QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Hoằng Hóa đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.

Đăng lúc: 10:21:36 06/06/2024 (GMT+7)

Nhiều năm qua, huyện Hoằng Hóa luôn quan tâm chỉ đạo triển khai việc ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất nông nghiệp, từng bước thay đổi cơ cấu sản xuất, góp phần tăng năng suất và nâng cao giá trị kinh tế các sản phẩm, tạo động lực thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững.

Những năm gần đây ngành nông nghiệp huyện Hoằng Hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực, công tác ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất ngành trồng trọt đã có sự chuyển dịch rõ rệt theo xu hướng tăng tỷ lệ các giống chất lượng cao, đặc sản, giống chống chịu điều kiện ngoại cảnh bất thuận, giảm vật tư đầu vào, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất; hình thành lên nhiều vùng sản xuất tập trung, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, một số sản phẩm đã và đang trở thành hàng hóa chủ lực của huyện như: vùng sản xuất rau an toàn gắn với chế biến và tiêu thụ; vùng trồng khoai tây quy mô lớn theo hình thức liên kết, bao tiêu sản phẩm; vùng trồng dưa vàng Kim hoàng hậu, dưa lưới ứng dụng công nghệ cao; vùng sản xuất tập trung dưa hấu, dưa lê.
z5511810265455_7d7f97e18c0d0924b9afa0c74f14c878.jpg
Mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa lai F1 tại xã Hoằng Qùy

Huyện đã tập trung thực hiện tích tụ tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao. Tổng diện tích tích tụ tập trung đất đai thực hiện từ giai đoạn 2019 - 2023 là 1.230,5 ha (trong đó tích tụ, tập trung trong lĩnh vực trồng trọt là 576,2 ha). Diện tích nông nghiệp sản xuất ứng dụng công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao đạt 410 ha (trong đó trồng trọt đạt  99,5 ha); diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 188 ha, trong đó trồng trọt đạt  152 ha (70 ha lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng được 8 ha sản xuất rau an toàn); Đến năm 2023, toàn huyện đã chuyển đổi 625,6 ha diện tích trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây hàng năm khác và nuôi trồng thủy sản có hiệu quả cao hơn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đến nay, toàn huyện đã thiết lập được 8 mã vùng nội địa (7 mã vùng trồng lúa, 1 mã vùng trồng rau, củ quả các loại); Ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa đạt 100% khâu làm đất, 40% khâu gieo cấy và 99% khâu thu hoạch, đã có Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ máy bay phun thuốc trừ sâu bệnh hại trên địa bàn.

z5473673674699_3ef1740d7d3ea932bb1d30402b80c92a.jpg
Khu nuôi tôm CNC của gia đình ông Chu Đình Sự xã Hoằng Ngọc

Nhằm nâng cao thu nhập cho người dân trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã chú trọng tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển hàng hóa và thu nhập ổn định; ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, huyện chủ động phối hợp với ngành chức năng ứng dụng rộng rãi nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật về giống, phân bón, các biện pháp thâm canh vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi. Từ việc áp dụng KH&CN, trên địa bàn huyện đã xây dựng được nhiều vùng liên kết sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo bước đột phá mới trong phát triển sản xuất, như: mô hình ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Hoằng Phú; mô hình nuôi luân canh tôm càng xanh – lúa theo hướng hữu cơ tại xã Hoằng Lưu; mô hình nuôi luân canh cá – lúa tại xã Hoằng Đông quy mô 5 ha; mô hình trồng lúa chất lượng cao tại xã Hoằng Châu, quy mô 5 ha bằng giống ST25; mô hình nông nghiệp đa giá trị tại xã Hoằng Đức, quy mô 0,47 ha; Thử nghiệm giống lúa mới QR15 tại xã Hoằng Xuyên, quy mô 1 ha; giống TBR39 tại xã Hoằng Đông, xã Hoằng Ngọc quy mô 1 ha; mô hình gieo sạ bằng máy tại xã Hoằng Đức quy mô 1,5 ha. Ngoài ra, một số sản phẩm OCOP được bảo hộ sở hữu trí tuệ đã phát huy được lợi thế và mang lại thương hiệu, giá trị kinh tế cao như “Nước mắm Khúc Phụ”. Nhãn hiệu tập thể “Nước mắm Khúc Phụ” là nền tảng cho việc phát triển sản phẩm “Mắm tôm Lê Gia” được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia đầu tiên và duy nhất của tỉnh Thanh Hóa.

z5511810392126_1398469c0a64fc69ed390446018ad1d8.jpg
Liên kết sản xuất bí đỏ tại Công ty Xuân Minh xã Hoằng Lưu

Với sự quan tâm và đầu tư của các cấp chính quyền, cùng sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhà khoa học và người dân, KH&CN đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hoằng Hóa trong giai đoạn vừa qua và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong giai đoạn 2025-2030.

z5473673595635_e9e44522358eccae86d5b98d06b10501.jpg

Hiệu quả của việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất đã và đang được khẳng định. Hầu hết các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ KH&CN trên địa bàn huyện đang phát huy hiệu quả, có khả năng nhân rộng, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung, hướng tới một nền nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa. Nhận thức của các địa phương về vai trò của KH&CN đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn thiếu các giải pháp cụ thể; các doanh nghiệp chưa mạnh dạn trong đầu tư vào KH&CN. Vì vậy, trong thời gian tới, huyện xác định tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong sản xuất và đời sống, xem đây là một trong những động lực trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội, gắn với xây dựng nông thôn mới. Kêu gọi liên kết xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, bao tiêu sản phẩm, phát triển bền vững. Đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa nhằm đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất. Cùng với đó, ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển, ứng dụng KH&CN, tạo đột phá về năng suất, chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị hàng hóa, thu nhập, cải thiện đời sống của người nông dân, qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thanh Qúy – Trung tâm VHTT TT&DL

Truy cập
Hôm nay:
7864
Hôm qua:
16681
Tuần này:
41765
Tháng này:
41765
Tất cả:
12539796