình. Trước cửa đình có cái ao sen hình vuông, ngoài ao sen có cồn đất cao giống như bàn cờ.
Đình nghè Liên Châu hợp thành một cụm kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh, là trung tâm sinh hoạt văn hóa truyền thống tiêu biểu cho thuần phong, mỹ tục của vùng đất nỗi tiếng là địa linh nhân kiệt của xứ thanh, xin trích hai câu thơ ca ngợi cảnh đình làng.
“ Đình vẫn hiên ngang tô trang sử.
Quéo còn hãnh diện với trời mây”
Gắn liền truyền thống cách mạng của quê hương Hoằng Hóa, 76 năm qua Đình Liên Châu là địa danh đi vào lịch sử Đảng bộ huyện, là điểm khởi nguồn cuộc khởi nghĩa trên dịa bàn diễn ra tháng 7 năm 1945. Theo đó, ngày 11-7-1945 một cuộc tuần hành lớn diễn ra ở phía Nam huyện, có lực lượng vũ trang làm nòng cốt với hàng trăm quần chúng tham gia, diễu hành qua nhiều làng, tổng, không khí khởi nghĩa giành chính quyền lan rộng bao trùm toàn huyện. Trước khí thế cách mạng lên cao ở Hoằng Hóa, ngày 23-7-1945 Tỉnh trưởng Thanh Hóa đã phái lực lượng lính bảo an gồm 34 tên do Quản Hiến cầm đầu kéo về phủ lỵ cùng tri phủ Hoằng Hóa phối hợp khủng bố phong trào cách mạng ở Đằng Trung (xã Hoằng Đạo) và Liên Châu - Hóa Lộc (xã Hoằng Châu), nơi mà chúng cho là “cái nôi” cách mạng ở huyện Hoằng Hóa. Thời điểm ấy nắm được âm mưu khủng bố của địch, dưới sự chỉ đạo của chi bộ Đảng và Ban Việt Minh huyện, kế hoạch tác chiến của tự vệ huyện được triển khai trong đêm 23-7. Tại Đằng Trung, một lực lượng gồm 12 chiến sĩ phục kích ở cồn Mã Nhón (xã Hoằng Đạo). Tại Liên Châu - Hóa Lộc (xã Hoằng Châu), tự vệ các thôn Hóa Lộc, Hải Châu, Hoàng Chung, Ngọc Long và các làng lân cận thuộc tổng Bái Trạch bố trí lực lượng chiến đấu tại các ngã ba đường, sẵn sàng đánh giặc. Sáng 24-7-1945, toán lính bảo an gồm 22 tên được trang bị đầy đủ vũ khí do Quản Hiến chỉ huy từ phủ lỵ kéo qua chợ Quăng rồi thẳng đường Hà Đồ đến Liên Châu - Hóa Lộc (Hoằng Châu). Khoảng 10 giờ sáng, khi đến đình Hoàng Chung, chúng tập trung củng cố đội hình nhằm tiến công vào Liên Châu - Hóa Lộc. Trong lúc chưa kịp ổn định đội ngũ, tự vệ ta đã bao vây bắc loa kêu gọi đầu hàng và xung phong vào đình, dùng mã tấu đánh giáp lá cà, chém 5 tên lính trọng thương. Bọn địch hoảng hốt nổ súng và vội vã rút chạy qua đồng cát ra bờ sông Mã, cướp một số thuyền của dân chài đang đậu, vượt sông sang Quảng Xương rồi về tỉnh lỵ. Tại Hoằng Đạo, cánh quân của tri phủ Phạm Trung Bảo cũng bị tự vệ Đằng Trung mai phục, giả làm người đi làm đồng về, bất ngờ tiếp cận, tước vũ khí, bắt sống. Sau khi đập tan cuộc khủng bố của địch tại cồn Mã Nhón và Liên Châu - Hóa Lộc (xã Hoằng Châu), buổi trưa cùng ngày, Chi bộ Đảng và Ban Việt Minh huyện đã tổ chức cuộc mít tinh quy mô lớn với gần một vạn quần chúng và tự vệ cứu quốc tham gia tại cồn Ba Cây (xã Hoằng Thắng) để mừng chiến thắng và xét xử bè lũ Phạm Trung Bảo. Sau cuộc mít tinh, lực lượng cách mạng đã tiến về chiếm phủ đường. Trước khí thế của cách mạng, không còn cách nào khác bọn lính và nha lại trong phủ phải hạ vũ khí đầu hàng, giao ấn chỉ cho chính quyền cách mạng. Như vậy, từ trưa ngày 24-7-1945, bộ máy đầu não tay sai của Nhật đã bị xóa bỏ trên quê hương Hoằng Hóa.
Đình Hoàng Chung – xã Hoằng Châu
Đình Hoàng Chung ngày nay thời cuối triều lý đầu triều trần(1220-1230) có tên là Đình Bạch Câu, thuộc tổng bái cầu huyện Cổ Đằng Phủ Hà Trung, cuối triều trần đổi tên là Đình Đại Phú(1370-1380). Đến đầu đời Lê Trung Hưng bà chúa sen tên húy là Nguyễn Thị Ngọc, một cung phi của Vua Lê Trang Tôn(1530-1540).Thành tâm cung tiến xây dựng ngôi chùa phía bắc sau nghè Hoàng và đúc một cái chuông vàng treo trong chùa lấy tên là chùa Hoàng, từ đó đổi tên là Đình Hoàng Chung như ngày nay.
Đình Hoàng Chung, xã Hoằng Châu.JPEG
Đình Hoàng Chung , di tích lịch sử văn hóa và cách mạng của xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Đình thờ Thành Hoàng Làng Hoàng Chung, nơi diễn ra những sự kiện tiêu biểu của làng Hoàng Chung và cho cả huyện và tỉnh trong thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền Cách Mạng tháng 8 năm 1945.
Đình thờ vị Thành Hoàng của Làng có tên là Lê Văn Phú, người có công đắp đập, ngăn sông, giữ nước , bọc nò đăng đó, tôm cá, hoa lợi cho dân làng, để thử lòng trung thành của con Hổ nuôi, ông đóng giả thành thằng ăn trộm tôm cá , bị con Hổ nuôi vồ chết, sau khi biết ông là chủ nuôi, nó tha kéo xác ông lên cồn cao để về báo cho người làng biết, dân làng đến nơi thì xác ông đã bị mối vùi thành mộ thiên tang, dân làng lập miếu thờ tôn ông là Thành Hoàng của làng, một cuộc lãng du trên chiếc thuyền rồng của Vua Trang Tôn khi đi qua đoạn sông này, mặc dù hai dây kéo thuyền rất căng, nhưng thuyền rồng không tiến lên được, hỏi ra đây có miếu thờ vị Thành Hoàng Lê Văn Phú, nhà Vua cho biện lễ cúng tế và phong sắc cho Thần là Thành Hoàng làng Bạch Câu, sau đó thuyền rồng mới tiến lên được. qua tiến trình lịch sử, Thành Hoàng làng Hoàng Chung được tặng 12 sắc phong, từ đời Vua Lê Trang Tông, Cảnh Hưng tây sơn đến triều Nguyễn Vua Bảo Đại phong sắc. Ngôi đình Hoàng Chung xã Hoằng Châu vừa là trung tâm tín ngưỡng lịch sử văn hóa tâm linh, hoạt động văn hóa và hoạt đông cách mạng của nhân dân làng Hoàng Chung, xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, rơi diễn ra những sự kiện lịch sử tiêu biểu cho cả huyện và tỉnh, trong thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng tháng 8 năm1945.
Đặc biệt tại ngôi đình này, đã diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt chống nhật và lính bảo an khủng bố, mở đầu sự kiện khởi nghĩa giành chính quyền huyện Hoằng Hóa thắng lợi vào ngày 24/ 7/1945.
Sự kiện lịch sử này xảy ra như sau. Trước tình thế phong trào cách mạng của quần chúng ngày càng lan rộng khắp các thôn và tổng trong huyện, bọn nhật và lũ tay sai buộc phải điều quân lính từ tỉnh lỵ Thanh Hóa bổ sung và hổ trợ cho bọn tri huyện, cai lệ Tổng Lý để đàn áp phong trào dập tắt ngọn lửa cách mạng đang bùng cháy, hòng cứu vãn nguy cơ sụt đổ của bọn cầm quyền, thống trị. Tỉnh Ủy Thanh Hóa chủ trương chống khủng bố bằng cách kết hợp cả hai hình thức đấu tranh chính trị và vũ trang, ngày 23/ 7 /1945, tên Tỉnh Trưởng theo lệnh quan thầy nhật đi điều một đơn vị bảo an binh 32 tên trang bị vũ khí tối tân, kéo về Hoằng Hóa hòng khủng bố cơ sở Cách Mạng trong huyện mà chủ yếu là ở đằng trung xã Hoằng Đạo và ở Liên Châu xã Hoằng Châu, sáng ngày 24/ 7/1945, toán lính thứ nhất gồm 12 tên , do tri phủ Phạm Trọng Bảo kéo quân xuống đằng trung, vừa qua cồn mã nhón, liền bị đội tự vệ vũ trang của ta tước súng ống, bắt trói cả tri phủ Huyện và lính bảo an., toán thứ hai gồm 24 tên, quản Hiến chỉ huy kéo quân từ phủ lỵ xuống chợ quang, qua Hoằng Trạch về đại tiền qua làng Hoằng Chung, đóng quân tại đình làng. Chi bộ Đảng và ban cán sự việt minh huyện nắm vững tình hình địch, chủ động triễn khai biện phát chiến đấu, khi quân dịch chiếm giữ đình Làng, ta bắc loa kêu gọi quân địch đầu hàng, nhưng bọn địch ngoan cố nổ súng chống lại, 5 tự vệ vượt tường rào, với mã tấu, kiếm, giáo trong tay xông vào trong đình xung phong đánh giáp lá cà , bọn địch quay lưng co cụm vừa nổ súng vừa tháo lui ra cánh đồng lúa trước đình chạy thẳng xuống Liên Châu, đem nhau ra cồn ngồ dưới cầu rọc, băng bó vết thương đẫm máu, rồi diều nhau qua sông mã bắt thuyền chài chở sang quảng châu, sầm sơn về tỉnh lỵ Thanh Hóa, trong cuộc chiến đấu ác liệt này, quân địch bị thương 5 tên, ta hy sinh một tự vệ Lê Văn Tướn thôn ngọc long, xã Hoằng Phong và bị thương một tự vệ ông Tiệc người làng Hoàng Chung.
Như vậy, cuộc khủng bố của địch tại làng Hoàng Chung ngày 24/7/1945 là hoàn toàn thất bại tri phủ Hoằng Hóa và 12 bảo an binh bị bắt sống, 5 tên bị thương bỏ chạy về tỉnh lỵ Thanh Hóa’
Với thắng lợi trên ngay chiều ngày 24/7/1945 ban cán sự Việt Minh huyện tổ chức cuộc mít tinh lớn tại cồn ba cây xã Hoằng Thắng nhằm tuyên bố thắng lợi cuộc chống khủng bố, biểu dương lực lượng Cách Mạng, gồm một vạn quần chúng nhân dân, tự vệ các tổng Bút Sơn, hành vĩ, bái trạch và ngọc chuế tham dự, khoảng 15 h 30 chiều ngày 24/7 /1945 lực lương mít tinh này, rầm rộ tiến về huyện lỵ Bút Sơn, trước khí thế trào dâng hùng mạnh của lực lượng cách mạng xông thẳng vào huyện đường, bọn nha lại tại huyện lỵ Hoằng Hóa đầu hàng vô điều kiện , nộp con dấu, máy chữ, giấy tờ sổ sách ấn loát, chiếm phủ lỵ xong, tổ chức ngay cuộc mít tinh tại huyện lỵ Hoằng Hóa, kêu gọi nhân dân ủng hộ Việt Minh, bảo vệ thành quả Cách Mạng, xóa bỏ chính quyền phong kiến tay sai của Nhật Pháp, từ nay phủ lỵ Hoằng Hóa thuộc quyền kiểm soát của quần chúng Cách Mạng.
Dưới sự chỉ đạo sáng suốt của tỉnh ủy, chi bộ Đảng và ban cán sự Việt Minh Hoàng Chung, Liên Châu, và tổng bái trạch, đã chủ động chớp thời cơ, tiến lên giành chính quyền về tay nhân dân ngày 24/7/1945 sớm hơn toàn quốc khởi nghĩa 19 / 8 /1945 những 26 ngày, đây thực chất là cuộc khởi nghĩa từng phần, hành động Cách Mạng đúng đắn, thể hiện sự nhạch bén, sáng suốt của Đảng Bộ Thanh Hóa phù hợp với tinh thần chỉ thị của trung ương “Nhật pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Phù hợp với tinh thần nghị quyết của hội nghị quân sự Bắc Kỳ tháng 4 năm 1945 và chỉ thị chuẩn bị khởi nghĩa của tỉnh bộ Việt Minh Thanh Hóa.
Thắng lợi của cuộc chiến đấu oanh liệt tại đình Hoàng Chung kết hợp với cuộc chiến chống khủng bố tại đình Liên Châu, là thắng lợi của cuộc đấu tranh chống khủng bố , là thắng lợi của đường lối cách mạng vô cùng đúng đắn, sáng suốt của Đảng Ta, nó là bài học thực tiễn cách mạng, góp phần làm sáng tỏ thêm kho tàng lý luận của Đảng trong đấu tranh cách mạng đầy hy sinh gian khổ, nó là kết tinh của một quá trình kiên trì sáng tạo của toàn huyện và tỉnh nhà, đồng thời là đỉnh điểm của một chặng đường đấu tranh vô cùng oanh liệt, bất khuất, vẻ vang của Đảng Bộ, nhân dân Hoàng Chung – Liên Châu, cụm đình Hoàng Chung, kết hợp với cụm đình Liên Châu, hai cụm di tích lịch sử văn hóa cách mạng, mãi mãi là khúc ca hùng tráng, trong lịch sử oai hùng của nhân dân Hoằng Châu, nhân dân Hoằng Hóa, nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
Đình Hoàng Chung đã đi vào lịch sử vẻ vang của xã Hoằng Châu. Anh Hùng lực lương vũ trang nhân dân, thời kỳ chống pháp giành độc lập dân tộc.
Năm 1992, Đình Liên Châu cùng với Đình thôn Hoàng Chung được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia./.
- Đền thờ Tướng quân Cao Lỗ xã Hoằng Giang
- ĐỀN THỜ VÀ LĂNG MỘ TƯỚNG QUÂN LÊ TRUNG THIỆN XÃ HOẰNG ĐÔNG HUYỆN HOẰNG HÓA TỈNH THANH HÓA
- LĂNG MỘ ĐẠI THẦN HẦU TƯỚC TRƯƠNG HUY DỰC XÃ HOẰNG ĐÔNG HUYỆN HOẰNG HÓA TỈNH THANH HÓA
- DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA - KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT NHÀ THỜ HỌ " VŨ ĐÌNH" THÔN ĐẠT TÀI XÃ HOẰNG HÀ
- Đền chùa làng Trù Ninh - xã Hoằng Đạt
- LÝ LỊCH DI TÍCH KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT NHÀ CỔ ÔNG TẠ CÔNG SOAN
- Hoằng Tiến có 04 di tích đã được xếp hạng
- Tiến sỹ Đặng Quốc Đỉnh và truyền thống hiếu học của người dân Hoằng Cát
- Cụm di tích lịch sử, văn hóa cách mạng Đình Liên Châu và Đình Hoàng Chung (xã Hoằng Châu) - “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ
- Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đình làng Trung Hoà, thôn 1, Trung Hòa, xã Hoằng Trinh