Đình Thanh Nga - Hoằng Trinh
Đình Thanh Nga là một trong số ít ngôi đình còn giữ nhiều sắc phong trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Thần phả làng ghi lại đình có tổng số 54 sắc phong. Thế nhưng hiện nay chỉ còn 47 sắc phong nguyên vẹn, 1 sắc bị rách, và 6 sắc phong đời Tây Sơn đã mất. Ông Nguyễn Văn Trụ (SN 1953) là trưởng làng giai đoạn 1995 đến 2000 cho biết: Một thời kỳ dài, chúng tôi không còn nhìn thấy một sắc phong nào trong đình. Cứ ngỡ đã mất hoàn toàn
Năm 1997 làng khai trương xây dựng làng văn hóa, đến năm 1999 làng tiến hành sửa chữa và phát hiện ra 48 sắc phong được đựng trong ống nứa cất kĩ trên mái đình. Trong đó, đạo sắc phong cổ nhất được cấp vào ngày 20 tháng 12 năm Phúc Thái thứ 4 (1646), còn đạo sắc phong có niên đại gần đây nhất được cấp vào ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924).
Chỉ về phía chiếc két sắt để trong cung cấm, ông Trịnh Văn Ba (SN 1952), Trưởng ban Quản lý di tích làng Thanh Nga, nói: Đấy, chúng tôi cất kỹ lắm. Số sắc phong này quý hơn cả vàng bạc. Từ khi phát hiện ra số sắc phong, nhiều cơ quan chức năng đã về xã thẩm định, chụp hình, chúng tôi luôn cử ít nhất có 3 người trong làng đứng trông giữ. Lúc đầu, số sắc phong này do trưởng làng cất giữ nhưng sau đó đã thống nhất mua chiếc két sắt để đảm bảo an toàn. Tính đến thời điểm này việc bảo quản chưa có vấn đề gì. Đã có người hướng dẫn chúng tôi mua giấy chống ẩm, cuộn từng cái một. Trong thời gian tới chúng tôi cũng sẽ làm.
Những sắc phong này được làm từ loại giấy dó đặc biệt có độ bền hàng trăm năm, còn mực vẽ được làm từ keo da trâu trộn vàng, bạc, khiến nét vẽ ánh lên mầu vàng son.
Từ những sắc phong này, GS. Trần Ngọc Vương đã khẳng định: Đình làng Thanh Nga đang lưu giữ 47 sắc phong (21 đạo sắc phong được ban dưới triều Lê trung hưng và 26 đạo sắc phong được ban dưới triều Nguyễn). Đây là một tài liệu vô cùng quý giá về nhiều mặt mà không phải bất kỳ địa phương nào cũng có được.
Xét trong phạm vi một đình làng tại địa phương, thì đây là một trường hợp ít có, còn bảo lưu lại được một số lượng sắc phong phong phú, với niên đại tương đối liên tiếp trải một thời gian khá dài với nhiều vị thần, đa dạng về chất liệu giấy, hoa văn, thư pháp và đặc biệt xét về mặt mô thức và đặc điểm văn từ của sắc văn, có thể xem hệ thống sắc phong này là những đại diện khá tiêu biểu để qua đây giúp tìm hiểu, hệ thống hóa, nêu ra những đặc điểm quan trọng nhất trên nhiều phương diện (Cụm di tích Làng Thanh Nga, Thanh Hóa, Nxb Thông tin và truyền thông, Hà Nội, 1999).
Từ khi được đón nhận danh hiệu Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh đến nay, đình đã có 4 lần tu sửa. Đến nay, ngôi đình vẫn giữ được những nét rêu phong, cổ kính, là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa truyền thống trong làng, trong xã. Tuy vậy, đình làng Thanh Nga đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, các sắc phong chưa được bảo quản đúng mức, chưa được tiến hành dịch và chú giải một cách có hệ thống...
- Đền thờ Tướng quân Cao Lỗ xã Hoằng Giang
- ĐỀN THỜ VÀ LĂNG MỘ TƯỚNG QUÂN LÊ TRUNG THIỆN XÃ HOẰNG ĐÔNG HUYỆN HOẰNG HÓA TỈNH THANH HÓA
- LĂNG MỘ ĐẠI THẦN HẦU TƯỚC TRƯƠNG HUY DỰC XÃ HOẰNG ĐÔNG HUYỆN HOẰNG HÓA TỈNH THANH HÓA
- DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA - KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT NHÀ THỜ HỌ " VŨ ĐÌNH" THÔN ĐẠT TÀI XÃ HOẰNG HÀ
- Đền chùa làng Trù Ninh - xã Hoằng Đạt
- LÝ LỊCH DI TÍCH KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT NHÀ CỔ ÔNG TẠ CÔNG SOAN
- Hoằng Tiến có 04 di tích đã được xếp hạng
- Tiến sỹ Đặng Quốc Đỉnh và truyền thống hiếu học của người dân Hoằng Cát
- Cụm di tích lịch sử, văn hóa cách mạng Đình Liên Châu và Đình Hoàng Chung (xã Hoằng Châu) - “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ
- Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đình làng Trung Hoà, thôn 1, Trung Hòa, xã Hoằng Trinh