QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Hội nghị trực tuyến sơ kết Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)

Đăng lúc: 20:43:49 17/06/2024 (GMT+7)

Chiều ngày 17/6/2024, đồng chí Trần Lưu Quang - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ Đạo quốc gia chống khai thác IUU chủ trì Hội nghị trực tuyến Sơ kết Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương và các Bộ, ban, ngành Trung ương.

Điểm cầu UBND huyện Hoằng Hóa..jpg
Điểm cầu UBND huyện Hoằng Hóa.

Dự tại điểm cầu huyện Hoằng Hóa có đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà – Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện; thành viên BCĐ về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định cấp huyện; Chủ tịch UBND các xã có tàu khai thác hải sản gồm: Hoằng Trường, Hoằng Phụ, Hoằng Thanh và Hoằng Châu.

Điểm cầu Trung ương..jpg
Điểm cầu Trung ương.

Tại hội nghị, đại diện Bộ NNPTNT báo cáo tình hình, kết quả chống khai thác IUU từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 của Ủy ban châu Âu đến nay, thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU; các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác IUU, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 5; Bộ Quốc phòng báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn, xử lý tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Điểm cầu UBND các tỉnh, thành phố..jpg
Điểm cầu UBND các tỉnh, thành phố

Từ năm 2017 đến nay, các cấp, các ngành, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã có nhiều nỗ lực trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; xây dựng hệ thống theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, giảm dần số vụ vi phạm. Đến nay tình hình chống khai thác IUU tại Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận: Khung pháp lý đã được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC; Đã rà soát, thống kê cơ bản nắm được tổng số đội tàu cá, tính đến nay cả nước có 86.820 chiếc, duy trì không tăng số lượng tàu cá để phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản hiện có. Tính đến nay, số lượng tàu cá từ 15 trở lên đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 28.584/29.095 tàu cá (đạt tỉ lệ 98,25%). Tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi, giám sát hoạt động tàu cá trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá. Một số cảng cá tại các địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện tương đối tốt công tác theo dõi, kiểm soát hoạt động tàu cá ra vào cảng theo quy định; Thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 đến nay đã được triển khai thực hiện chặt chẽ hơn; đến nay chưa phát hiện các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu vi phạm khai thác IUU. Đã tổ chức triển khai thí điểm hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tại các cảng cá. Tổ chức triển khai thực hiện các quy định kiểm soát sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu từ tàu nước ngoài theo quy định của Hiệp định các Biện pháp quốc gia có cảng đã cơ bản đáp ứng theo yêu cầu; Công tác thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU đã được tăng cường hơn trước.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến báo cáo tình hình, kết quả chống khai thác IUU từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 của Ủy ban châu Âu..jpg
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến báo cáo tình hình, kết quả chống khai thác IUU từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 của Ủy ban châu Âu.

Tuy nhiên, kết quả tổ chức thực hiện trên thực tế tại địa phương đến nay vẫn còn rất hạn chế. Một số tồn tại được chỉ ra tại hội nghị, như: Chưa ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, tiếp tục diễn biến phức tạp và có dấu hiệu gia tăng hơn so với trước; chưa hoàn thành được việc đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”; Công tác theo dõi, kiểm soát và giám sát hoạt động tàu cá trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá và tại cảng vẫn chưa tuân thủ đầy đủ theo quy định; Công tác truy xuất nguồn gốc vẫn còn hạn chế, chưa đảm bảo chứng minh được tính minh bạch, hợp pháp của sản phẩm thủy sản khai thác; Công tác thực thi pháp luật, xử lý vi phạm IUU vẫn còn thiếu quyết liệt, thống nhất và chưa đồng đều giữa các địa phương.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao Giới thiệu một số nội dung cơ bản Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12/6/2024 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản.

Nghị quyết này gồm 11 điều, hướng dẫn áp dụng 10 điều của Bộ luật Hình sự liên quan đến các hành vi: xuất cảnh, nhập cảnh để khai thác thủy sản trái phép; bảo vệ nguồn lợi thủy sản; cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông để khai thác thủy sản trái phép; xâm phạm trong lĩnh vực thương mại thủy sản. Nghị quyết là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong hệ thống chính trị ở Trung ương và 28 tỉnh, thành phố ven biển tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển thủy sản để phòng chống việc khai thác thủy sản bất hợp pháp không báo cáo, không theo quy định. Đồng thời, là cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý nghiêm các vụ, việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng thủy sản.

Hội nghị cũng đã nghe đại diện các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương đã làm rõ thực trạng, hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai chống khai thác IUU, đề xuất các giải pháp chống khai thác IUU và giúp gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong thời gian sớm nhất.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang kết luận hội nghị..jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, nếu các bộ, ngành, địa phương cùng cố gắng, có sự phối hợp tốt, có cách làm đúng thì chúng ta vẫn có cơ hội để gỡ được "thẻ vàng". Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từ nay đến khi đoàn thanh tra của EC thanh tra thực tế lần thứ 5 tại Việt Nam, các địa phương phải đảm bảo không để tàu cá nào vi phạm bị bắt ở vùng biển nước ngoài; tăng cường công tác tuyên truyền một cách rộng rãi, sâu sắc, làm thay đổi nhận thức của ngư dân về chống khai thác IUU; Quán triệt Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư TW và Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 của Chính phủ  về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản; đặc biệt, triển khai hiệu quả, thực hiện nghiêm túc những nội dung Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12/6/2024 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Tăng cường công tác phối hợp với các địa phương thúc đẩy điều tra, đưa ra xét xử các trường hợp môi giới người đi xuất cảnh trái phép, hợp thức hóa hồ sơ nguyên liệu lậu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết không có ngoại lệ. Đảm bảo thực thi pháp luật đồng bộ giữa các địa phương. Đồng thời, thông qua các hoạt động ngoại giao, hợp tác, đưa đội tàu của Việt Nam liên kết với các nước trong khu vực để khai thác hải sản...; Khuyến khích các địa phương triển khai chính sách riêng của địa phương phù hợp, hiệu quả.

Thanh Qúy – Trung tâm VHTT TT&DL

 

Truy cập
Hôm nay:
7922
Hôm qua:
16681
Tuần này:
41823
Tháng này:
41823
Tất cả:
12539854