QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Hoằng Hóa - chuyển đổi số giúp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP

Đăng lúc: 15:47:02 23/12/2024 (GMT+7)

Xác định quảng bá sản phẩm trên nền tảng số là phương thức nhanh, hiệu quả nhất để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, thời gian qua các chủ thể OCOP trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh quảng bá, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Chuyển đổi số giúp các chủ thể liên quan mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, tăng hiệu quả gấp nhiều lần so với phương pháp truyền thống trước đây....

 Sản phẩm của Công ty TNHH Thực phẩm&TMDV Lê Gia xã Hoằng Phụ trên sàn thương mại điện tử Tiki.vn.jpg
Sản phẩm của Công ty TNHH Thực phẩm&TMDV Lê Gia xã Hoằng Phụ trên sàn thương mại điện tử Tiki.vn

Theo tổng hợp từ Phòng NN&PTNT huyện: Thời gian qua, huyện đã tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát các sản phẩm tiềm năng, đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP, đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ các chủ thể có sản phẩm hoàn thiện hồ sơ đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP. Trong năm 2024 đã có thêm 16 sản phẩm được hội đồng OCOP đánh giá xếp hạng 3 sao, nâng tổng số lên 45 sản phẩm OCOP thuộc 36 chủ thể của 25 xã, trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao, 2 sản phẩm 4 sao và 42 sản phẩm 3 sao.

2. Sản phẩm Giò bò Thuật Yến của HTX chăn nuôi xã Hoằng Đồng trên sàn TMĐT Postmart.vn.jpg
Sản phẩm Giò bò Thuật Yến của HTX chăn nuôi xã Hoằng Đồng trên sàn TMĐT Postmart.vn

Sản phẩm OCOP Hoằng Hóa đang từng bước thể hiện giá trị và chất lượng trên thị trường, thu hút sự tin tưởng của người dân. Chương trình OCOP đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi quy trình sản xuất nông nghiệp từ quy mô nhỏ lẻ sang mô hình liên kết chuỗi giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và phù hợp với nhu cầu thị trường. Nhiều địa phương đã triển khai quy hoạch các vùng nguyên liệu tập trung, thúc đẩy sự phát triển của ngành nghề nông thôn, giúp bảo tồn, gìn giữ làng nghề truyền thống; nhiều chủ thể chú trọng phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm thông qua các sự kiện hội chợ, tuần hàng; giới thiệu trực tuyến trên các trang mạng xã hội hoặc sàn thương mại điện tử…để sản phẩm gần hơn với khách hàng.

1. Dưa vàng của Nông trại Nhungfarms trên phần mềm kết nối cung cầu nongsanantoanthanhhoa.vn.jpg
Dưa vàng của Nông trại Nhungfarms trên phần mềm kết nối cung cầu nongsanantoanthanhhoa.vn

Thời gian qua, Hoằng Hóa đã tích cực thúc đẩy giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn các chủ thể tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại nhiều hội nghị, sự kiện kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm như: Tham gia gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại Chương trình “Tuần văn hóa thành phố Thanh Hóa-thành phố Hội An” năm 2024, từ 26/4 đến 1/5/2024, tại Công viên văn hóa Hội An, thành phố Thanh Hóa; “Phiên chợ thực phẩm an toàn” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024 tại  huyện Thọ Xuân; tham gia Chợ trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP và ẩm thực xứ Thanh năm 2024 tại tuyến phố đi bộ tại thành phố Sầm Sơn; Hội chợ xúc tiến thương mại gắn kết quảng bá văn hóa du lịch địa phương tại không gian văn hóa sáng tạo, phố Trịnh Công Sơn, Tây Hồ, Hà Nội; “Phiên chợ thực phẩm an toàn” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024 tại quảng trường huyện. Hoằng Hóa;  “Phiên chợ thực phẩm an toàn” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024 tại Huyện Nga Sơn; phiên chợ miền tây xứ Thanh tại huyện Thường Xuân, Hội nghị kết nối cung cầu và giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn tỉnh Thanh Hóa tại Quảng trường Lam Sơn.

Bên cạnh đó, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử. UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phối hợp với VNPT Hoằng Hóa hướng dẫn các chủ thể đưa sản phẩm nông nghiệp đủ điều kiện lên sàn Postmart (nay là sàn thương mại điện tử Buudien.vn). Đến nay đã đưa được 43/45 sản phẩm OCOP lên sàn, còn 2 sản phẩm OCOP chưa lên sàn là 2 sản phẩm rượu có nồng độ cồn vượt quá 15%. Các chủ thể không chỉ phân phối sản phẩm thông qua kênh truyền thống mà đã tiếp cận được với thị trường tiêu thụ trên các trang web mua sắm trực tuyến như Shopee, Tiki,… các trang mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok… Đồng thời, khuyến khích các chủ thể OCOP tự chủ động áp dụng chuyển đổi số trong quá trình sản xuất và kinh doanh, bao gồm việc sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc với mã QR code; quảng bá sản phẩm thông qua website và mạng xã hội.... Việc mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử giúp xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu và mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP của Hoằng Hóa ngày càng mạnh mẽ. Từ kết quả thu được cho thấy, chuyển đổi số là một “sáng kiến hữu hiệu” giúp ngành nông nghiệp nói chung và các chủ thể sản xuất có khả năng quảng bá rộng rãi hơn, tăng doanh số bán hàng, mở rộng các kênh tiêu thụ, đạt mục tiêu đưa sản phẩm OCOP của huyện ra thị trường rộng lớn hơn.

Trong tương lai, Chương trình OCOP sẽ tập trung vào việc tăng giá trị sản phẩm cả về chất lượng và thiết kế, từng bước phát triển sản phẩm tích hợp đa giá trị, cải thiện bao bì và nhãn mác sản phẩm, tạo ra những quà tặng đặc trưng gắn với lợi thế vùng miền, địa phương. Tăng cường quảng bá và giới thiệu sản phẩm trên các sàn giao dịch điện tử với thông tin đồng bộ cùng cách quản lý thống nhất. Ngoài ra, tiếp tục thúc đẩy và mở rộng hình thức thương mại, đặc biệt là trong thương mại điện tử, giúp các chủ thể OCOP nhanh chóng gia nhập vào thị trường trực tuyến, nắm bắt được cơ hội quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nhanh chóng trong thời điểm bối cảnh thị trường tiêu dùng dần thay đổi.

Đặt xúc tiến thương mại làm động lực và chuyển đổi số là nền tảng, Chương trình OCOP hướng tới mục tiêu phát triển hiệu quả và bền vững cho sản phẩm OCOP; đặc biệt, thông qua kết nối với các kênh phân phối hiện đại, phù hợp với sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng và thị trường.

Thanh Qúy – Trung tâm VHTT TT&DL

 

Truy cập
Hôm nay:
13593
Hôm qua:
18243
Tuần này:
48737
Tháng này:
243068
Tất cả:
16889578