QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Hoằng Trinh: Hiệu quả mô hình trồng hành, tỏi theo hướng an toàn.

Đăng lúc: 17:00:00 23/12/2022 (GMT+7)

Hoằng Trinh là xã có truyền thống trồng rau màu, nhiều năm qua, xã Hoằng Trinh luôn duy trì diện tích trồng hành khoảng 20 hecta. Tuy vụ đông năm nay diện tích trồng hành giảm so với những năm trước do mưa nhiều ở đầu vụ làm ngập úng, tuy nhiên, việc chuyển đổi phương thức trồng hành ở địa phương vẫn đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Ảnh (1)gg.jpeg

Với phương pháp  trồng tập trung được canh tác quanh năm, nên hành, tỏi trở thành cây trồng chủ lực và hướng tới đưa sản phẩm hành, tỏi trở thành sản phẩm OCOP. Để nâng cao giá trị cho diện tích trồng hành, tỏi, những năm gần đây, UBND xã Hoằng Trinh đã chỉ đạo 3 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn xã, gồm: Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thanh Nga, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Trung Hòa và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Trinh Nga phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoằng Hóa để tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con nông dân quy trình, phương pháp trồng hành, tỏi theo hướng an toàn, sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt người dân Xã Hoằng Trinh tăng tỷ lệ sử dụng các loại phân bón hữu cơ, các loại chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong trồng, chăm sóc hành tỏi. Việc trồng hành tỏi theo hướng an toàn giúp chi phí giảm từ 15 đến 20%, lợi nhuận tăng từ 25 đến 30%.  Sản xuất theo hướng an toàn giúp cho củ hành chắc, thơm ngon, giòn hơn. Hoằng Trinh tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân chuyển đổi phương thức sản xuất, mở rộng diện tích trồng hành, tỏi theo hướng an toàn, tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP. Quy trình trồng hành, tỏi theo hướng an toàn là: tăng tỷ lệ sử dụng các loại phân bón hữu cơ, hoai mục thay cho các loại phân bón vô cơ, sử dụng các loại chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay thế cho các loại thuốc bảo vệ hóa học trong quá trình phòng, trừ các loại sâu, bệnh gây hại. Đồng thời, thực hiện ghi nhật ký đồng ruộng để có lịch chăm sóc và thu hoạch bảo đảm thời gian cách ly theo quy định. Trao đổi với chúng tôi, Chị Hoàng Thị Nhung, thôn Trung Hòa, phấn khởi cho biết: Thông qua các buổi tập huấn, chị và nhiều hộ dân trong thôn được cán bộ kỹ thuật tuyên truyền về tác hại của việc lạm dụng các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật vô cơ vào quá trình sản xuất đối với môi trường và sức khỏe con người. Do đó, người dân trong thôn đang dần bỏ thói quen không tốt này, thay vào đó là sử dụng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học vào chăm sóc và bảo vệ diện tích hành, tỏi. Quá trình áp dụng quy trình sản xuất theo hướng an toàn, chị Nhung nhận thấy có nhiều ưu điểm so với phương pháp sản xuất truyền thống, như: giảm được 10 kg lân/sào, 4 kg đạm ure/sào, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật cũng ít hơn, nên chi phí sản xuất giảm được 15 đến 20% so với phương thức truyền thống. Đáng nói, việc tăng tỷ lệ sử dụng các loại phân hữu cơ hoai mục thay thế cho các loại phân vô cơ còn giúp củ hành, tỏi chắc, năng suất được nâng lên đáng kể. Theo tính toán, năng suất bình quân 1 sào trồng hành theo hướng an toàn đạt 1,4 tấn/vụ, cao hơn 2,5 đến 3 tạ/vụ. Lợi nhuận bình quân đạt từ 18 đến 20 triệu đồng/sào/vụ, cao hơn 6 đến 8 triệu đồng/sào/vụ so với diện tích trồng hành, tỏi theo hướng truyền thống. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, xã Hoằng Trinh còn khuyến khích người dân trồng hành theo hướng an toàn. Ông Lê Quang Trình- Phó chủ tịch UBND xã Hoằng Trinh cho biết: tại các buổi tập huấn, cán bộ nông nghiệp xã hướng dẫn người dân sử dụng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học để bón cho hành tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu của thị trường, năng suất tăng lên khoảng 20%, chi phí giảm từ 15 đến 20% so với diện tích trồng theo phương thức truyền thống; từ đó, lợi nhuận tăng từ 25 đến 30%. Có thể nói đây là cây trồng mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất và được xã Hoằng Trinh khuyến khích mở rộng diện tích. Về chất lượng, theo đánh giá của các hộ trồng và người tiêu dùng, việc sản xuất theo hướng an toàn giúp cho củ hành chắc, thơm ngon, giòn hơn.

Mô hình trồng hành, tỏi theo hướng an toàn đạt lợi nhuận cao hơn hẳn so với diện tích sản xuất truyền thống, song đến nay, diện tích trồng mới đạt hơn 30% tổng diện tích trồng của toàn xã. Nguyên nhân là do, việc sản xuất theo hướng an toàn đòi hỏi người trồng phải đầu tư hơn về kỹ thuật và công sức, nhất là việc ghi nhật ký đồng ruộng, trong khi đó, đa số người trồng hành, tỏi hiện nay của xã đều là những người đã lớn tuổi, nên việc tiếp cận kỹ thuật và quy trình sản xuất mới còn hạn chế. Nhiều người dân thấy việc phải ghi nhật ký đồng ruộng là phiền toái, nên ngại không tham gia. Do đó, UBND xã Hoằng Trinh đang tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoằng Hóa tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân chuyển đổi phương thức sản xuất, mở rộng diện tích trồng hành, tỏi theo hướng an toàn, tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP./.

Thế Khải – Trung tâm VHTTTT&DL

 

 

Truy cập
Hôm nay:
20607
Hôm qua:
16681
Tuần này:
54508
Tháng này:
54508
Tất cả:
12552539