Ngày xuân tìm về chùa Hồi Long xã Hoằng Thanh
Đi lễ chùa đầu năm là một hoạt động không thể thiếu của mỗi người dân dịp Tết đến, xuân về. Phong tục này đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống mỗi người Việt Nam. Việc đi lễ chùa đầu năm còn có ý nghĩa để cầu an, giải hạn đầu năm.
Trong làn khói hương thoang thoảng, thanh tịnh, tìm về ngôi chùa Hồi Long xã Hoằng Thanh những ngày đầu xuân mới - xuân Đinh Dậu 2017, khiến lòng người cảm nhận được sự yên bình trong tâm hồn đến lạ kỳ.
Theo sử sách ghi lại, Chùa Hồi Long xưa thuộc làng Lương Hà (nay là xã Hoằng Thanh) thuộc Tổng Ngọc chuế, nay là 8 xã vùng biển huyện Hoằng Hóa. Chùa được xây dựng vào chiều Lý (thế kỷ thứ XI), tọa lạc giữa cồn cát, nơi địa thế cao không bao giờ ngập lụt, lưng tựa núi Linh Trường, mặt hướng nhìn ra Sông Mã, Sông Cung, thuộc thế “Tọa sơn, hướng thủy”. Tương truyền rằng Ngài Tảo Ao - là người thầy địa lý phong thủy nổi tiếng nhất Việt Nam, sống thời Lê Sơ có lần qua đây ngắm phong thủy xong, ông cho khơi rộng thêm cái ao (phía tây chùa) để mắt rồng lộ rõ. Từ đó Chùa được người dân khắp nơi về viếng thăm vì được cảm nhận là tối uy linh.
Vào năm 1958, một gia đình họ Nguyễn đã công đức cùng các phật tử xây dựng lại chùa, lúc bấy giờ chùa gồm 3 ngôi, với những gian phòng được làm bằng gỗ lim xanh, theo kiến trúc “thượng giường, hạ kẻ”, cửa lim bích bàn. Bức đại tự của chùa khắc 3 chữ “Phú thiên môn” và đôi câu đối “Thên khai Ngọc Chuế danh lam thắng - Địa dẫn Hồi Long cổ tích truyền”, trong đó ngai thờ, khám thờ tất cả làm bằng gỗ vàng tâm, sơn son thiếp vàng, đường nét trang trí tinh xảo. Tượng phật phần lớn làm bằng gỗ Mít, bài trí theo thứ bậc, nhìn mỗi pho tượng một vẻ, toát lên sự uy nghiêm khiến mỗi ai bước vào nơi cửa phật cũng phải tự ngẫm mình. Ngoài các pho tượng bằng gỗ mít còn lại có một số pho tượng bằng đồng, một số sành sứ thờ ở chùa có từ thời Lý… Trước năm 1945, chùa Hồi Long là nơi trú ẩn hội họp, phổ biến chủ trương của đường lối cách mạng Việt Nam của các cán bộ khởi nghĩa.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, chùa Hồi Long chỉ còn lại là cổng tam quan. Hiện nay việc trùng tu lại cảnh quan, kiến trúc ngôi chùa Hồi Long đã và đang được phục dựng, bằng tấm lòng hảo tâm công đức của tăng ni, phật tử và bà con khắp mọi nơi tham gia đóng góp sức người, sức của.
Được quy hoạch trên diện tích 1,4 ha, dự án bảo tồn, tôn tạo di tích chùa cổ Hồi Long thiết kế theo hình chữ công, gồm có 3 khu: Khu tâm linh, khu từ thiện và khu dưỡng lão. Khu tâm linh được xem là khu trung tâm gồm tam bảo được hợp thành bởi 3 gian hậu cung, trung đường, tiền đường và 2 trái, hành lang lan can đá theo kiến trúc cung đình. Sau tam bảo là giảng đường và nhà thờ tổ, bên phải là nhà mẫu, lầu trống, điện hộ pháp; bên trái là nhà tứ ân, lầu chuông, điện hộ Pháp. Toà tam bảo được dựng lên bởi 32 cây cột gỗ dài và 48 cột đá. Nền chùa được tôn cao 1,8m, mái chùa cao thoáng, màu sơn vàng - nâu là chủ đạo cộng với lối đắp vẽ mái đao rồng - phượng cầu kỳ góp phần tạo nên một quần thể kiến trúc đẹp mắt, có sự kết hợp nhuần nhị giữa văn hóa nhiều vùng, miền. Phía trong chùa 11 pho tượng lớn, nhỏ được làm từ gỗ hoặc đồng, lớn nhất là tượng Phật Di Đà cao 3,3m.
Sư cô Thích nữ Đàm Ngoan - Trụ trì chùa Hồi Long cho biết: Để xây dựng và hoàn thiện từng phần của công trình, nhà chùa đã phải huy động các thợ và nghệ nhân từ nhiều nơi, như từ Nam Định, Huế. Bà con tăng ni, phật tử cũng tham gia đóng góp sức người, sức của để ngôi chùa nhanh chóng được hoàn thành một cách tổng thể, bao gồm cả 3 khu. Vào tháng 3/2015, chùa Hồi Long đã khánh thành ngôi Đại hùng bảo điện, hoàn thành giai đoạn 1; cũng theo đó dự kiến giai đoạn 2 (2015- 2025) chùa sẽ hoàn thành ngôi nhà thờ mẫu, thư viện, giảng đường cho phật tử, tu tập, cổng tam quan… đặc biệt, giai đoạn 3 (2020- 2035) chùa sẽ xây dựng trung tâm từ thiện, phòng khám nhân đạo và trung tâm dưỡng lão…Và cứ vào mỗi ngày đầu tháng, ngày rằm hàng tháng cũng như dịp lễ, tết cũng như ngày thường chùa Hồi Long có hàng trăm lượt khách thập phương từ khắp nơi đến dâng hương, vãn cảnh, tịnh tâm, cầu phúc.
Khai xuân Đinh Dậu 2017, những ngày đầu năm này, Chùa Hồi Long sẽ là một điểm đến lý tưởng cho bạn bè du khách đến để cầu an, cầu phúc cho người thân trong gia đình, bạn bè của mình. Cũng là dịp tìm về với những yếu tố văn hoá tâm linh, những giá trị tuyền thống mang bản sắc văn hoá quê hương. Đồng thời nêu cao tính từ bi hướng thiện trong sinh hoạt cộng đồng trong nhân dân nói chung của phật tử gần xa nói riêng./.
Phương Trang- Đài TT Hoằng Hóa
- Nhà thờ Họ Nguyễn Thọ Trù xã Hoằng Lộc đón bằng di tích lịch sử - Văn Hóa Cấp tỉnh và kỷ niệm 432 năm ngày tạ thế Hoàng Giáp – Nguyễn Cẩn (1585 – 2017)
- Ngày xuân tìm về chùa Hồi Long xã Hoằng Thanh
- Hoằng Lưu: Tưng bừng hội vật truyền thống đầu xuân Đinh Dậu năm 2017
- Ngày xuân về với lễ hội Vật cù Hoằng Hà
- Hội vật xuân Đinh Dậu tại Hoằng Phong
- MỘT SỐ HÌNH ẢNH KHU DU LỊCH BIỂN HẢI TIẾN
- Đại hội đại biểu phật giáo huyện Hoằng Hóa lần thứ III nhiệm kỳ 2016 - 2021
- Bồi dưỡng nâng cao nguồn du lịch cộng đồng
- Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Lê Đức Giang thăm giáo xứ Ngọc Đỉnh- Hoằng Hà.
- CLB chèo làng Vĩnh Gia xã Hoằng Phượng – hoàn thiện các tiết mục, chuẩn bị tham dự lễ hội du lịch biển Hải Tiến 2016