QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Rộn ràng làng nghề nước mắm Khúc Phụ

Đăng lúc: 10:00:00 03/02/2021 (GMT+7)

Làng nghề truyền thống nước mắm Khúc Phụ những ngày tháng Chạp, không khí trên từng con ngõ nhỏ đã rộn ràng bởi không khí lao động gấp gáp, tích cực, sự phấn khởi hiện rõ trên khuôn mặt mỗi người. Từng hộ gia đình, ai ai cũng tất bật với công việc của mình, người đong mắm, dán nhãn, người ghi sổ, đóng thùng... họ làm việc không mệt mỏi để mong muốn có một cái Tết ấm êm hơn những năm trước. Đối với người dân địa phương, đây là dịp tiêu thụ hàng hóa lớn nhất trong năm nên các cơ sở đã chuẩn bị nguyên liệu, lực lượng sản xuất để kịp thời “tăng tốc”.

Trong 5 xã ven biển thuộc huyện Hoằng Hóa duy chỉ có xã Hoằng Phụ là có nghề truyền thống làm nước mắm với thương hiệu dân gian Khúc Phụ nức tiếng gần xa.Thương hiệu rất riêng mà chỉ cần một cái chạm nhẹ nơi đầu lưỡi, người thưởng thức có thể cảm nhận được cả tâm huyết của người làm ra sản phẩm.
Mang theo sự tự tin về truyền thống sản xuất nước mắm của quê hương, chúng tôi tìm đến xã Hoằng Phụtrong một chiều đôngvới mong mỏi được lắng nghe đôi điều về làng nghề sản xuất, chế biến nước mắm Khúc Phụ nơi đây. Bà Phạm Thị Định – cơ sở sản xuất nước mắm Huynh Lan, làng nghề nước mắm Khúc Phụ cho biết: Để làm nên những giọt nước mắm có vị đậm đà, hương thơm nồng, có mùi cá tươi ngon, nhất là khi gia giảm vào chế biến dậy mùi thơm đặc trưng thì cần tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Nguyên liệu chủ yếu là cá tươi, như các loại cá nục, cá cơm, cá chích,... cá càng tươi thì vị nước mắm càng đậm. Khâu chọn cá vẫn là quan trọng nhất, chọn những loại cá được đánh trên thuyền te để tươi ngon. Muối sử dụng cũng phải là loại muối biển sạch, được cất giữ một thời gian ở nơi khô ráo để hết vị chát. Cũng theo bà Định, bao đời nay, phương pháp muối mắm của người dân địa phương sử dụng vẫn theo cách mà cha ông truyền lại, tỷ lệ “3 cá, 1 muối”, phơi nắng và đảo chượp, không gì bằng muối biển, cá biển và ánh nắng của thiên nhiên. Với cách làm truyền thống, quá trình phân rã cá tự nhiên kéo dài từ 20 - 24 tháng, tùy thuộc vào từng loại cá, thời gian ngâm ủ càng lâu thì nước mắm càng thơm ngon, nước mắm cốt Khúc Phụ để càng lâu càng quý. Hiện nay, sản phẩm nước mắm của gia đình bà đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, thu nhập mỗi năm đạt từ 150 triệu đồng trở lên. Bà Định cho biết thêm:“Đối với mỗi người dân Khúc Phụ, chúng tôi gắn bó với nghề vì yêu nghề chứ không hề có ý nghĩ phải chạy theo cơ chế thị trường mà gian dối với nghề và khách hàng của mình”.
Để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nước mắm truyền thống trên thị trường, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được các hộ sản xuất nước mắm Khúc Phụ đặt lên hàng đầu. Ông Trương Hùng Thế - Phó chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ cho biết: Hiện nay, nhiều hộ sản xuất đã cải tiến bể chứa theo cách ốp gạch men trên nền xi măng nhằm hạn chế tối đa những yếu tố tác động không tốt đến chất lượng mắm trong quá trình ướp chượp. Cùng với đó, UBND xã Hoằng Phụ phối hợp với Hợp tác xã thường xuyên mở các lớp tập huấn, hướng dẫn các thành viên tham gia về các vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.Một điều đặc biệt hơn nữa, nước mắm Khúc Phụ trải qua quy trình lọc hoàn toàn thủ công, thông qua các cục lọc tự chế chứ không rút nõ như các nơi sản xuất mắm khác vẫn thường làm. Nhờ việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất thủ công, truyền thống, bên cạnh sự giám sát chăt chẽ của các cấp có chuyên môn, thẩm quyền về các chỉ tiêu đạt chuẩn, nước mắm Khúc Phụ góp mặt trang trọng trên các kệ hàng siêu thị với đầy đủ nhãn hiệu, nhãn mác, mã vạch góp phần làm phong phú thêm sự lựa chọn an toàn, tin cậy cho người tiêu dùng khi đến với các sản phẩm nước mắm truyền thống. Bởi vậy, nước mắm Khúc Phụ mới trở thành hương vị khó quên trong bữa ăn của nhiều gia đình, không chỉ được các vùng trong tỉnh ưa chuộng mà ngay cả các tỉnh lân cận như Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội, Hòa Bình, Lạng Sơn…Hoằng Phụ hiện nay có hàng trăm hộ sản xuất, buôn bán nhỏ lẻ nước mắm Khúc Phụ. Đây là nghề chủ lực mang lại cuộc sống ổn định và khấm khá cho người dân Hoằng Phụ.
0c6a8aef3211c24f9b00.jpg
Cho dù lịch sử ngành nước mắm đã chứng kiến biết bao sự đổi thay và guồng quay của cơ chế thị trường ngày càng khắt khe, nghiệt ngã nhưng nước mắm Khúc Phụ vẫn chiếm được niềm tin yêu, ưa chuộng của khách hàng. Cô Trương Thị Thảo – một hộ dân thôn Hồng Kỳ xã Hoằng Phụ chia sẻ: “Hàng chục năm nay, cơ sở của chị sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống chưa có lúc nào chị phải lo nghĩ đến đầu ra sản phẩm. Kể cả khi nước chấm công nghiệp ra đời và dần chiếm lĩnh một thị phần không hề nhỏ cùng những chiến dịch quảng bá, truyền thống rầm rộ, lượng khách hàng tìm đến mua sản phẩm nước mắm Khúc Phụ của chị chỉ có tăng chứ không hề giảm. Đặc biệt, từ năm 2015, thương hiệu nước mắm tập thể Khúc Phụ được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đồng ý cấp logo và nhãn hiệu tập thể, được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp mã vạch, sản phẩm nước mắm của quê hương càng được nhiều người biết đến và tin tưởng sử dụng. Nhiều gia đình đã có truyền thống 2-3 đời sử dụng nước mắm Khúc Phụ. Để tăng tính cạnh tranh cho giọt nước mắm truyền thống, mỗi cơ sở sản xuất cần cải tiến đa dạng hóa hình thức, mẫu mã cho sản phẩm. Nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh trong khâu sản xuất. Bên cạnh đó, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư bài bản, thay đổi tư duy kinh doanh chuyên nghiệp hơn để đưa đến cho người tư dùng những giọt nước mắm thơm nhất, đậm đà nhất và sạch nhất”
Cùng với những thực phẩm khác, nước mắm là một trong những sản vật được tiêu thụ mạnh dịp cuối năm. Hoạt động mua bán tại các cơ sở chế biến mắm diễn ra quanh năm, song những ngày này, làng nghề rộn ràng hơn cả khi nhiều du khách phương xa và tiểu thương đến đặt và lấy hàng. Để có hàng bán dịp tết, các cơ sở đã tiến hành ủ chượp và chế biến từ nhiều tháng trước, còn về cuối năm công việc chủ yếu dành cho việc đóng chai, đóng thùng và giao dịch mua bán. Với những khách mua hàng làm quà tặng, biếu, chủ kinh doanh còn đầu tư, chuẩn bị những mẫu chai mới, túi giấy, thùng carton họa tiết đẹp mắt.Có lẽ chỉ ở những làng nghề truyền thống, người ta mới cảm nhận được mùa tết sôi động, nhộn nhịp và kéo dài hơn so với những nơi khác. Mùa tết - mùa lao động, mùa vui đem theo những tất bật, vất vả và cũng là dịp để cháy thêm “ngọn lửa nghề” cho những người dân gắn bó lâu năm với sản vật truyền thống nước mắm Khúc Phụ./.
Thanh Hằng – Trung tâm VHTT – TT & DL huyện
Truy cập
Hôm nay:
14940
Hôm qua:
13556
Tuần này:
53982
Tháng này:
153728
Tất cả:
11646290