QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Mùa xuân – mùa trồng cây

Đăng lúc: 19:46:32 08/02/2023 (GMT+7)

Năm 2023, huyện Hoằng Hóa phấn đấu trồng được 309.800 cây, trong đó, riêng Tết trồng cây xuân Quý Mão năm 2023 phấn đấu trồng 150.000 cây.

Ảnh 1.jpg

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn khuyến khích việc trồng cây. Bản thân Người cũng là một tấm gương trong việc trồng và giữ gìn, chăm sóc cây xanh. Theo Bác, trồng cây không chỉ cho lợi ích nông lâm đơn thuần mà còn là phẩm chất của đạo đức lao động, phẩm chất của con người thể hiện ý thức bảo vệ môi trường sinh thái và biểu hiện tình yêu thiên nhiên. Người đã khởi xướng Tết trồng cây bằng ý thơ vô cùng giản dị mà ý nghĩa: "Mùa Xuân là tết trồng cây. Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân".

Cứ mỗi độ xuân về, các địa phương trong huyện lại nô nức thực hiện Tết trồng cây theo lời kêu gọi của Bác Hồ năm 1960. Năm 2022, toàn huyện đã tổ chức trồng cây mùa Xuân và theo Kế hoạch 99, Đề án 1089, trồng rừng được 310.520 cây đạt 100,6% kế hoạch. Trong đó, trồng cây phân tán, cây ăn quả 291.320 cây; trồng rừng ngập mặn và trồng lại rừng sau khai thác 19.200 cây. Phối hợp với Ban quản lý dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa triển khai trồng được 0,9 ha rừng ngập mặn tại xã Hoằng Yến, chăm sóc bảo vệ 13,5 ha rừng ngập mặn trồng năm 2021 tại xã Hoằng Châu; triển khai trồng cây phân tán được hơn 2.000 cây tại 3 xã Hoằng Yến, Hoằng Phụ và Hoằng Châu. Riêng thực hiện kế hoạch số 99 của UBND huyện, toàn huyện đã có tổng số cây xanh, cây bóng mát trồng từ đầu năm đến nay đạt 98.239 cây, trong đó, cây xanh, cây bóng mát đạt 46.259 cây. Các xã trồng nhiều cây gồm: Hoằng Giang, Hoằng Xuân, Hoằng Sơn, Hoằng Hà, Hoằng Phụ, Hoằng Kim, Hoằng Trạch, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ, ...; Trồng cây làm đường diềm và đường hoa được 44,74 km. Các xã trồng nhiều gồm: Hoằng Xuân, Hoằng Kim, Hoằng Hà, Hoằng Đạt, Hoằng Thắng,...

Ảnh 2.jpg

Tết trồng cây xuân Quý Mão 2023 trên địa bàn huyện Hoằng Hoá đã được khởi động bằng lễ phát động “tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” ngày 27/1 xuân Quý Mão và kế hoạch số 187/KH-UBND ngày 28/12/2022 về tổ chức tết trồng cây xuân Qúy Mão 2023 được ban hành trước đó. Theo đó, năm 2023, huyện Hoằng Hóa phấn đấu trồng được 309.800 cây, trong đó, riêng Tết trồng cây xuân Quý Mão năm 2023 phấn đấu trồng 150.000 cây. Đối với trồng cây phân tán, cây bóng mát tiến hành trồng ven các tuyến đường giao thông đã ổn định, lựa chọn các loại cây: giáng hương, lát hoa, sao đen, giổi, lim xanh, long não, ngọc lan, muồng đen, móng bò, sưa, vàng anh,…; Trồng cây cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu: vườn hộ có nhiều cây không có giá trị kinh tế, chưa đảm bảo mỹ quan cần phải cải tạo, lựa chọn các loại cây phổ thông hoặc đặc sản để nâng cao giá trị như: dừa, bưởi, cam, mít, na, bơ, vú sữa, dừa, nhãn, vải… xung quanh vườn có tường rào; Trồng rừng bổ sung, trồng dặm, trồng thay thế khi đã khai thác sử dụng cây bần, sú để trồng rừng ngập mặn, các loại keo, cây gỗ lớn như lim, lát, giổi,… để trồng rừng trên cạn. Bên cạnh đó tổ chức trồng dặm đối với khu vực đã trồng cây trước đây nhưng có cây đã chết bằng loại cây giống tương đồng; Trồng cây tạo cảnh quan, trồng cây làm hàng rào, trồng thành băng, hàng. Mỗi tuyến trồng một loại cây tạo thành điểm nhấn về cảnh quan.

Ảnh 3.jpg

Nét đẹp trồng cây đầu xuân cũng được các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân ở các địa phương trong huyện tích cực tham gia. Nhiều xã nông thôn mới đẹp hơn, đáng sống hơn nhờ tích cực hưởng ứng phong trào Tết trồng cây. Hoằng Hoá là một trong những huyện có số lượng trồng cây phân tán và trồng rừng tập trung lớn. Ông Lê Văn Cường - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để đạt được mục tiêu 309.800 cây được trồng trong năm 2023, trong đó, có 150.000 cây được trồng trong đợt phát động tết trồng cây xuân Quý Mão và đảm bảo việc trồng cây, trồng rừng đúng kế hoạch, phòng đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức rà soát hiện trạng quỹ đất lâm nghiệp trên địa bàn và trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch về trồng cây, trồng rừng phân bổ chỉ tiêu cho các xã, thị trấn khẩn trương thực hiện các bước khảo sát, thiết kế, lập dự toán, xử lý thực bì, cuốc hố, chuẩn bị đầy đủ về cây giống, vật tư phân bón, nhân lực... Đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, tranh thủ thời vụ và thời tiết thuận lợi để trồng cây, trồng rừng, áp dụng các biện pháp thâm canh rừng; hướng dẫn bón lót và bón thúc phân đầy đủ, trồng dặm để đảm bảo mật độ, chăm sóc đủ lần, đủ lượt. Và, với Hoằng Hoá, không chỉ mỗi dịp Tết đến Xuân về, cán bộ, đảng viên và người dân mới ý thức thực hiện lời dạy của Bác mà trong cuộc sống thường ngày, mỗi người luôn chú ý giữ gìn màu xanh, bảo vệ môi trường gắn với việc thực hiện kế hoạch 99, kế hoạch số 89 và Đề án 1089 của UBND huyện.

Ảnh 4.jpg

Vì vậy, mỗi địa phương trong thực hiện “tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm tạo ra phong trào mạnh mẽ, huy động được mọi tầng lớp nhân dân, mọi tổ chức, cơ quan, trường học, đơn vị, lực lượng vũ trang trồng cây, bảo vệ rừng, cải tạo vườn tạp; Việc lựa chọn các tuyến đường, vị trí trồng cây phải phù hợp với quy hoạch xây dựng xã, thị trấn. Đảm bảo tiêu chuẩn cây giống chất lượng tốt, có giá trị nhiều mặt về kinh tế, môi trường, cảnh quan. Giao cho tổ chức, cá nhân cụ thể trong việc tổ chức trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ cây, gắn trồng, chăm sóc với hưởng lợi, đảm bảo tỷ lệ cây sống cao theo phương châm trồng cây nào sống cây đó.

Trồng cây là trồng cả mùa xuân, vậy nên, “mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, mỗi tổ chức trên địa bàn huyện hãy “xắn tay áo” vào cuộc để cùng nhau gieo những mầm xanh của sự sống, của mùa xuân hy vọng, của niềm tin vào tương lai tươi sáng.

Thanh Qúy – Trung tâm VHTT TT&DL

Truy cập
Hôm nay:
344
Hôm qua:
8100
Tuần này:
31070
Tháng này:
212525
Tất cả:
11468370