QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Huyện Hoằng Hoá – hướng đến phát triển bền vững trong NTTS

Đăng lúc: 15:32:44 02/10/2020 (GMT+7)

Việc ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản (NTTS) đang là hướng đi tất yếu hiện nay và đã được các chủ đồng triều trên địa bàn huyện bước đầu áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực.

 Trong thời gian qua, các xã vùng triều, vùng bãi ngang ven biển trong huyện Hoằng Hoá đã triển khai thực hiện phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) nước mặn, nước lợ chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản (NTTS) đang là hướng đi tất yếu hiện nay và đã được các chủ đồng triều trên địa bàn huyện bước đầu áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực.

Ảnh 1. NTTS trên hệ thống ao phủ bạt.jpg
NTTS trên hệ thống ao phủ bạt
 

Hiện nay, toàn huyện có 18 xã NTTS nước mặn, lợ với tổng diện tích đến năm 2019 là 1.832,4 ha. Những năm qua, NTTS nước mặn, lợ trên địa bàn huyện Hoằng Hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực, tăng cả về quy mô diện tích, sản lượng đến giá trị, hiệu quả sản xuất. Sản lượng NTTS tăng từ 3.989,9 tấn (năm 2016) lên 5.229,1 tấn (năm 2019). Giá trị sản xuất NTTS năm 2019 đạt 435.127 triệu đồng; thu nhập trung bình 1 ha NTTS đạt 242 triệu đồng/ha/năm. Một số đối tượng nuôi chính gồm: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua xen tôm sú, ngao Bến Tre. Toàn huyện có 891 hộ NTTS nước lợ, chưa có doanh nghiệp và HTX đầu tư trực tiếp nuôi trồng; có 8 cơ sở sản xuất ương giống và dịch vụ giống; 2 cơ sở cung cấp thức ăn, thuốc thú y thuỷ sản và 8 cơ sở thu mua và tiêu thụ sản phẩm. Số lao động trực tiếp thường xuyên nuôi trồng thuỷ sản là 1.833 lao động, ngoài ra còn tọ việc làm cho 4.000 lao động thời vụ.

2. NTTS công nghệ cao tại xã Hoằng Yến.jpg
NTTS công nghệ cao tại xã Hoằng Yến



 

Các hình thức NTTS hiện nay đang được các chủ đồng triều của Hoằng Hoá áp dụng là nuôi quảng canh cải tiến, nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng và nuôi áp dụng công nghệ cao trong nhà có mái che. Trong đó, nuôi quảng canh cải tiến vẫn là hình thức nuôi chủ yếu hiện nay với tổng diện tích 1.676,3 ha. Ưu điểm của hình thức này là vốn đầu tư thấp, dễ làm, chủ yếu bằng kinh nghiệm, phù hợp với trình độ của đa số người dân, rủi ro thấp. Nhưng đây là hình thức nuôi lạc hậu, ít đầu tư thức ăn, cho năng suất và sản lượng thấp, sản lượng hàng hoá không tập trung, áp dụng KHCN hạn chế, hiệu quả đầu tư và hiệu quả kinh tế thấp; Hình thức nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng được Hoằng Hoá ứng dụng trong những năm gần đây, diện tích nuôi tôn thẻ chân trăng thâm canh đến năm 2020 đã lên 210,3 ha.

Tuy nhiên, hình thức NTTS nước mặn, lợ ở Hoằng Hóa chủ yếu vẫn là nông hộ nhỏ, chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào NTTS. Đặc biệt, hình thức nuôi thâm canh hiện nay phát triển tự phát, không theo định hướng, chưa quản lý được việc hình thành khu nuôi mới; hệ thống cấp thoát nước ở một số vùng nuôi chưa được thiết kế và đầu tư xây dựng hoàn thiện dẫn đến những ảnh hưởng, hệ lụy về môi trường...

Ảnh 3.JPG

Xác định rõ mục tiêu và các giải pháp phát triển NTTS nước lợ trong những năm tới, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế xây dựng vùng sản xuất tập trung và sản phẩm chủ lực để thuỷ sản trở thành kinh tế mũi nhọn, ngày 27/2/2020, huyện Hoằng Hoá đã ban hành Đề án “NTTS nước mặn, nước lợ theo hướng bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đề án dựa trên cơ sở triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/HU ngày 20/11/2019 của BCH Đảng bộ huyện về NTTS nước mặn, nước lợ thời kỳ 2019 – 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, HĐND huyện đã có nghị quyết hỗ trợ mỗi mô hình chuyển từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thuỷ sản theo quy hoạch để đào đắp bờ bao quy mô 1 ha trở lên 70 triệu đồng, hỗ trợ tiền mua dừa giống có chiều cao thân, lá 1,2m trồng bờ bao thuỷ sản trong vùng quy hoạch mức 50.000 đồng/cây.

Trong 8 tháng triển khai, một số xã đã xây dựng được lộ trình thực hiện đề án như Hoằng Châu, Hoằng Phong, Hoằng Lưu, Hoằng Đông, Hoằng Yến, Hoằng Hà, Hoằng Đạt… 2 xã Hoằng Phong và Hoằng Châu đang tiến hành thuê tư vấn thiết kế đầu tư vùng nuôi theo chu trình sinh học; Tổng diện tích chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình khác là 193,77 ha, trong đó, chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp NTTS là 173,77 ha; chuyển đổi sang NTTS là 20 ha; số lượng dừa trồng mới 5.990 cây tại 71 hộ; diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 210,3 ha; diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ cao trong nhà màng 18,9 ha. Đặc biệt, Trung tâm khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Trung tâm khuyến nông thành phố Hải Phòng triển khai xây dựng mô hình “nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn bằng công nghệ Biofloc gắn với tiêu thụ sản phẩm” tại xã Hoằng Thanh 0,78 ha, Hoằng Phụ 0,67 ha; phối hợp với Sở khoa học triển khai mô hình thử nghiệm nuôi bán thâm canh tôm càng xanh quy mô 1 ha của 1 hộ thuộc xã Hoằng Ngọc.

Để thực hiện Đề án trong thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung của Nghị quyết 15-NQ/HU và Đề án phát triển thuỷ sản bền vững, về quy hoạch vùng NTTS của huyện, của xã, cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh và của huyện; Trên cơ sở đề án của huyện, các xã quy hoạch vùng NTTS vào quy hoạch chung xây dựng xã giai đoạn 2020 – 2030, quy hoạch chi tiết tỉ lệ diện tích nuôi thâm canh, hệ thống thuỷ lợi để cấp nước nuôi, thoát nước thải; Bổ sung, mở rộng các vùng NTTS; Kêu gọi thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất; Đẩy mạnh trồng dừa trong vùng NTTS hoặc kết hợp nôi thuỷ sản và trồng lúa, phấn đấu giai đoạn 2020 – 2025 các xã, thị trấn trong vùng NTTS trồng mới 70.000 cây dừa trở lên; Diện tích NTTS nước lợ đến năm 2025 đạt 1.845,6 ha, trong đó, diện tích tôm thẻ chân trắng thâm canh đạt 250 ha, nuôi theo hướng công nghệ cao đạt 25 ha; đến năm 2030 đạt 1.875,6 ha, trong đó, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh đạt 350 ha, nuôi theo hướng công nghệ cao đạt 50 ha.

Để NTTS mang lại hiệu quả kinh tế cao, hiện 17 xã trong vùng quy hoạch của Đề án đang thực hiện điều chỉnh bổ sung quy hoạch vùng NTTS, phấn đấu trong năm 2020, tất cả các xã có NTTS nước mặn, lợ thực hiện xong việc điều chỉnh bổ sung quy hoạch vùng sản xuất thủy sản theo định hướng của huyện. Từ đó, làm cơ sở kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực NTTS cũng như từng bước thiết kế vùng nuôi theo chu trình sinh học đảm bảo phát triển bền vững, góp phần phát triển các vùng NTTS thâm canh tập trung ứng dụng công nghệ cao, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, quy trình sản xuất tiên tiến để mở rộng sản xuất, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững của huyện Hoằng Hoá.

Thanh Quý – Trung tâm VHTT – TT&DL

Truy cập
Hôm nay:
4721
Hôm qua:
6909
Tuần này:
11630
Tháng này:
178830
Tất cả:
11671392