QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

DTLS CỒN MÃ NHÓN ĐỊA CHỈ ĐỎ GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG CHO THẾ HỆ TRẺ

Đăng lúc: 07:57:53 25/11/2024 (GMT+7)

Nằm kề bên cánh đồng lúa của thôn Đằng Trung, Khu Di tích lịch sử Cồn Mã Nhón có diện tích 0,8 ha, bao gồm nhà truyền thống, nhà bia tưởng niệm, 2 bức phù điêu mô tả cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Hoằng Hóa, trận chiến đầu tiên của các chiến sĩ tự vệ, Nhân dân “3 Đằng” với lính bảo an, cùng hệ thống khuôn viên, cây xanh. Song điều khiến chúng tôi cảm nhận rõ “ngọn đuốc” đấu tranh cách mạng vẫn luôn soi sáng ở vùng quê này là bức phù điêu mô tả trận chiến đấu đầu tiên của các chiến sĩ tự vệ “3 Đằng” bắt sống tri phủ Phạm Trung Bảo, cùng 12 tên lính bảo an.

 A.png

Mặc dù không được chứng kiến những ngày quê hương sục sôi phong trào đấu tranh cách mạng, nhưng như mạch nguồn chảy trong trái tim, ông Quyền say sưa kể: “Mã Nhón ngày xưa một bên là cồn cây rậm rạp, một bên là đồng lầy. Nơi đây chỉ có một tuyến đường độc đạo qua để đi đến các thôn, làng phía Nam huyện Hoằng Hóa. Việc bố trí trận địa ở Cồn Mã Nhón nhằm để tự vệ hoạt động tiến lui dễ dàng, bởi thông thạo địa hình, còn kẻ địch sẽ lúng túng khi bị tiến công. Thế là lực lượng tự vệ và Nhân dân “3 Đằng” đã dồn công sức làm đường ngang, lối tắt trong Cồn Mã Nhón, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng chờ thời cơ bố trí trận đánh”.

Cùng ông Quyền lật giở từng trang lịch sử về phong trào cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân xã Hoằng Đạo. Những ngày đầu tháng 7-1945, phong trào Việt Minh Hoằng Hóa phát triển mạnh mẽ khắp các vùng quê. Xã Hoằng Đạo nói chung và vùng quê Đằng Trung nói riêng sớm trở thành trung tâm phong trào cách mạng của huyện. Hướng mắt về nhà văn hóa thôn, ông Quyền nói: “Mảnh đất này vinh dự là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh Thanh Hóa, của huyện Hoằng Hóa và xã Hoằng Đạo từ năm 1941 đến năm 1945. Tấm bia được đặt ở giữa thôn có ghi lại sự kiện năm 1941, Đằng Trung có cơ sở cách mạng. Năm 1943, tại Đằng Trung có cuộc họp liên tỉnh Đảng bộ Thanh Hóa, Ninh Bình, Hòa Bình, có đồng chí Tố Hữu dự 4 ngày. Cuối năm 1943, tổ chức mít tinh ở Cồn Mã Nhón, đồng chí Tố Hữu là người chủ trì. Đằng Trung là trung tâm liên lạc của các xã trong huyện; của các huyện trong tỉnh như Hậu Lộc, Quảng Xương, Yên Định và của các tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình...”.

Hoảng hốt trước phong trào Việt Minh trong huyện phát triển mạnh, tri phủ Hoằng Hóa liền tổ chức lùng sục đến các cơ sở ở “3 Đằng” và Liên Châu - Hóa Lộc, nhằm uy hiếp Việt Minh. Chúng đã 2 lần kéo quân về Đằng Trung để dò xét tình hình cộng sản. Ban Việt Minh huyện nhận định trong lần “hiểu dụ” thứ nhất của tri phủ không thành, bọn địch sẽ quay lại lần nữa. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng và Ban Việt Minh huyện, tự vệ “3 Đằng” đã khẩn trương tăng cường bố trí canh gác cẩn mật và quyết định chọn Cồn Mã Nhón làm nơi phục kích, kéo địch vào tròng, tổ chức tác chiến. Đúng như dự kiến của ta, vào ngày 24-7-1945, tri phủ xin viện binh ở tỉnh gồm 34 lính bảo an do tên Quản Hiến chỉ huy. Từ phủ lỵ chúng chia làm 2 mũi tiến quân. Một mũi gồm 22 tên lính do Quản Hiến dẫn đầu theo đường qua chợ Quăng đi đến Hóa Lộc - Hải Châu, thuộc xã Hoằng Châu. Một mũi gồm 12 lính mang theo súng do đích thân tri phủ Phạm Trung Bảo chỉ huy, xuất phát từ phủ lỵ, qua cầu Già vào Đằng Xá. Địch kéo vào đình Đằng Xá nổi trống liên hồi nhưng dân làng không ai ra tiếp. Chúng cho rằng Việt Minh ở đây đã sợ bỏ trốn nên kéo về Hóa Lộc hòng phối hợp với toán quân của Quản Hiến để đàn áp phong trào cách mạng nơi đấy. Nhưng quân của tri phủ Phạm Trung Bảo có ngờ đâu mỗi bước đi của chúng đã bị tự vệ “3 Đằng” theo dõi sát sao, đồng thời, bố trí một số quần chúng, chỉ đường cho địch qua Cồn Mã Nhón đến Hóa Lộc - Hải Châu. Cùng thời điểm ấy, các đồng chí Nguyễn Đức Minh và Lê Khắc Duy phụ trách 1 tổ gồm 13 chiến sĩ tự vệ dũng cảm, khỏe mạnh, mưu trí, đóng giả nông dân đang làm đồng áng, đảm nhiệm việc xông lên bắt sống tri phủ Phạm Trung Bảo và 12 tên lính bảo an. Khi toán quân 12 tên lính và tri phủ lọt vào trận địa mai phục, 13 tự vệ mang đòn xóc, đòn càn như vừa làm đồng về đi ngược chiều theo hình cánh sẻ của địch, kế sách là người đi đầu của ta bắt tên đi cuối của địch, còn người đi cuối của ta bắt tên đi đầu của địch. Hiệu lệnh phát ra, 13 tự vệ nhanh chóng mỗi người bắt gọn 1 tên, làm cho địch không kịp trở tay. Cuộc chiến đấu diễn ra chớp nhoáng vào lúc 12 giờ 30 phút trưa. Toán địch hùng hổ đã bị vây bắt hoàn toàn, cả thầy lẫn tớ đều bị giải về đình Đằng Trung chờ xét xử. Như vậy, chỉ trong khoảng 1 giờ đồng hồ vào giữa trưa ngày 24-7-1945, lực lượng tự vệ và Nhân dân “3 Đằng” đã điểm một dấu son lịch sử cho công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Hoằng Hóa, với khí thế đấu tranh như “triều dâng, thác đổ”.

Chớp thời cơ, buổi chiều cùng ngày, Chi bộ Đảng và Ban Việt Minh huyện khẩn trương tổ chức một cuộc mít tinh mừng chiến thắng tại Cồn Ba Cây. Cuộc mít tinh tại Cồn Ba Cây hôm đó có hơn 5.000 người tham gia. Đúng 13 giờ, trước rừng người với khí thế cách mạng sục sôi, đồng chí Đinh Trương Lân, Tỉnh ủy viên thay mặt Ban Việt Minh huyện Hoằng Hóa đọc bản cáo trạng về tội ác khủng bố cách mạng của tri phủ Phạm Trung Bảo, lên án kẻ thù xâm lược và chính quyền tay sai. Viên tri phủ và 12 tên lính đã cúi đầu nhận tội và được Nhân dân tha tội chết. Khoảng 2 giờ đồng hồ sau, quần chúng cách mạng và lực lượng vũ trang nòng cốt được tổ chức thành đoàn biểu tình lớn tiến về phủ lỵ. Trước khí thế cách mạng dâng trào, lính tuần sai, nha lại trong phủ không dám chống cự; toàn bộ tài sản công, con dấu, hồ sơ, sổ sách, vũ khí đều được giao lại cho cách mạng. Tên gọi “ngày 24-7 kiên cường” cũng ra đời từ đó.

Nguồn: xã Hoằng Đạo

Truy cập
Hôm nay:
9967
Hôm qua:
16870
Tuần này:
109881
Tháng này:
357233
Tất cả:
16493605