Hoằng Hoá triển khai kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2024.
Xác định công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi luôn đóng vai trò quan trọng trong việc phòng, chống, ngăn ngừa các loại dịch bệnh, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển. Trong những năm qua, việc tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đã và đang được các địa phương trên địa bàn huyện đẩy mạnh, bước đầu đã có chuyển biến tích cực, đảm bảo đúng tiến độ.
Tiêm phòng vắc xin cho đàn trâu bò tại xã Hoằng Xuân.
Tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2024 vào thời điểm giao mùa, dịch cúm gia cầm và nhiều loại dịch bệnh dễ phát sinh trên đàn vật nuôi. Chính vì vậy, công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đợt 2/2024 cần được tiến hành nhanh, gọn, đúng quy trình kỹ thuật nhằm chủ động ngăn chặn, phòng chống các loại dịch bệnh động vật, đảm bảo an toàn trong chăn nuôi. Qua thống kê tổng đàn tại các xã, thị trấn, đợt 2/2024, toàn huyện sẽ tiến hành tiêm phòng vắc xin cho 16.030 con chó, mèo, 2.775con trâu, bò, 7.350 con lợn và 283.500 con gia cầm.
Theo đó, công tác tiêm phòng đợt 2/2024 được UBND huyện triển khai: Tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng loạt trên phạm vi toàn huyện, trong thời gian 15-20 ngày, sau tiêm phòng đại trà, tổ chức tiêm phòng bổ sung hàng tháng cho gia súc, gia cầm chưa được tiêm trong đợt đại trà, đàn vật nuôi mới, tái đàn, đến tuổi tiêm phòng; Tiêm vắcxin phòng bắt buộc 100% cho đàn gia súc, gia cầm và đàn chó trong diện tiêm, đảm bảo nhanh, gọn, đúng quy trình kỹ thuật, nhằm chủ động, ngăn chặn, phòng, khống chế, dập tắt các loại dịch bệnh động vật; giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm các loại dịch bệnh mới nhằm đảm bảo an toàn cho sản xuất chăn nuôi, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện.
Theo kế hoạch, từ ngày 27/8/2024 đến ngày 4/9/2024: các xã, thị trấn xây dựng Kế hoạch, tổ chức thông tin, tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh xã, thị trấn về đối tượng bắt buộc phải tiêm phòng thời gian tiêm phòng, các quy định về công tác tiêm phòng để người chăn nuôi biết, chấp hành nghiêm việc tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm; từ ngày 5/9/2024 đến ngày 22/9/2024: Triển khai tiêm phòng cho đàn trâu, bò, dê, lợn, chó, mèo và gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) trên địa bàn toàn huyện; Đối với đàn trâu bò: Do đặc tính của vắc xin Viêm da nổi cục trâu bò phải tiêm trước 7 ngày hoặc sau 7 ngày tiêm các loại vắc xin khác nên đề nghị UBND các xã, thị trấn căn cứ vào tình hình thực tế tổ chức tiêm phòng tại địa phương cho phù hợp. Từ ngày 23/9 đến ngày 30/9/2024, thực hiện tiêm vét đối với các trường hợp còn lại.
Bên cạnh đó, các xã, thị trấn thực hiện tiêm phòng bổ sung thường xuyên cho đàn vật nuôi chưa được tiêm phòng trong đợt tiêm phòng chính và số vật nuôi thuộc diện tiêm mới phát sinh, đến tuổi tiêm phòng (từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau) để đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng luôn ở mức cao nhằm đảm bảo miễn dịch đối với đàn vật nuôi trong toàn huyện. UBND cấp xã giao cho nhân viên thú y hướng dẫn các hộ, trang trại thực hiện kê khai chăn nuôi, thông báo lịch tiêm bổ sung hằng tháng, giá các loại vắc xin để chỉ đạo và giám sát thực hiện. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cung ứng đầy đủ các loại vắc xin và hỗ trợ hướng dẫn tiêm phòng.
Đối tượng, các bệnh bắt buộc tiêm phòng: Đàn trâu, bò, dê tiêm vắcxin phòng bệnh Tụ huyết trùng (THT), Viêm da nổi cục trâu, bò và Lở mồm long móng (LMLM) trong toàn huyện; Đàn lợn tiêm vắcxin phòng bệnh Dịch tả, Tụ huyết trùng trong toàn huyện; tiêm vắc xin Lở mồm long móng cho đàn lợn nái, đực giống, lợn ở trại giống, trang trại; khi có dịch tiêm cho toàn bộ đàn gia súc mẫn cảm trong vùng dịch, vùng bị uy hiếp; tiêm vắc xin phòng bệnh Tai xanh cho đàn lợn trong vùng có nguy cơ cao, vùng ổ dịch cũ, các trang trại, gia trại, lợn nái, đực giống; Tiêm vắc xin phòng bệnh Lép tô, Phó thương hàn ở vùng có nguy cơ cao. Đối với vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi thực hiện theo chỉ đạo hướng dẫn cụ thể của Bộ Nông nghiệp&PTNT, Cục Thú y, Sở Nông nghiệp&PTNT tỉnh; Đàn chó, mèo tổ chức tiêm phòng vắc xin Dại; Đàn gia cầm tiêm vắc xin Newcastle, Dịch tả vịt, Tụ huyết trùng. Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm (A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8..) cho đàn gia cầm ở vùng có nguy cơ cao, ổ dịch cũ, các trang trại, cơ sở con giống và các trường hợp chỉ đạo đột xuất của Bộ NN&PTNT trong các trường hợp cần thiết.
Cùng với công tác tiêm phòng, toàn huyện thực hiện tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường cùng với các mũi tiêm phòng gia súc, gia cầm, chú trọng công tác tiêu độc khử trùng đối với nhân viên thực hiện công tác tiêm phòng nhằm không để lây nhiễm chéo dịch bệnh giữa các cơ sở chăn nuôi; khuyến khích người chăn nuôi tự tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Thực hiện tổng vệ sinh cơ giới, tiêu độc khử trùng môi trường định kỳ hằng tuần tại cơ sở chăn nuôi, cơ sở kinh doanh, buôn bán, giết mổ gia súc gia cầm, chợ có kinh doanh giai súc gia cầm và sản phẩm gia súc gia cầm trên địa bàn từng xã, thị trấn để ngăn ngừa dịch bệnh.
Để công tác tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đợt 2/2024 đạt kết quả cao, các xã, thị trấn cần lập danh sách các hộ chăn nuôi để lên kế hoạch tiêm và yêu cầu ký cam kết tiêm phòng. Xử phạt nghiêm minh chủ vật nuôi không thực hiện tiêm phòng các loại vắc xin bắt buộc theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y; Củng cố Ban chỉ đạo tiêm phòng và phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cấp xã, phân công phụ trách thôn, khu phố để kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo tiêm phòng; tổ chức tốt tiêm phòng đợt 2/2024, tiêm phòng triệt để số gia súc, gia cầm trong diện tiêm; Tăng cường thông tin, tuyên truyền thông qua hội nghị, tổ chức tập huấn, phát tờ rơi, trên hệ thống truyền thanh của xã, thị trấn về hiệu quả của công tác tiêm phòng đối với phòng, chống dịch bệnh; quy định của pháp luật đối với chủ vật nuôi bắt buộc phải thực hiện tiêm phòng cho đàn vật nuôi và các biện pháp xử lý của chính quyền theo quy định của pháp luật nếu không thực hiện tiêm phòng bắt buộc cho vật nuôi; thông báo trước cho chủ vật nuôi chủ động nhốt gia súc gia cầm và có trách nhiệm phải bắt, giữ gia súc, gia cầm để tiêm phòng. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương đảm bảo kinh phí phục vụ tiêm phòng như tiền công, mua vật tư, đồ bảo hộ, hao phí vắc xin, thuốc điều trị dự phòng,... để nâng cao chất lượng và kết quả tiêm phòng. Chủ tịch UBND xã, thị trấn chịu trách nhiệm chính về kết quả tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại đơn vị trước Chủ tịch UBND huyện và cấp ủy, Nhân dân địa phương.
Để bảo vệ đàn vật nuôi, bảo vệ thành quả sản xuất cho người dân, các địa phương cần nhanh chóng lập kế hoạch và triển khai công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đợt 2/2024 theo đúng thời gian. Mặt khác, thường xuyên đấy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho người chăn nuôi về công tác phòng ngừa dịch bệnh. Ngoài tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi theo định kỳ, cần coi trọng công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm vào địa bàn; nhất là khi người chăn nuôi bổ sung đàn phải tiến hành tiêm vắc–xin phòng bệnh đầy đủ, kịp thời.
Thanh Qúy – Trung tâm VHTT TT&DL
- Hội nghị trực tuyến Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)
- Hoằng Hoá sẵn sàng vào vụ sản xuất mới, vụ Chiêm xuân 2025
- Hoằng Hoá phát triển các chuỗi sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản
- Hoằng Đông đẩy mạnh liên kết sản xuất khoai tây, nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp
- Xã Hoằng Sơn hoàn thành công tác thủy lợi mùa khô năm 2024
- Hoằng Hóa, tiến độ làm thủy lợi mùa khô đạt 120% kế hoạch tỉnh giao, trên 70% kế hoạch huyện giao
- Hoằng Hóa - chuyển đổi số giúp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP
- Phát huy hiệu quả mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà lưới ở Hoằng Hóa
- Hoằng Hóa - tập trung ra quân làm thuỷ lợi mùa khô năm 2024
- Sản phẩm OCOP Hoằng Hóa vào vụ tết